Trung Đông “nổi bão” sau quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Mỹ

09:07 22/12/2018
Ngày 19-12 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria. Chỉ một ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng nước này James Mattis - người vốn có quan điểm quân sự khác biệt với ông trong vấn đề Syria - tuyên bố từ chức.

Những động thái liên tiếp dường như đang làm rõ nét hơn một chính sách quân sự mới "ngược dòng truyền thống" vốn không được lòng giới chức Mỹ của ông chủ Nhà Trắng tại khu vực này.

Trong bức thư từ chức được AP đăng tải hôm 20-12 (giờ địa phương), ông James Mattis đã gửi lời nhắn đến Tổng thống Mỹ rằng: "Vì ngài có quyền lựa chọn một Bộ trưởng Quốc phòng có quan điểm phù hợp hơn với mình, tôi tin rằng việc tôi từ chức là đúng đắn", thông điệp phần nào khẳng định sự bất đồng trong quan điểm chính là lý do mà ông Mattis rời đi.

Theo một số quan chức cấp cao đã và đang hoạt động trong chính quyền Mỹ, ông Mattis cho rằng nhiệm vụ chống khủng bố tại Syria chưa kết thúc và sự hiện diện của quân đội Mỹ, dù không quá lớn, là cần thiết. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã cố gắng giải thích cho Tổng thống rằng thiếu vắng sự hiện diện của Lầu Năm Góc, khu vực này sẽ trở nên hỗn loạn và ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, quyết định ngày 19-12 của Tổng thống Trump cho thấy ông gạt sang một bên lời khuyên giải của vị tướng kỳ cựu này.

Đăng tải trên trang Twitter cá nhân hôm 19-12 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ khẳng định: "Chúng tôi đã đánh bại IS tại Syria, lý do duy nhất cho sự hiện diện (của binh sĩ Mỹ) ở đó trong nhiệm kỳ Tổng thống của tôi". Lời tuyên bố như "giọt nước tràn ly" đã khiến vị tướng bốn sao James Mattis "tiếp bước" những vị tướng khác rời khỏi chính phủ Mỹ.

Không thể phủ nhận việc Mỹ rút lực lượng khỏi Syria được coi là dấu chấm hết đối với chính sách hiện diện quân sự dài hạn tại quốc gia này, Reuters nhận định. Chính quyền Mỹ, vốn vẫn tồn tại nhiều bất đồng kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, cũng thêm một lần dậy sóng trước quyết định rút quân khỏi Syria của ông Trump, với quan ngại rằng chính sách Trung Đông của Washington sẽ bị tác động nghiêm trọng.

Nhiều nghị sỹ Mỹ, trong đó có các nghị sỹ đảng Cộng hòa, quan chức Bộ Quốc phòng cũng như các đồng minh quốc tế của Washington đã lên tiếng phản đối quyết định này. Hầu hết các ý kiến chỉ trích cho rằng việc rút quân có thể tác động đến tình hình thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất thường, củng cố vai trò của Nga và Iran - vốn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad - trong khu vực.

Bên cạnh đó, quyết định này còn khiến số phận của liên minh giữa các tay súng người Kurd và Arab, trong đó lực lượng người Kurd chiếm đa số, còn gọi là Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF), được Mỹ ủng hộ, tham gia cuộc chiến chống IS, rơi vào tình cảnh không chắc chắn. Trong bối cảnh Nga, đồng minh chính của Chính phủ Syria, đang thể hiện vai trò dẫn dắt tiến trình hòa bình ở Syria thông qua phối hợp với các đối tác ở khu vực gồm Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, AP cho rằng, động thái mới của Washington sẽ khiến các đồng minh của nước này tại Syria bị suy yếu và hoạt động thông tin tình báo của Mỹ trong khu vực cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Đoàn xe của quân đội Mỹ di chuyển gần làng Yalanli, ngoại ô thành phố Manbij phía bắc Syria hồi năm 2017. Ảnh: Getty Image.

Theo bà Victoria Nuland, Giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh Mỹ mới, quyết định của Tổng thống Trump gần như sẽ tạo ra sự “phân mảnh” an ninh, tiếp thêm sức mạnh cho IS, thúc đẩy Iran gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và tất cả sẽ dẫn đến kết quả là Mỹ buộc phải quay trở lại Syria với những chi phí quân sự lớn hơn, trong điều kiện bất lợi hơn.

Song, sự ra đi của vị tướng gạo cội James Mattis cũng đang phần nào phác họa rõ nét hơn một chính sách mới của Tổng thống Trump tại Trung Đông mà cụ thể hơn là tại Syria, một chính sách được giới phân tích đánh giá đi ngược lại những chiến lược truyền thống mà cường quốc này vẫn theo đuổi. Một số chuyên gia khác ủng hộ quyết định của ông chủ Nhà Trắng khi cho rằng "bình ổn Syria" chưa bao giờ, hoặc không nên, là mục tiêu của nhà lãnh đạo này.

Ông Christian Whiton, chuyên gia tại Trung tâm Vì lợi ích quốc gia (Mỹ), nhận định với kênh Fox News rằng thành tựu quan trọng nhất đến từ việc rút quân là ông Trump có thể tái tập trung sức mạnh quân sự để đối phó với những đối thủ mạnh của Mỹ lúc này. Giới phân tích cũng nhận định, việc Mỹ rút quân khỏi Syria có thể giúp nhường quyền kiểm soát cho Thổ Nhĩ Kỳ, giải quyết tình hình căng thẳng giữa hai thành viên NATO.

Còn với Joe Macaron, học giả thuộc Trung tâm Arab tại Washington, việc rút quân đột ngột có thể nhằm khẳng định quyền lực trong nước của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bối cảnh ông bị gây sức ép trong các vấn đề đối ngoại then chốt liên quan tới Nga và Arab Saudi.

Tuy nhiên, ngay cả khi Tổng thống Trump ngày 19-12 tuyên bố rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Syria, cục diện Syria chưa hẳn đã thay đổi, bởi Mỹ hoàn toàn có thể can thiệp quân sự vào Syria từ khoảng 20 căn cứ quân sự của Washington ở Trung Đông, tương tự như chiến dịch không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Syria hồi tháng 4 vừa qua.

Nói cách khác, Mỹ không từ bỏ lợi ích của mình ở Trung Đông, mà sẽ chuyển sang chiến lược can thiệp có lựa chọn, phần còn lại sẽ dựa vào các đồng minh thân cận trong khu vực, thay vì "nhúng tay" toàn diện.

An Nhiên (tổng hợp)

Từ một cơ sở massage nằm trong tầng hầm khách sạn sang trọng giữa trung tâm Hà Nội, một đường dây tổ chức mua bán dâm tinh vi đã được dựng lên, hoạt động có tổ chức và thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Với sự vào cuộc quyết liệt, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã bóc gỡ toàn bộ đường dây tội phạm này.

Tháng 5/2016, ông Phạm Thế Hùng (SN 1971) được Chủ tịch HĐQT Công ty CP DV vận tải biển Hải Vân (Công ty Hải Vân, trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm, mức lương 56 triệu đồng/tháng, tương đương với 672 triệu đồng/năm. Một ngày sau khi được ký hợp đồng lao động, công ty mở tài khoản trả lương cho ông Hùng tại ngân hàng…

Để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, Cục CSGT thông báo số điện thoại tiếp nhận thông tin của các Trưởng phòng CSGT toàn quốc để tiếp nhận, xử lý các thông tin liên quan đến tình hình TTATGT, hoạt động của lực lượng CSGT. Các số điện thoại này đều được thiết lập Zalo, Viber…

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, thời tiết mưa nắng thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tháo dỡ công trình cũng như xây dựng nhà ở. Thế nhưng, tính đến ngày 26/7, CBCS Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Đông Bắc đã tổ chức tháo dỡ thành công 3 nhà cũ nát; vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, sửa chữa xong 3 nhà và đang tiếp tục xây 2 nhà tại bản Chằng, xã Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Chưa kịp lắng xuống sau vụ xe tải bel dừng ngay giữa đường sắt tại Đà Nẵng gây bức xúc dư luận, lực lượng chức năng lại tiếp tục nhận được phản ánh về hàng loạt xe tải nối đuôi vượt rào, tông gãy cần chắn tại địa bàn giáp ranh – tỉnh Quảng Ngãi. Đáng lo ngại, nhiều phương tiện bất chấp tín hiệu cảnh báo vẫn dừng trên đường ray tại đường ngang km898+450, đẩy nguy cơ tai nạn đường sắt lên mức báo động đỏ…

Ngay sau khi nhận được thông tin phối hợp truy bắt đối tượng bỏ trốn, Phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhanh lực lượng cùng phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành bắt giữ đối tượng Trần Hải Quỳnh và thu giữ 2 súng quân dụng, nhiều tang vật liên quan đang bỏ trốn tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị.

Ngày 26/7, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cục Cảnh sát Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, Hãng hàng không VietNam Airlines và các đơn vị có liên quan đã chính thức triển khai giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học trên ứng dụng VNeID phục vụ hành khách làm thủ tục lên tàu bay tại Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.