Quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam về Biển Đông

12:55 07/11/2019
Trao đổi bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-11, nhiều học giả nhận định, Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ từ đông đảo bạn bè quốc tế trong vấn đề Biển Đông và cần tranh thủ sự ủng hộ tích cực này.

Trung Quốc đã hành xử hung hăng

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc liên tục đưa tàu khảo sát và các tàu hộ tống xâm phạm vùng biển của Việt Nam từ tháng 7 vừa qua, ông Bill Hayton, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) nhận định, rõ ràng các hành động của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). 

Theo ông, Trung Quốc đã hành xử hung hăng. Ngay cả khi phán quyết của tòa trọng tài thường trực từng tuyên bố Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” đối với cái gọi là “đường chín đoạn” theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc rõ ràng vẫn hành xử theo hướng ngược lại.

Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer, Giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, Australia lại gọi những động thái của Trung Quốc là những đòn "chiến tranh tâm lý". "Chiến tranh tâm lý là một hoạt động quan trọng trong chiến thuật của Trung Quốc, là cách giành chiến thắng trong cuộc chiến mà không cần đánh", giáo sự Thayer nhận định.

Ông Bill Hayton, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House).

Từ đó, ông cho rằng Trung Quốc cũng đang dùng yêu tố này với Biển Đông, dấy lên sự lo ngại cho không chỉ Việt Nam mà còn cho cộng đồng quốc tế. Tham vọng của Trung Quốc, theo ông, là "chiếm trọn" Biển Đông, "Trung Quốc muốn khẳng định mình quốc gia làm chủ tại vùng biển này và họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn".

Ai sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông?

Trả lời phóng viên CAND bên lề hội thảo về quan điểm cá nhân đối với hiện trạng Biển Đông hiện nay, chuyên gia Bill Hayton cho rằng, vấn đề trên Biển Đông vẫn chưa thể được giải quyết. Song theo ông, những nỗ lực của các nước, đặc biệt là Việt Nam, bao gồm việc khởi tạo một cộng đồng chuyên gia trên khắp thế giới chuyên biệt về Biển Đông, đã giúp cho các cuộc đối thoại và thảo luận về Biển Đông trở nên phổ biến hơn trong dư luận.

Ông cũng cho rằng, những vấn đề liên quan đến Biển Đông nên và cần được giải quyết bằng chính những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất. "Bạn không thể chờ đợi những khu vực hoặc quốc gia “thiếu liên quan hơn” can thiệp trực tiếp vào vấn đề này", ông nói.

Mặc dù vậy, chuyên gia Bill Hayton nhận định, lập trường của Việt Nam nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các nước khác trên thế giới. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tranh thủ những sự ủng hộ này. "Việt Nam nên tập hợp nhiều bên ủng hộ nhất có thể nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông, chẳng hạn việc tổ chức hội thảo Biển Đông lần này", ông nhấn mạnh.

 Giáo sư Carl Thayer, Giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, Australia.

Việt Nam cần tận dụng cơ hội

Là một người đã từng tham dự 10 hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, hội thảo lần này đã đạt được thành công khi thay đổi cái nhìn về Biển Đông, từ một khu vực tồn tại những tranh chấp sang một khu vực với những cơ hội hợp tác. "Với việc mời diễn giả đến từ nhiều quốc gia tại những châu lục khác nhau, Việt Nam muốn đưa ra một cái nhìn quốc tế hơn về Biển Đông, không phải chỉ là cái nhìn của Việt Nam hay Trung Quốc trong vấn đề này", ông nói.

Ông cũng cho rằng, những hội thảo tương tự sẽ giúp dư luận quốc tế nhìn nhận khách quan từ những ý kiến quốc tế nhiều chiều về Biển Đông. "Việt Nam cần nỗ lực trong việc tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và phối hợp kêu gọi tiếng nói từ chính những hội thảo như thế này. Mỗi diễn giả, học giả cũng sẽ là một sứ giả mang thông điệp về biển đông tại quốc gia của họ", ông nhấn mạnh.

"Giờ đây, khi Việt Nam đã nhận ghế Chủ tịch ASEAN 2020, các bạn hãy tận dụng cơ hội và hãy trở thành người dẫn đầu nhằm lên tiếng trước những động thái không phù hợp của Trung Quốc tại vùng Biển Đông. Chẳng ai muốn chứng kiến những xung đột. Chúng tôi muốn nhìn thấy sự hiện diện của luật pháp quốc tế. Và chúng tôi mong muốn Trung Quốc hiểu và tôn trọng luật pháp quốc tế", ông nói.

Đại biểu quốc tế trả lời phỏng vấn của phóng viên.

Tương lai đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) 

Chia sẻ với phóng viên Báo CAND về triển vọng tiến trình đàm phám COC giữa Trung Quốc và ASEAN, chuyên gia John Rennie Short thuộc Đại học Maryland, Mỹ cho rằng, việc phê chuẩn COC là rất khó khăn. "Những tiến bộ trong đàm phán COC sẽ rất khó để thực hiện và các bên đều ý thức được điều này. Tôi cho rằng những sự cố nhỏ ở cấp độ địa phương cũng có thể khiến việc đàm phán COC vượt khỏi tầm kiểm soát",  ông nhận định.

Nhằm giải quyết được những vướng mắc trong đàm phán COC, theo ông, Việt Nam nên tiếp tục thúc đẩy hơn nữa vị trí của mình trên trường quốc tế trong khi tiếp tục giữ vững quan điểm, lập trường nhất quán, nhất là quan điểm về việc các vấn đề cần được thực thi theo luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đưa ra những lập luận của mình trong các hội thảo quốc tế, giúp công chúng hình dung rộng rãi và rõ nét về vấn đề Biển Đông.

Về phần mình, chuyên gia Bill Hayton cũng bày tỏ sự hoài nghi về tiến trình này. Theo ông, mục tiêu từ phía ASEAN khi đàm phán COC là hạn chế và kiềm tỏa hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Song phía Trung Quốc lại không đi theo mục tiêu này. Vì lẽ đó, tiến trình đàm phán COC có thể mất nhiều thời gian. "Tôi không nghĩ là tiến trình này sẽ sớm kết thúc", ông dự đoán.

A.Nhiên - D.Tiến

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文