Nhận diện chiêu trò chống phá hoạt động của Quốc hội nước ta hiện nay

07:43 04/01/2021
Các kỳ họp Quốc hội là nơi đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri và nhân dân cả nước bàn bạc, quyết sách những vấn đề quan trọng của đất nước. Đây cũng là lúc những kẻ núp bóng “dân chủ, nhân quyền” không từ mọi thủ đoạn để suy diễn, xuyên tạc. Những chiêu trò đó cần nhận diện như sau:


Thứ nhất, họ ra sức xuyên tạc vị trí, vai trò, chức năng của Quốc hội, xuyên tạc, vu khống Quốc hội hoạt động không hiệu quả, thậm chí họ xem các kỳ họp Quốc hội là không cần thiết, cố tình xóa bỏ những kết quả trong hoạt động của Quốc hội. Mặt khác, phủ nhận mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội, đòi hỏi Quốc hội là tổ chức độc lập. Thậm chí, họ cho rằng Đảng hoạt động ngoài hiến pháp và pháp luật, yêu cầu phải xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp nước ta.

Thứ hai, hạ thấp uy tín, bôi nhọ danh dự, phủ nhận những đóng góp của các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

Thứ ba, lợi dụng các phiên chất vấn, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội để cố gắng làm “méo mó”, “biến dạng” các vấn đề thảo luận giữa các đại biểu, hướng lái, công kích dư luận theo cách diễn giải theo mưu đồ của họ. Tìm mọi cách khoét sâu vào những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ để vu khống, với phương châm: “Nói không thành có, đổi trắng thay đen”, lấy hiện tượng để quy thành bản chất và quy kết đó là do những hạn chế hoạt động của Đảng, Nhà nước.

Thứ tư, sử dụng các trang mạng xã hội như: YouTube, Facebook, Blog… với tính năng lan tỏa nhanh tác động tiêu cực đến nhận thức nhân dân; phát tán các bài viết, hình ảnh, video với thông tin sai lệch, trái chiều, không đúng sự thật. Đặc biệt họ cố tình cắt ghép, pha trộn, chỉnh sửa các bài tranh luận, phát biểu của các đại biểu Quốc hội để tuyên truyền chống phá các hoạt động của Đảng, Nhà nước.

Vì vậy, cần nhìn nhận các vấn đề trên như sau:

Trước hết, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội được Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Quốc hội do nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành Hiến pháp và pháp luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp trong xã hội.

Ở nước ta,“tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Như vậy, nhân dân là chủ thể mang quyền lực Nhà nước. Tuy nhiên, muốn sử dụng quyền lực Nhà nước của mình, nhân dân phải được tổ chức lại dưới hình thức Nhà nước. Quốc hội chính là cơ quan Nhà nước cao nhất, thông qua đó nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước của mình. Quốc hội là nơi ý chí của nhân dân trở thành ý chí của Nhà nước thể hiện bằng các đạo luật mang tính bắt buộc chung. Do đó, Quốc hội nước ta có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng, chức năng, nhiệm vụ được quy định rõ ràng.

Hai là, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được quy định rõ trong Hiến pháp của Việt Nam (Điều 4 của Hiến pháp năm 2013).

Thứ ba, Hiến pháp đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Điều này không hề làm mất đi vai trò của Quốc hội. Bởi quyền lực nhà nước ở nước ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng đó là sự lãnh đạo có nguyên tắc và theo quy định. 

“Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 4, Hiến pháp năm 2013). Như vậy, mối quan hệ giữa Đảng và Quốc hội là mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ, hai chiều, nghĩa là Đảng lãnh đạo hoạt động của Quốc hội, nhưng sự lãnh đạo đó vẫn phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Đảng không thể đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật. 

Đảng lãnh đạo nhưng luôn tôn trọng và phát huy vai trò của Quốc hội, không áp đặt, không làm thay, mà định hướng nội dung và phương thức hoạt động của Quốc hội. Đảng lãnh đạo, chứ Đảng không điều hành công việc của Quốc hội. Vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua phát huy vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Thứ tư, thực tiễn đã chứng minh, trải qua 74 năm, Quốc hội đã luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Về hoạt động lập hiến, từ khi ra đời đến nay, Quốc hội đã xây dựng và ban hành 5 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013. Đây là những đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của Nhà nước, cơ sở để tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước, quy định những vấn đề quan trọng nhất về quyền lực Nhà nước; chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của bộ máy Nhà nước; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 

Qua các kỳ họp Quốc hội, không khí dân chủ, đoàn kết, cởi mở, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, phát triển, với phương châm “nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật”, điều đó khẳng định vai trò của các đại biểu Quốc hội không ngừng được thể hiện rõ nét, nhất là trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chất lượng các kỳ họp Quốc hội vì thế không ngừng được nâng lên.

Thứ năm, diễn biến, tiến trình các kỳ họp Quốc hội luôn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, được báo chí trong nước và quốc tế đưa tin, thu hút sự quan tâm theo dõi, đánh giá, góp ý của cử tri và nhân dân cả nước. Việc tranh luận được khuyến khích khiến vấn đề chất vấn được làm rõ ràng hơn, nhất là các mặt hạn chế, trách nhiệm cán bộ và nêu rõ giải pháp. 

Tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết được tranh luận, chất vấn và trả lời chất vất sôi nổi, nhiệt thành, có chất lượng. Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về các nội dung này, từ đó có cơ sở để theo dõi vấn đề đã được đặt ra và giám sát lời hứa hẹn của những người trả lời chất vấn. Việc Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn khiến cho những người giữ các chức danh mà Quốc hội bầu, phê chuẩn luôn phải nỗ lực thể hiện rõ trách nhiệm của mình, không thể lơ là.

Thứ bảy, các đại biểu Quốc hội là đại diện do cử tri cả nước bầu ra. Nếu trong quá trình trình thực hiện trọng trách dân tộc giao phó, không đáp ứng được sự mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân thì sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri cả nước, có thể bị miễn nhiệm, thôi giữ cương vị đại biểu Quốc hội. 

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, song song với việc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy Nhà nước nói chung, Quốc hội cũng rất kiên quyết chống tiêu cực trong đội ngũ của mình. 

Quốc hội khóa XIV cho thấy số đại biểu Quốc hội phải rời vị trí khi chưa hết nhiệm kỳ cao hơn so với các nhiệm kỳ trước. Những trường hợp không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội do vi phạm pháp luật như: Trịnh Xuân Thanh…; có những trường hợp bị mất quyền đại biểu Quốc hội vì vi phạm pháp luật như: Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh, Châu Thị Thu Nga; một số trường hợp vì vi phạm kỷ luật Đảng đã bị miễn nhiệm, cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội như: Lê Đình Nhường, Võ Kim Cự, Phan Thị Mỹ Thanh, Hồ Văn Năm. 

Chính vì thế, việc gương mẫu xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật của số đại biểu trên cho thấy, Quốc hội luôn tự đổi mới, tự chính đốn mọi hoạt động, cũng như đội ngũ của mình, làm cho vị thế, uy tín của Quốc hội ngày càng được nâng cao trong lòng nhân dân.

Tất cả những vấn đề trên đã khẳng định vị trí, vai trò của Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Mọi chiêu trò hạ thấp, bôi nhọ uy tín, danh dự của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hiện nay không ngoài mục đích phá hoại sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay.

Đại Thắng - Lê Việt

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文