Tại sao thế giới nên lo lắng về Ấn Độ?

11:32 27/04/2021
Nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới đang phải vật lộn để vượt qua cơn “sóng thần” COVID-19 mới nhất — và đó là vấn đề của tất cả mọi người.

Chỉ trong vài tuần, đại dịch COVID-19 đã tàn phá Ấn Độ khủng khiếp, biến quốc gia Nam Á này trở thành tâm chấn toàn cầu mới của đại dịch. Ngày 26/4 là ngày thứ 5 liên tiếp nước này lập kỷ lục số ca nhiễm mới với hơn 350.000 ca nhiễm được ghi nhận, trong khi các biến thể mới của virus tiếp tục lây lan.

Theo The Atlantic, biểu đồ mô tả tỷ lệ ca nhiễm mới và ca tử vong mới tại Ấn Độ đang ở trong trạng thái “thẳng đứng”, và các chuyên gia sức khỏe cộng đồng không lạc quan rằng chúng sẽ sớm giảm xuống.

"Sóng thần" COVID-19 càn quét Ấn Độ, dẫn tới tình trạng thiếu oxy và nhiều ca tử vong. (Ảnh: Getty)

Sự bùng phát dịch bệnh tại Ấn Độ là một thảm kịch tàn khốc đối với người dân nước này, nhưng cũng là một thảm họa cho phần còn lại của thế giới. 92 quốc gia đang phát triển dựa vào Ấn Độ, nơi sản xuất hơn 60% lượng vaccine trên toàn cầu và là nơi đặt trụ sở của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. 

Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 đang xuất hiện nhiều biến thể mới. Giữa lúc một biến thể đột biến kép của SARS-CoV-2 đang lây lan khắp Ấn Độ, các chuyên gia di truyền học lại vừa thông báo về một biến thể khác với 3 đột biến, được đặt tên là B.1.618, có khả năng cao lẩn tránh hệ miễn dịch., điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng những gì đã bắt đầu ở Ấn Độ sẽ không kết thúc ở đó.

“Làm thế nào mà Ấn Độ, nơi chỉ cách đây một tháng nghĩ rằng họ đã trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, lại đi đến thời điểm này? Từ sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, cho tới các cuộc tụ tập đông người, gồm hàng triệu người dự lễ hội tôn giáo tắm sông Hằng, các cuộc biểu tình chính trị, đám cưới xa hoa, những trận đấu cricket mở cửa đón khán giả và sự ứng phó chậm trễ của chính phủ Ấn Độ, là những nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng đột biến”, ông Michael Kugelman, Phó Giám đốc phụ trách Nam Á của Trung tâm Wilson có trụ sở ở Washington nhận định.

“Hậu quả là giờ đây các bệnh viện đều rơi vào tình trạng quá tải, nguồn cung oxy cạn kiệt, nhà xác không còn chỗ chứa và những lò hỏa táng cháy rực ngày đêm. Ấn Độ đã ghi nhận hơn  2.000 ca tử vong mỗi ngày trong vài ngày qua. Thời gian tới, con số này có thể tăng lên tới 4.500 ca tử vong hàng ngày”, Bhramar Mukherjee, một nhà nghiên cứu sinh học và dịch tễ học tại Đại học Michigan,và cũng là người đang theo dõi tình hình ở Ấn Độ cho biết. 

“Các chuyên gia khác cảnh báo rằng số ca tử vong có thể lên tới 5.500. Dù cho các con số dự báo khác nhau, nhưng phần lớn các kết luận là giống nhau, tất cả đều đang quá u tối”, ông Mukherjee nói.

Tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến mức Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) có trụ sở tại Pune, nhà sản xuất vaccine AstraZeneca và là người đóng góp chính cho sáng kiến ​​COVAX - cung cấp vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cho biết họ sẽ không thể đáp ứng được cam kết về nguồn cung trong bối cảnh Ấn Độ đang trong tình trạng thiếu hụt vaccine trong nước. Từng được mệnh danh là cường quốc dược phẩm của thế giới, nhưng giờ đây, Ấn Độ đã quyết định ngừng gần như toàn bộ việc xuất khẩu vaccine, để ưu tiên nhu cầu trong nước.

Tình trạng thiếu hụt oxy ở Ấn Độ đang rất trầm trọng. (Ảnh: Reuters)

Ấn Độ có đủ năng lực sản xuất 70 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi tháng, nhưng ngay cả khi tất cả những liều vaccine đó hướng đến nhu cầu trong nước, chúng vẫn không đủ để đáp ứng bởi nhu cầu hiện tại là quá lớn. Tới nay, Ấn Độ đang tiêm khoảng 3 triệu liều vaccine mỗi ngày. Theo ông Mukherjee, để bảo vệ dân số 1,4 tỷ người của mình, Ấn Độ cần phải tiến hành tiêm gấp 3 lần con số hiện tại, tức 9 triệu liều mỗi ngày.

Có thể nói, việc Ấn Độ “trông chờ” các nước khác chia sẻ vaccine vào thời điểm hiện tại là điều không nên làm. Hầu hết những quốc gia đều đang không đủ lượng vaccine để tiêm trong nước, và những nước đang có kho dự trữ vaccine, ví dụ như Mỹ, vẫn chưa đủ tự tin vào nguồn cung của họ để hướng tới việc chia sẻ vaccine ra bên ngoài.

Tuy nhiên, các quốc gia có thể giúp đỡ Ấn Độ theo những cách khác, ví như dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất vaccine. Đây là điều mà Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh  Ấn Độ đã kêu gọi chính quyền Biden vài tuần trước.

Hàng triệu người theo đạo Hindu chen chúc nhau tham gia lễ hội tắm sông Hằng (lễ hội Kumbh Mela) hồi giữa tháng 4. (Ảnh: Reuters)

Hôm 25/4, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ “ngay lập tức” cung cấp các nguyên liệu thô để giúp Ấn Độ sản xuất vaccine Covishield (tên địa phương của vaccine AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất) cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo hộ có sẵn khác.

Chính phủ Anh cũng quyết định gửi tặng Ấn Độ các vật tư thiết bị y tế cần thiết. Đại sứ quán Anh tại New Delhi cho biết gói hàng cứu trợ gồm 600 thiết bị là các máy thở và thiết bị tạo oxy lưu động. Chuyến hàng đầu tiên đã tới Ấn Độ vào ngày hôm qua (26/4). “Vương quốc Anh luôn ở bên Ấn Độ như một người bạn và một đối tác trong giai đoạn khó khăn của cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay”, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói.

Hôm 25/4, Thủ tướng Angela Merkel cho biết nước Đức đang chuẩn bị cho "một sứ mệnh để giúp đỡ" Ấn Độ chiến đầu với COVID-19.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã có các động thái bày tỏ đoàn kết với người dân Ấn Độ. Khối này cho biết sẽ nỗ lực hết sức để giúp Ấn Độ giải quyết tình trạng thiếu thốn giường bệnh, oxy y tế và trang thiết bị chống dịch. Điều phối viên Đáp ứng Khẩn cấp của châu Âu Janez Lenarcic ngày 25/4 thông báo khối này đã kích hoạt Cơ chế Bảo vệ Dân sự của mình để giúp đỡ Ân Độ trong thảm họa COVID-19.

Mặc dù việc tiêm chủng đại trà đã mang lại cơ hội chiến thắng đại dịch cho một số quốc gia, nhưng những gì đang xảy ra tại Ấn Độ là một lời cảnh tính đối với nhiều nước khác rằng cuộc chiến chống dịch vẫn là một con đường dài phía trước.

Trong năm nay, thế giới ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 hơn so với năm 2020. Nguyên nhân dẫn đến các đợt bùng phát mới không chỉ giới hạn ở trong một quốc gia như Ấn Độ. Các biến thể mới xuất hiện, sự chậm trễ đối với việc phân phối vaccine công bằng có thể đe dọa đến tất cả mọi người, kể cả những nhiều đã được tiêm chủng.

Vấn đề hiện nay không chỉ của riêng Ấn Độ, mà còn là của cả thế giới.

Cao Trung (Theo The Atlantic)

Nhân dịp tháp tùng chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cộng hòa Pháp từ ngày 4-8/10 và trước đó là tới Cộng hòa Ireland từ ngày 1-3/10, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã có cuộc gặp, làm việc với lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ nước sở tại.

Từ ngày 1-5/10, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước và xây dựng pháp luật về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Trong thông điệp đánh dấu một năm kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào Hamas nổ ra tại Dải Gaza, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm giải pháp lâu dài để chấm dứt đau khổ đang nhấn chìm Trung Đông.

“Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp cho thấy sự gắn bó sâu sắc của Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ, đồng thời khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ song phương với Pháp", Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Để hiểu rõ hơn về những nội dung cơ bản và những điểm mới mà dự thảo luật đề cập nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác PCCC và CNCH hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Hoàng Ngọc Huynh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an.

Tại các địa phương trong cả nước không tồn tại các cơ sở băm gỗ dăm trái phép thì ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, các cơ sở băm gỗ dăm trái phép mọc lên như nấm sau mưa, trong đó Nghệ An chiếm số lượng lớn nhất và “công khai” nhất. Ai đã đứng sau “chống lưng” cho các cơ sở này hay chính quyền và các cơ quan chức năng bất lực?

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文