Iraq ra tối hậu thư với Thổ Nhĩ Kỳ
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ở thủ đô Baghdad, Ngoại trưởng Iraq Irahim Al Jaafari nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân khỏi khu vực miền Bắc nước này theo đúng thời hạn mà Iraq đưa ra. Nếu không, chính quyền Baghdad sẽ phải kiện lên LHQ và các tổ chức quốc tế khác.
Hôm 4-12, hơn 100 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai ở khu vực gần thành phố Mosul của Iraq. Ảnh: Veteranstoday. |
Ông Irahim Al Jaafari khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai quân đội vào lãnh thổ nước này mà không được phép của chính phủ. Dù lấy lý do là huấn luyện cho đội quân người Kurd chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thì đây vẫn là một “hành động thù địch với Baghdad”, “vi phạm chủ quyền của Iraq, vượt qua các nguyên tắc láng giềng tốt và tôn trọng lẫn nhau”, “vi phạm luật pháp quốc tế”. Ngoại trưởng Iraq cũng tuyên bố, Baghdad có thể sẽ nhờ đến sự can thiệp của Nga để trừng phạt hành động này của Ankara.
Đồng thời, ông Irahim Al Jaafari cho biết, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã kêu gọi Berlin hỗ trợ huấn luyện binh sĩ và cung cấp vũ khí cho Iraq trong cuộc chiến chống IS. Trước mắt, trong tháng 12 này, Đức sẽ thực hiện kế hoạch hỗ trợ xây dựng 5 bệnh viên dã chiến tại các khu vực của IS được giải phóng khỏi IS. Hãng tin Reuters thì cho hay, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức, Thủ tướng Iraq cũng tiếp tục cáo buộc rằng, phần lớn lượng dầu mỏ của IS được tung ra thị trường đen đều qua đường Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, muốn ngăn chặn khủng bố, làm suy yếu IS thì chỉ có cách cắt nguồn tài chính quan trọng của tổ chức này, tức là chấm dứt hoạt động buôn dầu mỏ của IS.
Được biết, hôm 4-12 vừa qua, hơn 100 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai tới một khu vực gần Mosul, thành phố miền Bắc Iraq hiện đang bị IS kiểm soát để thay thế một đơn vị huấn luyện tại đây. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu biện hộ rằng, hoạt động này là nhằm duy trì việc bảo vệ các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện cho binh lính Iraq tại Bashiqa chứ không phải là chuẩn bị cho chiến dịch trên bộ nhằm vào IS tại Iraq. Chưa hết, bất chấp lời kêu gọi rút quân của Baghdad, Ankara vẫn tuyên bố sẽ còn triển khai thêm một đợt quân mới để mở rộng các lớp huấn luyện cho đội quân người Kurd nhằm sớm tổ chức chiến dịch đẩy lùi IS khỏi thành phố Mosul.
Theo các nhà phân tích, sự hiện diện của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến mối quan hệ Baghdad-Ankara có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Hơn thế nữa, hành động này cũng cho thấy có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ đang lấy lòng Mỹ và nước phương Tây trong chiến dịch được gọi là “đánh bật tầm ảnh hưởng của Nga tại các nước Trung Đông, nhất là khi Moscow đang mở rộng các cuộc không kích chống IS ở Syria và Iraq.
Trước động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 7-12, Nga cũng đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ họp kín để bàn về các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Iraq. Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Nga sẽ đưa ra 3 vấn đề liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề đầu tiên là vụ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga hồi tháng trước. Tiếp đó là việc Iraq cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm chủ quyền của nước này khi đưa binh lính sang vùng lãnh thổ của Iraq với lý do là huấn luyện cho đội quân người Kurd chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Cuối cùng là việc Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với IS trong việc buôn lậu dầu mỏ.
Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao tại LHQ thì cảnh báo rằng, ngoài vấn đề liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, rất có thể, cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ trở thành nơi “đấu khẩu” giữa Nga và Mỹ trong vụ oanh kích doanh trại quân đội của Syria ở gần thị trấn Ayash, thuộc tỉnh Dier al Zor hôm 6-12 làm 3 binh sĩ nước này thiệt mạng và 13 người khác bị thương. Syria gọi đây là hành động “gây hấn trắng trợn”, vi phạm các mục tiêu của Hiến chương LHQ và cáo buộc liên quân quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu đã thực hiện.
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cũng cung cấp thêm các bằng chứng mới cho biết, doanh trại này của quân đội Syria nằm cách khu vực do IS kiểm soát khoảng 2km và nhiều khả năng, máy bay chiến đấu của liên quân đã không kích nhầm. Hôm 7-12, Syria cũng đã gửi thư tới Hội đồng Bảo an LHQ, yêu cầu hành động ngay lập tức đối với vụ việc này và có biện pháp thích hợp để ngăn chặn tái diễn sự việc. Trong khi đó, Mỹ vẫn bác bỏ những cáo buộc này và lớn tiếng đổ lỗi cho Nga nhưng lại không đưa ra được bằng chứng thuyết phục.