Quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản thêm một lần “chông chênh”

20:17 14/08/2019

Ngày 14-8, Hàn Quốc chính thức khởi động tiến trình loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại được tin cậy - một động thái được coi là “ăn miếng trả miếng” trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang có dấu hiệu leo thang trên nhiều lĩnh vực.

Yonhap đưa tin, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc ngày 14-8 đã khởi động tiến trình loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác thương mại được tin cậy. Động thái này được triển khai chỉ hai ngày sau khi Hàn Quốc công bố “Dự thảo sửa đổi Hướng dẫn xuất nhập khẩu vật tư chiến lược” với nội dung xóa tên Nhật Bản khỏi “Danh sách Trắng” các nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu. Theo dự thảo này, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định sửa đổi việc phân loại các nước được hưởng ưu đãi về xuất khẩu của mình thành ba nhóm, đặt Nhật Bản vào nhóm giữa (nhóm khu vực A-2). 

Trước đây, Nhật Bản vốn nằm trong “Danh sách trắng” gồm 29 quốc gia hàng đầu được hưởng thủ tục xuất khẩu ưu đãi của Hàn Quốc, là một trong những nước tham gia 4 thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu hàng đầu của thế giới. Với việc bị loại khỏi “Danh sách Trắng” và bị xếp vào một nhóm mới, Nhật Bản vẫn thuộc nhóm quốc gia tham gia 4 thỏa thuận này, nhưng được cho là “có chế độ kiểm soát xuất khẩu vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế” đối với Hàn Quốc. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xuất hiện trong một sự kiện kinh tế tại Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6 vừa qua. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, Nhật Bản hiện là nước duy nhất được đưa vào nhóm mới theo dự thảo sửa đổi của Hàn Quốc, mặc dù Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc phủ nhận việc lập nhóm mới này chỉ nhằm vào Nhật Bản cũng như là một biện pháp trả đũa những hạn chế xuất khẩu của Tokyo. 

Giới quan sát khẳng định, động thái này từ phía Hàn Quốc nhằm đáp trả quyết định được Nhật Bản công bố hôm 7-8, theo đó đưa Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách Trắng” các đối tác thương mại đáng tin cậy. Với quy định mới, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) sẽ được phép ra lệnh kiểm tra gần như tất cả các lô hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Động thái trên của Nhật Bản từng được đánh giá có thể sẽ khiến hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc bị trì hoãn và tác động nghiêm trọng tới các ngành công nghệ Hàn Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào vật liệu của Nhật Bản.

Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau các phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Thế chiến 2. Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản. 

Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang “nóng dần lên”. Ảnh: Shutterstock

Kể từ đầu tháng 7 vừa qua, Nhật Bản bắt đầu siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc ba loại nguyên liệu cốt yếu trong sản xuất chip điện tử và màn hình thiết bị số, gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Theo quy định này, kể từ ngày 4-7, các công ty Nhật Bản phải xin cấp phép từng hợp đồng xuất khẩu các nguyên liệu này cho khách hàng Hàn Quốc. 

Đây được coi là cột mốc đánh dấu căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia láng giềng này, khi các loại vật liệu trên đều phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất mũi nhọn của Hàn Quốc. Các biện pháp này ngay lập tức đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung Electronics hay LG Electronics.

Trong đánh giá kinh tế hằng tháng, ngày 7-8, Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) nhận định kinh tế nước này đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có việc tiếp tục bị đình trệ, do tranh chấp thương mại toàn cầu cũng như việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu. 

Đứng trước ngưỡng “đổ vỡ” quan hệ thương mại song phương, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 13-8 đã tuyên bố cam kết duy trì các nỗ lực tìm ra giải pháp ngoại giao đối với việc giải quyết tranh chấp thương mại với Nhật Bản nhằm hạn chế thiệt hại đối với các công ty và người dân nước này. 

Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh việc Chính phủ Nhật Bản gần đây quyết định loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách Trắng” các đối tác thương mại được hưởng ưu đãi thủ tục xuất khẩu, sau khi siết chặt quản lý xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 mặt hàng nguyên liệu cốt yếu trong sản xuất chip điện tử và màn hình thiết bị số là “hành động đáng thất vọng và đáng tiếc”. Ông khẳng định Seoul sẽ duy trì các nỗ lực để tìm ra một giải pháp ngoại giao trong khi thực thi các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với các doanh nghiệp và người dân. 

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko đã tỏ ra hoài nghi về quyết định của Hàn Quốc loại Nhật Bản ra khỏi danh sách đối tác thương mại được hưởng ưu đãi, cho rằng lý do đằng sau động thái này là “hoàn toàn không rõ ràng”. 

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee trong chuyến công tác đến Washington hồi tháng 7 vừa qua cho biết, các lãnh đạo trong ngành kinh doanh của Mỹ lo ngại biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với Hàn Quốc sẽ làm tổn hại chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khác. 

Đây là nỗi lo ngại của không chỉ riêng giới doanh nghiệp Mỹ, mà còn của giới doanh nhân quốc tế, nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng đang đem lại những hậu quả khó lường. Mọi động thái “gây hấn” trên mặt trận thương mại giữa hai quốc gia láng giềng Nhật - Hàn đều có thể mang lại những tổn thất lớn không chỉ với nền kinh tế hai nước, mà còn với sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

An Nhiên (T.H)

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Với nghĩa cử cao đẹp “giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, Thượng úy Biện Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文