Tin tặc khiến quan hệ Trung Quốc - Australia dậy sóng

08:08 17/09/2019
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia, vốn đã nguội lạnh sau khi Canberra công khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Bắc Kinh ở cả trong nước lẫn tại khu vực, nay có nguy cơ xấu đi trước nghi án Trung Quốc tấn công mạng Australia trước kì bầu cử hồi giữa năm.


Thông tấn Reuters ngày 16-9 bất ngờ trích dẫn báo cáo của cơ quan tình báo trên không gian mạng, Tổng cục Tín hiệu Australia (ASD), kết luận Trung Quốc là bên phải chịu trách nhiệm cho loạt vụ tấn công mạng nhằm vào quốc hội và ba đảng phái chính trị lớn nhất của Australia trước tổng tuyển cử hồi tháng 5 vừa qua.

Trong kết luận được đưa hoàn thiện từ tháng 3-2019 với nhiều dữ kiện được đóng góp bởi Bộ Ngoại giao Australia, ASD nêu rõ họ tìm thấy chứng cứ rõ ràng cho thấy người Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công trên. Nguồn tin của Reuters cho hay, báo cáo của ASD được xếp vào dạng mật và khuyến cáo không công khai nhằm tránh ảnh hưởng đến quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Quan hệ Trung Quốc- Australia có thể xấu đi sau nghi án tấn công mạng trước bầu cử. Ảnh: Getty Images

Từ Bắc Kinh, ngay sau khi thông tin của Reuters được đăng tải, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng bác bỏ liên quan đến mọi hành động tấn công mạng, đồng thời cho rằng trên internet có rất nhiều giả thuyết mà không thể được chứng minh.

“Khi điều tra và kết luận bản chất của các sự cố mạng thì phải có đầy đủ bằng chứng, nếu không thì điều đó chỉ tạo ra tin đồn và bôi nhọ người khác, dán nhãn họ một cách bừa bãi. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc cũng là nạn nhân của tấn công mạng”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ. Trong thông cáo, bộ này cũng hy vọng Australia sẽ có nhiều điểm chung với Trung Quốc hơn và “hành động nhiều hơn vì lợi ích chung và hợp tác” giữa hai nước.

Hiện, cả văn phòng Thủ tướng Australia Scott Morrison lẫn ASD đều chưa đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào về vụ việc. Tuy nhiên, tuyên bố bác bỏ cáo buộc có đề cập trực tiếp đến Australia của Trung Quốc cho thấy khả năng Bắc Kinh đã nhận được những phản ứng của Canberra về nghi án tấn công mạng.

Hồi tháng 2-2019, Australia từng thông báo quốc hội nước này bị tin tặc tấn công. Thủ tướng Morrison khi đó khẳng định vụ tấn công được tiến hành “tinh vi” và có thể do chính phủ nước ngoài hậu thuẫn, nhưng không nói rõ chi tiết.

Các nguồn tin Australia cho biết, sau khi phát hiện ra các cuộc tấn công, chính quyền Canberra một mặt thúc đẩy biện pháp tự ứng phó, mặt khác chia sẻ thông tin tới các đồng minh thân cận là Anh và Mỹ.

London thậm chí cử một nhóm chuyên gia đến hỗ trợ ASD điều tra và phát hiện ra các tin tặc đã tiếp cận hệ thống mạng của đảng Tự do cầm quyền, đảng Quốc gia liên minh và Công đảng đối lập – các đảng phái chính trị lớn nhất Australia.

Theo Reuters, những kẻ tấn công cũng được xác định sử dụng nhiều công nghệ để che giấu danh tính, song các nhà điều tra phát hiện chúng dùng mật mã và công nghệ mà Trung Quốc bị cáo buộc từng sử dụng. Hai tuần trước khi báo cáo của ASD được tiết lộ, Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton hôm 6-9 cũng phát đi cảnh báo về mối đe dọa tấn công mạng đang có xu hướng gia tăng tại nước này, bao gồm cả các tin tặc được nước ngoài hậu thuẫn.

Ông Dutton cho rằng mối đe dọa mới sẽ gây ảnh hưởng tới an ninh kinh tế và quá trình vận hành của chính phủ, đòi hỏi Australia phải sớm sửa đổi chiến lược an ninh mạng để đối phó.

Theo Reuters, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Khoảng một triệu khách du lịch và sinh viên Trung Quốc đến Australia mỗi năm. Giới doanh nghiệp Trung Quốc cũng là khách hàng chủ lực mua quặng sắt, than và nông sản Australia.

Dù Canberra cân nhắc việc không công khai thông tin bị Trung Quốc tấn công mạng để tránh ảnh hưởng đến hợp tác thương mại với Bắc Kinh, song giới chuyên gia đánh giá vụ việc lần này chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ vốn đang ở mức thấp nhất lịch sử giữa hai nước. Được biết, căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc- Australia đi xuống từ năm 2017, khi Australia cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào các vấn đề nội bộ nhưng Bắc Kinh phủ nhận.

Những tháng qua, hai bên có một số bước đi hàn gắn quan hệ, song Australia vẫn tỏ ra cảnh giác với phía Trung Quốc và thông qua hàng loạt điều luật cứng rắn nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài - những thay đổi vốn được cho là nhằm vào Trung Quốc, bao gồm cả việc cấm cửa nhà cung cấp viễn thông Huawei tham gia phát triển hạ tầng 5G tại nước này vì lo ngại an ninh.

Trên phương diện địa chính trị, cuối năm ngoái, đích thân Thủ tướng Scott Morrison từng bày tỏ lo ngại về sự trỗi dậy và “tầm ảnh hưởng chưa từng có” của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức với lợi ích của Mỹ, đồng minh quan trọng của Australia.

Về phía Trung Quốc, phát biểu bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra ở Bangkok, Thái Lan hồi tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thừa nhận mối quan hệ giữa nước này và Australia đang ở mức thấp trong lịch sử, dù hai bên “không có mâu thuẫn lịch sử hay xung đột lợi ích cơ bản”. “Chúng tôi đã đồng ý điều chỉnh và tái khởi động quan hệ Trung Quốc – Australia, nhưng tiến trình cải thiện quan hệ song phương vẫn chưa đạt được tín hiệu tích cực nào”, ông Vương Nghị nhấn mạnh.

Thiện Minh

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文