Xung quanh việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam

14:30 25/05/2016
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 đến 25-5-2016, trong cuộc họp báo tổ chức ngày 23-5 tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam và nhấn mạnh quyết định dựa trên tiến trình hợp tác lâu dài trong quá trình bình thường hóa giữa hai quốc gia.

Một sự thay đổi mang tính biểu tượng cao

Cấm vận vũ khí sát thương là một trong những di sản cuối cùng của chiến tranh. Việt Nam bị Mỹ cấm vận vũ khí từ 42 năm qua. Việt Nam luôn coi đây là sự bất bình thường dù quan hệ Việt - Mỹ đã được nâng cấp là đối tác toàn diện. Do vậy, tuyên bố bãi bỏ cấm vận này của Tổng thống Obama đánh dấu một cột mốc giúp thúc đẩy quan hệ song phương, mở ra triển vọng mới cho Việt Nam trong nhiệm vụ phòng thủ đất nước.

Tháng 10-2014, Mỹ đã thông báo dỡ bỏ cấm vận vũ khí một phần với Việt Nam nhằm giúp Việt Nam tăng cường khả năng bảo đảm an ninh hàng hải. Sau đó, ngày càng có nhiều nghị sĩ và quan chức Mỹ vận động, ủng hộ việc bỏ hoàn toàn cấm vận.

Việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương là một nội dung được quan tâm nhất trong cuộc công du của Tổng thống Obama đến Việt Nam lần này. Tổng thống Mỹ nói rõ, việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam không phụ thuộc vào một nhân tố nào mà dựa trên tiến trình hợp tác lâu dài trong quá trình bình thường hóa giữa hai bên.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí với Việt Nam dựa trên tiến trình hợp tác lâu dài trong quá trình bình thường hóa giữa hai bên.

“Quan hệ Việt - Mỹ ngày càng sâu sắc, cởi mở hơn. Những công việc chúng ta cùng làm với nhau về kinh tế, thương mại, nhân đạo cho thấy đã đến lúc không nên duy trì lệnh cấm nào nữa. Chúng tôi đã rất cân nhắc khi đi đến quyết định này, tạo thuận lợi cho Việt Nam mua vũ khí từ Mỹ và các đồng minh. Tất nhiên chúng tôi sẽ giám sát kỹ. Chúng tôi không muốn lệnh cấm này là nhân tố gây chia rẽ quan hệ hai nước, khi hai bên nỗ lực thúc đẩy xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác quân sự, an ninh quốc phòng. Mỹ đã cử nhiều tàu hải quân đến thăm quân cảng Việt Nam, muốn tăng cường quan hệ giữa hai nước. Khi ứng phó với thiên tai, tàu hải quân của Mỹ sẽ phải cập các cảng của Việt Nam nên rất mong hợp tác với Chính phủ Việt Nam.

Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng có mối quan tâm về an ninh hàng hải. Việt Nam và ASEAN đã chấp nhận lời mời của tôi đến Sunnylands và có tuyên bố chung về an ninh hàng hải, nhất trí các nước phải đảm bảo tự do hàng hải, không bị cản trở.

Về vấn đề Biển Đông, Mỹ không ủng hộ bên nào nhưng cho rằng cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Mỹ sẽ tiếp tục cử máy bay tới các khu vực, vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép.

Chúng tôi muốn Việt Nam cải thiện năng lực an ninh hàng hải. Việc bỏ lệnh cấm vận vũ khí chỉ nhằm thay đổi bản chất quan hệ hai nước thông qua việc bình thường hóa hoàn toàn, dù hai nước vẫn còn những bất đồng”, ông Obama nói.

Tuy nhiên, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí trên không đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể mua bất cứ vũ khí gì của Mỹ. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 23-5, ông Obama nói Mỹ sẽ cân nhắc từng đơn hàng cụ thể của Việt Nam.

Những loại vũ khí như súng hơi cay, lựu đạn choáng, đạn cao su... được xếp vào dạng vũ khí phi sát thương, còn tất cả các loại vũ khí khác như súng đạn, xe tăng, máy bay chiến đấu, tên lửa, tàu chiến... được xếp vào dạng vũ khí sát thương. Trong vũ khí sát thương, người ta lại chia thành 2 loại là vũ khí tấn công và vũ khí phòng thủ.

Theo ông Jon Grevatt, chuyên gia của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, Mỹ sẽ không lập tức bán các loại vũ khí tấn công tối tân cho Việt Nam ngay sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận. Với quyết định này của Washington, từ nay các hãng sản xuất vũ khí của Mỹ sẽ có thể lần đầu tiên bán các hệ thống phòng thủ trên biển cho Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Ông Jon Grevatt nhận định: “Bước đầu sẽ là các hệ thống phòng thủ biển chứ không phải các loại vũ khí tấn công. Sẽ không có những lô hàng kiểu chiến đấu cơ F-16, điều đó rất khó xảy ra”.

Máy bay săn ngầm Orion P-3C của Mỹ.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định rằng, những loại vũ khí nào bán cho Việt Nam sẽ được phía Mỹ xem xét theo từng trường hợp một và chỉ nhằm mục đích phòng thủ, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển.

Tuy nhiên, ngoài các loại vũ khí tấn công, Mỹ còn có rất nhiều loại vũ khí sát thương phục vụ mục đích phòng thủ “cấp độ cao” khác. Theo ông Grevatt, nhiều khả năng Việt Nam sẽ nhận được máy bay trinh sát săn ngầm P-3 Orion (không mang vũ khí) và các hệ thống radar Raytheon đầu tiên từ Mỹ trong thời gian tới.

Ông Grevatt cho rằng, khả năng Việt Nam sẽ mua các loại vũ khí này vì chúng là “những vũ khí phòng thủ tốt nhất trên thế giới”, dù đây chỉ là những phiên bản cũ đã được phát triển từ cách đây khá lâu, và nhiều khả năng Mỹ cũng sẽ không chia sẻ công nghệ với Việt Nam giống như các đối tác ở châu Âu.

Thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục bán các loại vũ khí hiện đại hơn cho Việt Nam, trong đó có các hệ thống trên không và cả tàu chiến. Điều này phù hợp với mục đích xây dựng “quan hệ đối tác chiến lược” của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Việt Nam là một trọng tâm.

Một hệ thống radar do hãng Raytheon sản xuất.

Vì mục đích xây dựng “quan hệ đối tác chiến lược” của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí với Việt Nam của Mỹ đã được các hãng tin quốc tế đồng loạt hoan nghênh. Hãng tin Pháp AFP cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là một sự thay đổi mang tính biểu tượng cao theo sau những thay đổi trong văn hóa và thương mại giữa hai quốc gia. Ngoài ra hãng tin này cũng cho rằng Mỹ đang tăng cường thắt chặt quan hệ với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quá trình thay đổi chiến lược để khai thác tiềm năng kinh tế trong khu vực và như một bức tường thành ngăn sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực này.

BBC cho rằng chuyến đi này của ông Obama nhằm làm ấm lại mối quan hệ với Việt Nam cũng như nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương. Hãng tin Anh cũng nhận định rằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sẽ cho phép Việt Nam tăng cường khả năng quốc phòng trong bối cảnh Trung Quốc dựa vào những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ trên phần lớn diện tích Biển Đông mà liên tục gia tăng những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, gia tăng mối đe dọa an ninh hàng hải; bồi đắp, xây dựng trái phép trên các đảo, đá thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam các cơ sở quân sự...

Khán phòng Trung tâm Hội nghị quốc gia - nơi ông Obama phát biểu trước 2.000 người (ảnh VnE).

Hãng tin AP cho rằng Tổng thống Obama muốn thỏa thuận hợp tác với Việt Nam vì đây là quốc gia có vai trò chiến lược ở một trong những khu vực nóng nhất thế giới, trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Ngay trong ngày 23-5, Trung Quốc đã có phản ứng tức thì trước tuyên bố xóa bỏ lệnh cấm vũ khí với Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc trưa 23-5 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh “vui mừng” khi Việt Nam - Mỹ có bước tiến trong quan hệ và mong muốn việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí với Việt Nam sẽ góp phần làm lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.

Trả lời Yonhap, bà Hoa Xuân Oánh nói: “Là một nước láng giềng thân cận với Việt Nam, chúng tôi hoan nghênh mối quan hệ hợp tác bình thường giữa Việt Nam và các nước khác, và chúng tôi hy vọng chắc rằng một diễn biến như thế trong bang giao song phương là thuận lợi cho hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Bà Hoa Xuân Oánh không bình luận về lý do khiến Hà Nội muốn dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, mà chỉ nói rằng: “Có thể quý vị nên hỏi Việt Nam. Lệnh cấm vận vũ khí là sản phẩm của thời Chiến tranh Lạnh. Lẽ ra lệnh này không nên tồn tại. Chúng tôi đặt hy vọng vào một mối quan hệ bình thường giữa Mỹ và Việt Nam”.

Tuy nhiên, truyền thông chính thống của Trung Quốc lại có luận điệu khác. Trong bài xã luận hôm 23-5, tờ Global Times, một phụ san của Nhân dân nhật báo lại có giọng điệu thiếu thiện chí và phiến diện rằng: “Vấn đề Biển Đông khiến Mỹ và Việt Nam gần hơn. Tuy nhiên, các hệ tư tưởng khác nhau luôn luôn thúc đẩy họ cách xa nhau. Việt Nam sẽ không trở thành một đồng minh khác của Mỹ như Philippines. Việt Nam luôn lo lắng về sự được và mất của mình trong quan hệ với Mỹ”.

Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 23-5 cũng viết: “Những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ Mỹ - Việt cần được thúc đẩy bởi theo đuổi chung có lợi cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khi tạo ra lợi ích cho cả hai bên, chứ không nên là một chương trình một chiều, ích kỷ, tạo thêm rủi ro cho hòa bình và ổn định của khu vực”.

Theo giới quan sát, cách nhìn của Tân Hoa Xã với chuyến thăm Việt Nam của ông Obama là phiến diện và theo quan điểm của Trung Quốc. Đương nhiên, muốn cải thiện quan hệ thì cả Mỹ và Việt Nam cần nỗ lực chung từ hai phía, chứ không thể riêng rẽ.

Trả lời Thời báo Hoàn Cầu về việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí với Việt Nam, Mã Nghiêu - chuyên gia nghiên cứu đặc biệt của Học viện Quan hệ quốc tế và hành chính công, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Trung Quốc nói: “Việc ông Obama đột nhiên dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam hoàn toàn không nằm ngoài dự đoán”.

Trước câu hỏi liệu việc này có thực chất ảnh hưởng đến Trung Quốc hay không, Mã Nghiêu suy diễn rằng: “Điều này ảnh hưởng rất lớn đến Trung Quốc. Mỹ có thể sẽ cung cấp cho Việt Nam những vũ khí có khả năng làm suy giảm ưu thế của Trung Quốc đối với Việt Nam, ví dụ như hệ thống giám sát trận địa tối tân như radar hiệu suất cao hoặc hệ thống sonar, nâng cao năng lực nhận biết tình hình thực chiến của quân đội Việt Nam. Mỹ cũng có thể cung cấp máy bay săn ngầm cho Việt Nam, buộc Trung Quốc phải trả giá đắt hơn trong cuộc tranh giành quyền kiểm soát trên biển”.

Đánh giá toàn cục chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, hãng tin Anh Reuters hôm 22-5 cho rằng chuyến thăm lưu lại Việt Nam đến 3 ngày là biểu hiệu “bất thường”, có lẽ là rất hiếm. Điều đó cho thấy ông Obama coi trọng, đặt việc mở rộng quan hệ hợp tác với Hà Nội  là trọng tâm không thể thiếu.

Reuters cũng thẳng thắn cho rằng việc Washington công bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc ngồi không yên bởi nó đồng nghĩa với việc Mỹ công khai nỗ lực giúp các quốc gia láng giềng với Bắc Kinh chống lại tham vọng chiếm đoạt toàn bộ biển đảo trên Biển Đông của Trung Quốc.

Mộc Thạch (tổng hợp)

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.063 km. Công trình trọng điểm quốc gia này hoàn thành không chỉ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh....

Giá vàng thế giới đêm 25/11 đột ngột rơi thẳng đứng, khiến giá vàng trong nước sáng 26/11 cũng bị lao dốc theo, mất tới 2 triệu đồng/lượng.

Sáng 26/11, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác phối hợp với Đội TTGT quận Hai Bà Trưng tuần tra lưu động địa bàn đơn vị quản lý. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý xe limousine, xe hợp đồng vi phạm giao thông, dừng đỗ đón trả khách sai quy định gây ảnh hưởng đến TTATGT tại Hà Nội.

Công tố viên đặc biệt Jack Smith - người từng đưa ra hai vụ án trọng tội chống lại ông Donald Trump với cáo buộc tìm cách lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 và lưu giữ trái phép các tài liệu mật sau khi mãn nhiệm, đã xin bãi bỏ cả hai cáo buộc trên. 

Việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm một cách hết sức khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó.

Thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” sẽ có nhiều diễn biến mới, tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng xuất hiện nhiều loại hình, phương thức, thủ đoạn mới, ẩn danh, không phụ thuộc vào phạm vi địa lý, lãnh thổ. Do đó, không chỉ Cục Cảnh sát hình sự mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành địa phương không ngừng đấu tranh với tội phạm này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文