Chợ "Âm phủ" và con phố không số nhà

21:11 22/12/2010
Sau khi hoàn thành dự án "Đường và vườn hoa 19-12", phố 19-12 đã phá vỡ kỷ lục phố không số nhà của phố Hoả Lò, Hà Nội. Nếu như phố Hoả Lò còn có một "ngôi nhà" duy nhất - Di tích lịch sử nhà tù Hoả Lò mở cửa ra mặt phố thì phố 19-12 còn đặc biệt hơn ở chỗ, đây là con phố duy nhất không có cửa mở ra đường. Trước khi trở thành con phố được lấy Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) đặt tên, nơi đây từng là chợ "Âm phủ" - một cái tên đầy liêu trai.

1. Vừa tốt nghiệp đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, tôi được người bác họ bên ngoại cho mượn căn phòng nhỏ trên tầng 2, thuộc số nhà 5, phố Quang Trung, Hà Nội để ở. Tôi còn có một may mắn khác nữa là ngay khi vừa có bằng cử nhân, tôi được nhận làm phóng viên tập sự của Báo CAND ở 66 Thợ Nhuộm. Mỗi lần cuốc bộ trên đường Lý Thường Kiệt, đi qua khách sạn 5 sao Melia sang trọng và cả qua cái chợ tạm có tấm biển để "Chợ 19-12", tôi thấy có cái gì đó rất vênh nhau. Một bên thì hiện đại với hai toà tháp cao vút, một bên là cái chợ tạm lụp sụp, ngày nắng cũng như ngày mưa, dưới lối đi lúc nào cũng lép nhép bùn nước.

Một lần, ngồi ở quán nước chè ở phía đối diện chợ 19-12, tôi vô tình gặp lại anh Cảnh sát đang công tác ở một đơn vị thuộc Công an Hà Nội, người đã rất nhiệt tình cung cấp tài liệu khi tôi đến đơn vị anh viết bài. Chỉ tay ra cái chợ tạm phía trước, anh hỏi: "Cô có biết vì sao chợ này có tên là chợ "Âm phủ" không?". Tôi lắc đầu. Quả thực, đấy là lần đầu tiên tôi nghe thấy cái tên này.

Năm 2000, thời điểm ấy Internet chưa phát triển như bây giờ. Với lại, từ tỉnh xa ra Hà Nội đi học, suốt 4 năm tôi ở ký túc xá Mễ Trì, một khu vực thuộc  ngoại thành lúc đấy nên chẳng biết nhiều chuyện "trên phố". Lần đầu tiên đến Toà soạn, tôi còn phải hỏi thăm tới vài ba bận mới đến đúng địa chỉ nữa là. Thấy vẻ ngơ ngác của tôi, anh Cảnh sát bảo: "Cô cứ tìm hiểu đi sẽ biết". Quá tò mò, tôi nằn nì đòi anh giải thích. Thế nhưng, anh này cương quyết không giải thích mà cứ một mực bảo tôi tự tìm hiểu.

Sống cảnh "cơm niêu nước lọ" ở nơi chỉ cách chợ "Âm phủ" chỉ vài trăm mét nên đương nhiên, tôi phải đến chợ hằng ngày để mua đồ ăn. Ban đầu, mỗi khi bước vào bên trong, tôi rất khó chịu bởi cái mùi chợ đặc trưng ở đây. Cái mùi thập cẩm không chỉ lẩn quất theo bước chân khi đi qua mỗi gian hàng, mà đến tận bây giờ, khi trên nền chợ đã là vườn hoa, thảm cỏ và con đường hai làn lát đá xanh Thanh Hoá, tôi vẫn chưa quên được cái mùi đó.

Rồi dần dà, tôi khám phá ra, ở chợ "Âm phủ" cái gì cũng có. Từ đồ thực phẩm tươi sống với các loại gia cầm, thủy hải sản được xếp hàng đặc sản đến gia vị, đồ ăn chín, quần áo, cái kim sợi chỉ, gạo thóc, vàng mã và cả nắm lá xông, rau máu, hoa mã đề, cây cứt lợn... Tôi ngạc nhiên vô cùng khi khám phá ra điều này ở chợ "Âm phủ". Tôi ngỡ ngàng vô cùng khi đến chỗ bà hàng lá (phía đường Lý Thường Kiệt, giáp khách sạn Melia) hỏi mua cây cứt lợn, bà cụ bán hàng lưng còng hỏi ngay: "Con mua cây tươi hay cây khô?". Tôi mua cây khô vì có người giới thiệu bài thuốc chữa viêm xoang bằng cách xông khói cây cứt lợn. Rất nhiều lần, tôi đến hàng bà mua từng bó cây cứt lợn khô. Tôi đốt lên, ghé mũi vào hít khói để chữa bệnh xoang. Bài thuốc quả là hiệu nghiệm, dù mũi có tắc tị, hít một lúc là thông luôn.

Tôi cũng khám phá ra, ngoài những món ăn chín như thịt chưng mắm tép, giò chả, thịt quay... chợ "Âm phủ" còn nổi tiếng với món thịt chó chặt. Mùng Một đầu tháng, nếu không tìm đâu ra chỗ bán thịt chó, lên chợ "Âm phủ" khắc có. Mấy người đàn ông ngồi quây tròn bên mẹt thịt chó, giữa là bát mắm tôm với chai rượu trắng bên cạnh là hình ảnh thường gặp khi đến đây.

Tôi cũng không nhớ chính xác, mình biết nguồn gốc chợ "Âm phủ" từ khi nào nữa. Nếu ai hỏi tôi về nguồn gốc chợ "Âm phủ", tôi sẽ trả lời họ giống như bất cứ tiểu thương nào ở chợ. Rằng, gọi là chợ "Âm phủ" vì họp ở nơi có nhiều người... âm phủ. Rồi tôi sẽ giải thích, trong Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), những người dân, bộ đội hy sinh được đem về chôn trong khu mộ tập thể. Do chợ tạm 19-12 được xây dựng tại nơi từng là ngôi mộ tập thể nên dân gian mới gọi như vậy.

Lực lượng CSGT dẫn đoàn tập kết phương tiện, con người tại đường 19-12 khi Hà Nội diễn ra sự kiện chính trị, văn hóa.

Hiện nay, nếu bạn đọc nào muốn biết rõ hơn về chợ "Âm phủ" chỉ cần hỏi “ông gútgô” (vào google, gõ chữ "chợ Âm phủ Hà Nội"), sẽ thấy trên trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia giải thích rằng: "Chợ 19-12 (thường gọi là chợ Âm phủ), họp hằng ngày trên suốt chiều dài phố 19-12, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chợ nổi tiếng với món thịt chó". "Năm 1946-1947, Toàn quốc kháng chiến nổ ra ở Hà Nội, nơi đây thành khu mộ tập thể của các nạn nhân. Năm 1986, di cốt các nạn nhân chiến tranh được chuyển đi nơi khác". "Chợ bắt đầu họp rải rác trên phố từ thời Hà Nội bị ném bom trong chiến tranh Việt Nam, khi một số người buôn bán dạt từ chợ Hà Da và Hàng Bè về để tránh bom Mỹ. Chợ tạm đông dần. Năm 1986, sau khi di cốt nạn nhân chiến tranh chuyển đi, chợ được chính thức đặt tên là chợ 19-12 nhưng dân gian vẫn quen gọi là chợ "Âm phủ"".

Tiếc rằng, trên trang bách khoa thư mở này chưa bổ sung thông tin, hiện nay tại vị trí chợ "Âm phủ" đã xây dựng vườn hoa và con đường mang tên 19-12 thì mới đúng với thực tại.

Tôi cũng nghe những câu chuyện huyền bí lưu truyền trong dân gian rằng, một đêm nọ có bác xích lô gặp một bà khách bảo chở về chợ 19-12. Đến nơi, bác thấy chợ đóng cửa, còn bà khách thì lục túi đưa cho bác tờ giấy bạc 2.000đ. Khi bác choàng tỉnh thì không thấy bà khách đâu, còn tờ giấy bạc đang cầm trên tay hóa ra là tiền âm phủ.

Hay mới đây, có chị nhà ở trong khu tập thể sát đường 19-12 bỗng mơ cây bồ đề bị chặt. Sáng ra chợ, chị giật mình khi thấy người ta bảo nhau, cây bồ đề bị chặt mất rồi. Chị chạy ra tới nơi thì thấy, chỉ còn cái hố chứ chẳng thấy cây đâu. Chị này bảo, ở đây thiêng lắm nên không có ngày rằm, mùng một nào chị không ra thắp hương.

Một kỹ sư sau khi chỉ huy công trình xây dựng hệ thống ngầm ở đường Hai Bà Trưng, đoạn đi qua đường 19-12 bỗng nhiên trở thành người sùng tín. Cứ ngày rằm, mùng một không mua hương hoa đến lễ ở gốc cây bồ đề là cảm thấy không yên. Nhìn vẻ bụi bặm, phong trần của anh kỹ sư, tôi thoáng chút ngạc nhiên.

Xung quanh chợ "Âm phủ" không chỉ có những huyền thoại mà thực tế, nhiều người dân coi đây là một điểm đến tâm linh. Tín ngưỡng là sự lựa chọn của từng người. Và khi tín ngưỡng đó hướng con người ta nhớ đến tổ tiên, đến truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc và sống lành, sống thiện sẽ làm cho xã hội càng trở nên tốt đẹp hơn.

2. Năm 2008 là năm đánh dấu sự biến mất của chợ "Âm phủ" tại vị trí từng là nấm mồ tập thể của những người chết trong Ngày Toàn quốc kháng chiến. Ban đầu, thành phố có chủ trương giao Công ty TNHH Thủ đô II xây dựng Tổ hợp công trình thương mại 19-12" với hai khối nhà cao tầng cùng con đường nhỏ xuyên từ phố Lý Thường Kiệt sang phố Hai Bà Trưng. Thực hiện chủ trương này, các hộ kinh doanh ở chợ "Âm phủ" được di dời về chợ tạm Phùng Hưng. Tuy nhiên, dư luận không đồng tình với việc cho phép xây dựng trung tâm thương mại tại đây với lý do, địa điểm này là chứng tích chiến tranh, có giá trị lịch sử đặc biệt với Hà Nội.

Hơn nữa, việc xây dựng trung tâm thương mại sẽ phá vỡ cảnh quan kiến trúc trong khu vực. Lãnh đạo thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến học giả, giới chuyên môn, quần chúng nhân dân và quyết định đặt giá trị tinh thần lên trên vật chất. Dự án trên bị hủy và thay vào đó là công trình "Đường và vườn hoa 19-12" - Một công trình mang giá trị tưởng niệm những người dân, chiến sỹ đã ngã xuống trong ngày 19/12/1946.

Điều đáng nói là trước khi thực hiện dự án mở đường, thành phố Hà Nội giao cho ngành chức năng tiến hành tìm kiếm, cất bốc hài cốt dưới nền chợ "Âm phủ". Trong mấy tháng ròng, Đội Cải táng của nghĩa trang Văn Điển kết hợp với Ban quản lý dự án công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải) đào sâu 3,5m trên nền cũ của chợ "Âm phủ". Họ đã cất bốc được hàng trăm tiểu hài cốt. Những hài cốt này lại được thu gom, đem đến an táng trong nấm mồ chung tại nghĩa trang Yên Kỳ.

Di vật tìm thấy tại chợ “Âm phủ” trong khi tìm kiếm hài cốt.

Những gia đình có thân nhân chôn trong nấm mồ chung này yên tâm hơn khi thành phố thực hiện nghĩa cử này. Bản thân những người trong đội tìm kiếm hài cốt đã bới đất, lục cát tìm cho ra những mẩu xương, những nắm đất đen (do xương cốt mủn ra) để người quá cố được an táng trọn vẹn. Trong quá trình tìm kiếm, họ đã tìm thấy hơn 100 di vật. Những di vật tìm thấy trong nấm mồ chung giúp người hôm nay hiểu hơn về những người đã ngã xuống, về bối cảnh sống lúc đó.

Di vật tìm thấy trong nấm mồ tập thể là: 1 bình sứ màu nâu cỡ to; 9 chiếc dép nữ quai hậu màu trắng; 1 đế giày nam cỡ 46; 1 cây kiếm; 9 còng số 8; 1 mặt đồng hồ đeo tay; 2 sợi dây thép; 13 bát sứ lớn, nhỏ; 1 huy hiệu. Chiếc dép, đế giày, cái bát ăn cơm nói lên đồ dùng sinh hoạt cá nhân, đồ gia dụng thời kỳ này. Chiếc còng số 8 phản ánh, có thể trong số những người nằm xuống có cả tù nhân nhà tù Hoà Lò...

Chúng tôi được biết, số di vật này đã được Ban quản lý dự án công trình giao thông bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội. Hy vọng, trong tương lai gần, những di vật này sẽ được trưng bày cho người dân xem. Theo ý kiến của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Bảo tàng Hà Nội nên trưng bày những di vật này ở phần "Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống Pháp".

Đường 19-12 hôm nay.

3. Dự án "Đường và vườn hoa 19-12" khánh thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2009. Hưởng ứng chủ trương của thành phố, các hộ dân, cơ quan, tổ chức hai bên không mở mặt tiền ra đường để giữ sự tôn nghiêm cho con đường lịch sử 19-12. Con đường thẳng tắp với thảm cỏ, hoa ở giữa và hai bên đường là điểm nhấn đẹp. Là nơi có thể tạm thời trưng dụng là bãi để xe, tập kết quân mỗi khi Hà Nội diễn ra các sự kiện chính trị, văn hoá trọng đại. Chứng kiến các chiến sỹ CSGT làm công tác dẫn đoàn cùng với phương tiện tập kết tại đây trong dịp diễn ra hội nghị ASEAN, APEC..., cũng như việc các anh làm nhiệm vụ chuẩn xác đến từng giây, chúng tôi thấy rất rõ giá trị của việc thực hiện việc xây dựng con đường tại đây.

4. Tháng 7/2010, một biến cố xảy ra ảnh hưởng đến sự nguyên vẹn của con đường không số nhà 19-12. Đó là việc chủ đầu tư Trung tâm Thương mại 19-12 (xây dựng tại số 41 phố Hai Bà Trưng sát đường 19-12) nhổ hoa, quây hàng rào trên cả đoạn vỉa hè dài gần 50m.

Cuối tháng 10/2010, một sự kiện động trời xảy ra với cây bồ đề cổ thụ mọc trên vỉa hè, đoạn tiếp giáp với công trình Trung tâm Thương mại 19-12. Đó là việc chủ đầu tư công trình này nhổ cây, chặt trụi cành lá và “hô biến” cây bồ đề cổ thụ. Sau 5 ngày lưu lạc, cây bồ đề được tìm thấy và trồng lại trên vị trí cũ với đầy thương tích trên thân, gốc. Rất may hiện nay, cây bồ đề đã đâm chồi, ra lá.

Tuy nhiên, dư luận vẫn đang bàng hoàng trước câu hỏi, liệu rồi con đường 19-12 có là con đường không số nhà, không có cửa trổ ra đường duy nhất ở Hà Nội như lúc nó được khai sinh nữa không? Liệu rồi, hành trình từ chợ "Âm phủ" đến con phố không số nhà mang tên 19-12 có tránh được sự bẻ vụn?

Cao Hồng

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Với nghĩa cử cao đẹp “giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, Thượng úy Biện Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文