Tình vợ chồng cảm động của "nhà thơ đứng" xứ Nghệ

11:18 25/07/2011
Ngày bà Nị theo ông Trương Quang Thứ về vùng đất ven biển Quỳnh Lập - Quỳnh Lưu - Nghệ An, nhiều người dân nhìn thấy bà xinh xắn, trẻ trung, lành lặn đã vô cùng thắc mắc không hiểu vì sao bà lại lấy ông - một người đàn ông chẳng thể đi lại được - làm chồng. Người tốt bụng thì chép Miệng thương bà dại dột, những người có lòng dạ hẹp hòi thì cười nhạt sau lưng mỗi khi bà đi qua: “Để xem có được ba bẩy hăm mươi mốt ngày". Bà nghe tất cả những chuyện đó mà lẳng lặng không nói gì, chỉ một lòng trở thành người vợ hiền của ông, thành mẹ của các con ông.

Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ cái ngày bà quyết định gắn bó cuộc đời mình với một người đàn ông tàn tật và về làm dâu xứ Nghệ, dù không nói ra nhưng tôi biết bà tự hào vì đã có câu trả lời cho những người từng dị nghị sau lưng bà năm xưa. Sống hạnh phúc bên chồng và là người phụ nữ duy nhất trong xã nuôi 3 con học đại học - bà đã chọn cho mình một con đường chông gai, nhưng nghị lực phi thường và đức hi sinh kỳ lạ đã giúp bà biến nó thành con đường hạnh phúc.

Chuyện cuộc đời của một "nhà thơ đứng" duy nhất ở Việt Nam

Đến xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, không ai là không biết ông Trương Quang Thứ, người đàn ông nổi tiếng khắp vùng với biệt danh "nhà thơ đứng". Người dân Quỳnh Lập bảo ông Thứ nổi tiếng vì nhiều cái: nổi tiếng vì thân hình thẳng đơ, không bao giờ có thể cúi gập như người bình thường; nổi tiếng vì có một cơ thể không lành lặn, nhưng lại lấy được một người vợ vừa đẹp người vừa đẹp nết; nổi tiếng vì gia đình ông là gia đình duy nhất trong xã có 3 con học hết đại học; và nổi tiếng bởi, dù cuộc sống khó khăn, dù không có một thân thể trọn vẹn như người bình thường, ông vẫn yêu đời, vẫn làm thơ, vẫn viết báo trong cái tư thế kỳ dị nhất. Cả đời Trương Quang Thứ chỉ luôn sáng tác thơ khi đứng. Có lẽ ông là nhà thơ duy nhất trên khắp đất nước Việt Nam làm thơ trong tư thế kỳ lại đó…

Nằm thẳng đuột người trên chiếc ghế quen thuộc của mình, "nhà thơ đứng" Trương Quang Thứ kể với tôi về cuộc đời mình với cái giọng mộc mạc, giản dị của người dân vùng biển xứ Nghệ. Ông bảo, ông là con trai thứ 4 trong một gia đình đông anh chị em của đất Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ngày nhỏ, dù học giỏi, có năng khiếu thơ văn và thường xuyên có thơ và bài viết đăng báo, nhưng học hết cấp III, Trương Quang Thứ vẫn buộc phải gác lại ước mơ học hành vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Lúc đó ông tự an ủi mình rằng sự thành công và hạnh phúc của một con người không nhất thiết phải đi qua con đường học hành.

Vợ chồng ông Thứ và cháu nội.

Ở tuổi đôi mươi, khi mà cả sức khỏe, trí tuệ và ý chí đều dồi dào, dù không được theo con đường bút nghiên đến nơi đến chốn, ông vẫn ấp ủ rất nhiều hoài bão, ước mơ cho cuộc đời mình sau này. Nhưng năm 1972, khi Trương Quang Thứ mới tròn 21 tuổi, số phận đã giáng một đòn khắc nghiệt xuống cuộc đời ông. Năm đó, trong một lần không may, ông bị vướng phải mảnh bom và bị thương ở chân. Vết thương không có gì nghiêm trọng, nhưng ngày đó phần vì thuốc thang, chữa chạy còn khó khăn, phần vì chủ quan, mà cuối cùng cuộc đời ông đã phải trả 1 cái giá đắt.

Đến khi vết thương bị nhiễm trùng, toàn bộ các khớp trong người ông không thể cử động được nữa, cả gia đình mới hoảng hốt đưa Trương Quang Thứ đi khắp nơi chữa bệnh nhưng đã quá muộn. Suốt những năm đó, ông không nhớ mình đã đi chữa bệnh ở bao nhiêu bệnh viện từ Miền Trung đến Miền Bắc, từ Đông y đến Tây y, bao nhiêu tài sản có giá trị trong nhà, bố mẹ ông cũng đều đem bán đi để chữa bệnh cho người con trai vốn được đặt nhiều kỳ vọng trong gia đình, nhưng bệnh tình của Trương Quang Thứ vẫn không suy chuyển, từ một người thanh niên lành lặn, khỏe mạnh, Trương Quang Thứ trở thành một người tàn tật, chỉ có thể nằm một chỗ, thẳng đơ như một khúc gỗ. 

Ông kể: "Ngoài 20 tuổi, chưa một lần yêu và còn quá nhiều ước mơ dang dở, nên khi ấy tai nạn đó là một cú sốc vô cùng lớn đối với tôi. Đã có lúc tuyệt vọng, chán chường, tôi chỉ nghĩ đến cái chết. Nhưng thế hệ tôi ngày đó tất cả đều có một cuốn sách gối đầu giường là cuốn "Thép đã tôi thế đấy". Tôi đọc đi đọc lại cuốn sách đó, và nhờ thế mà có thêm nghị lực để vượt qua thử thách khắc nghiệt của cuộc đời mình. Từ đó, tôi càng làm thơ, viết văn, viết báo nhiều hơn. Thơ văn giúp tôi xoa dịu nỗi đau thể xác, giúp tôi quên đi những viễn cảnh u ám về cuộc đời mình sau này".

Nhưng có một sự thật mà thơ văn không bao giờ có thể giúp Trương Quang Thứ quên được: ông hiểu rằng với một người thanh niên chưa vợ mà lại bệnh tật như mình, chuyện hạnh phúc lứa đôi sẽ là điều thực sự xa vời. Năm Trương Quang Thứ 25 tuổi, khi mà tất cả đám trai làng cùng tuổi đã yên bề gia thất, đề huề vợ con, Trương Quang Thứ vẫn chỉ biết bầu bạn với thơ.

Ngày đó, hiểu rõ hoàn cảnh bệnh tật của mình, nên ông đã tự dặn lòng mình phải từ bỏ cái khao khát yêu và được yêu và trải nghiệm những hạnh phúc của tình yêu. Nhưng cuối cùng, bất chấp những thiệt thòi, những tai ương, bất chấp bệnh tật mà ông đang mang trong người, số phận đã dành cho ông một món quà lớn hơn tất cả những món quà mà ông đã được nhận trong đời, khi dẫn đường cho ông đến với người phụ nữ của đời mình - trong một cuộc gặp gỡ của định mệnh.

Nốt nhạc đầu của bài ca hạnh phúc

Năm 1976, trong những nỗ lực cuối cùng để chữa bệnh cho con trai, bố mẹ Trương Quang Thứ đưa ông lên Bệnh viện Hà Bắc (cũ) (nay là Bắc Giang) để điều trị bệnh. Những ngày nằm trong bệnh viện, số phận run rủi đã khiến Trương Quang Thứ quen với cô sinh viên Trường Trung cấp Kỹ thuật Nguyễn Thị Nị. Ông kể: "Lần đó, bà ấy lên thăm người bạn học cùng trường, cũng nằm cùng phòng trong bệnh viện với tôi. Vừa nhìn thấy bà ấy, tôi đã có cảm tình. Nhưng cảm tình thì để trong bụng thế thôi, chứ tôi biết thân biết phận mình, chẳng dám mơ tưởng xa xôi". Nhưng khi ấy ông Thứ không biết rằng, ngay từ buổi gặp đầu tiên, hình ảnh về người thanh niên trẻ trung, có gương mặt hiền lành, ăn nói dễ nghe nhưng không đi lại được đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng cô sinh viên Nguyễn Thị Nị.

Những lần sau đó vào thăm bạn trong bệnh viện, thấy ông không đi lại được, sinh hoạt khó khăn mà gia đình không có ai ở bên cạnh giúp đỡ, bà đã tình nguyện giúp đỡ ông những lúc có thời gian rảnh. Ban đầu chỉ là sự thương cảm với một người có số phận thiệt thòi, sau dần tình thương trong bà nảy nở thành một thứ tình cảm lớn lao hơn từ lúc nào, chính bà cũng không hề hay biết. Bà cảm phục ông, quý mến ông bởi dù gặp nhiều thử thách trong cuộc sống, ông vẫn tự tin, vẫn lạc quan và vẫn làm thơ, viết văn, viết báo. Yêu những vần thơ của ông, quý trọng sự nghị lực vươn lên của ông, dần dần bà nhận ra mình đã yêu người đàn ông tật nguyền từ lúc nào không hay.

Kém Trương Quang Thứ 3 tuổi, vóc dáng cao ráo, gương mặt ưa nhìn, tính tình lại dịu dàng, nên ngày trẻ, bà Nguyễn Thị Nị là một cô gái được nhiều người đàn ông theo đuổi. Có chàng trai còn nhờ gia đình đến thưa chuyện với cha mẹ bà, đặt vấn đề hỏi bà về làm vợ, nhưng cho đến trước khi gặp ông, bà vẫn chưa thuận lòng một ai.

Ông Trương Quang Thứ kể: "Ngày đó, chứng kiến sự chăm sóc và những cử chỉ quan tâm bà ấy dành cho tôi, tôi cũng lờ mờ nhận ra tình cảm bà ấy dành cho mình. Nhưng mãi mà tôi chẳng dám thổ lộ. Bởi nếu nói ra tình cảm của mình mà bị bà ấy từ chối thì đau lòng. Nhưng nếu bà ấy chấp thuận, tôi cũng chẳng đành. Ở bên một kẻ không ra hồn người như tôi, một kẻ đến bản thân mình cũng không tự lo được, làm sao bà ấy hạnh phúc. Chính vì thế mà tôi cứ lần nữa mãi. Nhưng tình yêu là thứ mà người ta không dùng lý trí để kiểm soát được.

Có một hôm tôi đã quyết định nói ra tình cảm của mình với bà ấy, định bụng chỉ nói ra cho nhẹ lòng thôi, chứ cũng không mong được đáp lại. Nếu được khỏe mạnh, lành lặn như người đàn ông bình thường, chắc hẳn khi ấy tôi đã hỏi thẳng bà ấy: "Em có yêu anh không? Có đồng ý làm vợ anh không?". Nhưng vì quá tự ti vào bản thân mình nên lúc đó, dù thu hết can đảm, tôi cũng chủ mở Miệng ra hỏi một câu chẳng đâu vào đâu: "Em có đồng ý làm dâu Nghệ An không?" rồi im bặt.

Bây giờ đã nên vợ nên chồng, bà ấy vẫn trêu tôi là bình thường khéo Miệng là thế mà sao lúc đó nói 1 câu tỏ tình cũng không xong. Nhưng tôi nói 1 mà bà ấy hiểu 10. Thấu hiểu tâm trạng của tôi, thấu hiểu sự mặc cảm và những nỗi lo lắng trong tôi, bà ấy đã nói với tôi rằng bà ấy sẵn lòng ở bên tôi, cùng tôi chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống, bất kể cuộc sống sau này có ra sao, bất kể tôi có khiếm khuyết thế nào. 4 năm trời sống trong cảnh bệnh tật, thú thật tôi chẳng bao giờ dám mơ sẽ có một ngày mình lại có cơ hội tỏ tình với một người con gái và được người con gái đó đáp lại tình cảm. Đó có lẽ là ngày hạnh phúc và may mắn nhất trong cuộc đời tôi".

Niềm hạnh phúc tột cùng vì tìm được  người phụ nữ sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, hoạn nạn với mình vừa mới chớm, thì Trương Quang Thứ đã phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ gia đình bà Nị. Khi biết tin cô con gái xinh xắn, dịu dàng của mình yêu một người thanh niên chẳng thể đi lại được như người thường, mẹ bà Nị đã khuyên con bằng nước mắt: "Có bao nhiêu người đàn ông bình thường tử tế sao mày không yêu, lại đi yêu một kẻ chẳng ra hồn người. Yêu nó và lấy nó thì một đời mày sẽ khổ. Mày tỉnh lại đi con ơi". Chỉ có cha bà, một cựu sĩ quan Công an của tỉnh Hà Bắc thì nói: "Con lớn rồi, bố tôn trọng quyết định của con. Thời bây giờ con cái không còn chịu cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nữa. Nhưng sướng khổ sau này, con sẽ phải tự chịu lấy".

Bất chấp sự phản ứng của mẹ đẻ, bà vẫn kiên định với lựa chọn của mình, vẫn luôn ở bên ông, động viên ông, trấn an ông để ông hiểu rằng dù thế nào bà cũng không rời xa ông. Khi bị mẹ đẻ tuyên bố sẽ từ mặt nếu lấy ông, bà nuốt ngược nước mắt vào lòng nói với mẹ: "Con muốn ở bên anh ấy để bù đắp cho anh ấy những thiệt thòi, mất mát. Xin mẹ hiểu và tha cho con tội bất hiếu". Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, cuối cùng mẹ bà cũng đành gật đầu đồng ý. Năm 1977, đám cưới của ông bà diễn ra giản dị, với lễ cúng gia tiên và vài mâm cơm giản dị mời họ hàng. Ông bà thành vợ chồng từ đó.

Có một gia đình ngọt ngào giữa làng chài ven biển

Ngày bà theo ông về làm dâu xứ Nghệ ở vùng ven biển Quỳnh Lập, nhiều người dân xung quanh đã ngỡ ngàng khi không thể giải thích được tại sao một cô gái trẻ trung, xinh đẹp như bà lại lấy một người đàn ông tật nguyền làm chồng. Có người bảo bà dại dột, ăn phải bùa mê thuốc lú mới đâm đầu vào ông, một người đàn ông chẳng lành lặn, bình thường. Khi nghe những lời đó, bà chỉ mỉm cười, lặng im không đáp.

Cũng có người biết bà là con gái Miền Bắc, nghĩ bà "quen ăn trắng mặc trơn", sẽ không chịu được cái khổ cực, khắc nghiệt của vùng đất cằn ven biển ấy. Làng này từ xưa đến giờ đã có nhiều người phụ nữ Miền Bắc về làm dâu, nhưng rất nhiều người chỉ ở được vài năm đã không chịu được khổ cực mà phải bỏ chồng về quê cũ. Những người dân biển ở Quỳnh Lập cũng nghĩ bà sẽ chẳng chịu nổi "ba bẩy hăm mươi mốt ngày", bởi những người khác chồng bình thường tử tế còn chẳng ăn ai, đằng này chồng bà… Những chuyện đó rồi cũng đến tai bà. Nhưng khi nghe những lời đó, bà cũng chỉ mỉm cười, lặng im không đáp.

Bà không tốn thời gian đi đôi co, giải thích với từng người. Thay vào đó, bà dùng cả cuộc đời mình để trả lời những nghi ngờ đó, để chứng Mynh cho những con người đã từng hoài nghi đó thấy là họ đã sai.

Ngày mới lấy nhau, cuộc sống của vợ chồng ông bà vô cùng khó khăn, cơ cực. Đỉnh điểm của sự khó khăn đó là khi cậu con trai đầu lòng Trương Quang Văn ra đời. Toàn bộ các khớp trong người ông đã hỏng, nên hầu như ông chỉ nằm một chỗ, khó khăn lắm mới đi lại nhúc nhắc được, chính vì thế bà là trụ cột lao động chính trong nhà. Ông bảo, có nhiều lúc nhìn bà vất vả, ông thương vợ ứa nước mắt.

Ngày mới lấy nhau, bà nào biết thế nào là nhặt phân trâu, phân bò, nào biết đi cào ngao ngoài biển. Thế nhưng lấy ông, bà học hết những công việc đó. Từ 3 - 4h sáng, bà đã phải dậy để đi làm cho hợp tác xã. Trưa về, bà lên rừng lấy củi và nhặt phân trâu phân bò về bón cho mảnh vườn rau nho nhỏ mà ông bà canh tác thêm tại nhà. Đến chiều tối, khi hết ngày công của hợp tác, bà lại ra biển cào ngao, cải thiện bữa ăn cho cả gia đình.

Một năm vài lần gặp bão, những người vợ khác có chồng lo lắng chuyện nhà cửa, nhưng bà phải đứng ra lo toan mọi thứ mỗi khi bão đến. Có đêm đang ngủ thì trời bão to, nhà có nguy cơ bị tốc mái, bà phải dậy dùng thang leo lên mái nhà, lịch kịch đóng cái này, chặn cái kia giữa trời mưa gió, để giữ lại cái mái nhà đơn sơ của mình. Khi cố công dành dụm xây căn nhà ba gian để tránh bão, cũng một mình bà là người đi gánh từng gánh đất về đổ nền mỗi đêm, một mình bà là người chuyển gạch, vôi, vữa vào để xây lên căn nhà nhỏ làm nơi trú ngụ cho cả gia đình.

Là trụ cột trong gia đình, nên cuộc đời bà không bao giờ có lúc nào ngơi nghỉ. 3 lần bà sinh con, là cả 3 lần bà đều làm việc cho đến ngày cuối cùng. 3 người con của bà vì thế đều đẻ rơi giữa đường. Đẻ con xong, chẳng dám nghỉ ngơi một ngày, bà lại tất bật lo toan chuyện đồng áng, chợ búa.

Trương Quang Thứ bảo trên đời này, khó kiếm người đàn bà nào giàu đức hi sinh như vợ ông. Là lao động chính trong nhà, nhưng bữa cơm có Miếng ngon nào, bà lẳng lặng gắp cho chồng con. Bà nuôi 3 đứa con nhỏ và chăm người chồng ốm yếu với một sự kiên trì lạ kỳ, khiến cho cả những người  dân ở cái làng chài ven biển Quỳnh Lập cũng phải ngỡ ngàng, xuýt xoa. Họ đã thôi không còn xì xào về bà, không còn cười mỉa sau lưng bà. Họ đã bắt đầu nhìn bà với con mắt đầy thiện cảm và đầy sự thán phục.

Thương vợ vất vả và biết ơn vô cùng sự hi sinh của vợ, Trương Quang Thứ càng dặn lòng mình phải quyết tâm. Từ chỗ gần như không thể đi lại được, ông tập nhúc nhắc chân từng chút một. Cứ kiên trì tập luyện, cuối cùng ông đã có thể đi lại loanh quanh nhà, giúp đỡ bà đôi ba việc vụn vặt trong gia đình. Ông không thể cúi xuống được như người bình thường, nên dù làm việc gì, người ông vẫn thẳng đứng. Chính vì thế mà mọi thứ đồ vật mà ông dùng, bà phải làm thật dài.

Cái cuốc mà bà làm cho ông để ông làm cỏ vườn rau dài tới 2m, có lẽ là cái cuốc có cán dài nhất Việt Nam. Để có thể nấu ăn, đỡ đần vợ, ông phải xây cái kệ bếp thật cao. Cuộc sống vất vả nhưng ấm áp khiến ông lúc nào cũng tràn ngập cảm xúc văn chương. Ngay cả trong lúc đỡ đần bà việc nhà, ông cũng có thể nghĩ ra được một tứ thơ hay, để rồi sau đó ông lại vội vàng lấy sổ, lấy bút hì hụi ghi chép. Bao nhiêu năm nay ông cứ đứng và làm thơ như thế, những bài thơ đầy nỗi trăn trở nhưng cũng đầy niềm tin, hạnh phúc và hi vọng vào cuộc đời.

Bao nhiêu năm ông là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo, có nhiều bài thơ, bài báo được đăng, được gửi báo biếu, nhuận bút, là bấy nhiêu năm bà âm thầm đi cạnh cuộc đời ông, mỉm cười nhìn ông mỗi khi thấy ông hạnh phúc với niềm đam mê của mình, âm thầm hi sinh cho ông để ông có thể toàn tâm toàn ý cho tình yêu văn chương. Bởi bà hiểu dù có thể số tiền nhuận bút ông kiếm được chẳng đáng là bao, nhưng đó là nguồn nước tưới mát cho tâm hồn ông, cho cuộc đời ông - một cuộc đời vốn chịu nhiều thiệt thòi, mất mát.

Ở xã Quỳnh Lập, vợ chồng Trương Quang Chứ là trường hợp duy nhất nuôi được 3 người con học đại học đến nơi đến chốn. Với một gia đình bình thường, đó đã là một niềm tự hào. Nhưng với một gia đình đặc biệt như gia đình ông, điều đó còn ý nghĩa hơn rất nhiều, bởi để có được niềm tự hào về con cái như ngày hôm nay, không thể kể hết những cơ cực mà vợ chồng ông đã trải qua.

Khi cậu con trai đầu lòng của ông học hết cấp 2, thấy ông có ý định cho con lên học cấp 3, nhiều người dân trong xã đã khuyên ông nghĩ lại. Ở vùng ven biển, con trai học cấp 2 đã bắt đầu nghỉ học theo bố đi biển đánh bắt cá. Nghề đánh bắt cá dễ kiếm tiền, nên nhiều gia đình không cho con học hết cấp 2, cấp 3, chứ đừng nói là đại học. Ông Thứ kể ngày ấy đã có nhiều người trong làng, thậm chí trong gia đình khuyên vợ chồng ông cho con nghỉ học đi biển, nhưng ông không đành lòng.

Ông bảo ông thương mấy đứa con trai, đứa nào cũng thông Minh, hiếu học. Có lúc gia đình khó khăn quá, đã nghĩ đến việc cho con nghỉ học, nhưng mỗi lúc như thế, ông lại nghĩ đến sự thiệt thòi của mình ngày xưa khi không được theo đuổi ước mơ học hành, thế là ông lại bàn với vợ cố gắng nuôi con ăn học. Suốt nhiều năm trời, hai vợ chồng ông đồng lòng vượt khó, chi chút từng tí để nuôi con học đại học. Với 1 gia đình bình thường, 2 vợ chồng khỏe mạnh, nuôi 1 đứa con ăn học đã là khó. Với gia đình ông bà, khi mà mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều chủ yếu do bà gánh vác, thì sự khó khăn là không kể xiết.

Bà Nị kể, có năm để có tiền nuôi con đi học, bà đi buôn mũ cối ở chợ Đồng Xuân, phải vay khắp nơi mới có vốn đi buôn. Nhưng không những bị lừa hết tiền mà còn bị dân "anh, chị" ở chợ Đồng Xuân bắt nạt, dọa dẫm, bà vừa đi tàu về quê, vừa thắt lòng khi nghĩ đến cuộc sống cơ cực của gia đình, vừa lo lắng về những khoản tiền học của ba đứa con lớn nhỏ. Nhưng tất cả những vất vả ấy ông bà đã cùng nhau vượt qua.

3 người con trai của ông bà: một người tốt nghiệp Trường Đại học KHXH & NV, một người tốt nghiệp Học viện Quân sự, một người tốt nghiệp Đại học Thủy Sản, giờ đều đã có công ăn việc làm ổn định. Đó là món quà lớn nhất mà ông bà có được, sau ngần ấy năm sống cơ cực, chịu thương chịu khó để nuôi con thành người.

Ngày bà lấy ông làm chồng, có rất nhiều người đã nghi ngờ sự lựa chọn của bà, nghi ngờ vào sự tỉnh táo của bà khi lựa chọn con đường chông gai, gập ghềnh này. Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ cái ngày bà quyết định gắn bó cuộc đời mình với một người đàn ông tàn tật và về làm dâu xứ Nghệ, dù không nói ra nhưng tôi biết bà tự hào vì đã có câu trả lời cho những người từng dị nghị sau lưng bà năm xưa. Sống hạnh phúc bên chồng và là người phụ nữ duy nhất trong xã nuôi 3 con học đại học - bà đã chọn cho mình một con đường chông gai, nhưng nghị lực phi thường và đức hi sinh kỳ lạ đã giúp bà biến nó thành con đường hạnh phúc

Lan Hương - số 48

Bộ Công an khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong hệ thống quản trị toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng trật tự thế giới dựa trên pháp luật quốc tế và Hiến chương LHQ; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới.

Ngày 5/1, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Thảo (SN 1996, trú tại Lào Cai) và Lin Kai Yuan (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”; khởi tố bị can đối với Dương Thị Như Hồng (SN 2000, trú tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Theo Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm nước tiểu của nữ bệnh nhân 67 tuổi ở Thanh Hoá vào nhập viện trong tình trạng hôn mê phát hiện chất độc strychnin. Chất độc này cũng được tìm thấy trong gói bột thuốc người bệnh sử dụng.

Tôi về quê vào những ngày cuối năm, trên chuyến xe chật ních những người, lòng dâng lên một cảm xúc xốn xang, bồi hồi khó tả. Bao nhiêu năm trôi qua với niềm nhớ thương da diết, Tết quê nhà trong tim tôi vẫn luôn dung dị, bình yên với khói chiều cuối năm bảng lảng, ngày cuối Chạp bóng nắng hắt lên lũy tre làng xanh biêng biếc, bầy chèo bẻo đậu trên nhánh cây bạch đàn tao tác gọi bạn.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2023; chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023; chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hoạt động giai đoạn 2021-2023 của các cơ sở y tế công lập tỉnh Khánh Hòa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文