RSF lại phớt lờ sự thật

07:41 09/05/2022

Xuyên tạc, suy diễn về tình hình tự do báo chí ở nước ta là một chiêu trò luôn được một số tổ chức, đối tượng cực đoan, thiếu thiện chí với Việt Nam sử dụng. Một trong số đó là tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF).

Ngày 3/5/2022, tổ chức RSF công bố cái gọi là “Bảng xếp hạng thường niên về tự do báo chí” xếp hạng tự do báo chí toàn cầu. Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2022 do RSF công bố xếp Việt Nam ở vị trí 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các chỉ số cụ thể của Việt Nam được nêu ra gồm chỉ số chính trị ở hạng 173, chỉ số kinh tế xếp hạng 176, chỉ số lập pháp 172, chỉ số xã hội 170 và chỉ số an ninh 170.

Trong bảng xếp hạng này, RSF đã vu cáo rằng: “các phóng viên và blogger độc lập thường bị bỏ tù”. Tổ chức này còn tỏ vẻ bênh vực, cổ xúy cho một số hội nhóm, cá nhân lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Việt Nam như “nhóm Báo sạch”, “Hiệp hội Nhà báo Độc lập Việt Nam”, ca ngợi những đối tượng như Phạm Thị Đoan Trang. Ngay sau khi công bố của RSF được đưa ra, một số tổ chức phản động, đối tượng cơ hội chính trị, những hãng truyền thông hải ngoại vốn định kiến với Việt Nam được dịp trích dẫn, bình luận kiểu “tát nước theo mưa”.

Đây không phải lần đầu tiên RSF đưa ra báo cáo dựa trên những thông tin sai sự thật, không có cơ sở và có dụng ý xấu. Những luận điệu xuyên tạc của RSF thực chất là trò “bổn cũ soạn lại”, mục đính nhằm bôi đen hiện thực, vẽ ra bức tranh tối màu về tình hình tự do báo chí để đả phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hình thành từ năm 1985, RSF tên tiếng Pháp đầy đủ là “Reporters sans frontières”, có trụ sở quốc tế tại Paris.

Đây là một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu, lấy Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hiệp quốc làm cơ sở để hành động. Tôn chỉ hoạt động của tổ chức này đưa ra để bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực, giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Hằng năm, vào ngày Nhân quyền thế giới, tổ chức này thường đưa ra bảng xếp hạng về tự do báo chí của các quốc gia, vùng lãnh thổ bằng cách tổng hợp các câu trả lời vào một bảng câu hỏi của RSF. Nhìn vào tôn chỉ hoạt động, cứ ngỡ RSF là một tổ chức chân chính, hoạt động vì sự tiến bộ, thúc đẩy tự do và văn minh của thế giới. Nhưng trái ngược với chủ trương của Liên hiệp quốc, nhiều năm nay, tổ chức này thường xuyên có những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của một số nước, trong đó có Việt Nam.

Nhiều quốc gia trên thế giới cáo buộc RSF đứng đằng sau những vụ việc phức tạp, gây rối, bất ổn, kích động bạo lực. RSF tồn tại và hoạt động dựa vào một phần nguồn hỗ trợ kinh phí của một số chính giới phương Tây. Chính vì vậy, trong các bảng xếp hạng tự do báo chí hằng năm, RSF thường tuân theo sự sắp đặt một cách có chủ ý của các chính phủ quốc gia tài trợ cho tổ chức này hoạt động. Những yếu tố được tổ chức này sử dụng để đánh giá tự do của một nền báo chí thiếu tính bao trùm, không cân nhắc đến các yếu tố văn hóa, xã hội, nhận thức của từng quốc gia riêng biệt. Phần lớn những thông tin được đưa ra là không khách quan, không có hoạt động khảo sát, kiểm chứng thực chất mà đó là những đánh giá thiếu căn cứ hoặc được suy diễn, phóng đại.

Việc RSF xếp loại tự do báo chí ở Việt Nam thường dựa vào những thông tin do số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị, có các hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam cung cấp. Chính vì vậy, tổ chức này tìm cách bênh vực cho những đối tượng khoác áo, mượn danh nhà báo như “nhóm Báo sạch”, “Hiệp hội Nhà báo Độc lập Việt Nam”... Họ cố ý khoác áo nhà báo, ca ngợi, tán dương cho những kẻ hoạt động chống phá Việt Nam.

Những thông tin mà “Bảng xếp hạng thường niên về tự do báo chí” năm 2022 của RSF là không khách quan, sai thực tế về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chúng ta tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”.

Chúng ta thấy rõ, quyền con người, quyền công dân trên lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được Nhà nước ta bảo đảm, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin là những quyền cơ bản của quyền con người, của mọi công dân. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, báo chí và quyền hưởng thụ thông tin của mọi công dân được thực thi trong cuộc sống theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoàn toàn tương thích về mặt luật định đối với các văn kiện quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điều 11, Luật Báo chí năm 2016 chỉ rõ quyền của công dân: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”.

Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận báo chí của công dân bao gồm: Quyền sáng tác tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp ý, phê phán, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức cá nhân khác. Nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí cũng được Luật Báo chí 2016 quy định: Không được đăng phát thông tin xuyên tạc, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... Như vậy, quyền và nghĩa vụ của công dân luôn song hành, không tách rời nhau; mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận báo chí, đồng thời đều phải có nghĩa vụ thực hiện quyền ấy trong khuôn khổ pháp luật.

Tự do báo chí không thể vượt quá hạn định, không phải là tự do quá trớn, càng không phải muốn nói gì thì nói, viết gì thì viết, làm gì thì làm theo ý muốn chủ quan của chủ thể. Cũng như bất kỳ các quốc gia trên thế giới, một mặt, Nhà nước ta tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Mặt khác, không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Ở Việt Nam, không ai bị xét xử, bắt giữ chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Chỉ có những đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật như tung tin giả, tin xấu độc, xuyên tạc, vu cáo hòng gây bất ổn tình hình đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận... thì bị xử lý theo pháp luật.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam có khoảng 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh-truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Chất lượng truy cập Internet Việt Nam cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, một số thông số cao hơn số liệu công bố bởi các hệ thống quốc tế. Điều này phản ánh nỗ lực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam phục vụ nhu cầu sử dụng Internet. Trong khi đó, sóng của các cơ quan truyền thông quốc tế lớn như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… dễ dàng được tiếp cận tại Việt Nam.

Rõ ràng, nội dung đánh giá của RSF vẫn tiếp tục phớt lờ thực tế về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Càng ngày, RSF càng lộ rõ bản chất định kiến với Việt Nam, cố tình phủ nhận những nỗ lực, thành tựu đạt được của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm và tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Chu Xuân Đại Thắng

Phát biểu tại Sự kiện chuyển đối số ngành ngân hàng diễn ra sáng 8/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, lực lượng Công an sẵn sàng cùng với ngân hàng trong công tác chuyển đổi số để tạo điều kiện tốt nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Không chỉ sử dụng chữ ký “khô” (dấu chữ ký) của GS Trần Phương – Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường để điều hành các hoạt động, HUBT hiện cũng chưa hoàn thành việc chuyển đổi mô hình từ trường đại học dân lập sang mô hình đại học tư thục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng chưa thành lập được Hội đồng trường (HĐT) theo quy định. Điều đó dẫn tới việc HUBT nhiều năm nay rơi vào tình trạng khủng hoảng công tác quản trị, nội bộ mất đoàn kết; các vụ tố cáo, khiếu nại kéo dài.

70 năm về trước, phát huy truyền thống của quê hương Xôviết anh hùng, bằng ý chí, quyết tâm, quân và dân xứ Nghệ đã cùng dốc sức đồng lòng, góp máu xương làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều đã cao tuổi, song ký ức về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, về chiến tranh khốc liệt mà hào hùng và cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn nhớ như in...

Tờ Telegraph (Anh) dẫn thông báo của AstraZeneca ngày 8/5 cho biết, hãng sẽ thu hồi toàn bộ vaccine COVID-19 trên toàn thế giới. Telegraph cũng cho hay, đơn xin rút giấy phép kinh doanh vaccine COVID-19 tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) đã được AstraZeneca nộp hôm 5/3.

Những năm vừa qua, chứng khoán luôn là một kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút nhiều người tham gia thử vận may. Bên cạnh những người có kiến thức, chịu khó tìm hiểu thì cũng không ít người nhẹ dạ cả tin, thiếu kiến thức đầu tư tài chính nhưng mong muốn đổi đời, giàu nhanh nên đã mất không ít tiền của để đi học và bị các “thầy” dạy chứng khoán online lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên từ vài trăm đến vài tỉ đồng.

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quý I/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thường xuyên…

Hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas vừa được nhen nhóm vào cuối tuần trước đã có nguy cơ tắt ngấm sau khi Hamas tấn công một cửa khẩu ở Gaza và Israel đóng cửa văn phòng của Đài truyền hình Al Jazeera tại nước này.

Để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm ngay từ cấp cơ sở. Điển hình, việc xử lý sai phạm tại dự án Khu dân cư (KDC) Nọc Nạng, phường 1, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文