Nâng cao vai trò cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc

09:03 11/09/2017
Do ảnh hưởng của các yếu tố địa lý, lịch sử, tự nhiên, xã hội và tác động của xu hướng tội phạm trên thế giới và khu vực, tình hình hoạt động tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia tại các tỉnh vùng Tây Bắc đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ...

LTS: Vừa qua, tại Hà Nội, Học viện Chính trị CAND phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc, đồng chí Nguyễn Văn Bình, UVBCT, Bí Thư TW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế TƯ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc có bài phát biểu. Báo CAND xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Vùng Tây Bắc thuộc phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo gồm 12 tỉnh miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây thuộc Nghệ An và Thanh Hóa, chiếm 1/3 diện tích cả nước với dân số trên 11 triệu người, bao gồm 32 dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 63%; có đến 9/14 tỉnh, 49 huyện, 239 xã, 2.445 thôn, bản biên giới với trên 2.574 km đường biên giới tiếp giáp với Lào và Trung Quốc với 8 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu quốc gia và 43 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường tiểu ngạch.

Đây là vùng núi cao, biên giới, địa hình hiểm trở, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của cả nước; là căn cứ địa cách mạng, an toàn khu của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 

Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc luôn một lòng theo Đảng, cống hiến sức người, sức của cho cách mạng với tinh thần “Tây Bắc vì cả nước, cả nước vì Tây Bắc”. 

Để có được cuộc sống bình yên ngày hôm nay, Tây Bắc đã có 7.280 Mẹ Việt Nam anh hùng, gần 172 nghìn liệt sỹ, trên 123 nghìn thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, gần 45 nghìn bệnh binh, hàng nghìn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, hàng trăm nghìn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế…

Lực lượng Công an thường xuyên giúp đồng bào làm nông nghiệp.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến phát triển vùng Tây Bắc. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục của vùng ngày càng phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, cho đến nay Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất trong cả nước với 29,14% hộ nghèo và 10,69% hộ cận nghèo. 

Do ảnh hưởng của các yếu tố địa lý, lịch sử, tự nhiên, xã hội và tác động của xu hướng tội phạm trên thế giới và khu vực, tình hình hoạt động tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia tại các tỉnh vùng Tây Bắc đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ, mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực; các lực lượng chức năng đã tăng cường triển khai các chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Số liệu cho thấy, từ năm 2014 đến 2016, các tỉnh vùng Tây Bắc đã phát hiện, bắt giữ 12.434 vụ/16.501 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 845kg heroin, 88kg thuốc phiện, 101,6kg và 790.112 viên ma túy tổng hợp; 341/602 đối tượng phạm tội mua bán người (615 nạn nhân); 31.607 vụ/33.106 đối tượng buôn lậu, tịch thu hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng. 

Vùng Tây Bắc là một trong những địa bàn chống phá của các thế lực thù địch, lợi dụng khó khăn về địa hình, tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, các vấn đề về dân tộc - tôn giáo… để truyền đạo trái pháp luật, tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", gây bất ổn về chính trị bằng nhiều thủ đoạn tinh vi và ngày càng quyết liệt.

Thực tiễn đó cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí có lúc, có nơi có biểu hiện gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ, tác động xấu đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. 

Tình hình đó đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền trong vùng Tây Bắc cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh này, thực hiện tốt yêu cầu "Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh trên địa bàn, chủ động nắm chắc tình hình, không bị động, bất ngờ" đã nêu trong Kết luận số 26-KL/TW, ngày 2-8-2012, của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.

Trước hết, để có các giải pháp phòng, chống tội phạm bảo đảm yêu cầu "đúng", "trúng" và "có hiệu quả", điều đầu tiên cần nhận diện và làm rõ các yếu tố về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội, dân cư, tôn giáo, văn hóa... cũng như bối cảnh trong nước và quốc tế có ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tội phạm của vùng Tây Bắc. 

Nghiên cứu về các giải pháp phòng, chống tội phạm cần gắn kết chặt chẽ với các nghiên cứu về địa lý kinh tế - xã hội, văn hóa, con người, tâm linh... của vùng Tây Bắc, của từng địa phương trong vùng, của các tỉnh biên giới thuộc Lào và Trung Quốc giáp với Tây Bắc. Từ chính những đặc điểm riêng biệt này sẽ quyết định mô hình, cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác phòng, chống tội phạm của vùng.

Thứ hai, cần rà soát, tổng kết các nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm tổ chức xuyên quốc gia. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chủ trương, cơ chế... 

Trong thời gian tới, cần có tư duy mới trong xây dựng đường lối, chính sách, xây dựng kế hoạch quốc gia phòng, chống tội phạm cho phù hợp bối cảnh, tính chất, nội dung của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời kỳ mới của nước ta nói chung và của Tây Bắc nói riêng. Cần quán triệt xuyên suốt quan điểm: Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp về mọi mặt, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm.

Thứ ba, cần nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng". Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, nêu rõ: “Bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì ta thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì ta thành công hoàn toàn”1; và “Tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được, Công an nhân dân phải luôn luôn giúp đỡ, tổ chức giáo dục nhân dân, làm cho mọi người dân là những người giúp việc cho mình, làm mạng lưới Công an nhân dân, như thế công tác Công an nhân dân mới có kết quả”2.

Vì vậy, trong thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp vùng Tây Bắc cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói riêng. 

Tập trung xây dựng được "thế trận lòng dân", trong đó, hết sức coi trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của cuộc đấu trang này, gắn chặt với việc đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và miền xuôi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng như: Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; 

Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22-6-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Chỉ thị 09-CT/TW ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.

Thứ tư, cần thực hiện các giải pháp hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các văn bản có liên quan, coi trọng việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễnở các địa bàn để có các đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 49/NQ/TW, ngày 2-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế trong phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã ký kết hoặc tham gia.

Thứ năm, cần phát huy thật tốt vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên tuyến biến giới và các địa bàn trọng yếu. Đây cũng là giải pháp góp phần trực tiếp phòng ngừa tội phạm xuyên quốc gia.

Các lực lượng Công an, Biên phòng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, cần phát huy vai trò tiên phong trong tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên. Cần hình thành thí điểm các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm từng địa phương Tây Bắc; sau đó nhân rộng ra toàn vùng.

Các cấp ủy, chính quyền cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tận tâm, tận lực vì cuộc sống no ấm của nhân dân trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 26-KL/TW, ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị khóa XI.

Thứ sáu, cần tổng kết rút kinh nghiệm về công tác kết hợp, phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với các ban, ngành, đoàn thể từ thôn, bản đến xã, huyện; giữa địa phương và Trung ương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm đẩy tới cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình mới đạt hiệu quả cao.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên là góp sức tích cực đáp ứng yêu cầu quan trọng mà Đảng ta đã nêu trong Kết luận số 26-KL/TW, ngày 2-8-2012, của Bộ Chính trị khóa XI: "Xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trung vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước".

(1): Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, trang 270.

(2): Tuyển tập Hồ Chí Minh, NXB Sự thật, Hà Nội 1980, tập 2, trang 96.

TSKH Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Kinh tế TƯ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

Trong bối cảnh cả Nga và Triều Tiên đều chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hai quốc gia đã tìm thấy điểm tựa chiến lược để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao, mối quan hệ này không chỉ giúp họ đối phó với sự cô lập, mà còn góp phần tái định hình cục diện địa chính trị tại Đông Bắc Á.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文