Việt Nam được đánh giá cao trong vai trò Chủ tịch ASEAN
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch COVID-19 bằng hình thức trực tuyến diễn ra chiều 14/4. |
Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu ngày 1/4 khẳng định nước này “đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong thời gian làm Chủ tịch ASEAN” đã chủ động kêu gọi và tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch COVID-19 bằng hình thức trực tuyến, với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN và ba nước đối tác đối thoại ở khu vực Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongphane Savanphet cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 trong việc dẫn dắt và thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng chung, đặc biệt trong thời điểm khu vực và thế giới đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Theo ông, Việt Nam đang làm rất tốt việc nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt là trong hệ đối ngoại với các đối tác và các tổ chức quốc tế.
Trong khi đó, Tiến sĩ Robin Ramcharan, giảng viên Đại học Webster University Thailand, Giám đốc điều hành Trung tâm châu Á (Asia Center) có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan) nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã khéo léo dẫn dắt ASEAN trong cuộc khủng hoảng này, bao gồm đưa ra quyết định đầy trách nhiệm đối với việc chuyển Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sang tháng 6-2020. Việt Nam cũng đã tham gia vào việc xử lý khủng hoảng thông qua tất cả các kênh đối thoại hiện có, đồng thời đã huy động được một sự phản ứng mang tính gắn kết của ASEAN thông qua Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Phản ứng tập thể của ASEAN đối với đại dịch COVID-19.
Theo đề nghị của Việt Nam, Hội đồng điều phối ASEAN đã họp ở Lào trong ngày 20/2 vừa qua. Việt Nam cũng đã đề xuất thành lập một nhóm làm việc của ACC để phản ứng với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, đề nghị này sau đó đã được thông qua. Việt Nam đã kêu gọi nâng cao hiệu quả chia sẻ thông tin, cải thiện quan hệ với các nước, tổ chức khu vực liên quan và tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết khủng hoảng. Với tất cả những công việc đã triển khai, Việt Nam đang giữ đúng tinh thần theo đuổi chủ đề năm Chủ tịch ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng”.
Theo Tiến sĩ Robin Ramcharan, Việt Nam được đánh giá cao như một hình mẫu trong quá trình xử lý cuộc khủng hoảng, khi nước này có số ca nhiễm thấp (hơn 260 ca) và chưa có trường hợp nào tử vong. Việt Nam đã áp dụng các biện pháp nghiêm khắc từ rất sớm so với các nước khác trong khu vực. Các biện pháp hiệu quả đã được áp dụng gồm có truy nguyên nguồn lây, nhận diện và cách ly người nhiễm bệnh và những người tiếp xúc, cả F1 và F2, đồng thời kiểm soát nghiêm túc các ca nghi nhiễm. Trong thời điểm làn sóng lây nhiễm thứ hai chuẩn bị xuất hiện, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác xét nghiệm trên diện rộng trong khả năng nguồn lực của mình.
Về phần mình, Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Thái Lan (ISIS), đánh giá cao Việt Nam trong công tác chống dịch COVID-19 và khuyến nghị thời gian tới, Việt Nam cần theo dõi sát tình hình và giải quyết hiệu quả những thách thức trước mắt. Đồng thời, giữ vai trò điều phối hoạt động hợp tác phòng chống dịch trong ASEAN và với các nước đối tác, trước hết là trong công tác chia sẻ thông tin về những kinh nghiệm phòng chống dịch, các phương pháp điều trị tốt nhất.
Việt Nam đang có nguồn lực nhất định về các bộ xét nghiệm, có thể chia sẻ hoặc chuyển giao cho các nước trong khu vực. Việt Nam cũng cần phải sắp xếp lại tất cả các chương trình nghị sự của ASEAN, cũng như các khuôn khổ khác do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á, trong bối cảnh các ưu tiên trước mắt đều bị bao trùm do COVID-19.
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nhấn mạnh, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về dịch COVID-19 do Việt Nam tổ chức là biểu tượng của tình đoàn kết trong khu vực và thể hiện rõ vai trò của Khối trong việc phối hợp hành động trước thảm họa chung. Nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Katsuhito Asano cũng khẳng định, việc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến ASEAN+3 về ứng phó dịch COVID-19 thời điểm này là thích hợp nhất và có vai trò quan trọng; bởi trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc xây dựng một khuôn khổ hợp tác, liên kết song phương và đa phương trong phòng, chống dịch là vô cùng cần thiết.
Cựu Thứ trưởng nhấn mạnh, trong cuộc chiến chống đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp nhanh, hiệu quả, là hình mẫu cho các nước. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Robin Ramcharan và Tiến sỹ Thitinan Pongsudhirak đều có chung đánh giá rằng, các Hội nghị ASEAN sẽ mang đến cơ hội lớn và thể hiện quyết tâm đoàn kết của Khối trong việc ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, trong bối cảnh các nước đối tác của khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang có nhiều điều kiện để hỗ trợ cho ASEAN về cả kinh nghiệm lẫn vật chất.
“Cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều xử lý dịch một cách khá hiệu quả. Những gì chúng ta thấy đó là đây là khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nhất nhưng họ đã kiểm soát được, trong khi các nước phương Tây thì chưa có nhiều tiến triển. Tôi nghĩ các nước ASEAN nên coi đây là một cơ hội tốt để chia sẻ qua đó đối phó với dịch bệnh tốt hơn”, ông nhận định.
Cũng theo Giám đốc ISIS, hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN là cơ hội để khối thể hiện vai trò của mình bởi hiện tại trong khối các nước có trình độ vẫn còn khác biệt, vì vậy, cần phải có sự chung tay. Ông đánh giá, vai trò trung tâm của ASEAN đang phải chịu rất nhiều áp lực, nếu không giải quyết tốt cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 thì những thành tựu nhiều năm qua ASEAN đã xây dựng nên sẽ rơi vào quên lãng. Nguy cơ đối với các nước ASEAN đó là việc người dân đi lại dễ dàng nhất là trong khối lục địa. Hơn nữa lượng lao động giữa các nước lại lớn và đó sẽ là nguy cơ tiềm tàng cho dịch bệnh có thể lây nhiễm rộng.
Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Đặng Tích Quân đề cao thế mạnh của cơ chế hợp tác Đông Á ASEAN+3 và tin rằng, Hội nghị trực tuyến ASEAN+3 lần này sẽ thúc đẩy hợp tác của các nước trong lĩnh vực y tế công cũng như tăng cường các biện pháp ứng phó khẩn cấp trước những thảm họa lớn trong khu vực, qua đó tạo nền tảng hình thành một cộng đồng Đông Á.