Tội ác của Việt Tân và cuộc đấu tranh đòi công lý ngay trên đất Mỹ (kỳ 2)
- Tội ác của Việt Tân và cuộc đấu tranh đòi công lý ngay trên đất Mỹ
- Việt Tân lại xảo ngôn, làm sai lệch thông tin
- Con rối “chơi xỏ” Việt Tân
Kỳ 2: Khui lộ những tảng băng ngầm
Với sự kiên nhẫn đi tìm công lý, ông Nguyễn Thanh Tú đã nhiều lần tổ chức họp báo và đề nghị FBI làm rõ thủ phạm đã giết cha mình cũng như những ký giả mà anh nói rõ là thủ phạm là những tay giết người trong tổ chức Việt Tân.
Khi phim tài liệu “Terror In Little Saigon” được công chiếu và được phổ biến qua mạng internet vào ngày 3-11-2015, trong suốt năm 2016, phía nạn nhân đã kiên trì nỗ lực trong công việc điều tra, thu thập chứng cứ, xúc tiến sự liên lạc, tích cực hợp tác hành động với nhiều cơ quan công quyền Hoa Kỳ. Đầu năm 2017, phía gia đình nạn nhân đã tiến gần hơn trong việc đưa các nghi trọng phạm hình sự ra trước vành móng ngựa để kết thúc một hồ sơ đen kéo dài quá lâu.
Vợ chồng ký giả Lê Triết. |
Ông Tú cho biết, trong 35 năm qua, họ (Việt Tân) tìm cách thủ tiêu quyền tự do ngôn luận của đồng hương tỵ nạn, sát hại một cách dã man vì khối tiền khổng lồ riêng tư của họ nhưng khi có chuyện thì Việt Tân kêu gọi họp cộng đồng để cứu giúp. “Đúng là những kẻ cầm đầu băng đảng quá coi thường trí óc cộng đồng Việt hải ngoại, họ coi cộng đồng như cục bột muốn nhào nắn thế nào thì tùy thích” – ông nói.
Đáng chú ý, cổ súy cho những hành động của Việt Tân có sự trợ giúp đắc lực của một số hãng thông tấn báo chí. “Đặc biệt trong trường hợp của ký giả Nguyễn Đạm Phong ở Houston và ký giả Lê Triết cùng với vợ ông ta, tôi có sự tin tưởng rõ rệt là Mặt Trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam (tức Việt Tân - PV) chịu trách nhiệm về những vụ giết người đó” - bà Tang-Wilcox, một cựu nhân viên FBI nói.
Về trường hợp ký giả Đạm Phong, bà khẳng định: “Không có bất cứ động lực nào khác hơn là những bài viết của ông nói về Mặt trận (Việt Tân) được phổ biến trên tờ báo, dẫn tới việc ông bị ám sát. Và rồi cách thức mà vụ sát hại được thực hiện, các vỏ đạn đã được sát thủ nhặt lên và thu gom. Đó là người được huấn luyện thuần thục, biết mình phải làm những gì và không lưu lại bất cứ chứng cứ nào sau khi thi hành tội ác. Một thư cảnh cáo đã được để lại với nạn nhân. Đó là một vụ ám sát”.
Tội ác của Việt Tân còn được chính quan chức là ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu lãnh đạo cao cấp của Việt Tân thừa nhận rằng “việc đó hoàn toàn là có khả năng” (ý chỉ việc giết người, khủng bố của Việt Tân) và nêu những đoàn viên của Việt Tân là thủ phạm ám sát ký giả Đạm Phong cùng nhiều tội ác khác. Ông ta nói rằng có một bộ phận bạo lực trong tổ chức này và ông đã tham gia một buổi họp của Việt Tân, trong đó các đảng viên bàn luận kế hoạch ám sát một biên tập viên nổi tiếng ở quận Cam.
Ông Nghĩa phải thuyết phục các đồng đảng không thi hành cuộc ám sát. “Đây là trang sách đen tối trong cuộc đời tôi” - cựu lãnh đạo Việt Tân nói. Thêm vào đó, ông Đỗ Thông Minh, một trong số người đồng sáng lập Việt Tân cũng từng thổ lộ với con trai ký giả Đạm Phong rằng, ông Đạm Phong bị giết vì là nạn nhân của chính sách khủng bố của Việt Tân.
Tháng 12-1994, Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) công bố báo cáo “Silenced - The Unsolved Murders of Immigrant Journalists in the United States” (Các vụ sát hại nhà báo nhập cư chưa được điều tra và bị rơi vào quên lãng tại Mỹ). Theo đó, trong phần Targeted by Terrorists (Mục tiêu của những kẻ khủng bố), báo cáo liệt kê các vụ ám sát nhằm vào Dương Trọng Lâm (bị giết năm 1981), Nguyễn Đạm Phong (1982), Phạm Văn Tập (1987), Đỗ Trọng Nhân (1989) và Lê Triết (1990).
Trong đó, ông Dương Trọng Lâm bị bắn chết trên đường phố Little Saigon (San Francisco) ngày 21-7-1981 và tay súng đã tẩu thoát ngay sau đó. Ông Phạm Văn Tập, biên tập viên tờ tạp chí giải trí Mai, chết trong một vụ cháy văn phòng ở Garden Grove, cũng là nơi ông cư ngụ ngày 7-8-1987. Theo CPJ, ông Tập nhận được thư đe dọa ngăn ông đăng các quảng cáo của các công ty đặt tại Canada muốn thúc đẩy việc chuyển tiền và các kiện hàng về Việt Nam.
Năm ngày sau đó, VOECRN (tổ chức tiền thân của Việt Tân) nhận trách nhiệm vụ giết ông Tập. Ông Đỗ Trọng Nhân, nhân viên thiết kế trình bày của tờ Văn nghệ Tiền Phong, một tờ thường có nhiều bài viết gay gắt về cộng đồng người Việt, bị bắn chết trong xe hơi ngày 22-11-1989.
Theo cảnh sát, ông Nhân đến Mỹ năm 1981, bị giết vì thường xuyên tự giới thiệu sai mình là một nhân viên cấp cao của tờ báo trong khi các đồng nghiệp của ông cho rằng cái chết của ông là lời đe dọa đến các biên tập viên của tờ báo. Một năm sau, những kẻ ám sát tiếp tục nhắm vào tờ Văn nghệ Tiền Phong bằng vụ ám sát ông Lê Triết, một cây viết có nhiều bài gây tranh cãi, và vợ ông. Cả hai bị bắn chết trong xe hơi khi đậu xe trước nhà ở Baileys Crossroads, Virginia.
Trường hợp giết ký giả Lê Triết cũng cho thấy tính tàn độc của băng đảng này. Tài liệu FBI đánh giá, trong vụ tàn sát Lê Triết và vợ, những tên giết người của mặt trận quả thật đã làm việc rất giỏi vì làm việc giỏi là một đòi hỏi hàng đầu mà một tay thiện xạ của mặt trận có trách nhiệm phải đáp ứng khi thi hành mệnh lệnh của “lãnh tụ”.
Ở đây, FBI sử dụng ngôn từ “việc rất giỏi” để chỉ những tay giết người có kỹ nghệ được đào tạo bởi mặt trận, cho thấy hành vi giết người không phải là chuyện tức thời của một vài cá nhân nào đó trong mặt trận mà đã được tổ chức phản động này đào tạo bài bản để thực hiện các kế hoạch tàn sát phục vụ cho mưu đồ của mình. Số này là cựu quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt của Việt Nam Cộng hòa trước đây và người nhái của hải quân.
Sơ đồ cho thấy sự liên kết của Việt Tân và một số hãng thông tấn báo chí moi tiền người Việt hải ngoại dưới danh nghĩa “vận động nhân quyền”. |
Trong quá trình điều tra vụ giết vợ chồng Lê Triết, FBI nhận thấy có sự thay đổi về thái độ trong những người Việt ở Mỹ, đó là họ không ngần ngại “né” Việt Tân nữa mà đã hợp tác tích cực và kín đáo để tố giác, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Theo FBI, đây là sự thay đổi thái độ trước đây chưa từng xảy ra. Việc điều tra tích cực của cơ quan FBI trong vụ ám sát vợ chồng Lê Triết đã làm cho cộng đồng người Việt ở Mỹ yên tâm về sự quyết tâm của FBI và các nhân viên công quyền trong việc duy trì luật lệ và trật tự cho những cộng đồng Việt Nam, mặc dù danh tính chưa được tiết lộ.
Tại thời điểm đó, Lê Triết bị giết bởi ông đã gia nhập cao trào Nhân Bản do bác sĩ Nguyễn Đan Quế cầm đầu. Bởi vì việc Lê Triết gia nhập cao trào Nhân Bản là một chướng ngại cho mặt trận Hoàng Cơ Minh, Mặt trận muốn tham dự vào cao trào này.
Trước sự tẩy chay của cộng đồng Việt Nam hải ngoại, Mặt trận Hoàng Cơ Minh bị mất tín nhiệm và danh dự, cho nên phương thức tốt nhất cho Mặt trận là gia nhập cao trào và sử dụng nó để che đậy hoạt động của mình. Lê Triết đã gia nhập cao trào và giữ vai trò quan trọng ở đó, do vậy ông ta đã trở thành chướng ngại cho Mặt trận và đây là căn nguyên ông bị sát hại.
Từ vụ Lê Triết, FBI đã được sự hỗ trợ lớn của cộng đồng người Việt trên khắp Hoa Kỳ. Theo quan điểm của một nhóm người Việt ở đây thì họ chỉ còn việc là cộng tác với FBI trong việc tìm ra ai đã ra lệnh giết vợ chồng Lê Triết. Họ cho rằng, những tổ chức tội ác ở trong cộng đồng người Việt tại Mỹ không bị triệt hạ trừ khi những kẻ chủ mưu giết vợ chồng Lê Triết phải được nhận diện và truy tố trước tòa. Khi mà kẻ phạm tội vẫn ngoài pháp luật, những tổ chức tội phạm vẫn tiếp tục gây ra tội lỗi dưới những chiêu bài “chống cộng” của Mặt trận Hoàng Cơ Minh thì vẫn còn là mối đe dọa nguy hiểm cho cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức người Việt tại Mỹ đứng lên tố cáo tội ác của Việt Tân. Qua nhiều thông báo đã viện dẫn thông tin và chứng cứ, họ cáo buộc Việt Tân đích thực là một băng đảng tội ác đã khai thác để trục lợi trên lòng yêu nước của đồng bào trong mấy chục năm qua. Thoạt đầu tổ chức này lấy tên Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam (Mặt trận) để gây quỹ nuôi 30 nghìn tay súng mà họ rêu rao là đang hoạt động vũ trang ở Việt Nam. Sau khi sự dối trá và lừa gạt này đổ bể, Mặt trận bị cộng đồng người Việt ở hải ngoại tẩy chay.
Năm 2004, băng đảng này xoá sổ tên gọi Mặt trận và tự giới thiệu như một tổ chức mới “Việt Tân” (tức Việt Nam canh tân cách mạng Đảng). Người Việt hải ngoại vạch trần bản chất không đổi của Việt Tân: Thực ra mèo vẫn là mèo, chỉ bỏ tên này để trá hình. Và cái tên khác ấy - Việt Tân, cũng không hề mới. Nó đã được dựng lên cùng lúc với Mặt trận nhưng được giữ kín cho đến năm 2004 mới được trình làng cho dư luận biết đến.
Nhiều hình ảnh và phim ảnh cũ cho thấy cờ Việt Tân đã được treo trong “khu chiến” ở Thái Lan của Mặt trận. Như vậy cái tên “Việt Tân” cũng không thể tách lìa ra khỏi thủ đoạn lừa đảo và dối trá của băng đảng tội ác lúc ấy trình diện ra ngoài dưới tên Mặt trận hoặc khỏi các hành vi khủng bố, xử bắn đồng đội, trốn thuế, rửa tiền của chúng. (Còn nữa)