Zimbabwe tiếp tục đối mặt sóng gió sau cuộc bầu cử lịch sử

08:17 04/08/2018
Theo kết quả chính thức được Ủy ban Bầu cử quốc gia Zimbabwe công bố sáng sớm 3-8, Tổng thống Zimbabwe ông Emmerson Mnangagwa, đã tái đắc cử với hơn 2,46 triệu phiếu, tương đương 50,8% so với 44,3% số phiếu của ứng cử viên đối lập.

Ủy ban Bầu cử quốc gia Zimbabwe (ZEC) ngày 3-8 đã công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử Tổng thống nước này, với chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống Emmerson Mnangagwa, một kết quả được dự báo sẽ khiến tình trạng bạo lực hậu bầu cử tiếp tục “nóng” tại quốc gia châu Phi này.

Theo kết quả chính thức được Ủy ban Bầu cử quốc gia Zimbabwe công bố sáng sớm 3-8, Tổng thống, ứng cử viên thuộc đảng Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe-Mặt trận yêu nước (ZANU-PF) cầm quyền Zimbabwe, ông Emmerson Mnangagwa, 75 tuổi, đã giành được hơn 2,46 triệu phiếu, tương đương 50,8% so với hơn 2,15 triệu phiếu, tương đương 44,3% số phiếu của ứng cử viên Nelson Chamisa, 40 tuổi, thuộc Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (MDC) đối lập. 

Tổng thống tái đắc cử Mnangagwa đã ngay lập tức hoan nghênh kết quả bầu cử, cho rằng thắng lợi của ông trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã đánh dấu một sự khởi đầu mới cho quốc gia châu Phi này. 

Trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mnangagwa đã kêu gọi đoàn kết dân tộc, cùng xây dựng một Zimbabwe mới cho tất cả mọi người, theo Reuters. 

“Cảm ơn Zimbabwe!”, Tổng thống Mnangagwa phát biểu trong một trạng thái trên Twitter ngày 3-8. “Dẫu cho chúng ta có thể bị chia rẽ vì cuộc bầu cử, nhưng chúng ta lại đoàn kết trong ước mơ. Đây là một khởi đầu mới”. 

Trái lại, lực lượng đối lập đã bác bỏ kết quả này và cáo buộc chính phủ thao túng cuộc bầu cử. Ứng cử viên đối lập Chamisa nói rằng, việc kiểm phiếu diễn ra không minh bạch. 

“Chúng tôi - Phong trào vì sự thay đổi dân chủ phản đối kết quả bầu cử mãi đến giờ mới được công bố. Chúng tôi phản đối kết quả bầu cử do kết quả này không minh bạch, không rõ ràng”. “Chúng tôi không có thời gian để thẩm tra kết quả. Kết quả mà các bạn đang nghe thấy là chưa được xác minh. Chúng toàn là số liệu giả, kết quả giả. Chúng tôi tin rằng nhiều con số đã bị thổi phồng”, Morgan Komichi, Chủ tịch MDC, phát biểu. 

Tổ chức Zimbabwe Election Support Network, một hiệp hội của 34 tổ chức quyền dân sự ở nước này, cho rằng cuộc bầu cử thiếu sự minh bạch trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nói cuộc bầu cử ở Zimbabwe không phải là một “sân chơi bình đẳng”. Đảng đối lập cũng cho biết sẽ đưa kết quả bầu cử ra tòa.

Người ủng hộ ông Emmerson Mnangagwa đổ ra đường tại thủ đô Harare để ăn mừng. Ảnh Reuters.

Cuộc bầu cử diễn ra hôm 30-7 của Zimbabwe được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử, bởi đây là cuộc bầu cử đầu tiên ở nước này kể từ khi Tổng thống Robert Mugabe, 94 tuổi, bị lật đổ vào cuối năm ngoái sau 37 năm cầm quyền. 

Trong suốt gần 4 thập kỷ dưới thời Mugabe, nền kinh tế Zimbabwe đã rơi vào tình trạng “tuột dốc không phanh” dù trước đó được xem là một “ngôi sao sáng” ở châu Phi. 

Ông Mnangagwa, 75 tuổi, có biệt danh “Cá sấu” vì sự sắc sảo trong chính trị, “tạm” lên nắm quyền thay ông Mugabe từ cuối năm 2017. Trước bầu cử, người đứng đầu ZANU-PF hứa sẽ tôn trọng quyền tài sản và duy trì môi trường kinh doanh ổn định, dễ đoán, đồng thời đặt mục tiêu thu hút 5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mỗi năm. 

Theo số liệu của Liên hợp quốc, Zimbabwe chỉ thu hút được 289 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2017. Ông cũng cam kết giúp đất nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài và giải quyết tình trạng thất nghiệp. 

Nhiều người trước đó đặt kỳ vọng sự thay đổi này sẽ mang đến tương lai tươi sáng hơn đối với đất nước nằm ở miền Nam châu Phi này. Tuy vậy, những màn đấu khẩu và tuyên bố trái ngược của Tổng thống đắc cử Mnangagwa và ứng cử viên đối lập khiến giới quan sát lo ngại rằng tình hình căng thẳng đang diễn ra tại Zimbabwe có thể sẽ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong những ngày tới.

Sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, những người ủng hộ của cả ông Mnangagwa và ông Chamisa đều đã đổ ra các con phố của thủ đô Harare, một bên là ăn mừng chiến trắng, bên kia là để biểu tình phản đối kết quả bầu cử. 

Trước đó, ngày 1-8, ngay khi Ủy ban Bầu cử Zimbabwe công bố kết quả cuộc bầu cử Quốc hội nước này, với chiến thắng thuộc về đảng ZANU-PF với hơn 70% số ghế trong Quốc hội, làn sóng biểu tình sau đó đã nổ ra và lan rộng tại thủ đô Harare. 

Tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp khi quân đội nước này được triển khai tại thủ đô để giữ gìn trật tự. Binh lính Zimbabwe với sự hỗ trợ của xe thiết giáp và một máy bay trực thăng quân sự đã được điều tới trấn áp các cuộc biểu tình của những người ủng hộ phe đối lập. 

Các hãng thông tấn địa phương cho biết, những người này chỉ ném đá và họ tuyên bố đảng ZANU-PF đã gian lận trong các cuộc bầu cử. 

Theo Independent, ngày 2-8, quân đội đã ra lệnh cho dân thường không được đổ ra phố gây rối ở thủ đô. Đồng thời, cảnh sát cũng càn quét các văn phòng của MDC và tạm giữ 18 người, phong toả trung tâm thủ đô Harare. 

Đường phố tại đây trở nên vắng vẻ sau cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người ủng hộ MDC mới chỉ diễn ra một ngày trước đó. 

Nhân chứng cho biết, quân đội thậm chí đã dùng súng, hơi cay và vòi rồng để đàn áp đám đông biểu tình. Theo Reuters, cuộc đụng độ đã khiến ít nhất 6 người biểu tình thiệt mạng, 14 người bị thương. 

Giới quan sát lo ngại, nếu một giải pháp chấp nhận được đối với tất cả các bên không sớm được đưa ra, quốc gia nghèo đói châu Phi này có thể còn phải đối mặt với tình trạng bất ổn về chính trị kéo dài hơn nữa.

Duy Tiến

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023- 2024. Năm nay, Trường THPT Yên Hòa có tỷ lệ "chọi" cao nhất với 1/3,11, tức trung bình trên 3 thí sinh dự thi mới có 1 em đỗ.

Liên quan vụ việc phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) phản ánh về việc con mình bị cô giáo đánh trong lớp học, sáng 10/5, Phóng viên Báo CAND đã có cuộc làm việc với đại diện Trường Mầm non Việt Úc.

Những ngày cuối tháng 4/1975, là một thanh niên Sài Gòn (tròn 19 tuổi), tôi cảm nhận rõ sự thay đổi lớn lao của đất nước đang đến rất gần. Và trong ngày 30/4 lịch sử ấy, tôi đã cầm chiếc máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn, ghi lại những khoảnh khắc quân Giải phóng tiến vào nội đô.

Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đàm Vĩnh Hưng, lại một lần nữa là Đàm Vĩnh Hưng, những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận trong lần xuất hiện hoành tráng của mình. Câu hỏi tại sao lại là Đàm Vĩnh Hưng có thể dễ được lý giải theo chủ quan của Hưng là "các thành phần xấu lợi dụng đẩy câu chuyện này đi xa", nhưng cũng sẵn sàng được một chiều khác của dư luận diễn dịch theo cách: "Vì sự tự tin thái quá dẫn đến quyết định phản cảm của chính Đàm Vĩnh Hưng".

Gần 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) như ngồi trên đống lửa khi lúa đã bán đi, tiền chưa nhận được, nợ chi phí sản xuất của vụ Đông Xuân chưa trả thì gánh nặng của đợt xuống giống vụ Hè Thu lại đến…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文