Cuộc sống bình dị của con gái mẹ Suốt bên sông Nhật Lệ

14:53 27/07/2011
Người Việt Nam - dù là những thế hệ trong chiến tranh hay sau chiến tranh đều không hề cảm thấy xa lạ khi nói về mẹ Suốt - người mẹ đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và sự hi sinh của những người mẹ miền Trung. Tượng đài mẹ Suốt vẫn đứng hiên ngang bên bờ sông Nhật Lệ bao lâu nay, như một biểu tượng đầy tự hào của người dân Quảng Bình.

Hơn 40 năm sau khi mẹ Suốt hi sinh, cô con gái nhỏ nhất của mẹ giờ đã ngoài 50 tuổi và đang bán dưa cà mắm muối ngay trong chợ Nhật Lệ, cách tượng đài mẹ chưa đầy trăm mét. Bên cạnh niềm tự hào có một người mẹ anh hùng, người phụ nữ 50 tuổi ấy còn nặng lòng những nỗi lo rất đỗi đời thường….

Những ký ức về người mẹ anh hùng

Tôi đến nhà o Huế - con gái mẹ Suốt ở Bảo Ninh, ven bờ sông Nhật Lệ trong một ngày cuối tháng 6. Ngôi nhà cấp 4 giản dị là nơi mà o Huế cùng chồng và 3 người con trai sống nhiều năm nay. Ngôi nhà ấy càng bé nhỏ, khi những người con của o Huế lớn lên, lấy vợ, sinh con đẻ cái. Cả cuộc đời lăn lộn với biển, với những vại dưa, vại cà, ước mơ xây được một ngôi nhà khang trang, rộng rãi vẫn vô cùng xa vời với gia đình o Huế.

Những người dân thành phố Đồng Hới thường đến chợ Nhật Lệ, không ai là không biết o - người phụ nữ có dáng người nhỏ bé, vất vả của người đàn bà cả đời lam lũ, ngồi bán dưa cà trong một góc chợ. Là con gái của mẹ Suốt - người đã được phong Anh hùng và là niềm tự hào của vùng quê gió Lào cát trắng, nhưng o Huế đã sống cuộc đời lam lũ, cơ cực và bình dị như bao người phụ nữ miền biển ở Bảo Ninh.

Mới ngoài 50 tuổi, nhưng lưng o đã còng. Những vất vả, lo toan bộn bề của cuộc sống đã khiến người phụ nữ ấy già đi, khắc khổ. Nhưng trong khắc khổ, lo toan, gương mặt o Huế giống mẹ Suốt đến lạ lùng. Giống đến nỗi bất cứ ai nhìn o, cũng có thể mường tượng ra dáng vẻ của mẹ Suốt - người mẹ anh hùng đã sinh ra o và đã hi sinh khi o mới 12 tuổi.

Mẹ Suốt mất khi o Huế còn nhỏ, nên trong ký ức của o Huế, kỉ niệm về mẹ không nhiều. Tất cả những hình ảnh mà o Huế còn nhớ về mẹ, là những kí ức vụn vặt, rời rạc mà o còn giữ được từ thưở nhỏ cho đến tận giờ. O Huế kể, ngày o còn bé, mẹ thường hay kể cho o nghe về cuộc đời mẹ. Mẹ sinh ra trong một gia đình nghèo, từ bé đã phải đi ở cho nhà giàu, chịu đủ cay đắng, tủi cực, chỉ để kiếm đủ cơm ăn. Mẹ ở đợ như thế cả cho đến khi lấy chồng:

"Trước khi lấy cha tui, mẹ tui đã có một người chồng. Nhưng sống với nhau chưa được bao lâu, chưa có con cái thì không hiểu vì lí do gì mà hai người không sống được với nhau nữa. Khi mẹ tui gặp cha tui, cha tôi đã góa vợ và có 3 người con riêng. Đến với cha tui, mẹ tui trở thành mẹ của 3 đứa trẻ. Sau này mẹ sinh ra 5 chị em tui. 8 đứa con, dù có đứa là ruột thịt, có đứa không, nhưng tui nhớ ngày bé, mẹ chưa bao giờ phân biệt hay thiên vị bất cứ đứa nào. Mẹ yêu tất cả các con như nhau và nghiêm khắc với tất cả khi cần. Ngày xưa mỗi lần đi đâu về mà thấy nhà cửa không gọn gàng, mẹ sẽ la cả mấy đứa con, không chừa đứa nào.".

Khi còn sống, mẹ Suốt là một người phụ nữ đảm đang, giỏi giang quán xuyến nhà cửa. Lấy chồng hơn nhiều tuổi, lại nay yếu mai đau, nên hầu như mọi gánh nặng trong gia đình, kể cả việc nuôi 8 đứa con nhỏ đều do một tay mẹ quán xuyến. Vốn quen vất vả, nghèo đói từ nhỏ, nên mẹ coi những việc đó nhẹ như không. Mẹ tham gia cách mạng, chèo thuyền đưa bộ đội qua sông rồi đưa thương binh về, các con mẹ từ lớn đến nhỏ không ai hay biết. Đến tận khi mẹ ra Hà Nội dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua, được gặp Bác Hồ, các con mẹ mới trầm trồ khi biết mình có một người mẹ anh hùng.

O Huế kể, ngày nhận được tin báo mẹ hi sinh, o đang học ở nơi sơ tán cách nhà chục cây số. Lúc đấy, o mới 12 tuổi, chưa cảm nhận được trọn vẹn nỗi đau mất mát. Khi cùng với các chị em đứng trước quan tài mẹ, o khóc òa lên nức nở khi nghĩ từ nay không còn được gặp mẹ nữa, chứ chưa thật sự thấm thía nỗi đau mất mẹ nghĩa là như thế nào. Nhưng suốt những năm tháng sau này, cuộc sống thiếu thốn tình thương và thiệt thòi khi không còn sự chăm lo của mẹ đã giúp o dần nhận ra điều đó.

O Huế bảo: "Từ khi mẹ tui mất, gia đình vô cùng khó khăn, chị em tui bữa no bữa đói, bữa nào có cơm ăn với nước mắm là may, còn phần nhiều là ăn độn khoai, độn sắn. Sau khi mẹ mất, tui đi học, nghe cô giáo đọc và giảng bài thơ "Mẹ Suốt" của nhà thơ Tố Hữu, tui đang ngồi trong lớp mà òa khóc hỏi cô: cô ơi, sao cô cứ nhắc đến tên mẹ em thế? Những lúc nghe bài thơ đó, hay nghe ai đó nhắc đến tên mẹ, tui buồn lắm, chỉ muốn khóc, nên một thời gian dài, tui rất sợ có ai nhắc đến tên mẹ trước mặt mình.

Từ khi mẹ mất, chị em tôi thua thiệt nhiều hơn. Giá mẹ còn sống, chị em tui sẽ được ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng mẹ mất rồi, nên chị em tui đứa nào đứa nấy đều phải bỏ ngang học hành. Tui và thằng em học hết lớp 7 là phải ở nhà phụ cha kiếm sống, vì cha già rồi, chẳng làm được gì. Mấy chị em tui phải đi làm đủ thứ để có tiền nuôi cha và nuôi chính bản thân mình. Mấy cha con cứ thế sống chật vật qua ngày. Sau khi mẹ tui mất, cha buồn nhiều và suy sụp nhiều. Đến tận cuối đời, ông vẫn nhớ mẹ tui và vẫn thường kể cho các con, các cháu về mẹ. Chỉ đến khi đi gặp mẹ ở thế giới bên kia, cha tui mới được thanh thản".

Chuyện đời thường nhọc nhằn của con gái mẹ Suốt

O Huế không còn nhớ mình đã bắt đầu bán dưa cà ở chợ Nhật Lệ từ bao giờ, nhưng chắc không dưới 20 năm. Hơn 20 năm qua, mấy vại dưa cà nhỏ ở chợ là cái giúp o Huế nuôi sống cả gia đình mấy miệng ăn. Ngày trước, o phải ngồi ngoài chợ, chỉ có tấm bạt che tạm, nên hầu như chẳng tránh được nắng mưa khắc nghiệt. Vài năm nay, vì được ưu tiên là con gái mẹ Suốt, o được xếp ngồi vào bên trong chợ. Không còn phải chịu nắng mưa, nhưng cuộc đời o không vì thế mà hết vất vả.

Bán hàng chỉ cách chân tượng đài mẹ chưa đầy trăm mét, những ngày đầu tượng đài mẹ Suốt mới được dựng lên, ngày nào o Huế cũng đi qua nhìn mẹ một lần và nói chuyện với mẹ. Nhưng bây giờ những gánh nặng cơm áo đã khiến lưng o còng xuống. Ngày ngày đi qua bến đò để đến chợ hay về nhà ở Bảo Ninh, o cũng không còn thời gian dừng lại nghỉ để đứng nhìn tượng đài mẹ mình.

Cả gia đình o Huế, từ chồng đến các con trai đều theo nghề biển. Đó là cái nghề chung của hầu hết các gia đình ở Bảo Ninh. Trẻ con Bảo Ninh từ bé đã làm quen với biển, lớn lên cũng chỉ muốn đi biển như cha anh mình. Mấy người con của o Huế cũng theo gương bạn bè trong làng, bỏ học ở nhà đi biển với cha.

O Huế kể, gần 10 năm trước, vì quyết tâm nuôi ước mơ làm giàu, cả gia đình o đã dành hết số tiền ki cóp trong nhiều năm trời để mua 1 cái tàu đánh cá nhỏ. Cái tàu giá 120 triệu, thì o phải đi vay ngân hàng 60 triệu, vay đầu nậu thu mua cá 30 triệu. Nhưng nghề đi biển càng ngày càng khó. Những ngư dân như chồng, con o Huế ngày càng nhọc nhằn với việc mưu sinh trên biển.

Từ khi mua tàu đi biển, chưa tháng nào o Huế có thể mỉm cười khi chồng con mình từ biển trở về: "Đánh bắt càng ngày càng khó, hiếm hoi lắm mới có tháng lãi được 500.000 - 1 triệu đồng, còn rặt là lỗ. Cả chồng con tui, mấy người trong nhà đánh vật với biển suốt mấy năm trời mà cũng không trả được hết nợ cho ngân hàng. Đến lúc chẳng còn cách nào khác, gia đình tui phải bán rẻ con tàu cá lấy 30 triệu, bù một phần nợ đã vay. Nhưng giờ tiền lãi cho vay ngày một cao. Trả nợ riết từ năm này qua năm khác, mà nhà tui vẫn nợ hơn 50 triệu".

Dù tuổi đã cao, nhưng chồng o Huế vẫn phải vào Thừa Thiên - Huế đi làm bảo vệ để kiếm thêm tiền. Số tiền đó, cộng với những đồng tiền mà o Huế nhặt nhạnh, ki cóp qua từng buổi bán dưa, bán cà ngoài chợ Nhật Lệ, o Huế hầu như đều dành dụm lại để trả nợ ngân hàng, miệt mài đến thế mà vẫn chưa nhìn thấy ngày trả hết món nợ ấy.

2 năm nay, lưng o Huế còng xuống. O bảo đó là căn bệnh chung của những người phụ nữ vừa phải ngồi chợ nhiều, vừa phải vất vả gánh gồng. Nhưng tôi nhìn khắp chợ Nhật Lệ, cũng chẳng có người bán dưa, bán cà cũng không thấy ai như thế. Chỉ có o Huế - với gánh nặng lo toan cho cả gia đình - là lưng rạp xuống như bà cụ 80. Và dường như, lưng o sẽ còn còng hơn nữa, với những vất vả còn lại của cuộc đời o - cuộc đời một người phụ nữ nghèo ven biển.

Rời Bảo Ninh, tôi đi qua cầu Nhật Lệ và dừng lại hồi lâu trước tượng đài mẹ Suốt. Dáng mẹ chèo thuyền đưa bộ đội sang sông in vào nền trời xanh và soi bóng xuống dòng sông Nhật Lệ. Tượng đài mẹ sẽ mãi đứng ở đó, và là niềm tự hào của người dân Quảng Bình. Và con gái mẹ - sẽ vẫn ngày ngày đi qua đó, gánh theo những gánh dưa cà, lưng còng xuống vì những lo toan cơm áo. Trong dáng hình con gái mẹ hôm nay, có dáng hình của mẹ xưa kia và dánh hình của nhiều người phụ nữ ven biển Nhật Lệ vốn quen với vất vả, nhọc nhằn tự bao đời…

Bình Minh

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文