Nghề lặn biển - Đánh cược tính mạng trong cuộc mưu sinh

16:11 30/06/2011
Một người đàn ông lê lết những bước chân khó nhọc trên con đường bê tông khô cong vì nắng. Một người ngồi trên chiếc xe lăn trong góc quán nhỏ ven đường, đôi mắt xa xăm, mòn mỏi. Một chàng trai 12 năm nằm liệt trên giường, dở dang cả một tuổi thanh xuân và một cuộc hôn nhân… Đó là những cảnh tượng rất dễ bắt gặp khi về Kỳ Xuân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

12 năm nay, những con người này vẫn phải lê lết sống quãng đời còn lại của mình như vậy. Họ là những người đàn ông đã đánh cược cả mạng sống của mình vì những cuộc mưu sinh bằng nghề lặn biển.

Hãi hùng nghề lặn

Con đường về Kỳ Xuân ngày nay đã được rải bê tông. Những mái nhà ngói đang mọc lên ngày một nhiều hơn. Và hình như những bước chân lê lết của người đàn ông Kỳ Xuân đang tỷ lệ thuận với những ngôi nhà mọc lên càng ngày càng nhiều nơi đây. Nghe sao mà chua xót.

Tôi dừng chân bên một góc quán nhỏ ven đường, thuộc địa phận xóm Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Cái quán sơ sài, có độc mấy mớ rau héo, và một ấm nước chè để chỏng lọn một góc nhà. Anh Phan Viết Bình đang loay hoay trên chiếc xe lăn rót nước mời khách. Thấy nhà báo hỏi chuyện, nước mắt anh chực trào. Không biết từ bao giờ, mà anh trở thành người yếu đuối đến vậy.

“Nhiều nhà báo về đây lắm, bài viết về tôi cũng có trên mạng đấy, mà nỏ chộ ai giúp đỡ gì người dân Kỳ Xuân cả”. Anh Bình bắt đầu câu chuyện không mấy thiện cảm. "Không biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu giờ, tôi ngồi lặng một mình những lúc quán vắng khách, nhìn ra biển và tự hỏi, cả đời tôi, sinh ra và lớn lên từ biển, vậy mà tôi nhận được gì đây, tôi mất tất cả cũng vì biển".

Anh Phan Văn Bình và con trai.

Anh nhớ lại câu chuyện của 12 năm trước, khi thanh niên trai tráng trong làng đua nhau vào Ninh Thuận, Bình Thuận làm nghề lặn biển. Những chuyến đi mang theo biết bao hy vọng về sự đổi đời của người dân nơi đây.

"Làng tôi nghèo quá, trước sau chỉ là những bãi cát mênh mông, nỏ có chi ngoài cát. Nông nghiệp không làm được, đi biển không có phương tiện, nên cả làng rủ nhau vào trong đó thôi". Nghề lặn biển đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở đây. Ngày may mắn có một, vài triệu, chí ít cũng dăm, ba trăm. Tiêu xài thoải mái còn có tiền gửi về xây nhà. Thế nên người dân Kỳ Xuân, trai tráng làng Kỳ Xuân ham lắm, đua nhau ngược vào Nam, đánh cược số phận mình với vận may của biển. Có ai ngờ…” - Nước mắt Bình lại chực trào.

“Tôi bị nước ép, vì ham lặn sâu để tìm sò mai. Cứu chữa cả mấy tháng trời không được, đành phải ra về với hai bàn tay trắng, và một đôi chân không còn cảm giác. Lúc đó vợ mới sinh đứa con út được 10 ngày. Đó là những ngày kinh khủng”.

Bình chỉ vào đôi chân đang teo dần chỉ trơ lại xương: "Trái gió trở trời, toàn thân tê dại, nắng lên là lở loét, bốc cả mùi". Nhưng điều bận tâm của anh Bình bây giờ không phải là đôi chân đã chết của mình, mà về việc cậu con trai của anh, vừa trở về từ Libya.

"Gia đình tôi đã vay ngân hàng 36 triệu cho cháu đi Libya, trong hợp đồng là 3 năm, nhưng chưa được 1 năm đã trở về hai bàn tay trắng. Hai tháng lương cuối của cháu cũng chả có ai trả. Người ta hứa lên hứa xuống là sẽ có tiền đền bù, nhưng gọi điện dăm lần bảy lượt, cũng chỉ là lời hứa. Biết chờ đến khi mô, tôi đành đi vay tiền thêm tiền cho con đi Đài Loan”.

"Thế bên công ty xuất khẩu lao động không hỗ trợ gì cho gia đình à?". "Hỗ trợ chi mô, họ hứa nhiều lắm, nhưng chờ đến bao giờ. Thôi đành thử vận may lần nữa”. Đi sang tận Libya, dẫu lương chỉ được 230 USD một tháng, lại còn phải đi vay ngân hàng một cục, không bằng nghề lặn biển nhưng anh Bình kiên quyết không cho con trai đi theo nghề của mình. Rồi tàn cả một đời.

Góc quán xập xệ của nhà Bình mỗi ngày kiếm được dăm ba chục đồng rau cháo, thế là đủ với anh. Nhưng còn 3 cậu con trai đang tuổi ăn tuổi học, không thể dồn gánh nặng cho vợ, anh Bình đành đánh cược số phận con trai mình vào một vận may khác, nơi đất khách quê người. Và tin, sẽ có ngày số phận sẽ mỉm cười với gia đình anh. Dù treo lơ lửng trên đầu anh, vẫn là một món nợ gần 200 triệu đồng...

Góc quán nhỏ heo hút của vợ chồng anh Bình.

May mắn hơn anh Bình, anh Phan Ngọc Sâm ở xóm Cao Thắng vẫn còn lê lết đôi chân của mình bằng chiếc nạng gỗ. Và vẫn còn kịp sinh được một đứa con sau khi trở về. Nhưng sức khỏe phải mất đến 60%. Anh không muốn nhắc lại những kỷ niệm buồn của mình, của một người đàn ông trai tráng khỏe mạnh, giờ nhìn tháng ngày trôi qua trong bất lực và sợ hãi. "Biết là nguy hiểm, đánh cược với cả mạng sống của mình, nhưng chúng tôi biết làm gì để mưu sinh. Đành nhờ vào sự may rủi của số phận thôi".

Anh Sâm kể về những chuyến đi. Những người thợ lặn như các anh, không có gì bảo hiểm cho mình, ngoài sự may rủi. Làm cho các chủ tàu, chỉ được cái tiền tươi thóc thật. Còn đồ nghề, chỉ là những dụng cụ thô sơ, một cái bình khí thở, và một sợi dây. Chẳng có gì đảm bảo cho sự an toàn của mạng sống của họ.

Lặn dưới biển, nghe tiếng xuồng máy chạy vội vào bờ là biết, lại có một người nữa ra đi. Nhưng người dân Kỳ Xuân vẫn nối gót nhau vào Nam. Xóm Cao Thắng, và Bắc Thắng, có đến 73 người tàn phế, những người vợ góa chồng có đến mấy chục người. Và con số không chỉ dừng lại ở đó, khi những người đàn ông ở đây vẫn tiếp tục cuộc mưu sinh của mình…

Và nỗi đau của chàng trai 12 năm nằm liệt giường

Tôi lặng người đi trước ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong xã của anh Phan Văn Hồng. Dù ngay từ đầu ngõ, tôi đã nghe nhiều người kể về anh, và nói bằng cái giọng thương cảm rằng, chắc gì nó đã sống được mấy nữa. Nhưng tôi vẫn không cầm lòng được, khi nhìn thấy anh nằm bẹp trên chiếc giường nhỏ. Toàn thân từ thận trở xuống hoàn toàn mất cảm giác.

Cầm chiếc máy ảnh giơ lên nhiều lần, mà tôi vẫn không sao chụp nổi. Đâu chỉ có một hay hai năm, mà mười hai năm nay, Hồng đã nằm bất động như vậy, đếm thời gian trôi trong vô vọng. Tôi vào thấy Hồng đang xem hoạt hình. Từ lâu, Hồng cũng không còn cảm xúc về mọi nỗi buồn vui, hay đau đớn của thể xác…

"Nhiều lúc tôi thấy mình như chết rồi, không có cảm giác chi nữa. Với tôi bây giờ, ngày cũng như đêm", Hồng nói. Bố mẹ anh chị em Hồng đã dồn hết những đồng tiền cuối cùng chạy chữa cho anh. Cách đây hàng chục năm rồi. Nhưng người ta bảo phải thay tủy. "Tiền ăn còn không có, lấy mô ra tiền mà thay tủy, nên đành về nhà, chấp nhận số phận", Hồng chua chát.

Anh Phan Văn Hồng, 12 năm nằm liệt trên giường.

Nghề lặn biển đã không chỉ lấy của Hồng đôi chân, mà còn dập tắt mơ ước của chàng thanh niên khi ra đi mang theo mơ ước về một sự đổi đời, và một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Dẫu biết mọi sự so sánh đều có gì đó thật tàn nhẫn, nhưng anh Bình, hay anh Sâm, họ còn có một mái nhà để trở về, có một người vợ và những đứa con chờ đợi. Còn Hồng, anh đã mất tất cả, sau cuộc đánh cược với số phận của mình. Đau đớn hơn, anh còn trở thành gánh nặng của bố mẹ già…

Hồng cố ngước cái đầu lên trò chuyện cùng tôi: "Ngày đó, tôi mới 23 tuổi, hăm hở lắm. Bữa nớ, tôi lặn xuống độ sâu 35m, bỗng nhiên thấy tê hết chân tay, họ kéo lên, tôi không có cảm giác chi nữa. Họ nhồi ba tiếng đồng hồ, không động tĩnh chi, tưởng tôi chết rồi, úp thúng luôn. May mà thằng bạn, nó nhìn thấy tay tôi cử động, kêu toáng lên. Không thì giờ này, mộ tôi đã đến kỳ thay áo. Nhưng quá muộn rồi, toàn thân dưới của tôi từ thận trở xuống nỏ có cảm giác chi nữa mô. Lúc đó, tôi chỉ muốn chết đi cho xong".

"Vậy ngày đó anh có người yêu chưa, anh trẻ và đẹp thế này, chắc hồi đó nhiều cô mê lắm". Tôi không nghĩ câu nói vô tình của mình đã chạm đến nỗi đau của Hồng. Anh im lặng lắc đầu. Tôi hiểu anh cố giấu kín một điều gì đó cho riêng mình. "Yêu ai làm chi cho khổ người ta". 

Nhưng ở xóm Bắc Thắng này, ai cũng biết, Hồng và cô gái làng bên đã từng dạm ngõ. Chuyến đi của Hồng, mang theo hy vọng về sự đổi đời của cả cô gái trẻ. Bà mẹ Hồng ngồi tẩn mẩn phía sau cánh cửa. "Nó buồn nên giấu đấy. Người yêu nó đi lấy chồng sau khi nó về hai năm. Tôi đã đi bỏ trầu rồi, nhưng người ngợm nó như rứa, ai lấy hả cô. Người yêu nó cũng buồn lắm".

12 năm nay, Hồng vẫn chỉ nằm một tư thế. Đến nỗi, cách đây hai tháng, cái dạ dày cũng bị bục, phải cáng vào viện mổ. Bố mẹ Hồng cố lắm, cũng chỉ mua được cho anh cái xe lăn trị giá… 100 ngàn, cách đây mấy năm, nhưng không có chỗ để chân, giờ gỉ hết, quăng lăn lóc ở ngoài vườn.

"Xã hứa sẽ cho một cái xe lăn, mà chờ lâu rồi nỏ chộ, không biết khi họ cho thì thằng con tui còn sống nữa không", giọng bà Nhất khản đục. Ở tuổi gần đất xa trời, hai ông bà vẫn phải oằn mình nuôi đứa con tật nguyền. Ông rinh cổ, bà rinh chân, lưng cong rệp xuống rồi, mai mốt không biết có rinh nỗi nữa không? "Sao bà không mua cho anh Hồng một cái xe lăn mới". "Tiền mô mà mua, ăn còn chưa đủ, nói chi mua xe hả cô. Nhì nhằng bựa rau bựa cháo qua ngày thôi".

Có xe lăn, sẽ đỡ cho ông bà những lúc tắm táp, Hồng còn được đi ra ngoài, ngắm nhìn trời đất, để biết mình còn tồn tại. Chứ 12 năm nằm một chỗ, anh thấy mình như chết rồi. Cũng một cuộc đời, một ước mơ bé nhỏ mà nghe sao khó khăn đến vậy.

Tôi không biết nói gì, chỉ cầm chặt tay Hồng. Tôi chợt nghĩ biết đâu khi bài báo này đến tay bạn đọc, sẽ có những nhà hảo tâm giúp anh có một chiếc xe lăn, để Hồng có thể có cơ hội được ra ngoài, nhìn thấy ánh sáng, được một lần thay đổi tư thế của mình trong suốt 12 năm. Dù tôi biết, thời gian sống của anh trên cõi đời này không còn dài nữa. Nhưng được sống thêm một ngày, vẫn còn niềm hy vọng…

Vẫn sẽ còn những câu chuyện đau lòng của Hồng, của anh Bình ở Kỳ Xuân (Kỳ Anh)… khi hằng năm, thanh niên trai tráng trong làng vẫn đặt cược mạng sống của mình vào sự may rủi của số phận nếu những người dân nghèo ở đây, không được tạo điều kiện về công ăn việc làm… Và những vành tang trắng trên đầu trẻ, những người vợ góa chồng sẽ không chỉ dừng lại ở con số chục…

Khánh Linh – CSTC tuần số 63

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文