Vụ Đồng Tâm và trò lố của những “nhà dân chủ”
- Không để các đối tượng cơ hội lợi dụng sự việc ở Đồng Tâm kích động lôi kéo, gây rối
- Vụ Đồng Tâm sẽ được thanh tra chính xác, khách quan
- Chủ tịch Hà Nội cam kết giải quyết công tâm việc ở Đồng Tâm2
Ngày trước, tôi có nhắc chuyện ngụ ngôn con chim sẻ và kẻ giảo hoạt, ý rằng có một người tính cách rất giảo hoạt đánh cược người khác rằng anh ta sẽ chứng minh được tượng thần Delphi là tượng giả. Đến ngày hẹn, người giảo hoạt cầm con chim sẻ trong tay và giấu nó vào ống tay áo ở áo khoác ngoài. Anh ta bước vào, hỏi thần rằng thứ anh ta cầm trong tay là còn sống hay đã chết.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung về thôn Hoành. (ảnh VNE) |
Dụng ý của gã là nếu thần nói đã chết, y sẽ lập tức mang con chim sẻ đang sống ra, còn thần nói còn sống thì y sẽ bóp chết chim sẻ rồi đưa ra. Nhưng vị thần đã kịp nhận ra quỷ kế của anh chàng đê tiện nên nói ngay: “Vật trong tay anh sống hay chết không phải phụ thuộc chính nó mà là ở cái ý đồ độc địa của anh”!
Ngẫm chuyện ấy thực thấm thía với những trò lố, chiêu bài của những người đang tìm cách đi ngược lợi ích đất nước, nhân dân. Sự vật hiện tượng trắng hay đen, tốt hay xấu không phụ thuộc vào chính nó nếu như kẻ quan sát đã nhuốm tâm đen thì bất luận hoàn cảnh nào, sự vật hiện tượng đó cũng đều màu đen. Nó chỉ trở về đúng thực tại khách quan khi người quan sát, nhìn nhận biết tôn trọng sự thật mà những kẻ chống phá đất nước thì không có được điều này.
Khi vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức xảy ra, nhiều người cũng đồ rằng đây lại là “miếng mồi” cho những “nhà dân chủ” - những người mang danh hoạt động dân chủ nhưng lời nói và hành động của họ lại đi ngược lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung được người dân thôn Hoành chào đón. |
Và sự thực, cả khi vụ việc đang phức tạp (38 cán bộ bị người dân bắt giữ trái phép) và khi được tháo gỡ sau cuộc đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, những “dân chủ mạng” tiếp tục lợi dụng công kích, chống phá chính quyền. Liên tục trong những ngày qua, lấy cớ mâu thuẫn trong giải quyết đất đai ở Đồng Tâm để suy diễn thành vấn đề của chế độ, của Đảng, Nhà nước.
Những “nhà dân chủ” cho rằng, mâu thuẫn ở Đồng Tâm chỉ là điển hình trong “thực trạng báo động” về mâu thuẫn nội tại giữa chính quyền với người dân, là “xung đột giai cấp”. Trong những ngày cán bộ chưa được bà con trao trả, số này còn bịa đặt chuyện dân đào hố, lập hàng rào, tưới xăng vào cán bộ để “quyết chiến”, ký họa chế diễu cảnh sát, bôi xấu chế độ...
Là vấn đề cần sự đối thoại, giải quyết để tháo gỡ giữa chính quyền với người dân Đồng Tâm, thế nhưng trả lời báo nước ngoài, một “nhà dân chủ” xưng là luật sư lại bất ngờ đưa ra “sáng kiến lạ”: vụ Đồng Tâm cần trung gian của xã hội dân sự!
Nghe khái niệm “trung gian”, gọi theo từ xã hội là “cò”, nhiều người bấm bụng cười, cứ tưởng mấy ông dân chủ mạng này đang rao bán nhà đất, tìm cò trung gian để thỏa thuận, ăn chênh lệch, hoa hồng! Không hiểu, luật sư mà nhận thức ngô nghê như thế thì tư vấn cho ai?
Vụ Đồng Tâm là vụ việc cụ thể xảy ra tại một xã, liên quan vấn đề đất đai mà người dân không đồng thuận với quyết định giải quyết và kết luận thanh tra trước đây của TP Hà Nội. Từ vụ việc này cũng như những vụ phức tạp gần đây xảy ra tại Hải Phòng, Hưng Yên, Đắc Nông... cho thấy còn nhiều bất cập trong việc giải quyết khiếu kiện, tranh chấp đất đai giữa người dân với chính quyền sở tại, trong đó vấn đề nổi cộm là phải xác định rõ nguồn gốc đất, căn cứ giao đất và mục đích sử dụng, đặc biệt là giải quyết bài toán đời sống người dân nếu bị thu hồi đất vì các lý do hợp pháp.
Tuy nhiên, không thể xâu chuỗi những vụ tranh chấp đất đai và mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền địa phương để kết luận rằng đó là vấn đề nội tại của chế độ, xuất phát từ quyền sở hữu được ghi trong Hiến pháp. Nhiều nhà “dân chủ mạng” cố ý hiểu sai lệch quan niệm của Các Mác về sở hữu đất đai (tư liệu sản xuất) là “mang thuộc tính tự nhiên” nên tất yếu phải tư hữu, từ đó phê phán quy định sở hữu đất đai thuộc toàn dân được quy định trong Hiến pháp của nước ta.
Thậm chí, có ý kiến từ suy diễn sai lệch rồi “dọa”: Ngày nào bản chất tư hữu tự nhiên chưa được hoàn trả cho loại tài sản đặc biệt quan trọng này thì ngày đó chế độ này tiếp tục tồn tại trên thùng thuốc nổ, mà hậu quả thì ai cũng có thể tiên đoán! Với kiểu tiếp cận sai lệch như vậy, những ý kiến này nói rằng muốn giải quyết dứt điểm những vụ việc tương tự như Đồng Tâm thì phải bỏ sở hữu toàn dân về đất đai, chuyển hết cho tư nhân! Quan điểm này không những sai lệch về mặt lý luận mà còn chà đạp trên lợi ích thiêng liêng của nhân dân Việt Nam khi người dân phải đổ bao xương máu để giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc mà mục tiêu cuối cùng chính là giải phóng giai cấp, lấy ruộng đất từ tay địa chủ, thực dân để đưa lại quyền sở hữu đất đai cho người dân.
19 cán bộ chiến sỹ rời khỏi nhà văn hóa thôn Hoành. (Ảnh VNE) |
Hiến pháp nước ta quy định, đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước là người đại diện chủ sở hữu đất đai trên toàn lãnh thổ. Theo các nhà làm luật, cơ sở của việc định đoạt này được xuất phát từ việc đất đai vốn là một sản phẩm của tự nhiên, tồn tại ngoài ý muốn của con người, có trước con người và không phải do con người tạo ra.
Bất kỳ một quốc gia nào thì tài nguyên đất đai cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành và phát triển của cả dân tộc, đồng thời nó cũng là kết quả của cả một quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên của nhiều thế hệ cư dân. Khi nói về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là đề cập đến một hệ thống quy chế chung trong quan hệ đất đai mà toàn dân là chủ thể, nhưng “toàn dân” không thể đứng ra thực hiện quyền năng cụ thể (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt...) mà nhà nước thực hiện quyền năng này.
Những tồn tại, mâu thuẫn, tranh chấp đất đai phần lớn do quá trình quản lý và sử dụng đất đai, đặc biệt do chế độ công hữu hóa đất đai trước đây, từ đất tập thể hợp tác xã đất đai được giao về cho các hộ dân nhiều hơn để sản xuất. Quá trình lịch sử đó để lại những khó khăn trong việc phân bổ lại, tái cơ cấu các chính sách sở hữu và sử dụng đất đai tại Việt Nam. Một mặt, những bất cập trong bản thân chính sách pháp luật hiện tại và đặc biệt quá trình thực thi pháp luật tại địa phương, có khoảng cách giữa các quy định của pháp luật và thực tiễn dẫn tới những tồn tại chưa được tháo gỡ.
Vụ việc ở Đồng Tâm một lần nữa cho thấy ý đồ, hành vi của những con rối dưới tay Việt Tân tìm cách lợi dụng để “khuấy nước” nhằm kích động người dân gia tăng sức ép, chống đối chính quyền. Người dân Đồng Tâm cho biết, đã có một số đối tượng tự nhận “nhà dân chủ”, thực chất là được tổ chức khủng bố Việt Tân chuyển tiền, tìm cách xúi giục, kích động người dân chống đối rồi hứa tài trợ tiền và lợi ích vật chất khác.
Thậm chí, có cả đối tượng hơn năm nay chuyên lợi dụng sự kiện Fomorsa xả thải cũng lò dò từ miền Trung ra Đồng Tâm hòng “kiếm ăn”. Tuy nhiên, mưu đồ của chúng sớm phá sản bởi người dân Đồng Tâm không vì vấn đề đất đai để chuyển sang vấn đề chính trị, không vì bức xúc mà chống chính quyền.
Rất nhiều khẩu hiệu của người dân đã được trưng lên trên đường dẫn vào làng như “Nhân dân Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”; “Nhân dân Đồng Tâm tuyệt đối không chống chính quyền”, đồng thời họ tìm cách đẩy đuổi những con rối dưới tay Việt Tân ra khỏi làng. Một người cao tuổi ở Đồng Tâm nói với báo chí: “Tôi chửi vào mặt chúng nó, đừng mang tiền Việt Tân vào đây làm bậy, đừng ngờ nghệch mang mấy đồng bạc bẩn lòe bà con”...
Việc bắt giữ người trái pháp luật của một số người dân ở Đồng Tâm bước đầu đã được tháo gỡ qua buổi làm việc của đồng chí Chủ tịch UBND TP Hà Nội với người dân ở đây; vấn đề đất đai ở Đồng Tâm cũng đang được thanh tra toàn diện để giải quyết, và vì vậy nhân dân Đồng Tâm nói riêng cũng như bà con ở những nơi đang có phức tạp về đất đai cần hết sức cảnh giác trước âm mưu của kẻ xấu.