Sự lựa chọn an toàn cho Brexit

09:42 06/01/2017
Tiến trình đàm phán Brexit dự kiến sẽ được Thủ tướng May bắt đầu kích hoạt vào cuối tháng Ba tới, được cho là các cuộc đàm phán quốc tế phức tạp nhất đối với Anh kể từ sau Thế chiến II. 


Đó là đánh giá của giới phân tích về quyết định của Thủ tướng Anh Theresa May về việc bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Tim Barrow làm Đại sứ nước này tại Liên minh châu Âu (EU), thay thế ông Ivan Rogers vừa mới từ chức. Bên cạnh đó, quyết định này còn giúp bà May “vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các nhân viên dân sự, đặc biệt là ở Bộ Ngoại giao”.

Việc bổ nhiệm ông Barrow được bà May đưa ra trong bối cảnh London chuẩn bị kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để chính thức khởi động tiến trình đàm phán Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit.

Tân Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow (trái) và Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond. Ảnh: Independent.

Phát biểu sau khi được bổ nhiệm, ông Barrow bày tỏ: “Tôi mong muốn được gia nhập vào đội ngũ lãnh đạo mạnh mẽ của Cơ quan phụ trách vấn đề Brexit và làm việc chung với họ để đảm bảo những kết quả tốt nhất cho Vương quốc Anh khi rời EU”.

Từng đảm nhận cương vị Đại sứ Anh tại Nga nhiệm kỳ 2011 - 2015 và hiện giữ chức Giám đốc Chính trị trực thuộc Bộ Ngoại giao, ông Barrow nổi tiếng là một đối thủ khó chịu trên bàn đàm phán. Chính điểm này đã giúp ông nhận được sự hoan nghênh từ phe ủng hộ Brexit. Họ miêu tả ông là một “nhà thương thuyết dày dạn kinh nghiệm và cứng rắn, có thể đảm bảo được các mục tiêu của Anh đề ra tại Brussels”.

Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis bày tỏ tin tưởng ông Barrow sẽ “đóng một vai trò quan trọng” trong tiến trình Brexit: “Tôi tin tưởng rằng, dưới sự giúp đỡ của ông ấy, nước Anh có thể tiến tới một mối quan hệ mới với EU vì lợi ích chung của cả hai bên”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson thì miêu tả ông Barrow là “vô giá” và cảm ơn ông “vì những lời khuyên bảo khôn ngoan và những cam kết không thể lay chuyển”. Ngoại trưởng Johnson nói: “Ông ấy là người có thể đem đến cho Vương quốc Anh những thỏa thuận tốt nhất và sẽ là thuyền trưởng mẫu mực với những kinh nghiệm quý báu thu được trong suốt sự nghiệp của mình. Tôi chúc ông ấy mọi điều tốt đẹp nhất”.

Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông Barrow lại được miêu tả là một người không mặn mà với Brexit. Quyết định từ chức được ông Rogers bất ngờ đưa ra hôm 3-1 trong một bức thư gửi các nhân viên, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng trước thời điểm Chính phủ Anh kích hoạt tiến trình đàm phán Brexit với EU.

Theo cựu Phó Thủ tướng Nick Clegg, quyết định từ chức của ông Rogers là một “đòn mạnh” giáng vào kế hoạch Brexit của Chính phủ. Tuy nhiên, quan điểm của nhóm ủng hộ Brexit thì lại cho rằng, việc ông Rogers từ chức là một quyết định tốt cho nước Anh và vị trí này nên được thay thế bằng một người có triển vọng lạc quan hơn về nước Anh khi không ở “ngôi nhà chung” châu Âu.

Bên cạnh đó, việc này còn tạo điều kiện thuận lợi để sớm bổ nhiệm người thay thế, sẵn sàng chuẩn bị cho tiến trình đàm phán Brexit với EU. Cựu chủ tịch đảng Độc lập Anh Nigel Farage nhận định: “Ông Ivan Rogers là một trong số những người không chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân và đang hy vọng rằng điều này sẽ không xảy ra. Tôi nghĩ trong Bộ Ngoại giao Anh có rất nhiều người theo xu hướng này và họ đang đưa nước Anh đi sai hướng, những người này nên theo chân của ông Rogers và xin từ chức”.

Một nhà ngoại giao giấu tên của EU cho rằng việc Đại sứ Rogers từ chức là điều dễ hiểu, nhất là đối với những người đã từng làm việc với ông ấy. Bởi lẽ, quan điểm của cựu đại sứ Anh tại EU trên bàn đàm phán Brexit dường như rất khác so với những gì chính phủ Anh mong muốn.

Cụ thể, ông Rogers vẫn thường hạ thấp khả năng đạt được một “Brexit mềm”, ám chỉ việc Anh và EU có thể ký kết thỏa thuận, đặc biệt trên lĩnh vực thương mại, khi Anh ra khỏi liên minh. Theo ông, kịch bản dễ xảy ra nhất là Anh sẽ phải rời khỏi thị trường chung cũng như liên minh thuế quan của EU.

Trong một tuyên bố khá bi quan vào tháng 10 vừa qua, ông Rogers cho rằng, có thể phải mất đến 10 năm để đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới với châu Âu, thậm chí các cuộc đàm phán này có thể thất bại. Tuyên bố này ngay lập tức đã vấp phải nhiều chỉ trích từ các nghị sĩ.

Ngoài ra, ông Roger nêu rõ trong bức thư gửi các nhân viên rằng, nội các của Thủ tướng May thiếu kinh nghiệm trong đàm phán đa phương, đồng thời mô tả Brexit như một mớ hỗn tạp và cho tới phút cuối ông vẫn chưa nắm được chính quyền của Thủ tướng May thực sự muốn gì trong tiến trình này. Chính quan điểm này đã khiến quan hệ giữa vị cựu Đại sứ này với đội ngũ cố vấn của bà May rơi vào tình trạng căng thẳng trong những tháng gần đây.

Tiến trình đàm phán Brexit dự kiến sẽ được Thủ tướng May bắt đầu kích hoạt vào cuối tháng Ba tới, được cho là các cuộc đàm phán quốc tế phức tạp nhất đối với Anh kể từ sau Thế chiến II. Thủ tướng Anh khẳng định, mặc dù mong muốn tiếp cận thị trường chung châu Âu, nhưng Chính phủ Anh cũng không lo ngại khi nằm ngoài khối, nếu EU phản đối yêu cầu của London về việc kiểm soát hoàn toàn biên giới của nước này.

Khổng Hà (tổng hợp)

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Cao (SN 1962), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng 767 (địa chỉ tại số 670 đường Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh) và 2 nhân viên công ty này về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文