Quan hệ Ấn Độ - Pakistan trượt dài trong vòng xoáy căng thẳng mới
Chia sẻ trên trang Twitter cá nhân ngày 21-2 (giờ địa phương), Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Nguồn nước Ấn Độ Nitin Gadkari nêu rõ, chính phủ Ấn Độ đã quyết định chặn dòng nước từ các con sông ở miền Đông do nước này kiểm soát chảy vào Pakistan. Ông cho biết Ấn Độ sẽ đảo ngược dòng chảy từ các con sông trên và cung cấp cho người dân sinh sống tại khu vực Jammu cũng như Kashmir và Punjab.
Tòa án Tối cao Ấn Độ ngày 22-2 cũng yêu cầu chính quyền bang và cảnh sát trưởng các bang trên cả nước có biện pháp tăng cường bảo vệ người dân Kashmir, đảm bảo "không xảy ra các vụ tấn công, đe dọa hay tẩy chay xã hội" liên quan đến vụ đánh bom liều chết hôm 14-2. The Guardian nhận định, động thái mới này của Ấn Độ nhằm gây áp lực cho Pakistan kể từ sau vụ đánh bom tại khu vực Kashmir hồi tuần trước.
Căng thẳng giữa hai nước láng giềng Nam Á này bùng phát sau vụ tấn công đẫm máu xảy ra ngày 14-2 nhằm vào cảnh sát Ấn Độ tại bang Jammu và Kashmir, làm 44 người thiệt mạng, Reuters đưa tin. Nhóm vũ trang Hồi giáo có trụ sở tại Pakistan Jaish-e-Mohammad (JeM) đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công trên. Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ khẳng định "có bằng chứng không thể chối cãi" về sự dính líu của Pakistan trong việc thực hiện vụ tấn công được cho là đẫm máu nhất nhằm vào các lực lượng chính phủ Ấn Độ.
Trung tướng Ấn Độ Kanwal Jeet Singh Dhillon khẳng định Pakistan đã "lên kế hoạch" cho vụ tấn công và nêu đích danh Cơ quan Tình báo quân đội Pakistan. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 15-2 cũng buông lời cảnh báo sẽ đáp trả mạnh vụ đánh bom này. Nhiều động thái đã được chính phủ Ấn Độ đưa ra, bao gồm triệu Đại sứ Pakistan tại Ấn Độ Sohail Mahmood và trao công hàm yêu cầu Islamabad trừng phạt nhóm JeM, đồng thời triệu hồi Cao ủy của mình tại Pakistan Ajay Bisaria về nước.
Hiện trường vụ đánh bom liều chết tại Kashmir ngày 14-2. Ảnh: Reuters. |
Ấn Độ cũng yêu cầu nước láng giềng chấm dứt việc hậu thuẫn các phần tử khủng bố và dỡ bỏ các cơ sở hạ tầng của khủng bố hoạt động trên lãnh thổ nước mình.
Trong khi đó, Pakistan cực lực bác bỏ các cáo buộc từ chính phủ và truyền thông Ấn Độ, khẳng định vụ tấn công này là "vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng" trong quan hệ hai nước. Trong một tuyên bố, Chính phủ Pakistan nhấn mạnh nước này "luôn lên án các hành vi bạo lực ở bất cứ nơi nào trên thế giới".
Căng thẳng giữa hai nước láng giềng tiếp tục leo thang khi Ấn Độ phát động một chiến dịch ngoại giao nhằm cô lập Pakistan và lên án quốc gia láng giềng vì đã thúc đẩy khủng bố. Bộ trưởng Liên bang của Ấn Độ Arun Jaitley cho hay Ấn Độ sẽ thực hiện "mọi bước đi ngoại giao cần thiết" để cắt đứt Pakistan khỏi cộng đồng quốc tế. Ấn Độ cũng tuyên bố sẽ nộp hồ sơ lên Lực lượng Hành động Tài chính (FATF) để vạch trần mối quan hệ của nước láng giềng Pakistan với khủng bố, đồng thời tìm cách liệt Islamabad vào danh sách đen.
Trước động thái này, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đã viết bức thư gửi đến Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, kêu gọi một giải pháp nhằm giảm căng thẳng giữa hai nước.
Đáp lại, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 20-2, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric nhấn mạnh, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về căng thẳng leo thang giữa Ấn Ðộ và Pakistan. LHQ kêu gọi Ấn Ðộ và Pakistan ngay lập tức có các bước đi giảm căng thẳng sau vụ đánh bom, đồng thời đề xuất LHQ làm trung gian hòa giải nếu hai bên nhất trí.
Cùng ngày, Thủ tướng Pakistan Imran Khan khẳng định Ấn Độ đã đưa ra các cáo buộc nhằm vào Pakistan mà không có bất kỳ bằng chứng gì, nhưng chính phủ của ông sẵn sàng hợp tác với New Delhi điều tra vụ việc, đồng thời kêu gọi Ấn Độ chia sẻ bằng chứng.
Trong diễn biến mới nhất, Ủy ban An ninh Quốc gia Pakistan ngày 21-2 đã chính thức cho phép các lực lượng vũ trang nước này đáp trả "dứt khoát" bất cứ hành động gây hấn nào của Ấn Độ, đồng thời cho rằng cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Kashmir đã được lên kế hoạch và thực hiện từ trong Ấn Độ.
Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ cứng rắn yêu cầu Pakistan có "hành động rõ ràng và đáng tin cậy" liên quan tới vụ đánh bom liều chết.
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã nhiều lần chạm ngưỡng căng thẳng xoay quanh khu vực Kashmir, nơi vốn đang được chia đôi, một phần do Ấn Độ quản lý, phần còn lại do Pakistan quản lý. Đường kiểm soát (LoC), ranh giới phân chia phần đất ở Kashmir, được coi là nơi có nguy cơ bùng phát xung đột nguy hiểm nhất thế giới.
Giới quan sát cho rằng, với "cơn thịnh nộ" chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt từ phía Ấn Độ, nhiều khả năng, hai quốc gia láng giềng Nam Á sẽ tiếp tục trượt dài trong vòng xoáy căng thẳng mới, vốn đã tiềm tàng từ nhiều năm nay.