Vừa áp trừng phạt, ông Biden bày tỏ muốn cải thiện quan hệ với Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh Reuters. |
Tổng thống Biden cho biết ông đã cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin về các lệnh trừng phạt trong một cuộc điện đàm mà ông gọi là “cuộc trò chuyện thẳng thắn, tôn trọng” vào ngày 13/4.
“Tôi đã nói rõ với Tổng thống Putin rằng chúng tôi có thể tiến hành nhiều biện pháp hơn, nhưng tôi lựa chọn không làm như vậy. Tôi đã chọn đáp trả tương xứng”, ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15/4.
“Mỹ không muốn bắt đầu một chu kỳ leo thang và xung đột với Nga. Chúng tôi muốn một mối quan hệ ổn định, có thể đoán trước được”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Lệnh trừng phạt này “gửi một tín hiệu rằng Mỹ sẽ áp đặt biện pháp một cách chiến lược và có tác động kinh tế đối với Nga nếu nước này tiếp tục hoặc leo thang các hành động quốc tế gây bất ổn”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố. “Mục tiêu của chúng tôi là không leo thang, là áp đặt các biện pháp trừng phạt cho những gì chúng tôi cảm thấy là hành động không thể chấp nhận được của chính phủ Nga”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu trước báo giới ngày 15/4.
Nhà Trắng ngày 15/4 cho biết các hành động trừng phạt gần đây cũng được thúc đẩy bởi việc Moscow “nhắm mục tiêu vào các nhà bất đồng chính kiến hoặc nhà báo” và phá hoại “an ninh ở các quốc gia và khu vực quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ”, ngụ ý nói đến vụ việc Nga bị cáo buộc đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Alexey Navalny và củng cố quân đội dọc biên giới Ukraine trong thời gian gần đây.
Ông Biden không đề cập đến việc Navalny bị bắt giam trong phát biểu của ông tại Nhà Trắng hôm 15/4 nhưng cho biết rằng ông đã cảnh báo ông Putin kiềm chế bất kỳ hành động quân sự nào ở Ukraine và Crimea, nhấn mạnh rằng “đây không phải thời điểm để leo thang căng thẳng”.
Tổng thống Mỹ nhắc lại rằng ông đã mời nhà lãnh đạo Nga tham dự cuộc gặp thượng đỉnh được tổ chức ở châu Âu để cho phép hai cường quốc thế giới tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp về các vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh, bao gồm vấn đề liên quan đến Iran và Triều Tiên.
Trong tuyên bố ngày 15/4, chính quyền Biden cũng đề cập đến báo cáo của CIA rằng Nga đề nghị trả tiền thưởng cho các thành viên của Taliban ở Afghanistan để nhắm vào quân đội Mỹ, cho biết thêm rằng do “tính nhạy cảm của vấn đề này”, các biện pháp phản ứng đang được xem xét thông qua con đường ngoại giao, các kênh quân sự và tình báo.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trước đó gọi các trừng phạt này là “các biện pháp tương xứng để bảo vệ lợi ích của Mỹ trước những hành động có hại của Nga bao gồm xâm nhập mạng và can thiệp bầu cử”.
Các biện pháp được công bố mới đây bao gồm các lệnh trừng phạt đối với 6 công ty Nga hỗ trợ các hoạt động mạng trong nước, cùng với đó là các lệnh trừng phạt đối với 32 cá nhân và tổ chức bị cáo buộc cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái.
Nhà Trắng cho biết 10 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất, bao gồm đại diện của các cơ quan tình báo Nga.
Trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố, Điện Kremlin ngày 15/4 cho biết các hành động này sẽ khiến cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Putin có thể khó xảy ra hơn.
“Những gì hiện đang được xem xét - có khả năng là các biện pháp trừng phạt - sẽ không giúp ích gì cho cuộc họp”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Điện Kremlin cũng đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan hôm 14/4 để khẳng định rằng Washington phải kiềm chế đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nếu muốn hàn gắn quan hệ, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Trong cuộc điện đàm hôm 13/4, hai ông Biden và Putin cho biết sẽ “tiếp tục đối thoại”, đặc biệt là sau khi mối quan hệ song phương rơi vào mức thấp mới hồi tháng trước khi ông Biden có nhận định gây tranh cãi về người đồng cấp Nga.