Thổ Nhĩ Kỳ “trăm mối tơ vò”
- Thổ Nhĩ Kỳ phải chọn "khôi phục án tử hình" hay gia nhập EU
- Lo ngại trực thăng đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai F-16 tuần tra
- 42 trực thăng mất tích, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại đảo chính lần 2
- Mỹ bất ngờ đình chỉ hoạt động chống IS từ Thổ Nhĩ Kỳ
Từ đó, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu mọi người dân Istanbul theo dõi chặt chẽ thông tin từ chính phủ cho đến khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố “mọi người có thể trở về nhà”.
Ông Isik cũng bày tỏ, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã từng chứng kiến nhiều cuộc đảo chính, “nhưng chưa bao giờ xuất hiện một hành động phản bội trắng trợn như cuộc đảo chính diễn ra gần đây”.
Cùng ngày, một quan chức an ninh cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chính quyền Istanbul đã sa thải khoảng 8.000 cảnh sát trên khắp đất nước, trong đó có nhiều cảnh sát ở Istanbul và thủ đô Ankara bị cáo buộc có dính dáng đến vụ đảo chính quân sự bất thành vào đêm 15-7 vừa qua.
Nhà chức trách cũng bắt giữ Tướng Mehmet Disli, người tiến hành vụ bắt cóc Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar trong thời điểm xảy ra vụ đảo chính. Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, đến nay đã có 36 tướng lĩnh quân đội bị bắt giữ.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết khoảng 6.000 người, trong đó có nhiều thẩm phán và công tố viên, đã bị bắt giữ trong cuộc điều tra liên quan đến vụ đảo chính.
Trong số những người bị bắt giữ còn có 103 tướng lĩnh và sỹ quan cấp cao, trong đó Quan chức quân sự cao cấp nhất của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ chính là Đại tá Ali Yazici, cố vấn quân sự của Tổng thống Erdogan.
Các tướng lĩnh, đô đốc Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ, áp giải đến tòa án binh. |
Việc một số lượng lớn thẩm phán và công tố viên bị bắt giữ đã gây ra nhiều lo ngại đối với Liên minh châu Âu (EU). Ủy viên phụ trách vấn đề mở rộng EU Johannes Hahn cho rằng, hành động bắt giữ hàng loạt này dường như đã được chuẩn bị từ trước và danh sách bắt giữ cũng đã có sẵn, đồng thời bày tỏ quan ngại về những gì đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini thì cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cần tôn trọng các quy định của luật pháp sau khi dẹp được cuộc đảo chính quân sự vừa qua. Theo bà Mogherini, các quy định của luật pháp cần được bảo vệ và không có sự bào chữa nào cho việc không thực hiện nguyên tắc này. Bà Mogherini cho biết EU sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ về vấn đề này.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Ngoại trưởng Austria Sebastian Kurz đã bày tỏ quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể nối lại án tử hình sau vụ đảo chính quân sự vừa qua.
Ông Kurz cho rằng, không nên có các cuộc thanh trừng và trừng phạt nằm ngoài khuôn khổ của luật pháp và hệ thống tư pháp. Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ án tử hình hồi năm 2004 nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn xin gia nhập EU và nước này không xử tử ai kể từ năm 1984. Tuy nhiên, sau vụ đảo chính quân sự vừa qua, Tổng thống Erdogan tuyên bố nước này có thể sẽ lại áp dụng hình phạt tử hình.
Tuyên bố này của ông Erdogan cũng vấp phải sự phản đối từ các đảng đối lập. Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không ủng hộ bất cứ đề xuất nào trình lên Quốc hội nhằm tái áp đặt án tử hình.
Người phát ngôn HDP Ayhan Bilgen khẳng định đảng này chắc chắn sẽ không ủng hộ đề xuất tái áp dụng bản án tử hình. Theo ông, trong bất cứ trường hợp nào, các đạo luật mới được áp dụng đều không có hiệu lực hồi tố.
Trong khi đó, đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) cũng kêu gọi tôn trọng luật pháp khi đưa ra những biện pháp trừng phạt đối với những người tham gia đảo chính. CHP cho rằng, những người tham gia đảo chính và những người ủng hộ đảo chính cần được đưa ra xét xử công khai tại tòa án.
Liên quan tới việc ai sẽ chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính, các chuyên gia đã đưa ra 3 khả năng về người thực sự đứng đằng sau. Đứng đầu trong danh sách này là ông Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo lưu vong, từng là đồng minh thân cận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan khẳng định chính giáo sĩ Fethullah chính là người đứng sau vụ đảo chính bất thành ngày 15-7 khi cho rằng, một nhóm sĩ quan thuộc Bộ Tổng tham mưu đã nhận lệnh thực hiện đảo chính từ vị giáo sĩ Hồi giáo này. Tổng thống Erdogan nhấn mạnh phong trào Gulen thực chất là một tổ chức khủng bố có vũ trang.
Về phần mình, ông Gulen bác bỏ cáo buộc rằng ông đứng sau âm mưu đảo chính và “tố ngược” lại ông Erdogan, rằng chính Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã dàn dựng cuộc đảo chính. Đây cũng là khả năng thứ hai. Theo đó, đây có thể là màn kịch do chính quyền của Tổng thống Erdogan dàn dựng nhằm thanh trừng những thành phần chống đối trong quân đội và cơ quan tư pháp mà trước đó ông đã từng ký đơn phê duyệt bắt giữ họ.
Khả năng cuối cùng là những người theo chủ nghĩa dân tộc dân chủ và thế tục (Kemalism) có tư tưởng thân phương Tây, và người tạo nên Kemalism là Tổng thống lập quốc của Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk.
Tổng thống Erdogan là mối đe dọa đối với một bộ phận trong quân đội theo chủ nghĩa Kemalism. Ông Erdogan không giấu giếm tham vọng biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một nước cộng hòa Hồi giáo, trấn áp những người chống đối và thâu tóm quyền hành. Vì vậy, đảo chính có thể là nỗ lực của nhóm binh sĩ nhằm bảo vệ vai trò truyền thống của họ, đó là việc thực thi và bảo vệ chủ nghĩa thế tục chính thống.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, vụ đảo chính vừa qua đã khiến hơn 290 người thiệt mạng trong đó có trên 100 là binh sỹ đảo chính. Ngoài ra, còn có hơn 2.000 người khác bị thương.