Cảnh giác trước các luận điệu sai trái xung quanh việc xét xử vụ án khủng bố ở Đắk Lắk

06:30 19/01/2024

Ngày 16/1, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 100 bị cáo bị Viện KSND cùng cấp truy tố về các tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Khủng bố”, “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép” và “Che giấu tội phạm”.

Đây là vụ án thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Bởi đây là vụ khủng bố chống chính quyền nhân dân với tính chất manh động, liều lĩnh, vô nhân tính, bất chấp đạo lý và luật pháp. Hành vi của nhóm đối tượng này phải xử lý nghiêm trước pháp luật để cảnh tỉnh và răn đe đối với những đối tượng đang có âm mưu làm phức tạp tình hình an ninh trật tự ở vùng Tây Nguyên.

Những luận điệu xuyên tạc của trang RFA về vụ án khủng bố tại Đắk Lắk.   

Vụ án mặc dù được đưa ra xét xử công khai và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, song các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc trên các trang mạng xã hội, bọn chúng rêu rao rằng, vụ án “không phải là khủng bố mà là sự phản kháng của người dân tộc bản địa ở Tây Nguyên chống lại sự áp bức của chính quyền”. Với những luận điệu đó, chúng đã cố tình xuyên tạc, cắt xén, nhào nặn rồi dựng lên câu chuyện không có thật nhằm mục tiêu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân, chống phá chính quyền…

Trên trang RFA dẫn lời của Alur Y Min, một đối tượng FULRO lưu vong đang định cư tại Thái Lan cho rằng: “Vụ xả súng theo tôi không phải là vụ khủng bố mà đây là tức nước vỡ bờ, không chịu nổi sự áp bức”. Đối tượng Alur Y Min còn rêu rao rằng: “Những người thực hiện vụ xả súng ở Cư Kuin hành động rất công khai và không có dấu hiệu của hành động khủng bố...”. Đúng là một sự ngụy biện trơ trẽn của những kẻ phản động.

Cũng với lời lẽ lố bịch và ngộ nhận, kẻ mang danh “luật sư nhân quyền” Đặng Đình Mạnh, đang bị Cơ quan An ninh Công an tỉnh Long An truy tìm vì đã có hành vi phát tán trên không gian mạng video clip với những hình ảnh, lời nói, bài viết với dấu hiệu “lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam lại “rao giảng” rằng: “Tin tức về việc chính quyền đưa ra xét xử hình sự lưu động đối với 100 bà con người Thượng tại Đắk Lắk làm tôi hết sức ngạc nhiên...”.

Từng là một luật sư nhưng chính Đặng Đình Mạnh lại không hiểu được rằng, việc xét xử lưu động có ý nghĩa răn đe, giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến rộng rãi với người dân và quyết định xét xử lưu động hay không phụ thuộc vào tòa án. Cơ quan tòa án luôn đảm bảo dù xét xử tại tòa án hay xét xử lưu động thì đều thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Rõ ràng ai cũng thấy rằng, với hàng loạt hành vi như tấn công vào trụ sở chính quyền, đập phá, đốt cháy, gặp bất kỳ ai là bắn, chém, thể hiện qua lời kể của các nhân chứng cũng như lời khai của các bị cáo đã cho thấy rất rõ bản chất của vụ việc. Đó là vụ việc mang tính khủng bố hết sức dã tâm. Như thường lệ, mỗi khi trong nước có một vụ việc gì diễn ra, trên mạng xã hội, từ những tài khoản của những tổ chức khủng bố, những đối tượng lưu vong, lại phát tán hàng loạt bài viết độc hại.

Với vụ khủng bố tại Đắk Lắk, bọn phản động luôn tìm cách bôi nhọ chính quyền, cán bộ, kích động người dân bằng cách xuyên tạc bản chất vụ việc theo hướng hoàn toàn khác, thậm chí tới mức hoang đường, cho đây là những màn kịch được dựng lên để thực hiện những cái gọi là đàn áp dân tộc, tôn giáo. Nhưng chính các đối tượng này cũng chẳng giấu giếm được mưu đồ của mình khi ngay sau những giọng điệu ấy lại là những lời kêu gọi người dân tụ tập, chống chính quyền. Bất chấp máu đã rơi, người đã chết, trong đó có cả những người dân vô tội, vậy mà nhiều đối tượng đã dùng những lời lẽ kích động, xuyên tạc để đổi trắng thay đen.

Và rõ ràng ai cũng nhận thấy rằng, vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nằm trong âm mưu, hoạt động của số phản động FULRO lưu vong nhằm thành lập cái gọi là“Nhà nước Đêga”, gây ra bất ổn đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Vụ án khủng bố tại Đắk Lắk đang được HĐXX công khai và đúng pháp luật, sẽ tuyên phạt đúng người, đúng tội một cách khách quan, nghiêm khắc, đề cao dân chủ, thượng tôn pháp luật, nhân văn và hợp lòng dân.

Đối với vụ án này, là người dân chân chính, chúng ta cần tìm hiểu kỹ càng, đề cao cảnh giác, tuyệt đối tin vào Đảng, tránh tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Văn Thành

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文