Người cha “nhân định” trong Trại giam Nam Hà

22:04 11/09/2009
Cả cuộc đời gắn bó với công việc của một người quản giáo trại giam đầy khó khăn vất vả, nhưng Đại úy Nguyễn Đức Ghi chưa từng ân hận vì đã chọn công việc thầm lặng này. Ông nói rằng, làm một cán bộ quản giáo, ông chỉ được chứ không thấy mất.

Sau hơn 30 năm công tác trong nghề, Đại úy Nguyễn Đức Ghi đang trải qua những ngày cuối cùng của cuộc đời quản giáo ở Trại giam Nam Hà. Để cho những ngày tháng ít ỏi còn lại trôi đi không vô nghĩa, ông làm việc gấp đôi, gấp ba bình thường, mong sao có thêm những kỉ niệm đẹp cho những năm tháng hưu trí sau này.

Ông thú nhận rằng, càng gần đến ngày nghỉ hưu, ông càng thấy chông chênh, trống vắng. Vì về hưu có nghĩa là sẽ phải xa con đường ngoằn ngoèo quen thuộc lên trại giam mỗi ngày, xa cuộc sống tập thể bên những người đồng chí, đồng đội, xa những người tù lầm lạc đang cải tạo để tìm về con đường chính đạo. Tất cả những cái đó đã làm nên cuộc đời ông.

Đại úy Nguyễn Đức Ghi đến Trại giam Nam Hà từ những ngày bao cấp. Khi đó nơi đây chỉ là một vùng rừng núi heo hút, cuộc sống khắc nghiệt. Lúc đó, lương của một cán bộ quản giáo chẳng đủ để ông nuôi cô con gái nhỏ mới lọt lòng.

Những năm tháng bao cấp sống cảnh gà trống nuôi con, thêm vào đó là môi trường trại giam khắc nghiệt, cũng không làm Nguyễn Đức Ghi giảm đi tình yêu và sự tâm huyết với công việc của một cán bộ quản giáo. Đến bây giờ sau hơn 30 năm công tác, ông đã có thể ngẩng cao đầu khi kết thúc sự nghiệp. Đồng nghiệp quý mến ông, tù nhân kính trọng và tri ân ông. Họ nói, ông là một quản giáo có tấm lòng.

Đại úy Ghi tâm sự rằng xã hội vẫn còn nhiều định kiến với những người quản giáo trại giam: "Họ gọi chúng tôi là những người cai ngục, rằng chúng tôi máu lạnh và không biết thế nào tình thương. Nhưng chúng tôi cũng là những con người với đầy đủ cung bậc tình cảm, cũng biết yêu thương và thông cảm, ngay cả với những người tù. Chúng tôi làm công việc thầm lặng sau cánh cửa trại giam, giáo dục lại những con người đã từng lầm lỡ, để họ trở về với xã hội trong một tư thế đẹp hơn".

Những phạm nhân tại Trại giam Nam Hà.

Nhiều năm lăn lộn với nghề, bí quyết để trở thành một quản giáo giỏi của Nguyễn Đức Ghi chỉ có hai từ "chân thành". Là cán bộ quản giáo, ông ý thức được khoảng cách của mình với phạm nhân, ý thức được mình phải có trách nhiệm cải tạo họ, giáo dục họ. Nhưng bao giờ ông cũng cố gắng để rút ngắn khoảng cách đó đến mức có thể, để những phạm nhân hiểu rằng ông thực sự chân thành giúp đỡ họ, thực sự tin họ có thể trở thành một con người tốt.

Quản giáo Ghi kể: "Trong trại giam có rất nhiều quy định buộc phạm nhân phải chấp hành. Nhưng đôi khi tôi cũng phải cân nhắc giữa lý và tình, thậm chí là phá rào một số quy định trong chừng mực cho phép. Có lần trong lúc đi kiểm tra các buồng giam, tôi phát hiện một tù nhân đang thắp hương mẹ bằng một bát hương tự chế. Quy định của trại giam đương nhiên sẽ không cho phép, nhưng người tù đó nói với tôi rằng, cán bộ hãy cho tôi được thắp hương mẹ một lần, mẹ tôi vừa mới qua đời hôm qua. Tôi  không thể cầm lòng trước lời đề nghị tha thiết đó. Tôi quay mặt đi, lòng cầu khấn cho người mẹ đã khuất được thanh thản nơi chín suối với nén hương ăn năn của đứa con lầm lạc".

Bằng tấm lòng của mình, quản giáo Nguyễn Đức Ghi đã "thuần phục" được rất nhiều phạm nhân được xếp vào dạng bất kham. Dưới sự giáo dục của ông, nhiều phạm nhân ngang bướng và hay có hành vi chống đối đã trở nên biết nghe lời. Ông chinh phục tình cảm của phạm nhân bằng những sự quan tâm nhỏ nhặt nhưng thực sự chân thành. Ông mua cho họ viên thuốc khi họ sốt, mang cho họ khay nước đá pha đường để giải khát trong những buổi làm việc giữa ngày hè oi bức. Ông sẵn sàng nghe phạm nhân tâm sự về hoàn cảnh gia đình, về những biến cố trong cuộc sống với sự cảm thông và chia sẻ thực sự.

Những lần năng suất lao động vượt khoán, ông bỏ tiền mua dăm ba cân thịt để anh  em phạm nhân trong đội liên hoan. Tù nhân vì thế mà quý mến ông. Nhiều người ra tù rồi, gặp lại ông vẫn một điều "cán bộ" hai điều "cán bộ". Trong những ngày lễ tết, gia đình ông lúc nào cũng tấp nập bởi sự ghé thăm của những người tù một thời được ông giáo dục. Họ lặn lội hàng trăm cây đến để bày tỏ tình cảm với ông, bằng một chai rượu hay một hộp mứt. Vật chất không có nhiều, nhưng sự biết ơn là thật lòng.

Phạm nhân Nguyễn Quốc Huy (quê Hà Nội, vào tù từ năm 2000 đến 2004) là người tù mà Nguyễn Đức Ghi thực sự quý mến và dành cho những tình thương đặc biệt: "Thằng bé chưa tròn 18 tuổi khi vào trại. Nó đi tù vì 50 tép heroin mà hai mẹ con nó cầm giúp người cha dượng nghiện ngập. Trước tòa, nó nhận hết tội về mình để mẹ nó được tha bổng. Nhưng vào tù một thời gian, người mẹ đó cũng bỏ nó mà đi đâu không rõ. Nó trắng trẻo, thư sinh, ăn nói hiền lành, lễ phép, thế mà lại phải đánh đổi tuổi trẻ của mình sau song sắt nhà tù. Nó cũng chỉ trạc tuổi con tôi, nên không rõ tự lúc nào tôi thương nó như con ruột, cho nó làm những việc nhẹ nhàng, vừa với sức vóc và chú ý giáo dục nó sao cho nên người. Tôi thực sự muốn che chở và giúp đỡ cho thằng bé tội nghiệp đó, như một người cha che chở cho con".

Sau này, khi Nguyễn Quốc Huy ra tù, đích thân quản giáo Ghi dẫn anh đi xin việc khắp nơi. Ông coi người thanh niên đó như người trong gia đình. Đổi lại, Nguyễn Quốc Huy coi gia đình ông như gia đình thật sự của mình, coi ông là người bố thứ hai mà anh hết mực kính trọng. Hàng năm vào những dịp lễ tết hay khi gia đình ông có việc hiếu hỉ, Nguyễn Quốc Huy đều có mặt để thể hiện sự gắn bó và sâu nặng với người quản giáo đã cưu mang anh trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời.

Dấu vết của cuộc sống tù đày đã hoàn toàn biến mất trên gương mặt người thanh niên ấy, nhờ ý chí và khao khát làm lại cuộc đời, và nhờ tình yêu thương chân thành của người quản giáo mà anh may mắn được gặp ở trại Nam Hà. Nguyễn Quốc Huy bây giờ đã thực sự trưởng thành, có một công việc ổn định trong một công ty may mặc lớn, với thu nhập khá. Anh có một gia đình yên ấm bên người vợ là giáo viên. Đó thực sự là một món quà có ý nghĩa mà cuộc sống dành tặng cho Đại úy Nguyễn Đức Ghi. Ông nói: "Huy là thành công lớn nhất trong cuộc đời quản giáo của tôi".

Là một quản giáo ở một trại trọng điểm, có nhiều thành phần phạm nhân phức tạp, Đại úy Nguyễn Đức Ghi đã từng phải đối mặt với những nguy hiểm liên quan đến sự an nguy của bản thân. 4 năm trước, trong một lần trực trại, ông đã bị phơi nhiễm vì va chạm với một phạm nhân có HIV tên là Nguyễn Thế Thọ (quê Thái Bình), khi phạm nhân này có biểu hiện chống đối với cán bộ quản giáo.

Bản lĩnh của một quản giáo lâu năm đã giúp ông giữ được bình tĩnh để làm chủ tình hình. Ông giấu vợ con sự cố đó và uống thuốc phơi nhiễm theo chỉ định của cán bộ y tế, chỉ thở phào nhẹ nhõm với kết quả xét nghiệm âm tính một năm sau đó. Đó chỉ là một trong hàng chục tai nạn mà một quản giáo có thâm niên như Nguyễn Đức Ghi gặp phải trong quá trình làm nhiệm vụ.

Những biến cố, những tai nạn nguy hiểm như thế dù ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân, nhưng không làm Nguyễn Đức Ghi có cái nhìn ác cảm với phạm nhân. Ông say mê công việc quản giáo đến nỗi dù nhà ở cách trại giam 20km, ông vẫn chỉ về được hai tuần một lần khiến vợ ông, dù rất thông cảm với công việc của chồng, đôi khi vẫn phải trách móc. Ông vẫn là một người cán bộ quản giáo cần mẫn, dịu dàng với phạm nhân và biết thưởng phạt phân minh. Bạn bè ông bây giờ rất nhiều người ngày xưa là tù nhân do ông quản lý.

Mỗi lần ông lên Hà Nội, xuống Hải Phòng hay đến bất cứ đâu, họ lại tìm gặp ông và mời ông một chén rượu tình nghĩa. Không bao giờ ông cảm thấy e ngại vè dè dặt khi tiếp xúc với những con người đó, vì theo ông "họ đã trả nợ cho pháp luật bằng những năm tháng lao tù, khi ra trại, họ cũng bình đẳng như tôi. Tôi coi họ như những người bạn khác".

Nhìn những con người một thời là tội phạm, nay trở thành những người có ích cho xã hội và thành đạt trong cuộc sống, đó là những lúc ông cảm thấy tự hào hơn bao giờ hết về nghề quản giáo của mình. Chính vì thế, cô con gái lớn của ông - đứa con mà ông coi như báu vật quý giá nhất của cuộc đời mình - cũng được ông hướng theo nghề cán bộ trại giam.

Ông bảo rằng: "Con gái tôi thỉnh thoảng vẫn đề đạt ý định muốn chuyển xuống thành phố Phủ Lý công tác, nhưng tôi không đồng ý. Tôi biết, môi trường này, với những người đồng chí đồng đội này, với công việc này sẽ giúp nó trưởng thành và làm được nhiều việc có ích cho xã hội. Nó là tất cả tình yêu của cuộc đời tôi, mà cuộc đời tôi thì gắn liền với Trại giam Nam Hà, nên tôi lúc nào cũng hi vọng con gái mình sẽ tiếp bước sự nghiệp vất vả nhưng đáng tự hào của mình"

Lan Hương - CSTC số 5

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文