Vaccine COVID-19 bị nước giàu mua hết, các nước nghèo chờ đến bao giờ?

15:30 13/12/2020
Các hãng dược phẩm cam kết cho ra lò hàng tỷ liều vaccine COVID-19 cho toàn thế giới từ nay đến cuối năm 2021, song các chuyên gia lo ngại số vaccine này đã được các nước giàu có mua tích trữ hết và các nước nghèo hơn rất khó tiếp cận sớm.

Ngày mai (14/12), hàng ngàn người đầu tiên tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, sẽ được tiêm vaccine COVID-19 trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sau khi cơ quan dược phẩm Mỹ FDA chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp cho mẫu vaccine của hãng dược Pfizer.

Các chuyên gia lo ngại châu Phi sẽ mất nhiều năm để tiếp cận vaccine COVID-19. Ảnh: ITN

Theo thông báo của giới chức Mỹ, quân đội nước này cũng được huy động cùng các cơ quan khác nhằm đưa vaccine tới hàng ngàn điểm tiêm chủng nhanh nhất. Nhân viên y tế và người già tại các viện dưỡng lão sẽ được ưu tiên tiêm trước trong loạt 2,9 triệu liều vaccine đầu tiên.

Tiến sĩ Moncef Slaoui, người đứng đầu Operation Warp Speed - chiến dịch Thần tốc của Chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy nghiên cứu và cung cấp vaccine COVID-19, khẳng định, nước này sẵn sàng khả năng phân phối, tiêm cho 100 triệu người dân trước cuối tháng 2/2021, tức đủ cho những người Mỹ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Trước Mỹ, một loạt cường quốc khác, gồm Nga, Anh, Canada cũng đã khởi động chương trình tiêm chủng quy mô lớn, trong các bước đi được cả thế giới quan sát kĩ lưỡng, thậm chí được mô tả là dấu hiệu cho thấy thời điểm kết thúc của COVID-19 cuối cùng đã đến.

Tuy nhiên, với cái nhìn thận trọng hơn, giới chuyên gia cho rằng cuộc chạy đua để chấm dứt đại dịch, cuộc đua tiêm vaccine, sẽ tách biệt thế giới thành nơi của những người giàu có, và nơi của những người nghèo khó, trong bối cảnh một số quốc gia tăng cường tích trữ vaccine.

Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, một nỗ lực toàn cầu để đưa vaccine bình đẳng tới tay tất cả mọi người đã được xây dựng, mang tên COVAX, do Liên minh Vaccine (GAVI) dẫn dắt.

CNN mô tả COVAX tập trung vào hai hướng: Các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cam kết tài trợ để đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine và sản xuất vaccine công bằng. Các nước nghèo hơn, chủ yếu ở Châu Phi, tham gia COVAX để được hỗ trợ vaccine.

Hiện, 189 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia sáng kiến COVAX, song không gồm Mỹ và Nga. Người phát ngôn GAVI nói rằng họ đã huy động được hơn 2 tỷ USD để mua vaccine cho các nước nghèo nhất và cần huy động hơn 5 tỷ USD vào cuối năm sau. Số tiền này đủ để mua hàng trăm triệu liều vaccine cung cấp cho các nước nghèo.

Thế nhưng có một vấn đề là tiền không thể mua được những liều vaccine đã bán.

Các nước giàu có đã tham gia chương trình mua sắm vaccine từ nhiều tháng. Một cơ sở dữ liệu được cập nhật liên tục do Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke biên soạn đã ghi nhận các giao dịch song phương liên quan đến vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ USD.

Có tình trạng một số nước và khối khu vực đặt trước lượng vaccine có thể bao phủ nhiều hơn toàn bộ dân số của họ. Liên minh vaccine nhân dân (PVA), một cơ quan giám sát vaccine quốc tế, bao gồm Tổ chức Ân xá quốc tế và Oxfam, cho biết các quốc gia giàu có thậm chí đã mua đủ liều vaccine để chủng ngừa cho 3 lần dân số.

Trong đó, chỉ riêng Chính phủ Canada đã đặt mua hàng loạt loại vaccine khác nhau, với số lượng liều có thể tiêm đủ cho từ 5-6 lần tổng dân số nước này, khoảng 37,6 triệu người, dù rằng không phải ứng viên vaccine nào mà Canada đặt hàng trước cũng được cấp phép sử dụng.

Dữ liệu của PVA cũng chỉ ra rằng, trong khi các quốc gia giàu nhất thế giới đang bàn thảo các thoả thuận, thì gần 70 quốc gia nghèo khó, trong trường hợp thuận lợi nhất, thì cũng chỉ đủ khả năng tiêm chủng khoảng 1/10 dân số cho đến hết năm 2021.

Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi John Nkengasong cách đây không lâu cảnh báo với CNN, việc các nước nghèo không có khả năng tiếp cận vaccine sẽ là "thảm họa".

"Thời điểm mà tất cả chúng ta đã nói đến, về sự đoàn kết toàn cầu và sự hợp tác toàn cầu, là bây giờ. Phép thử là ngay lúc này. Thật thiếu bình đẳng nếu một số quốc gia thừa mứa vaccine, trong khi một số khu vực khác trên thế giới hoàn toàn không có được bất cứ liều vaccine nào", John Nkengasong cảnh báo.

Một số chuyên gia khác thì nhấn mạnh, hiệu quả của các loại vaccine trên thị trường là khá cao, song chúng thường chỉ duy trì được một vài năm. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát trên toàn cầu, nguy cơ dịch tái bùng phát là khó tránh. Điều này khiến các nước càng có thêm nhu cầu tích trữ đa dạng vaccine.

Vẫn theo CNN, tình trạng bất bình đẳng không phải là chưa từng xảy ra. Khi đại dịch virus cúm A bùng phát năm 2009, các nước châu Phi chỉ được tiếp cận vaccine nhiều tháng sau khi các nước giàu có hơn hoàn tất tiêm chủng.

Trước đó hơn một thập kỷ, năm 1996, phương pháp điều trị bệnh nhân HIV bằng thuốc kháng virus ARV được quảng bá rầm rộ. Rốt cuộc thuốc chỉ dành cho các nước phương Tây và chỉ xuấ hiện ở châu Phi sau nhiều năm.

Theo BMJ, việc chậm trễ triển khai chương trình thuốc kháng virus ARV ở châu Phi đã gây tổn thất kinh hoàng về người, trong đó chỉ tính riêng Nam Phi là khoảng 330.000 người, tính từ năm 2000 đến 2005.

Được biết, các nhà lãnh đạo của sáng kiến COVAX hy vọng sẽ cung cấp khoảng hai tỷ mũi vaccine, tức khoảng một tỷ liều, vào cuối năm 2021, song con số đó chỉ đáp ứng 20% dân số các nước tham gia chương trình.

Gần đây, một số tổ chức quốc tế đã kêu gọi ủng hộ kiến nghị của Nam Phi và Ấn Độ lên Hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị COVID-19, từ đó giúp cho việc phổ biến vaccine được rộng rãi hơn, tạo điều kiện cho các nước nghèo tiếp cận.

CNN, trong khi đó, dẫn lời các quan chức y tế công cộng kì vọng các quốc gia giàu có sẽ chuyển các đơn đặt hàng không sử dụng của họ sang COVAX.  Tuy nhiên, việc bàn giao này diễn ra thế nào thì chưa thể làm rõ.

Thiện Nhân

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文