Thách thức nào ngáng trở nỗ lực chia sẻ bản quyền vaccine COVID-19 toàn cầu?

11:27 08/05/2021
Đức phản đối việc từ bỏ sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19, trong khi hãng dược Pfizer lo ngại cách tiếp cận này có thể kéo theo "một cuộc tranh giành" nguồn nguyên liệu điều chế vaccine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 5/5 tuyên bố Mỹ sẽ cố gắng nới lỏng quyền sở hữu trí tuệ với một số loại vaccine COVID-19, qua đó giúp các nước trên thế giới tăng cường sản xuất và đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Tiêm chủng vaccine được đánh giá là con đường nhanh nhất giúp thế giới đẩy lùi COVID-19. Ảnh: ITN

Do đã đầu tư cho quá trình phát triển vaccine, chính quyền ông Biden có quyền tác động lên ít nhất hai hãng dược Johnson & Johnson và Moderna để yêu cầu họ chia sẻ công nghệ chế tạo vaccine COVID-19.

Bước đi của Mỹ lập tức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng các tổ chức quốc tế lớn hoan nghênh. Nhiều quốc gia, gồm Nga, ủng hộ sáng kiến chia sẻ bản quyền vaccine - vốn được đưa ra lần đầu hồi năm ngoái bởi Ấn Độ và Nam Phi.

Tuy nhiên, cách tiếp cận trên đang vấp phải rào cản. Theo Reuters, quyết định cuối cùng về việc có từ bỏ hay không bản quyền vaccine COVID-19 do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gồm 164 thành viên quyết định. Nếu chỉ một quốc gia bỏ phiếu chống, đề xuất sẽ thất bại.

Một quan chức giấu tên ở Geneva, Thuỵ Sĩ từng tiết lộ, trong cuộc đàm phán kín tại WTO gần đây do Ấn Độ và Nam Phi thúc đẩy, Australia, Anh, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Na Uy và vài nước khác đã phản đối ý tưởng bỏ sở hữu trí tuệ với vaccine.

Sau đề xuất của ông Biden, một số quốc gia từng phản đối nay bày tỏ ủng hộ. Tuy nhiên, Chính phủ Đức ngày 7/5 vẫn kiên quyết rằng việc nới lỏng bản quyền không phải yếu tố then chốt giúp đẩy nhanh sản xuất vaccine mà điều cần thiết là tăng năng lực của các nhà sản xuất.

"Yếu tố hạn chế đối với việc sản xuất vaccine là năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng cao, chứ không phải bằng sáng chế. Việc bảo vệ sở hữu trí tuệ là nguồn lực cho sự sáng tạo và (chúng ta) phải duy trì việc đó trong tương lai", một phát ngôn viên Chính phủ Đức nói.

Từ Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuy bày tỏ sự ủng hộ với việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19, nhưng ông cũng cho rằng cách tiếp cận đó không thể giải quyết triệt để tình trạng khan hiếm vaccine.

Ông Macron lấy ví dụ, các nhà sản xuất ở những nơi kém phát triển hơn như châu Phi không được trang bị để sản xuất vaccine. Nhà lãnh đạo Pháp đề xuất các nước giàu hiến tặng lượng vaccine mà họ đã sản xuất, đặt mua.

Thống kê của một số tổ chức giám sát tiêm chủng vaccine tiết lộ, các nước giàu đã đặt mua hàng tỷ liều vaccine COVID-19 từ các nhà sản xuất, thậm chí có nước đặt mua số vaccine nhiều gấp 5-6 lần dân số, để đảm bảo quyền tiếp cận vaccine sớm nhất.

Tờ Financial Times rạng sáng 8/5 dẫn lời Albert Bourla, Giám đốc điều hành hãng dược Pfizer, công ty sở hữu mẫu vaccine hiệu quả 95%, cảnh báo việc từ bỏ các bằng sáng chế vaccine COVID-19 có thể "mở ra một cuộc tranh giành" đối với nguồn nguyên liệu dùng để chế tạo vaccine.

Bourla cho biết, vaccine của Pfizer cần 280 nguyên liệu và thành phần khác nhau có nguồn gốc từ 19 quốc gia trên thế giới. 

Ông khẳng định Pfizer có thể đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chế tạo vaccine, nhưng nguồn nguyên liệu thô khan hiếm chính là yếu tố ngáng trở. Nếu cuộc tranh giành nguyên liệu xảy ra trong tương lai do việc từ bỏ bản quyền vaccine, tình hình sẽ rất phức tạp.           

Bourla cũng cảnh báo, việc từ bỏ bản quyền sẽ không khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực dược phẩm. Phát ngôn trên của đại diện Pfizer đã nhận được sự đồng tình của hãng dược Moderna và Novavax.

Thiện Nhân

Temu - Ứng dụng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới đổ bộ vào Việt Nam đang gây ra một cơn sốt cho các tín đồ mua sắm trực tuyến. Với kho hàng khổng lồ giá rẻ, hình thức linh hoạt, giao hàng nhanh chóng và đặc biệt là chính sách săn hoa hồng khủng đã khiến hàng triệu người “say men” vào lốc xoáy Temu…

Dự báo từ 3 đến 5/11, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa to, cục bộ, có nơi mưa rất to. Từ 6/11, mưa lớn có khả năng dịch xuống khu vực Hà Tĩnh đến Bình Định và có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày; nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 gồm 8 chương và 65 điều, dự kiến thông qua vào ngày 28/11 tới đây. Qua 2 kỳ thảo luận, dự án luật được các đại biểu Quốc hội và người dân đánh giá cao bởi khi ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng là cuộc chơi nghề nghiệp thực sự, không có bất kỳ sự nể nang nào trong tuyển chọn và tôn vinh các tác phẩm, nghệ sĩ. Ban giám khảo không thiên vị, rất thẳng thắn, Ban tổ chức cũng phải đợi đến “sát nút” lễ trao giải mới biết được kết quả.

Chiều 2/11, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, CBCS của đơn vị trong quá trình làm nhiệm vụ đã giúp đỡ gia đình chị Đ.T.H.H. (SN 1982; trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) tìm thấy con trai đi lạc và đưa về nhà an toàn.

Tại Hội trường Tỉnh ủy Khánh Hòa chiều nay 2/11 đã diễn ra hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Trong đó, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cùng bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Làm thế nào để sinh viên ra trường có tính “thực chiến”? Giải pháp nào để gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp? Đào tạo những kiến thức nhà trường có hay những kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp cần?... Đó là những vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại sự kiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文