Ai mua dầu của IS?
Khu vực không kích ở gần Deir al-Zour chỗ tiếp giáp giữa biên giới Syria với Iraq. Nơi sản xuất dầu chính của IS là ở tỉnh Deir Ezzor - miền Đông Syria. Theo người dân địa phương, công suất các mỏ ở đây vào khoảng 34.000 - 40.000 thùng mỗi ngày. Nhóm này cũng kiểm soát mỏ dầu Qayyara gần Mosul, phía Bắc Iraq, công suất 8.000 thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, loại dầu này nặng hơn và chủ yếu dùng tại địa phương để làm nhựa đường.
Việc IS "sống khỏe" trong thời gian qua có công rất lớn của không ít gian thương các quốc gia Trung Đông. Một cựu nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cho biết, có ít nhất 27 doanh nhân nước này và Iraq có thể dính líu đến việc buôn bán dầu với Nhà nước Hồi giáo .
Theo một cựu nhân viên tình báo Mỹ (CIA), tuy IS chiếm được phần lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc Iraq nhưng những mỏ dầu trữ lượng khổng lồ nhất mà tổ chức khủng bố này kiểm soát được lại nằm ở miền Nam Iraq và tuyến đường cung cấp dầu đi qua lãnh thổ người Kurd (Kurdistan) được xem là rõ ràng nhất. Từ đây, tuyến đường ống dẫn dầu bí mật chạy thẳng đến Thổ Nhĩ Kỳ và lọt vào tay một số đầu nậu, rồi được bán với giá rẻ mạt. Tuyến đường ống dẫn dầu bất hợp pháp này hoạt động được nhờ sự tiếp tay của chính quyền địa phương các bên, vốn cũng hưởng phần lợi từ việc bán hydrocarbon (dầu thô).
Liên quan đến vấn đề này, một cựu nhân viên CIA khác và cũng là điều tra viên cao cấp của Ủy ban Quan hệ Quốc tế của Thượng viện Mỹ là ông John Kyriacou đã phát biểu rằng, các phần tử khủng bố IS đã xây đường ống dẫn dầu bí mật đến Thổ Nhĩ Kỳ từ rất lâu trước khi tuyên bố nhà nước này thành lập. Khi ấy, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chưa xem IS là kẻ thù, thậm chí ngấm ngầm chống lưng cho tổ chức này.
Theo các dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, những phần tử Hồi giáo cực đoan từ “Caliphate” (lãnh thổ tự xưng của Nhà nước Hồi giáo) kiếm được tới 500 triệu USD mỗi năm nhờ việc bán dầu trái phép. Trong mấy năm qua, nguồn thu nhập từ dầu mỏ đã đem lại cho IS vài tỷ USD lợi nhuận. Nguồn thu nhập này cùng với lợi nhuận từ việc thu phí trung chuyển ma túy, buôn bán người và nội tạng, cướp đoạt và buôn bán cổ vật đã biến IS thành tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới, rủng rỉnh tiền để mua vũ khí, các trang thiết bị và chiêu mộ binh lính.
Một chuyên gia người Iran phân tích rằng, IS là một nguyên nhân làm sụt giảm giá dầu thế giới. Tổ chức khủng bố này nhận được khoảng 50 triệu USD/ tháng từ việc bán dầu. Trong buổi đàm đạo với đài "Sputnik", nhà chính trị học Iran Mosayeb Na'imi, Tổng Biên tập tờ báo "Al-Vafag" khẳng định rằng, IS thực sự nhận được rất nhiều tiền từ việc bán dầu...
Trả lời phỏng vấn của báo chí Nga, cựu nghị sỹ đối lập Đảng Cộng hòa nhân dân của tỉnh Hatay-Thổ Nhĩ Kỳ là ông Mehmet Ali Ediboglu, đã bình luận về các nguồn tài chính của tổ chức khủng bố IS. Theo ông Ediboglu, vàng đen là nguồn thu lớn nhất của các phần tử thánh chiến, nhất là khi giá dầu từ năm ngoái trở về trước có giá cao chót vót. Việc IS có được nguồn thu nhập kếch xù là nhờ sự trợ giúp của các doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, những người đã tham gia trực tiếp bán dầu từ các nguồn cung của IS cho các đối tác ở châu Âu, châu Á.
Bản đồ khai thác và tiêu thụ dầu của IS. |
Ông Ediboglu cho biết, trong khu vực Raqqa có các mỏ dầu của Syria, hiện do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát. Phụ trách việc này là một nhóm người, bao gồm những kẻ thân cận với thủ lĩnh của tổ chức khủng bố IS, cùng với một số doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bán dầu. Vị cựu dân biểu Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, trước đây bản thân ông và một số cộng sự đã bắt đầu tích cực điều tra vấn đề này và đệ trình một báo cáo lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), cùng với một bản được đưa lên trước đó, giúp Hội đồng Bảo an mở ra cuộc điều tra về vấn đề IS bán dầu lậu.
Tổ chức khủng bố này đã đầu tư chiêu mộ hàng trăm kỹ sư và hàng ngàn công nhân để khai thác dầu, và sau đó dầu được tuồn qua Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua các tuyến đường ống bí mật, với sự trung gian của các doanh nghiệp thân cận, thuộc quyền sở hữu của một doanh nhân tên Barzani. Trong báo cáo mà ông đã chuẩn bị hồi năm ngoái, có bằng chứng cho thấy, doanh thu dầu mỏ ban đầu của IS chỉ khoảng 800 triệu USD, sau đó con số này tăng lên tới 2 tỷ USD.
Nhà phân tích tài chính Tyler Durden thì cho rằng: Ai đang mua hàng triệu thùng dầu của IS và bán lại cho các bên quan tâm khác? Kẻ trung gian là ai? "Họ có thể là những ai? Kẻ trung gian có cùng tên với các nhân vật khá tiếng tăm trên thị trường như Glencore, Vitols, Trafiguras, Nobels, Mercurias...", Durden chỉ rõ. Ông nói thêm, một số gia tộc đình đám thế giới trước đây chưa bao giờ lưỡng lự trong việc cấp tiền cho những kẻ khủng bố. Kẻ nào thú nhận hiện vẫn là bí mật, nhưng không nghi ngờ gì nữa, họ hoàn toàn biết rõ là mình đang hợp tác với IS, Durden khẳng định.
Theo ông, bất cứ ai là "kẻ trung gian" bí ẩn thì chắc chắn tình báo, Lầu Năm Góc và cả Chính phủ Mỹ cũng đều biết rõ. Vì thế, "cho dù ai là kẻ vi phạm các luật tài trợ cho khủng bố khi mua dầu của IS, thì đều được các chính phủ thuộc "liên minh phương Tây" phê chuẩn ngầm. Và đó là lý do tại sao, các chính phủ đó cho phép kẻ trung gian tiếp tục cấp tiền cho IS lâu tới vậy"- Durden viết.
Hiện nay, cuộc điều tra về vấn đề trên vẫn tiếp tục, có thông tin cho biết, có tới 27 doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đang trực tiếp tham gia vào thương vụ bắt tay với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo để buôn bán dầu bất hợp pháp. Chính quyền trung ương Iraq và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang xúc tiến việc điều tra, đồng thời đã đưa ra một số biện pháp để ngăn cản dòng chảy dầu lậu. Rất có thể là LHQ đã cung cấp danh sách các doanh nghiệp buôn bán bất hợp pháp cho lãnh đạo Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, vẫn chưa có biện pháp nào ngăn chặn được việc IS buôn bán dầu...