Thượng đỉnh “Tứ giác kim cương”: Cơ hội tạo nên cú hích chiến lược?
Ngày 12/3 tới, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi thành lập của Nhóm Tứ giác kim cương (QUAD) bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ chính thức diễn ra theo hình thức trực tuyến. Giới chuyên gia nhận định, việc lãnh đạo của bốn nền dân chủ lớn tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhóm họp sẽ phản bác lại quan điểm rằng QUAD chỉ là một “ý tưởng giật tít”, đồng thời tạo ra cú hích chiến lược nhằm kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.
CNBC News ngày 10/3 đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ cùng tham dự Thượng đỉnh QUAD tổ chức vào ngày 12/3. Kể từ khi thành lập năm 2007, đây được coi là hội nghị chính thức cấp cao nhất đầu tiên của cơ chế này.
Theo Thủ tướng Australia Scott Morrison, sự kiện người đứng đầu chính phủ bốn quốc gia thành viên nhất trí họp thượng đỉnh đã đưa vị thế của nhóm Bộ Tứ lên một tầm cao mới và là bước tiến mà Canberra nỗ lực thúc đẩy trong nhiều năm qua. Đặc biệt, việc Tổng thống Biden lựa chọn tham gia thượng đỉnh QUAD đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ rất chú trọng tới khu vực này, cũng như coi trọng các cam kết đa phương và hợp tác chặt chẽ với các đồng minh.
Lãnh đạo của “Tứ giác kim cương” sẽ họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 12-3. Nguồn: The Print. |
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ, cuộc gặp trực tuyến sẽ kéo dài khoảng hai giờ và đặt nền tảng cho một cuộc gặp trực tiếp vào cuối năm nay. Theo Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki, lãnh đạo Bộ Tứ sẽ thảo luận về một loạt các mối quan tâm chung ở phạm vi khu vực và toàn thế giới trong trung và dài hạn, như đảm bảo nguồn vaccine ngừa COVID-19, an ninh hàng hải, thúc đẩy các hợp tác kinh tế, khủng hoảng khí hậu… nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm”.
The Diplomat đánh giá, hội nghị ngày 12/3 có thể không “đặc biệt sâu” như cuộc họp của các Ngoại trưởng Bộ Tứ hôm 18/2, nhưng nhận được sự “ưu tiên theo dõi” của giới chính trị gia và học giả. Ông Daniel Russel, một nhân vật có vai trò chủ chốt trong chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama trước đây nhận định, thượng đỉnh QUAD sẽ mang tính gợi mở và đề ra một tầm nhìn mới cho tương lai của khu vực, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa các thành viên Bộ Tứ và Trung Quốc đã gặp nhiều sóng gió suốt những năm qua.
Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu ở biên giới thuộc khu vực dãy Himalaya từ tháng 6/2020 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và bốn binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Thủ tướng Narendra Modi sau đó đã đáp trả Bắc Kinh bằng việc hủy cấp giấy phép xuất khẩu cho các công ty của Trung Quốc, áp thuế đối với hàng điện tử Trung Quốc và cấm TikTok cùng hàng chục ứng dụng khác của nước này.
Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, đặc biệt sau khi Bắc Kinh thông qua luật hải cảnh cho phép lực lượng cảnh sát biển nước này bắn vào tàu thuyền nước ngoài trong trường hợp họ cho là cần thiết. Australia và Trung Quốc liên tiếp đối đầu trong một loạt tranh chấp thương mại cũng như việc điều tra nguồn gốc COVID-19 tại Vũ Hán. Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh cũng tụt dốc xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua do cạnh tranh trên các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, ngoại giao, đến công nghệ.
Giới phân tích chính trị thế giới lưu ý, tuy không phải là một liên minh quân sự chính thức như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng QUAD được xem là liên minh tiềm năng và thượng đỉnh QUAD tạo cơ hội cho một “cú hích chiến lược” để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chưa hết, theo giới quan sát, một số vấn đề khác như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hay vấn đề bình ổn Myanmar được cho là có thể nằm trong chương trình nghị sự của Bộ Tứ. Quan hệ Triều Tiên-Mỹ chưa có chuyển biến lớn sau khi ông Joe Biden nhậm chức. Nhưng, trong Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết, Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại nếu Washington bày tỏ thiện chí. Tính đến hiện tại, chính sách Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn là ẩn số nên thượng đỉnh Bộ Tứ có thể là cơ hội để ông chia sẻ lập trường và mang tới những thay đổi tích cực mà khu vực mong muốn.
Ngoài ra, dù chỉ mới xuất hiện trong một tháng trở lại đây, các nước thuộc Bộ Tứ cũng dành mối quan tâm đến tình hình chính trị tại Myanmar, bởi những gì đang diễn ra đã tác động tiêu cực tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung. Vì thế, tìm kiếm giải pháp toàn diện cho vấn đề là nhiệm vụ cấp bách của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả nhóm Bộ Tứ.