Phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Italy “căng mình”, Trung Quốc tạm lắng

09:01 23/03/2020
Với 4.825 ca tử vong, tương đương 38,3% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới, được xác nhận vào sáng 22/3, Italy đã chính thức trở thành quốc gia đứng đầu “danh sách tử thần” về số người thiệt mạng vì COVID-19. Bên cạnh đó, số ca nhiễm tính tới sáng cùng ngày là 53.578.


Mô hình chống dịch tiên phong của EU

Tính chất phức tạp của đại dịch COVID-19 ở Italy đang bộc lộ rõ, kể cả khi Chính phủ nước này, dù hơi muộn, song đã có những biện pháp toàn diện và cứng rắn để kiểm soát tình hình.

Ngoài việc ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã công bố bổ sung các biện pháp nghiêm ngặt, thắt chặt hơn nữa hoạt động đi lại của người dân, đồng thời đóng cửa tất cả các hoạt động sản xuất “phi chiến lược”, không thực sự cần thiết trên toàn lãnh thổ.

Ngoài các hoạt động sản xuất thiết yếu, chính phủ chỉ cho phép triển khai phương thức làm việc thông minh (smartworking). Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và các dịch vụ thiết yếu sẽ được đảm bảo. Các biện pháp mới sẽ áp dụng đến ngày 3/4. Chính phủ đã cho phép các vùng triển khai quân đội để hỗ trợ cảnh sát tuần tra nhằm đảm bảo lệnh phong tỏa.

Bên cạnh đó, Chính phủ Italy cũng đã thông qua sắc lệnh mới trị giá 25 tỷ euro nhằm hỗ trợ hệ thống y tế, xã hội, doanh nghiệp và người lao động vốn đang chịu tác động của dịch bệnh. Do hệ thống y tế quá tải và có tới trên 2.600 nhân viên y tế bị nhiễm virus, Chính phủ đang có kế hoạch cho tốt nghiệp sớm đối với khoảng 10 nghìn sinh viên ngành Y để bổ sung lực lượng cho các bệnh viện.

Chính phủ cũng đang chuẩn bị đưa ra một kế hoạch mới về kinh tế, dự kiến vào tháng 4, với những khoản đầu tư lớn hơn, theo đó đơn giản hóa các thủ tục và cắt giảm thuế.

Người dân xếp hàng bên ngoài siêu thị ở Bologna, Italy trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng.

Đây sẽ là kế hoạch nhằm hồi sinh Italy, dựa trên các nguồn lực quốc gia và nguồn ngân sách đang chuẩn bị phân bổ của Liên minh châu Âu (EU). Có thể nói Chính phủ Italy đang trong một cuộc chiến tổng lực nhằm đối phó với COVID-19 và tiếp tục có nhiều biện pháp mạnh, cả về kinh tế lẫn đời sống xã hội.

Có tín hiệu đầu tiên cho thấy những chính sách kiên quyết phòng chống dịch COVID-19 của Italy đã bắt đầu có hiệu quả. Tại thị trấn Vò, một trong số 11 thị trấn bị phong tỏa đầu tiên ở miền Bắc, kể từ ngày 13/3 đến nay không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Số ca nhiễm ở 10 thị trấn còn lại cũng giảm mạnh. Điều này là nhờ việc phong tỏa, cách ly triệt để cũng như tiến hành xét nghiệm hàng loạt, cả đối với những người có triệu chứng lẫn không có triệu chứng mắc COVID-19.

Tuy nhiên, trên phạm vi toàn quốc, số ca nhiễm mới cũng như số trường hợp tử vong trong những ngày qua vẫn đang ở mức cao. Nguyên nhân có lẽ là do mức độ tuân thủ lệnh phong tỏa của người dân vẫn chưa triệt để.

Bên cạnh đó, việc tiến hành xét nghiệm vẫn chưa được thực hiện trên diện rộng như Hàn Quốc đã làm. Dù vậy, Chính phủ Italy kỳ vọng các biện pháp quyết liệt đang được áp dụng sẽ có hiệu quả trong vài tuần tới. Mô hình của Italy hiện được một số chuyên gia coi là “mô hình tiên phong” ở các nước phương Tây và đang được nhiều nước khác áp dụng.

Sự hồi phục của Vũ Hán

Trong cuộc họp báo hôm 21/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định rằng, sự phục hồi của thành phố Vũ Hán, nơi được coi là tâm dịch COVID-19 tại Trung Quốc, đã mang đến hy vọng cho phần còn lại của thế giới trong thời điểm hiện nay. Đánh giá về sự “thành công” tại Vũ Hán, Tổng Giám đốc WHO thông báo không có ca nhiễm mới nào tại thành phố này trong 24 giờ qua.

Ông nói: “Kinh nghiệm của các thành phố và quốc gia đẩy lùi được dịch bệnh mang tới hy vọng và sự khích lệ cho phần còn lại của thế giới”. Tuy vậy, người đứng đầu WHO nhấn mạnh tất cả các quốc gia vẫn cần phải thận trọng, vì tình hình rất khó có thể dự đoán.

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh sự đoàn kết giữa các thế hệ là một trong những chìa khóa để đánh bại sự lây lan của đại dịch. WHO cũng cho biết tổ chức này hiện đang sử dụng thuật ngữ “khoảng cách vật lý” thay vì “khoảng cách xã hội” để mô tả sự cần thiết phải duy trì khoảng cách giữa mọi người để tránh virus lây lan.

Trong khi đó, theo bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu đơn vị bệnh mới của WHO, mọi người cần thiết phải giữ khoảng cách nhưng không cần phải tự cô lập về mặt xã hội. Theo đó, mọi người có thể giữ kết nối theo nhiều cách mà không cần ở chung trong một không gian, điều quan trọng là phải duy trì sức khỏe và giữ tinh thần tốt.

Cùng ngày, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng tải thông tin tình nguyện viên nước này vừa tiêm thử nghiệm vaccin COVID-19 giai đoạn 1.

Trong khi đó, theo thông tin công khai trên Trung tâm đăng ký thử nghiệm lâm sàng Trung Quốc, đơn vị thực hiện thử nghiệm vaccin ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 là Viện Nghiên cứu Y học Quân sự thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc và Công ty Sinh học CanSino. Mục đích của cuộc thử nghiệm này là kiểm tra và đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccin.

Trước đó, bà Trần Vi, Viện sĩ hàn lâm, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Y học Quân sự, trưởng nhóm nghiên cứu vaccin cho biết, thử nghiệm giai đoạn 1 sẽ chỉ giới hạn trong các tình nguyện viên là người Vũ Hán. Họ được chia làm 3 nhóm theo liều lượng tiêm, gồm: ít, vừa và nhiều, mỗi nhóm 36 người, tuổi từ 18-60. Trước khi tiêm, các tình nguyện viên này đã được sàng lọc và kiểm tra sức khỏe.

Vaccin thử nghiệm có tên COVID-19 tái tổ hợp (2019-CoV) (sản xuất bằng công nghệ vector adenovirus). Trong vòng nửa năm sau khi tiêm, nhóm nghiên cứu sẽ nhiều lần thăm khám định kỳ, để đánh giá những phản ứng phụ mà vaccin có thể gây ra cũng như khả năng sản sinh kháng thể của người tình nguyện.

Được biết, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của vaccin COVID-19 tại Trung Quốc sẽ được tiến hành trong 9 tháng, từ 16/3 đến 31/12.

Khổng Hà

Vụ án Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế và nhiều cán bộ có liên quan về hành vi nhận hối lộ trong đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả vừa qua đã gây rúng động dư luận. Điều khiến công chúng lo lắng là sự suy giảm nghiêm trọng lòng tin vào cơ quan lẽ ra phải là tuyến phòng thủ đầu tiên, vững chắc nhất cho sức khỏe cộng đồng.

Liên tiếp trong thời gian qua, lực lượng chức năng tại khu vực biên giới, cửa khẩu phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển hàng lậu. Triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra giám sát cửa khẩu, đường mòn lối mở trên khu vực biên giới, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng. Thấy rõ giá trị, sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị không ngừng tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng của Người.

Liên quan đến vụ đấu giá quyền khai thác khoáng sản điểm mỏ cát ĐB2B, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn từ giá khởi điểm hơn 1,2 tỷ đồng lên mức trúng đấu giá bất thường là hơn 370 tỷ đồng, chiều 25/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đã khởi tố vụ án "Vi phạm các quy định về đấu giá".

Tiểu khu 416 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai được biết đến từ lâu là điểm “nóng” về khai thác vàng trái phép. Có những thời điểm nơi đây có đến hàng trăm người dân đổ xô vào khai thác vàng. Cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức truy quét, đốt máy móc, lán trại… nhưng “vàng tặc” vẫn hoạt động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.