Triển vọng mở ra “chương châu Á” của Tổng thống Pháp
- Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống Pháp
- Tổng thống Pháp mặc đồ phi công thăm căn cứ quân sự
Đối với Tổng thống Pháp, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2018 và đồng thời là chuyến đi đầu tiên tới châu Á kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 5-2017, Reuters ngày 8-1 đưa tin. Trung Quốc hiện đang là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), chiếm 15% tổng kim ngạch của khối.
Với riêng Pháp, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất ở châu Á. Theo tờ The Guardian, Tổng thống Pháp đã bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc tại thành phố Tây An, điểm xuất phát phía Đông của “Con đường tơ lụa” cổ xưa. Giới quan sát nhận định, hành động này có thể hiểu là Tổng thống Pháp rất coi trọng quan hệ giao thương với Trung Quốc, cũng như muốn cùng Bắc Kinh khôi phục tuyến đường thương mại lịch sử.
Tại buổi nói chuyện với giới học giả và sinh viên Trung Quốc về quá khứ và tương lai của mối quan hệ Pháp – Trung, hôm 8-1, Tổng thống Emmanuel Macron đã nhắc tới sáng kiến “Vành đai, con đường” gần đây của Bắc Kinh, hay còn gọi là “con đường tơ lụa” mới.
Theo Tổng thống Pháp, từ xa xưa, con đường này đã không chỉ là của riêng Trung Quốc, mà được chia sẻ bởi các nước mà nó đi qua. “Trung Quốc và châu Âu cần cùng nhau hợp tác trong sáng kiến này”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh.
Sau nửa ngày dừng chân ở Tây An, tối 8-1, Tổng thống Pháp đã tới Bắc Kinh và có buổi hội gặp gỡ quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong một cử chỉ ngoại giao được xem là “chưa từng có”, ông Macron đã chọn con ngựa nâu 8 tuổi có tên Vesuvius trong biên chế Vệ binh Cộng hòa Pháp làm món quà tặng nhà lãnh đạo Trung Quốc, người từng thể hiện sự đam mê với 104 kỵ binh hộ tống trong chuyến thăm Paris năm 2014.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phu nhân và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân tại cuộc gặp ở Bắc Kinh. Ảnh: THX |
Sputnik cho biết, tại buổi gặp mặt, hai nhà lãnh đạo đã bàn về hợp tác song phương và các vấn đề quốc tế nóng bỏng như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tình hình châu Phi và hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris. Phát biểu với báo giới tối 8-1, Tổng thống Pháp khẳng định, ông hi vọng chuyến thăm lần này sẽ thúc đẩy việc trao đổi, hợp tác giữa hai nước về các vấn đề quốc tế quan trọng, đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ Trung Quốc – Pháp và Trung Quốc – EU.
Đáp lại thiện chí của ông chủ Điện Elysee, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, mặc dù tình hình thế giới hiện nay còn tiềm ẩn nhiều nhân tố không xác định nhưng hai nước hoàn toàn có thể vượt qua những rào cản về xã hội, giai đoạn phát triển và khác biệt văn hóa để tăng cường niềm tin chính trị, khai thác tốt tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
“Trung Quốc mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác mật thiết với Pháp trên mọi lĩnh vực trên cơ sở đôi bên cùng có lợi”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định.
Cần nhắc lại rằng, hợp tác thương mại được xem là trọng tâm trong chuyến thăm tới Trung Quốc lần này của Tổng thống Pháp. Tháp tùng Tổng thống Pháp là những tập đoàn lớn nhất của Pháp trong các lĩnh vực công nghiệp hàng không, thực phẩm, năng lượng, cơ sở hạ tầng.
Theo Guardian, hai nước dự kiến đạt được hàng loạt hợp đồng kinh tế giá trị trong dịp này, trong đó đáng chú ý là việc hãng máy bay Airbus đang thảo luận về đơn hàng 100 máy bay cho doanh nghiệp hàng không của Bắc Kinh và khoảng 50 văn kiện hợp tác khác trong các lĩnh vực vũ trụ, điện hạt nhân, kỹ thuật số, tài chính ngân hàng.
Mặc dù vậy, giới quan sát cũng nhận định, cơn mưa hợp đồng giữa doanh nghiệp hai nước sẽ không ngăn cản ông Macron nhấn mạnh đến sự cần thiết của các quy tắc và thương mại và tài chính, qua đó tìm kiếm “điểm cân bằng” trong quan hệ thương mại giữa Paris và Bắc Kinh.
Mục tiêu này đặc biệt quan trọng khi thâm hụt thương mại của Pháp với Trung Quốc lên tới 30 tỷ euro mỗi năm. Giới chức Điện Elysee cho biết, “Paris dự kiến tìm cách tái cân bằng và tiếp cận thị trường, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ tài chính” vào thời điểm các ngân hàng lớn của Pháp đang hy vọng mở rộng thị trường sang Trung Quốc.
Hai nhà lãnh đạo cũng có kế hoạch thông báo về quỹ đầu tư Pháp-Trung trị giá 1,6 tỷ USD, chủ yếu nhằm hỗ trợ các công ty có quy mô trung bình tại Pháp đặt chân vào thị trường Trung Quốc.
Theo nhà phân tích Ylia Yakimenko của tờ Gazeta, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mở ra “chương mới” ở châu Á cho Paris, và giúp Bắc Kinh tìm kiếm sự tin tưởng của châu Âu trong việc hiện thực hóa những đại dự án như “Vành đai, con đường”, vốn đang bị phương Tây quan sát một cách thận trọng.