Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tìm kiếm gì ở cuộc gặp Hà Nội?

08:26 26/02/2019
Để lịch sử thực sự được viết tiếp, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un cần đạt được những cam kết cụ thể trong cuộc gặp mang tính quyết định từ ngày mai tại Hà Nội.

Mong muốn của hai bên

Dù trở thành sự kiện lịch sử đảo chiều căng thẳng nóng bỏng trên bán đảo Triều Tiên, song cuộc gặp lần đầu giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Singapore là chưa đủ để đưa ra lộ trình thực sự phù hợp cho tiến trình phi hạt nhân hoá cũng như chưa đủ để hội tụ lòng tin giữa hai bên.

Trong nhiều tháng qua, Mỹ và Triều Tiên đã tiến hành trao đổi ở nhiều cấp độ về vấn đề này, song sự khác biệt trong cách hiểu khái niệm "phi hạt nhân hoá" cũng như việc triển khai các điều khoản được thông qua sau cuộc gặp lần đầu chưa được đáp ứng đáng kể đã khiến tiến trình kiến tạo hoà bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên chưa mang lại những kết quả lâu dài. Đây cũng là lý do khiến hai nước quyết định tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh lần hai.

Theo hãng tin Reuters, Washington từ lâu nhìn nhận phi hạt nhân hóa là loại bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân, thiết bị, vật liệu, cơ sở hạt nhân và hệ thống tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên sở hữu. Có thể nói, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nếu thành công, có thể trở thành là một thành tựu ngoại giao lớn nhất nhiệm kì của chính quyền Tổng thống Trump. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào Mỹ có thể đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên "hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược".

Tổng thống Donald Trump lên Air Force One để bay tới Hà Nội từ trưa 24-2 (theo giờ Mỹ).

Hướng tới mục tiêu này, Washington đòi hỏi Bình Nhưỡng phải thống nhất một lộ trình rõ ràng và có những bước đi cụ thể như gia nhập trở lại Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT), công bố đầy đủ, chi tiết về chương trình hạt nhân Triều Tiên đang theo đuổi hay chấp nhận để thanh sát viên quốc tế kiểm tra các cơ sở hạt nhân.

Trong khi đó, từ phía Triều Tiên, Bình Nhưỡng cũng có một danh sách dài những yêu cầu gửi đến Washington, bao gồm xóa bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế mà nước này đang phải hứng chịu, tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Thêm vào đó, Bình Nhưỡng xem phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng bao gồm việc loại bỏ hoàn toàn khí tài chiến lược của Mỹ, vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ và vũ khí có khả năng mang hạt nhân trong khu vực.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng muốn Mỹ lược bỏ các biện pháp cấm vận khắt khe nhằm vào nước này song song cùng các bước đi phi hạt nhân hoá. Trong những yêu cầu kể trên, xóa bỏ các biện pháp cấm vận và cung cấp hỗ trợ kinh tế là đặc biệt cần thiết đối với Chủ tịch Kim Jong-un. Sau cuộc thử nghiệm thành công ICBM có tầm bắn vươn tới Mỹ hồi tháng 11-2017, Chủ tịch Kim Jong-un đã bất ngờ khẳng định Triều Tiên giờ đây chuyển hướng tập trung sang cải cách kinh tế, thay vì phát triển vũ khí.

Trong những tháng qua, với việc phá huỷ bãi thử hạt nhân cùng việc dừng phóng thử tên lửa, Bình Nhưỡng dường như tin rằng họ đã làm đủ những việc cần thiết để thể hiện thiện chí. Và những gì họ chờ đợi là động thái tích cực từ Washington.

Trông đợi một tuyên bố hoà bình

Bất chấp khó khăn, việc lãnh đạo hai nước Mỹ-Triều quyết định đến Hà Nội để gặp mặt lần hai đã là một thành công. Truyền thông quốc tế những ngày qua nhấn mạnh Mỹ-Triều sẽ nỗ lực tập trung vào mục tiêu phi hạt nhân hoá... Tuy nhiên giới quan sát nhận định, đây là vấn đề kéo dài. Điều quan trọng nhất là hai bên tìm kiếm những bước đi ngắn nhưng thuận lợi cho tiến trình đàm phán giữa hai bên trong thời gian tới. Trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, hai bên có thể sẽ tính tới một hiệp ước hoà bình.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lên tàu đi Hà Nội từ ngày 23-2.

Trên thực tế, có được một hiệp ước hòa bình chính thức luôn là mong muốn của các nhà lãnh đạo Triều Tiên, bắt đầu từ thời ông nội của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, ông Kim Il Sung (Kim Nhật Thành). Bởi lẽ, hiệp ước hòa bình sẽ mang lại sự công nhận của quốc tế, có thể ít nhất là dẫn tới việc nới lỏng các lệnh trừng phạt thương mại và giúp làm giảm số quân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc. Do đó, nếu Mỹ-Triều làm được điều này tại cuộc gặp ở Hà Nội, điều này sẽ thúc đẩy danh tiếng của ông Kim Jong-un trong và ngoài nước.

Trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, từ các chuyến thăm Mỹ của phái đoàn Triều Tiên hồi tháng 1, hai bên đã phác thảo một lịch trình và kế hoạch đàm phán nhằm hiện thực hóa tầm nhìn được đưa ra trong tuyên bố chung ở Singapore.

"Chúng tôi đạt được đồng thuận và sau đó đã gặp nhau vào đầu tháng 2. Tôi đã dẫn đầu một đoàn công tác bao gồm từ 15-16 người tới Bình Nhưỡng, trong đó có các chuyên gia tên lửa, chuyên gia hạt nhân, cũng như các chuyên gia luật quốc tế và một số thành viên của đội ngũ đàm phán từ nhóm hoạt động toàn thời gian của tôi tại Bộ Ngoại giao. Chúng tôi đã có ba ngày nói chuyện với phía Triều Tiên. Đây chủ yếu là một cơ hội để đánh giá trước toàn bộ các vấn đề mà mỗi bên gặp phải, với một thỏa thuận nhằm tiếp tục thảo luận lại trong các tuần trước khi Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai được tiến hành.

Chúng tôi cũng đang tìm cách tiến về phía trước với một loạt các sáng kiến có thể thúc đẩy cụ thể từng điểm chính trong số 4 trụ cột được đưa ra trong tuyên bố chung tại Singapore. Bốn trụ cột đó là: Thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên; Xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên; Phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và thứ tư là tìm lại hài cốt của những quân nhân hy sinh và mất tích trong chiến tranh Triều Tiên”, ông nói.

Bản thân Tổng thống Donald Trump trước khi lên chuyên cơ Air Force One bay đến Việt Nam cũng khẳng định mối quan hệ với Triều Tiên, với nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang "rất tốt đẹp", đồng thời bày tỏ lạc quan khi nhắc đến chuyến đi tới Hà Nội. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ có hai ngày rưỡi đầy thú vị ở Việt Nam và chúng ta đang có một cơ hội phi hạt nhân hóa hoàn toàn một khu vực trên thế giới, vốn bị coi là rất nguy hiểm", ông Donald Trump nhấn mạnh.

Trên Twitter cá nhân, ông chủ Nhà Trắng cũng vẽ ra viễn cảnh mà Triều Tiên trở thành một trong những cường quốc kinh tế của thế giới nếu không còn vũ khí hạt nhân: "Tôi nói cho các bạn biết về một trong những vị trí địa lý tuyệt vời nhất, đó là Triều Tiên, với những con người chăm chỉ, thông minh, năng động. Đó có thể sẽ là một trong những quốc gia tuyệt vời, một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu hơn bất kỳ quốc gia nào trên trái đất này".

Ở chiều ngược lại, Triều Tiên cũng phát đi những tín hiệu tích cực khi nước này tiếp tục duy trì việc ngừng thử vũ khí hạt nhân cũng như các vụ thử tên lửa rầm rộ. Trong cuộc duyệt binh hồi đầu tháng mừng ngày thành lập quân đội và cuộc duyệt binh mừng quốc khánh cuối năm 2018, Bình Nhưỡng tiếp tục cho thấy mong muốn hoà bình khi không phô diễn sức mạnh quân sự với tên lửa liên lục địa, xe tăng hạng nặng... giống mọi khi.

Huyền Chi - Viết Phùng

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文