Phía sau “sự sụp đổ” của biểu tượng nhiệt điện nước Anh

14:38 10/06/2021
11h25 phút ngày 6/6, một tiếng nổ lớn vang lên. Bốn tòa tháp giải nhiệt của Nhà máy điện Rugeley đổ sụp. Những “cột khói” từng thống trị bầu trời Staffordshire nước Anh chính thức đi vào dĩ vãng, để lại câu chuyện về một biểu tượng nhiệt điện của xứ sở sương mù.

Huy hoàng

Chuyên gia luật xây dựng Peter McHugh từng nhận định, nhà máy điện Rugeley được coi là “trái tim của hoạt động sản xuất năng lượng” vùng Staffordshire nước Anh trong hơn sáu thập kỷ. Khởi công xây dựng từ năm 1956, hệ thống nhà máy điện Rugeley ban đầu chỉ bao gồm trạm điện Rugeley A. Với vốn đầu tư lên đến hàng chục triệu bảng Anh, nhà máy điện Rugeley đánh dấu sự liên doanh đầu tiên giữa Hệ thống Phát điện Trung ương và Ban quản lý Than Quốc gia Anh.

Sau 5 năm xây dựng tại vị trí đắc địa ngay cạnh mỏ than nổi tiếng Lea Hall, nhà máy điện Rugeley chính thức đi vào hoạt động năm 1961, tận dụng lợi thế kết nối giao thông thuận lợi, và hệ thống vận chuyển than trực tiếp lên băng chuyền để tạo ra nguồn điện. Đây là nhà máy điện đầu tiên tại Anh vận hành theo phương thức này.

Bốn tòa tháp giải nhiệt cao sừng sững từng là niềm tự hào của vùng Staffordshire nước Anh. Ảnh: The Sun

Đây cũng là giai đoạn số lượng mỏ than hầm lò ở Anh đã giảm xuống tới 2/3. Nhưng sản lượng than ở Anh tới cuối những năm 1970 vẫn chiếm tỷ trọng tới 50% trong tổng số than được khai thác ở Tây Âu. Đáng lưu ý, 100% sản lượng than của Anh được sử dụng trong các lĩnh vực chuyên về phát thải khí nhà kính. Trong đó, 78% than được dùng để phát điện.

Trạm điện Rugeley A được đưa vào sản xuất khoảng 6 tháng trước khi tổ máy phát điện đầu tiên được vận hành, và sau đó chính thức khai trương năm 1963. Theo BBC Staffordshire, tháp giải nhiệt đầu tiên được hoàn thành tại nhà máy điện Rugeley là tháp giải nhiệt khô cỡ lớn đầu tiên trên thế giới. Rugeley A cũng là trạm điện đầu tiên ở Anh được điều khiển hoàn toàn từ một phòng điều khiển trung tâm.

Mỏ than huyền thoại Lea Hall và nhà máy điện Rugeley trong bức ảnh chụp năm 1963. Ảnh: Science Photo

Do nhu cầu sử dụng điện trong nước ngày càng tăng lên, trạm điện Rugeley B tiếp tục được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 1970, theo Express & Star. Vào giai đoạn hoàng kim nhất, nhà máy điện Rugeley có thể cung cấp nguồn điện cho hơn nửa triệu gia đình tại Anh với công suất 1,000 MW.

Năm 1983, với việc cả hai trạm điện cùng đi vào hoạt động, số công nhân và kỹ thuật viên làm việc tại nhà máy diện Rugeley có thời điểm tăng lên tới hơn 800 người. “Nếu bạn hỏi một ai đó vào những năm 1980 rằng họ có kết nối trực tiếp hay gián tiếp với nhà máy điện Rugeley không, trong bán kính mười dặm, bạn sẽ khó có thể tìm thấy ai lắc đầu từ chối”, chuyên gia Peter McHugh – người từng chứng kiến những thay đổi của nhà máy điện Rugeley – chia sẻ.

Thoái trào

Theo Express & Star, nhà máy điện Rugeley được vận hành bởi Hệ thống Phát điện Trung ương, nhưng sau khi tư nhân hóa vào năm 1990, đã được bàn giao lại cho Điện lực Quốc gia. Trên thực tế, việc tư nhân hóa ngành than ở Anh chỉ được bắt đầu sau khi Chính phủ của Thủ tướng Thatcher từ chức vào 11/1990. Đến năm 1993, ngành than ở Anh (với tổng số 22 mỏ than hầm lò và 32 mỏ than lộ thiên) mới được tư nhân hóa toàn bộ.

Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, việc tìm ra những mỏ than lớn ở Trung Quốc đã giúp nước này đứng đầu thế giới về khai thác than. Trong khi đó, việc tư nhân hóa mỏ than tại Anh đã buộc các công ty năng lượng phải mua than với giá thành cao hơn giá thành thế giới. Như một hệ quả khách quan, tháng 1/1991, mỏ than Lea Hall bị đóng cửa, đồng nghĩa với việc tất cả than sử dụng trong nhà máy Rugeley cần phải được vận chuyển bằng đường sắt.

Sự thoái trào của ngành công nghiệp khai thác than đã làm giảm năng suất của nhà máy điện Rugeley. Ảnh: Getty

Với sự thoái trào của công nghiệp khai thác than tại Anh, trạm điện Rugeley A rục rịch đóng cửa vào năm 1994, với hai tổ máy phát điện ngừng hoạt động. Ba tổ máy còn lại cũng ngừng hoạt động vào năm 1995. Đến năm 1996, trạm điện Rugeley A bị phá dỡ.

Trong khi đó, vào tháng 7/1996, trạm điện Rugeley B đã được Eastern Generation mua lại, và sau đó liên tục bị “đổi chủ”. Đến năm 2012, Rugeley Power, công ty quản lý trạm điện Rugeley B khi đó, lên kế hoạch chuyển đổi nhà máy sang sử dụng nhiên liệu sinh khối nhưng bị bác bỏ. Năm 2014, chỉ còn gần 150 công nhân làm việc tại đây.

Năm 2016, nhà máy điện Rugeley cuối cùng đã đóng cửa. Chủ sở hữu nhà máy, ENGIE, đã đổ lỗi cho sự suy giảm điều kiện thị trường, bao gồm việc giá thành điện than giảm trong khi chi phí xử lý carbon lại tăng, dẫn đến việc dừng hoạt động toàn bộ hệ thống sản xuất điện của nhà máy Rugeley. 

Khoảnh khắc bốn tòa tháp giải nhiệt đổ sập. Ảnh: The Sun

Tái thiết

Đối với nhiều người sống trong các thị trấn khai mỏ và trên cả nước Anh, than không chỉ là xương sống của nền kinh tế, mà còn là một lối sống. Nhưng ngành công nghiệp này đã ở bên bờ vực suy tàn. Nước Anh đã đặt ra lộ trình loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của than vào năm 2025. Hiện tại, nước này đang đóng cửa dần các nhà máy sản xuất điện từ than và chuyển sang các nhà máy điện dùng khí đốt sạch hơn và năng lượng tái tạo, như gió và năng lượng mặt trời.

Luật quy định về chất lượng môi trường ở châu Âu cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà máy nhiệt điện chạy bằng than già cỗi, lạc hậu phải đóng cửa. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cao cùng với quy định về khí thải khiến hoạt động kinh doanh của các nhà máy điện chạy than gặp nhiều khó khăn.

Dựa trên yếu tố thời cuộc, công ty ENGIE đã quyết định ngừng mọi hoạt động của nhà máy điện Rugeley vào tháng 6 vừa qua. Ống khói dài 183m đã bị phá bỏ vào ngày 24/1. Bốn tháp giải nhiệt cũng đã chính thức bị phá hủy hôm 6/6. Các cấu trúc cao khoảng 117 mét đã bị đánh sập như một phần của giai đoạn phá dỡ mới nhất. Hơn 10.000 người đã theo dõi buổi phát trực tiếp vụ phá dỡ này.

Một dự án tái thiết mới sẽ được xây dựng trên nền móng của nhà máy điện Rugeley. Ảnh: BBC

Song, ENGIE cũng ấp ủ một kế hoạch tái thiết mới, theo đó chuyển đổi diện tích nhà máy thành khu phức hợp với trường học liên cấp, khu văn phòng và 2.300 căn hộ thân thiện với môi trường. Dự án này đã nhận được sự đồng ý của Hội đồng Quận Cannock Chase và Hội đồng Quận Lichfield. Công ty ENGIE hy vọng việc phá dỡ toàn bộ địa điểm sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay, trước khi các kế hoạch tái thiết được triển khai. 

'Dự án cải tạo này sẽ giúp mang lại cuộc sống mới cho cộng đồng cư dân địa phương, cung cấp thêm nhiều việc làm, hàng nghìn ngôi nhà thân thiện với môi trường và trường học, đồng thời hỗ trợ cho những cam kết môi trường đầy tham vọng của chúng tôi', Bộ trưởng Năng lượng Anh Anne-Marie Trevelyan nói với trang tin Walesonline.

Colin Macpherson, Giám đốc điều hành ENGIE UK & Ireland, lại chia sẻ: “Chúng tôi đã liên lạc tích cực và hiệu quả với tất cả các chính quyền địa phương liên quan và người dân địa phương trong nhiều năm nay; khi chúng tôi thúc đẩy mạnh mẽ dự án này, vốn sẽ làm phong phú thêm dịch vụ cho khu vực, và tạo ra những ngôi nhà, việc làm và cơ hội mới sau khi nhà máy điện đóng cửa".

An Nhiên

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

Ngày 1/5, Công an TP Cần Thơ cho biết, cơ quan điều tra đã bắt giữ đối tượng Võ Chí Cường (SN 1995, ngụ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) để làm rõ về hành vi giết người và cố ý gây thương tích. Cường bị bắt khi đang lẩn trốn ngoài cánh đồng tại ấp Thới Trung, xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ).

Từ trưa 1/5, sau 5 ngày nghỉ lễ, người dân từ khắp các tỉnh thành đã quay trở lại Hà Nội. Theo đó, trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, hướng về trung tâm Hà Nội, lượng phương tiện cũng gia tăng nhanh chóng dẫn đến tình trạng ùn ứ, các phương tiện di chuyển chậm dần.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文