Vaccine COVID-19 phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh EU
- Nhà máy của AstraZeneca bị cảnh sát Italia kiểm tra đột xuất
- EU "tin chắc" vào lợi ích của vaccine AstraZeneca
Theo dữ liệu của EU, đây là lần thứ 11 các nhà lãnh đạo của khối nhóm họp thượng đỉnh bằng hình thức trực tuyến, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trong thư mời dự họp gửi đến lãnh đạo các nước thành viên hôm 24/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, ưu tiên lớn nhất của châu Âu vào thời điểm này là đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine COVID-19 và đây cũng là vấn đề mà các nước tập trung thảo luận. Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, EU đã lên kế hoạch tiêm chủng từ năm ngoái.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tham gia một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với lãnh đạo các nước EU. Ảnh: EU. |
Số liệu được công bố cách đây hai tháng cho thấy EU đã đặt hàng tới 1,6 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho tổng dân số gần 450 triệu người. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm chủng trên thực tế tại chậm hơn rất nhiều so với các nước như Mỹ và Anh - quốc gia vừa rời EU cách đây không lâu, một phần nguyên nhân bởi khâu phê duyệt phức tạp, tốn nhiều thời gian, cùng tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine theo hợp đồng với hãng dược AstraZeneca.
Tại cuộc họp lần này, DW nói rằng bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), sẽ có trách nhiệm cập nhật cho các nhà lãnh đạo về nỗ lực tăng cường sản xuất và cung ứng vaccine. Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các bước thắt chặt xuất khẩu vaccine được sản xuất trong khối để đảm bảo nguồn cung, trong bối cảnh nhiều bên chỉ trích AstraZeneca không chuyển đủ vaccine như cam kết cho EU là bởi hãng này ưu tiên chuyển vaccine sang Anh.
Trong diễn biến liên quan trực tiếp, cảnh sát Italy ngày 24/3 đã đột kích một nhà máy của AstraZeneca theo đề nghị của EC và phát hiện 29 triệu liều vaccine bên trong, dấy lên lo ngại vaccine đã bị tích trữ. Italia nói họ không hề hay biết về lô vaccine "khủng" này, còn AstraZeneca phân bua rằng phần lớn số vaccine tại nhà máy ở Italia là dành cho các nước EU và phần còn lại dành cho quốc tế theo sáng kiến vaccine COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Cùng thời điểm vụ đột kích, EC đã thông qua quy định mới về việc cấm hoàn toàn xuất khẩu vaccine sản xuất tại khối sang các quốc gia, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn hoặc đã ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu vaccine COVID-19.
Thủ tướng Anh cùng ngày chỉ trích bước đi trên và cảnh báo EU mới là bên chịu thiệt. Nhằm hạ nhiệt căng thẳng, hai bên ra tuyên bố chung tối 24/3 khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm một giải pháp mà hai bên đều có lợi. Các nhà lãnh đạo EU được cho là sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong cuộc gặp lần này.
Bên cạnh "cuộc chiến" đảm bảo nguồn cung vaccine COVID-19, cuộc gặp là dịp để lãnh đạo các nước EU thảo luận về nỗ lực cải thiện quan hệ đồng minh với Mỹ và xác định lại quan hệ với Nga. Theo Euronews, châu Âu đã mời Tổng thống Mỹ Joe Biden dự cuộc họp quan trọng.
Trong tuyên bố sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chiều 24/3, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell khẳng định Brussels và Washington đã đạt được nhận thức chung và sẽ phối hợp nhịp nhàng hơn nữa trong cách ứng phó với Nga.
"Chúng tôi đã đạt đồng thuận phối hợp nhằm xử lý thái độ đối đầu hiện nay của Nga và khuyến khích Nga từ bỏ con đường này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẵn sàng hợp tác với Nga trong các vấn đề có chung lợi ích", ông này nói.
Căng thẳng giữa Nga và châu Âu gần đây leo thang xung quanh tình hình của nhân vật đối lập tai tiếng người Nga Alexei Navalny. EU hồi tháng 2/2021 ban bố các biện pháp trừng phạt chống Moscow sau khi tòa án Nga tuyên phạt tù ông này vì một vụ án kinh tế, khiến Điện Kremlin nổi giận và cảnh báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Brussels.
Điểm "nóng" tiếp theo trong nghị sự của các nhà lãnh đạo châu Âu là tình hình căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải, nơi Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đang tranh chấp quyết liệt. Tuần trước, hai nước đã ngồi lại thảo luận, song cũng như hơn 60 vòng đàm phán khác được tiến hành từ năm 2002, không có bất cứ nội dung quan trọng nào được thông qua. Thổ Nhĩ Kỳ và EU có quan hệ phức tạp dù cùng là đồng minh trong NATO. EU từng chỉ trích Ankara nhiều lần, về nhiều vấn đề, nhưng vẫn cần nước này giúp ngăn làn sóng người di cư từ Trung Đông, châu Phi; cũng như để giải quyết các vấn đề quốc tế nổi cộm như Syria.
Vẫn theo Euronews, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ dành một khoảng thời gian đáng kể để thảo luận về chiến lược kỹ thuật số cho thập kỷ tới, cùng việc tăng cường kiểm soát và đánh thuế công nghệ, nhắm mục tiêu chính vào các hãng công nghệ hàng đầu như Apple, Facebook, Google... EU được cho là muốn phối hợp cùng Mỹ trong nỗ lực này. Khối gần đây liên tiếp hối thúc các hãng công nghệ nỗ lực hết mình để chống lại chủ nghĩa cực đoan trên mạng Internet, hoặc là họ sẽ có chế tài nghiêm khắc nếu các hãng không tự điều chỉnh.