Vụ xả súng ở Orlando, Mỹ: Thủ phạm từng nhiều lần bị điều tra
Đặc biệt, năm 2014, tên này bị thẩm vấn về mối quan hệ với Moner Mohammad Abusalha, người Mỹ đầu tiên tiến hành đánh bom tự sát ở Syria, thành viên của mạng lưới khủng bố al Qaeda.
Trong thông báo, FBI cho biết, chỉ ít phút trước khi tiến hành vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ vụ tấn công 11-9-2001, tên Mateen được cho là đã gọi điện vào số điện thoại khẩn cấp 911 của cảnh sát Mỹ, tuyên bố trung thành với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đề cập tới những kẻ đánh bom khủng bố tại Boston.
Trước đó, một nguồn tin có liên hệ với IS tuyên bố vụ thảm sát đã được thực hiện bởi “một chiến binh IS” và “nhắm tới một hộp đêm dành cho người đồng tính”. Tuy nhiên, FBI nêu rõ, chưa có dấu hiệu nào cho thấy IS đã đào tạo hoặc hướng dẫn Mateen, hoặc có bất kỳ liên hệ trực tiếp với tên này.
Thủ phạm gây ra cuộc thảm sát ở Orlando, tên Omar Mateen. |
Theo cảnh sát Mỹ, Mateen, 29 tuổi, là công dân Mỹ gốc Afghanstan, sinh ra tại New York và sống tại Florida. Một cơ sở dữ liệu của bang Florida cho biết Mateen có hai giấy phép sở hữu súng: giấy phép của một nhân viên an ninh và một giấy phép sở hữu vũ khí trên toàn tiểu bang.
Cả hai đều dự kiến hết hạn vào tháng 9-2017. Trong khi đó, GS4 – công ty an ninh lớn nhất thế giới xác nhận, Mateen là nhân viên an ninh của công ty này từ năm 2007, có nhiệm vụ bảo vệ tại câu lạc bộ golf PGA Village ở Port St. Lucie tại bang Florida.
G4S cho biết việc mang theo súng là thuộc phận sự của nhân viên, song hãng vẫn đang tìm hiểu liệu súng được sử dụng trong vụ tấn công có liên quan gì đến công việc của Mateen hay không. Đại diện của Cục Phòng chống rượu, thuốc lá, súng đạn và chất nổ (ATF) cho biết, Mateen đã mua hợp pháp một khẩu súng trường và một khẩu súng cầm tay trong tuần qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama miêu tả vụ thảm sát trên “là một lời nhắc nhở thêm về sự dễ dàng để một người nào đó có vũ khí và nã đạn vào người dân tại một trường học, một nhà thờ, một rạp chiếu phim hoặc một hộp đêm”.
Tổng thống Obama và những người ủng hộ một lần nữa kêu gọi đưa ra một đạo luật kiểm soát chặt chẽ hơn quyền sở hữu súng. Trong khi đó, các ứng cử viên tổng thống Mỹ của các đảng đã đồng loạt lên án vụ xả súng bằng những ngôn từ mạnh mẽ.
Ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillay Clinton nhấn mạnh đó là một hành động rất khủng khiếp. Bà Clinton cũng quyết định hoãn chiến dịch tuần hành dự kiến diễn ra vào ngày 15-6 tại bang Wisconsin cùng Tổng thống Obama. Còn ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa Donald Trump thì nêu rõ, các lực lượng chức năng đang điều tra vụ việc theo hướng một hành động khủng bố..
Một số thảm họa xả súng gây chấn động nước Mỹ
Ngày 12-6-2016: Omar Mateen, 29 tuổi, công dân Mỹ gốc Afghanistan đã thực hiện vụ xả súng đẫm máu vào hộp đêm Pulse dành cho người đồng tính ở TP Orlando, bang Florida, khiến 50 người thiệt mạng, 53 người bị thương. Tên này đã bị đội đặc nhiệm SWAT bắn hạ ngay tại hiện trường. Ngày 2-12-2015: Syed Rizwan Farook và Tashfeen Malik, cặp vợ chồng sống ở TP Redlands đã tấn công vào một bữa tiệc của Phòng y tế công San Bernardino, làm 14 người thiệt mạng và 22 người khác bị thương nghiêm trọng. Sau khi xả súng, cặp đôi đã thuê một chiếc xe thể thao và chạy trốn. Bốn tiếng sau, cảnh sát đã bắt kịp chiếc xe và bắn hạ thủ phạm trong vụ đấu súng. Ngày 14-12-2012: Tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtown, bang Connecticut, Adam Lanza, 20 tuổi, đã xả súng khiến 20 trẻ em từ 6-7 tuổi thiệt mạng, cùng với 6 người lớn và làm bị thương một người. Trước khi lái xe tới trường tiểu học, Lanza đã bắn chết mẹ mình tại nhà. Khi cảnh sát tới hiện trường, tên này đã tự sát bằng một phát súng vào đầu. Đây là vụ thảm sát thảm khốc nhất tại các trường tiểu học và trung học ở Mỹ. Ngày 5-11-2009: Thiếu tá Nidal Malik Hasan, bác sĩ tâm thần của quân đội Mỹ đã gây ra vụ xả súng tại căn cứ quân sự Fort Hood, gần Killeen, bang Texas. Vụ việc này khiến 13 người thiệt mạng và 32 người bị thương. Thủ phạm sau đó đã bị kết tội và nhận án 13 năm tù giam. Đây là vụ việc trầm trọng nhất tại một căn cứ quân sự ở Mỹ. Ngày 3-4-2009: Jiverly Wong, một người Mỹ gốc Việt, đã gây ra vụ thảm sát ở Binghamton, New York, khiến 13 người thiệt mạng và 4 người bị thương khi xả súng vào trung tâm nhập cư của Hiệp hội Công dân Hoa Kỳ. Sau đó, tên này đã tự sát. Ngày 16-4-2007: Sinh viên 23 tuổi Seung-Hui Cho, Đại học Công nghệ Virginia, đã xông vào ký túc xá của Đại học Bách khoa Virginia ở Blacksburg, bang Virginia, bắn chết 32 người và làm bị thương 17 người khác trong hai vụ tấn công riêng biệt trước khi tự sát. Đây là vụ tấn công bởi một cá nhân có số người chết nhiều thứ hai trong lịch sử nước Mỹ. Ngày 20-4-1999: Tại Trường Trung học Columbine, ở Littleton, Colorado, hai thủ phạm Eric Harris, 18 tuổi và Dylan Klebold, 17 tuổi đã nổ súng làm 12 bạn cùng lớp và một giáo viên thiệt mạng trước khi tự sát tại thư viện của trường. Hai tay súng này còn làm bị thương 24 người trên đường cố trốn thoát khỏi hiện trường. Ngày 16-10-1991: George Hennard đã bất ngờ tấn công quán cà phê Luby, ở Killeen, bang Texas, bắn liên tiếp khiến 23 người thiệt mạng và 27 người bị thương trước khi tự sát. Ngày 20-8-1986: Tại Sở Cảnh sát Edmond, Oklahoma, nhân viên đưa thư bán thời gian Patrick Henry Sherrill, sử dụng 3 khẩu súng khống chế 20 nhân viên khác, bắn chết 14 người và làm bị thương 6 người trong vòng 10 phút, sau đó tay súng này đã tự sát. Ngày 18-7-1984: Thảm sát tại quán McDonald San Ysidro, San Diego do thủ phạm James Huberty, 41 tuổi, gây ra khiến 21 người lớn và trẻ em thiệt mạng, 19 người khác bị thương. Cuối cùng, tay súng này đã bị đội SWAT bắn hạ. Trần Linh (theo Sputnik) |
Nhiều nước kịch liệt phản đối vụ thảm sát ở Orlando Ngày 13-6, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thay mặt Chính phủ và nhân dân Trung Quốc gửi lời chia buồn sâu sắc tới Tổng thống Mỹ, Chính phủ và người dân Mỹ, cũng như các nạn nhân trong vụ xả súng hôm 12-6 tại hộp đêm Pulse dành cho người đồng tính ở TP Orlando, bang Florida, Mỹ. Cũng từ châu Á, cùng ngày, Chính phủ Malaysia đã lên án vụ xả súng trên. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia nêu rõ: “Malaysia kịch liệt lên án vụ xả súng ở Orlando (Florida) hôm 12-6, khiến 50 người thiệt mạng và 53 người khác bị thương. Chính phủ Malaysia gửi lời chia buồn tới Chính phủ và người dân Mỹ, nhất là gia đình các nạn nhân”. Trong khi đó, Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani cũng “kịch liệt lên án vụ tấn công khủng khiếp ở Orlando, Florida, Mỹ. Không gì có thể biện minh cho hành động giết hại dân thường”. Tổng thống Ghani cũng gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ Mỹ, gia đình của các nạn nhân trong vụ tấn công trên, đồng thời hy vọng rằng những người bị thương sẽ sớm hồi phục. Tổng thống Israel Reuven Rivlin cũng lên tiếng chỉ trích vụ xả súng tại Orlando. Trong bức thư gửi Tổng thống Obama, ông Rivlin gửi lời chia buồn và khẳng định Israel luôn “kề vai sát cánh với những người anh em Mỹ” sau vụ tấn công nhằm vào cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới. Minh Nhật (theo Tân Hoa Xã) |