"Thùng thuốc súng" Ukraine lên bàn đàm phán Nga-Mỹ
Nhà Trắng ngày 14/4 (giờ Việt Nam) thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vừa có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về các vấn khu vực và quốc tế, trong đó tập trung vào tình hình ở Ukraine, nơi chứng kiến căng thẳng gia tăng những ngày gần đây, theo CNBC.
Trong cuộc điện đàm, ông Biden tái khẳng định sự ủng hộ mà Washington dành cho Kiev, đồng thời bày tỏ lo ngại việc Nga tăng cường hiện diện quân sự đáng kể ở Crimea và khu vực gần biên giới Ukraine. Theo Nhà Trắng, ông Biden đã làm rõ quan điểm cứng rắn của Mỹ xung quanh nghi án Nga tấn công mạng Mỹ, vốn đã bị Moscow nhiều lần bác bỏ. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí, về chương trình hạt nhân của Iran, tình hình Afghanistan và vấn đề biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images |
Đáng chú ý, trong cuộc điện đàm công khai lần thứ hai với Tổng thống Putin từ khi nhậm chức, ông chủ Nhà Trắng đã đề nghị gặp thượng đỉnh người đồng cấp Nga "trong những tháng tới" tại một quốc gia thứ ba để "để thảo luận về toàn bộ các vấn đề mà các nước đang đối mặt". Tổng thống Mỹ Biden cũng khẳng định ông muốn xây dựng quan hệ ổn định và có thể đoán trước với Nga.
Cùng ngày, Điện Kremlin ra thông cáo xác nhận cuộc điện đàm, cho biết thêm ông Biden đã trực tiếp mời Tổng thống Nga dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ tổ chức ngày 22 và 23/4 bằng hình thức trực tuyến. Theo TASS, Điện Kremlin chưa nói rõ liệu Moscow có chấp thuận đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden hay không. Tuy nhiên, hồi giữa tháng 3/2021, Tổng thống Nga từng khẳng định ông muốn tham gia một cuộc đối thoại "trực tiếp" và "không ngắt quãng" với Tổng thống Mỹ.
Xung quanh vấn đề Ukraine, Điện Kremlin nhấn mạnh, Tổng thống Putin đã nêu rõ quan điểm của Moscow về con đường duy nhất giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine là các bên phải tuân thủ nghiêm thỏa thuận Minsk đạt được năm 2015, trong đó có nêu rõ tiến trình chính trị cùng các cam kết mà chính quyền Ukraine và phe ly khai phải thực thi để từng bước tiến đến hòa bình. Nga gần đây đã liên tiếp hối thúc Chính phủ Ukraine thực hiện cam kết cấp quy chế đặc biệt cho vùng Donbass. Tuy nhiên, chính quyền Kiev trì hoãn việc này và nói rằng các cuộc bầu cử chỉ có thể diễn ra khi chính phủ kiểm soát toàn bộ miền Đông.
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương xấu đi nhanh chóng vì hàng loạt mâu thuẫn. Tháng trước, ông Biden khiến Moscow tức giận khi nặng lời chỉ trích ông Putin rồi quy trách nhiệm cho Nga trong vụ nhân vật đối lập tai tiếng người Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc và nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Mỹ sau đó đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga, kéo theo sự đáp trả từ Moscow.
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại, dù ông Putin và ông Biden đã làm rõ quan điểm về Ukraine, nhưng cách tiếp cận cứng rắn và các phát ngôn mạnh mẽ của quan chức hai nước xung quanh tình hình Ukraine vẫn có thể đẩy cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này trở thành tảng đá lớn ngáng trở nỗ lực khôi phục quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Theo Reuters, ngay trước cuộc điện đàm, hôm 12/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gọi việc Nga triển khai hàng chục ngàn binh sĩ đến gần biên giới Ukraine là hành động khiêu khích quân sự và cảnh báo Moscow sẽ phải "trả giá". Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố, Mỹ và NATO "nên suy nghĩ về việc kiềm chế thái độ hung hăng của các đối tác ở Kiev" và thực thi nghiêm túc thỏa thuận Minsk. Dù Nga không hướng đến một cuộc chiến với Ukraine, nhưng ông Ryabkov khẳng định Nga sẽ hành động quyết liệt để bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine.
Quan chức ngoại giao cấp cao của Nga cảnh báo, việc Mỹ cùng đồng minh tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ biến nước này thành "một thùng thuốc súng". "Kiev và phương Tây sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu khiến tình hình thêm trầm trọng. Một khi tình hình xấu đi, chúng tôi chắc chắn sẽ làm tất cả có thể để đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân Nga, ở bất cứ nơi đâu", ông Ryabkov nói.
Từ Moscow, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 13/4 thì cho biết, Nga đã phát hiện NATO đang có kế hoạch điều động khoảng 40.000 quân và 15.000 hạng mục vũ khí khác nhau, bao gồm cả máy bay chiến lược, tới tập trung gần biên giới Nga. Theo ông Shoigu, quân đội Mỹ đang tái triển khai lực lượng từ lục địa Bắc Mỹ tới châu Âu qua ngả Đại Tây Dương. "Binh lính từ châu Âu đang tiến về biên giới Nga. Các lực lượng cơ bản đang được gia tăng ở khu vực Biển Đen và khu vực Baltic", ông Shoigu nói thêm, đồng thời gọi những hành động đó mang rõ "khuynh hướng chống Nga".
Xung đột vũ trang giữa quân đội Chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi ly khai ở miền Đông nước này nổ ra năm 2014, với Donbass là chiến trường chính, sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền Viktor Yanukovich ở Kiev và cùng thời điểm Nga sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý trên bán đảo. Kiev và phương Tây lâu nay cho rằng Nga hậu thuẫn và cung cấp vũ khí cho dân quân miền Đông, nhưng Moscow bác bỏ.
Năm 2015, lãnh đạo các nước Nga, Pháp, Đức, Ukraine nhóm họp theo định dạng 4 bên ở Minsk và thông qua thỏa thuận về việc yêu cầu các bên đối địch ở Ukraine ngừng bắn. Tuy nhiên, thỏa thuận Minsk và khoảng 30 thỏa thuận ngừng bắn khác đã bị vi phạm nhiều lần. Tính đến nay, cuộc xung đột 7 năm ở Đông Ukraine đã tước đi sinh mạng của 14.000 người, đẩy hàng trăm ngàn người khác vào cảnh nguy hiểm.