Vaccine COVID-19 bị nước giàu mua hết, các nước nghèo chờ đến bao giờ?

15:30 13/12/2020
Các hãng dược phẩm cam kết cho ra lò hàng tỷ liều vaccine COVID-19 cho toàn thế giới từ nay đến cuối năm 2021, song các chuyên gia lo ngại số vaccine này đã được các nước giàu có mua tích trữ hết và các nước nghèo hơn rất khó tiếp cận sớm.

Ngày mai (14/12), hàng ngàn người đầu tiên tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, sẽ được tiêm vaccine COVID-19 trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sau khi cơ quan dược phẩm Mỹ FDA chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp cho mẫu vaccine của hãng dược Pfizer.

Các chuyên gia lo ngại châu Phi sẽ mất nhiều năm để tiếp cận vaccine COVID-19. Ảnh: ITN

Theo thông báo của giới chức Mỹ, quân đội nước này cũng được huy động cùng các cơ quan khác nhằm đưa vaccine tới hàng ngàn điểm tiêm chủng nhanh nhất. Nhân viên y tế và người già tại các viện dưỡng lão sẽ được ưu tiên tiêm trước trong loạt 2,9 triệu liều vaccine đầu tiên.

Tiến sĩ Moncef Slaoui, người đứng đầu Operation Warp Speed - chiến dịch Thần tốc của Chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy nghiên cứu và cung cấp vaccine COVID-19, khẳng định, nước này sẵn sàng khả năng phân phối, tiêm cho 100 triệu người dân trước cuối tháng 2/2021, tức đủ cho những người Mỹ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Trước Mỹ, một loạt cường quốc khác, gồm Nga, Anh, Canada cũng đã khởi động chương trình tiêm chủng quy mô lớn, trong các bước đi được cả thế giới quan sát kĩ lưỡng, thậm chí được mô tả là dấu hiệu cho thấy thời điểm kết thúc của COVID-19 cuối cùng đã đến.

Tuy nhiên, với cái nhìn thận trọng hơn, giới chuyên gia cho rằng cuộc chạy đua để chấm dứt đại dịch, cuộc đua tiêm vaccine, sẽ tách biệt thế giới thành nơi của những người giàu có, và nơi của những người nghèo khó, trong bối cảnh một số quốc gia tăng cường tích trữ vaccine.

Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, một nỗ lực toàn cầu để đưa vaccine bình đẳng tới tay tất cả mọi người đã được xây dựng, mang tên COVAX, do Liên minh Vaccine (GAVI) dẫn dắt.

CNN mô tả COVAX tập trung vào hai hướng: Các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cam kết tài trợ để đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine và sản xuất vaccine công bằng. Các nước nghèo hơn, chủ yếu ở Châu Phi, tham gia COVAX để được hỗ trợ vaccine.

Hiện, 189 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia sáng kiến COVAX, song không gồm Mỹ và Nga. Người phát ngôn GAVI nói rằng họ đã huy động được hơn 2 tỷ USD để mua vaccine cho các nước nghèo nhất và cần huy động hơn 5 tỷ USD vào cuối năm sau. Số tiền này đủ để mua hàng trăm triệu liều vaccine cung cấp cho các nước nghèo.

Thế nhưng có một vấn đề là tiền không thể mua được những liều vaccine đã bán.

Các nước giàu có đã tham gia chương trình mua sắm vaccine từ nhiều tháng. Một cơ sở dữ liệu được cập nhật liên tục do Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke biên soạn đã ghi nhận các giao dịch song phương liên quan đến vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ USD.

Có tình trạng một số nước và khối khu vực đặt trước lượng vaccine có thể bao phủ nhiều hơn toàn bộ dân số của họ. Liên minh vaccine nhân dân (PVA), một cơ quan giám sát vaccine quốc tế, bao gồm Tổ chức Ân xá quốc tế và Oxfam, cho biết các quốc gia giàu có thậm chí đã mua đủ liều vaccine để chủng ngừa cho 3 lần dân số.

Trong đó, chỉ riêng Chính phủ Canada đã đặt mua hàng loạt loại vaccine khác nhau, với số lượng liều có thể tiêm đủ cho từ 5-6 lần tổng dân số nước này, khoảng 37,6 triệu người, dù rằng không phải ứng viên vaccine nào mà Canada đặt hàng trước cũng được cấp phép sử dụng.

Dữ liệu của PVA cũng chỉ ra rằng, trong khi các quốc gia giàu nhất thế giới đang bàn thảo các thoả thuận, thì gần 70 quốc gia nghèo khó, trong trường hợp thuận lợi nhất, thì cũng chỉ đủ khả năng tiêm chủng khoảng 1/10 dân số cho đến hết năm 2021.

Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi John Nkengasong cách đây không lâu cảnh báo với CNN, việc các nước nghèo không có khả năng tiếp cận vaccine sẽ là "thảm họa".

"Thời điểm mà tất cả chúng ta đã nói đến, về sự đoàn kết toàn cầu và sự hợp tác toàn cầu, là bây giờ. Phép thử là ngay lúc này. Thật thiếu bình đẳng nếu một số quốc gia thừa mứa vaccine, trong khi một số khu vực khác trên thế giới hoàn toàn không có được bất cứ liều vaccine nào", John Nkengasong cảnh báo.

Một số chuyên gia khác thì nhấn mạnh, hiệu quả của các loại vaccine trên thị trường là khá cao, song chúng thường chỉ duy trì được một vài năm. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát trên toàn cầu, nguy cơ dịch tái bùng phát là khó tránh. Điều này khiến các nước càng có thêm nhu cầu tích trữ đa dạng vaccine.

Vẫn theo CNN, tình trạng bất bình đẳng không phải là chưa từng xảy ra. Khi đại dịch virus cúm A bùng phát năm 2009, các nước châu Phi chỉ được tiếp cận vaccine nhiều tháng sau khi các nước giàu có hơn hoàn tất tiêm chủng.

Trước đó hơn một thập kỷ, năm 1996, phương pháp điều trị bệnh nhân HIV bằng thuốc kháng virus ARV được quảng bá rầm rộ. Rốt cuộc thuốc chỉ dành cho các nước phương Tây và chỉ xuấ hiện ở châu Phi sau nhiều năm.

Theo BMJ, việc chậm trễ triển khai chương trình thuốc kháng virus ARV ở châu Phi đã gây tổn thất kinh hoàng về người, trong đó chỉ tính riêng Nam Phi là khoảng 330.000 người, tính từ năm 2000 đến 2005.

Được biết, các nhà lãnh đạo của sáng kiến COVAX hy vọng sẽ cung cấp khoảng hai tỷ mũi vaccine, tức khoảng một tỷ liều, vào cuối năm 2021, song con số đó chỉ đáp ứng 20% dân số các nước tham gia chương trình.

Gần đây, một số tổ chức quốc tế đã kêu gọi ủng hộ kiến nghị của Nam Phi và Ấn Độ lên Hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị COVID-19, từ đó giúp cho việc phổ biến vaccine được rộng rãi hơn, tạo điều kiện cho các nước nghèo tiếp cận.

CNN, trong khi đó, dẫn lời các quan chức y tế công cộng kì vọng các quốc gia giàu có sẽ chuyển các đơn đặt hàng không sử dụng của họ sang COVAX.  Tuy nhiên, việc bàn giao này diễn ra thế nào thì chưa thể làm rõ.

Thiện Nhân

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文