Thượng đỉnh Nga - Đức: Cài đặt lại mối quan hệ trên nền tảng thực tế hơn

10:57 20/08/2018
Ngày 18-8 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc gặp ở Thủ đô Berlin.

Để không bị hạn chế về khuôn khổ thời gian, Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel đã phá vỡ lệ thường, đó là tiến hành họp báo không phải sau hội đàm mà là trước hội đàm, để sau đó có thời gian thảo luận sâu về các vấn đề. Hai nhà lãnh đạo chỉ nêu chung chủ đề của cuộc thảo luận là: Ukraine, dự án Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) 2, hồ sơ hạt nhân Iran và Syria.

Trong một thông báo, Điện Kremlin cho hay cuộc gặp đã diễn ra rất thực chất, với nhiều vấn đề quan trọng được lãnh đạo hai nước thảo luận chi tiết và đạt được nhất trí như đã được nêu trước cuộc gặp. Thủ tướng Merkel cho rằng, xung đột đang xảy ra nhiều nơi trên thế giới, cần phải tìm kiếm cách giải quyết và bà ủng hộ quan điểm là các bất đồng có thể giải quyết thông qua hội đàm. Thủ tướng Đức coi cuộc gặp này với Tổng thống Nga là tiếp tục cuộc đối thoại đã diễn ra ở Sochi (Nga) hồi tháng 5 vừa qua.

Phát biểu trong cuộc họp báo trước hội đàm, Thủ tướng Đức kêu gọi tiếp tục tìm kiếm các giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine. Theo bà, cơ sở để giải quyết đã và vẫn là Thỏa thuận Minsk, mặc dù đến giờ chưa hòa giải được. Bà hy vọng, trước khi bắt đầu năm học mới sẽ có một nỗ lực mới được thực hiện để tiến lên phía trước. 

Thủ tướng Merkel cũng thông báo rằng, bà cùng với Tổng thống Putin sẽ thảo luận về khả năng tạo lập sứ mệnh của Liên Hợp Quốc (LHQ) để có thể góp phần hòa giải. Bà nói thêm rằng, Đức trong mọi trường hợp sẵn sàng góp phần cho “định dạng Normandy” trong nỗ lực này. Nói về Ukraine, Thủ tướng Đức cũng nhắc tới dự án Nord Stream 2 và theo bà, Ukraine cần duy trì vai trò của nước trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu. 

Về phần mình, Tổng thống Putin nêu rõ, Nga sẵn sàng tiếp tục tìm kiếm các giải pháp. Trong bối cảnh giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, đáng tiếc là chưa tiến triển, người đứng đầu Điện Kremlin có ý nhấn mạnh tính chất không thay thế của việc thực thi các thỏa thuận Minsk, để lưu ý đến mối quan tâm về “định dạng Normandy” và nhóm liên lạc, sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ nhiệm vụ giám sát đặc biệt của LHQ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc hội đàm. Ảnh: Sputnik.

Tổng thống Putin hi vọng, dẫu sao các bên sẽ có thể xoay xở để tiến lên theo hướng này, đồng thời một lần nữa đảm bảo với Thủ tướng Đức rằng, Nord Stream 2 không đóng lại khả năng trung chuyển khí đốt qua Ukraine. Quan trọng là việc trung chuyển của Ukraine phù hợp với các yêu cầu về kinh tế. Hai nhà lãnh đạo đều nhất trí dự án Nord Stream 2 không được phép “chính trị hóa”, và bày tỏ quyết tâm hoàn thành dự án. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận việc chuyển khí đốt của Nga thông qua Ukraine trong dự án này.

 Về cuộc xung đột Syria, Tổng thống Putin chỉ ra việc dòng người tị nạn hồi hương ngày càng lớn, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu hỗ trợ để giúp người tị nạn Syria không phải rời bỏ nhà cửa một lần nữa. Tổng thống Nga cho biết, Syria cần được quốc tế hỗ trợ để xây dựng lại đất nước và để người dân trốn chạy khỏi xung đột được trở về nước một cách an toàn. “Điều quan trọng là phải tăng cường khía cạnh nhân đạo trong cuộc xung đột tại Syria. 

Trước hết đó là cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Syria và giúp đỡ những người tị nạn Syria tại nước ngoài sao cho tốt nhất họ có thể quay trở về đất nước của mình” – Tổng thống Putin nói. Về vấn đề người tị nạn Syria, trước đó, vào tháng 7, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Nga đã thiết lập một trung tâm tiếp nhận, điều phối và cung cấp nơi ở cho người tị nạn tại Syria, và trung tâm này cũng sẽ phụ trách công tác vận chuyển viện trợ nhân đạo. 

Việc Nga phối hợp với chính quyền Syria thiết lập một trung tâm tiếp nhận, điều phối và cung cấp nơi ở cho người tị nạn được coi là một phần trong nỗ lực quốc tế trợ giúp những người tị nạn Syria hồi hương.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, trung tâm này sẽ giám sát việc hồi hương của những người tị nạn tạm thời cũng như những người tị nạn Syria từ nước ngoài trở về, đồng thời phụ trách công tác vận chuyển viện trợ nhân đạo cũng như trợ giúp chính quyền Syria khôi phục các cơ quan y tế và nhân đạo. Ngoài ra, lãnh đạo 2 nước cũng thảo luận về việc thiết lập một cơ chế đối thoại gồm Nga-Đức-Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria, trước hết ở cấp chuyên viên và trợ lí.

Liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran, Thủ tướng Merkel nói rằng, Berlin ủng hộ duy trì Thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), nhưng lo lắng về các hành động của Iran ở khu vực...

Về phần mình, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh sự cần thiết duy trì JCPOA về chương trình hạt nhân Iran. Quan trọng là cần duy trì thỏa thuận đa phương đã được Hội đồng Bảo an LHQ chấp thuận nhằm tăng cường an ninh và cơ chế không phổ biến hạt nhân. Người đứng đầu nước Nga ngụ ý về việc Mỹ rút khỏi JCPOA hồi tháng 5. Cũng tại cuộc gặp, Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức cũng thảo luận về cách thức tăng trưởng thương mại song phương. Tổng thống Putin đã tái khẳng định Moscow cam kết hợp tác với doanh nghiệp Đức.

Cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga đã nhận được sự kỳ vọng lớn từ đảng Cánh tả ở Đức (Die Linke). Ngay trước thềm cuộc gặp, đảng Die Linke bày tỏ hi vọng cuộc thượng đỉnh này sẽ giúp chấm dứt những bất đồng và căng thẳng trong mối quan hệ hai nước cũng như trong quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU). 

Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế cần tiếp tục được thúc đẩy và duy trì đầy đủ, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác năng lượng, trong đó liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Đức lần này không nên được coi là sự chuyển hướng thực sự trong quan hệ hai bên. Thay vào đó, nó phản ánh kì vọng của hai nước mong muốn “cài đặt lại” mối quan hệ trên nền tảng những lợi ích thực tế sau nhiều năm gia tăng căng thẳng.

Khổng Hà

Sáng 11/5, TP Hải Phòng tổ chức chương trình duyệt đội ngũ và diễu hành quần chúng biểu dương lực lượng chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955- 13/5/2025) và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025. Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đến dự.

Ngày 11/5, người phụ nữ mang thai ở tháng thứ 8 thai kỳ không may rơi xuống giêng sâu 20m trong khi đi mua đồ cho gia đình. CBCS phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Tây Ninh khẩn trương đến hiện trường, nhanh chóng xuống giếng cứu sống nạn nhân.

Ngày 11/5, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã khởi tố bị can,thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Bạch Biên Hòa (SN 1987), trú tại xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 11/5, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện bắt tạm giam đối với bà Cao Thị Nhung, SN 1984, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Việt Úc, cùng kế toán trưởng và 2 kế toán viên của công ty này, đề điều tra về hành vi vi phạm các quy định về quản lý kinh tế.

Liên quan đến vụ sụt lún nghiêm trọng tại đường dẫn lên cầu Hòa Bình, thuộc xã Hòa Hội, huyện Châu Thành (Tây Ninh), trưa 11/5, UBND huyện Châu Thành (Tây Ninh) cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định do mưa lớn kéo dài, làm vỡ túi bùn cục bộ gây ra. Vụ việc khiến 5 người bị thương nhẹ, trong đó có 4 người đã trở về nhà.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.