Bảo đảm ổn định ANTT, phát triển kinh tế - xã hội miền núi phía Tây Phú Yên

Tự sự của những người một thời lầm lạc (Kỳ 2)

10:25 19/09/2024

Trong hành trình ngược lên huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) những ngày trung tuần tháng 9/2024, PV Báo CAND đã gặp gỡ một số người từng bị lầm lạc trước những chiêu trò lừa bịp, mị dân của các đối tượng phản động FULRO, “Tin Lành Đêga” trước đây và Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên (CHPC) sau này.

Nhìn thấy Đại uý Kor Y Lôn, cán bộ Đội An ninh Công an huyện Sông Hinh trước ngõ, Lê Mô Y Sum (SN 1984, trú ở buôn Ma Sung, xã Ea Bia) bước ra chào đón bằng cái bắt tay thân thiện cùng với nét cười hiền lành. Khi nghe tôi hỏi về một thời lầm lạc, Y Sum vào phòng riêng lấy ra “Giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời hạn đưa vào cơ sở giáo dục” rồi kể lại, khi mới 18 tuổi, anh nghe lời kẻ xấu dụ dỗ đi theo “Tin Lành Đêga” tham gia “đòi lại” đất đai ở Tây Nguyên.

Ông Ksor Y Hối (thứ hai từ trái sang) nói về những sai lầm khi nghe lời kích động của cái gọi là “Tin Lành Đêga”. Ảnh: Thanh Phong

Bị bắt giữ, truy tố và xét xử 1 năm tù về tội “Xuất cảnh trái phép” nên phải thi hành án tại Trại giam Gia Trung. Sau khi trở về, Y Sum không chuyển biến nhận thức, mà tiếp tục chia rẽ đoàn kết dân tộc, nên bị đưa đi Cơ sở Giáo dục A1 ở xã Hoà Phú, huyện Tây Hoà (Phú Yên) 2 năm theo Quyết định số 76/QĐ-UB-NC ngày 6/5/2005 của UBND tỉnh Phú Yên. Nhờ cán bộ Công an động viên, cảm hoá giáo dục nên Y Sum cải tạo tốt, được giảm 1 tháng và tái hoá nhập cộng đồng từ ngày 10/4/2007.

Những năm qua, ngoài việc trồng trọt, chăn nuôi bò, Y Sum còn tích cực đi làm thuê từ khai thác rừng keo đến nhổ sắn mì, đốn mía… nên mới đây anh đã mua thêm xe máy mới, được vay vốn chính sách xã hội 50 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh.

“Hồi trai trẻ nhận thức thấp kém nên lầm lạc, còn bây giờ tôi đã thấu hiểu được đâu là sai trái. Những lời lẽ dụ dỗ, xúi giục, kích động xằng bậy của các phần tử phản động núp bóng tôn giáo trái phép đều là lừa bịp, mọi người không nên nghe theo. Muốn no cái bụng, ấm cái lưng, đời sống kinh tế gia đình phát triển, thì phải nỗ lực làm ăn chân chính. Không có “Tin Lành Đêga nào” mang cơm no, áo ấm cho mình đâu”, Y Sum tâm sự.

Rời nhà Y Sum, chúng tôi đến căn nhà sàn rộng lớn của Ksor Y Hối, thường gọi Ma Mai (SN 1970, trú ở buôn Dành, xã Ea Bia) nằm bên đường lộ thảm nhựa phẳng êm. Y Hối nhớ lại hơn 20 năm về trước, khi ông hơn 30 tuổi đã nghe theo các phần tử phản động FULRO ở Tây Nguyên kích động, xúi giục tham gia cái gọi là “Tin Lành Đêga”, cùng một số người khác chuẩn bị lên Đắk Lắk để tham gia biểu tình đòi lại đất đai, thành lập “Nhà nước Đêga” cho người DTTS ở Tây Nguyên, nên bị bắt giữ, truy tố và xét xử 2 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Sau gần 9 tháng tạm giam, Y Hối đi thi hành án tại Trại giam Nam Hà ở xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam).

“Được cán bộ trại giam động viên, giáo dục bằng tình người, được học nghề đan lát sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, tôi an tâm cải tạo tốt nên được giảm án, tha tù trước thời hạn. Nhắc lại lỗi lầm đã qua tôi thật sự hối hận vì tin lời những kẻ lừa bịp. “Tin Lành Đêga” không đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mà từ ngày trở về buôn làng, tôi được chính quyền, đoàn thể, Công an địa phương cùng bà con tha thứ, giúp đỡ hoàn lương, hướng thiện”, Y Hối kể thêm và cho biết, ông được vay vốn chính sách xã hội để trồng trọt, chăn nuôi, 3 người con của ông đều lập gia đình, ổn định cuộc sống.

Đến nhà ông Niê Blum, thường gọi Ma Hùng (SN 1975, trú ở buôn Bầu, xã Ea Trol) khi đã gần trưa. Với chức việc Trưởng điểm nhóm Tin Lành ở buôn Thu, ông Blum chia sẻ: “Những phần tử phản động lưu vong tuyên truyền xuyên tạc về tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam để chia rẽ đoàn kết dân tộc. Thực tế tại điểm nhóm Tin Lành ở buôn Thu do tôi phụ trách hiện có 62 tín đồ người dân tộc Ê đê ở buôn Thu, buôn Bầu, buôn Thinh, xã Ea Trol và buôn Dành, xã Ea Bia đều được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh hoạt tôn giáo mỗi tuần vào các ngày thứ tư, thứ bảy và chủ nhật”.

Ngoài việc truyền đạo, hành lễ, cầu nguyện an lành, các tín đồ còn được ông Blum cùng chính quyền, đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Diện mạo buôn làng và đời sống kinh tế của các gia đình đều đổi mới, phát triển, mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.

Ngồi trong căn nhà sàn, Nay HChấc, thường gọi Mí Hờ Oanh (SN 1980, trú ở buôn Bưng B, xã Ea Lâm) nhớ lại, cách đây gần 20 năm, người chồng của chị là Ksor Y Blia bị FULRO dụ dỗ, lôi kéo vào tổ chức “Tin Lành Đêga”, lén lút dẫn hai người con trai trốn sang Thái Lan cuối tháng 8/2006. Gần 3 năm sau, chỉ vì tin lời chồng qua các cuộc gọi mesenger, HChấc bán hết đàn bò và nương rẫy, đưa cho một người lạ 40 triệu đồng để dẫn mình cùng hai đứa con gái trốn sang Thái Lan cuối tháng 7/2019.

Không tìm thấy “cuộc sống thiên đường” xứ khách như những lời hứa hão, mà HChấc bị người chồng đang chung sống với một phụ nữ khác xua đuổi, chửi mắng, đánh đập. Ba mẹ con chị phải thuê nhà trọ, xin việc làm trong quán ăn với tiền công rẻ mạt, còn bị chủ quán đe doạ báo cho Cảnh sát Thái Lan bắt giữ về tội nhập cư trái phép.

Lê Mô Y Sum (thứ hai từ trái sang) kể lại cho PV Báo CAND nghe về một thời lầm lỗi.

Khi nghe chị dự tính về Việt Nam, một số đối tượng đe dọa “Về bên đó sẽ bị bắt đi tù, đánh đập, đối xử phân biệt” rồi lại xuống giọng dụ dỗ “Sắp tới sẽ được đưa sang Mỹ”, thế nhưng tất cả chỉ là lừa dối. Giữa lúc HChấc đang lúng túng thì một số cán bộ Công an huyện Sông Hinh cùng người thân giải thích qua Facebook cho chị hiểu được chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam nên chị cùng hai người con gái được hướng dẫn trở về quê nhà an toàn.

Chỉ tay về phía 3 con bò đang ăn rơm thơm mùi lúa mới, HChấc chia sẻ: “Về lại quê nhà, tôi không bị xử phạt vì đã trốn khỏi buôn làng, mà còn được chính quyền, đoàn thể và Công an địa phương cùng với bà con trong buôn động viên, giúp đỡ cho tôi làm lại từ đầu, được vay vốn chăn nuôi bò, từng bước ổn định đời sống”.

Không phải bình luận gì thêm bởi chính tự sự của những người có một thời lầm lạc đã minh chứng rõ nét những chiêu trò lừa bịp, mị dân của các phần tử phản động FULRO, “Tin Lành Đêga”, CHPC. Hơn thế nữa, bất kỳ một ai có dịp đến các buôn làng đồng bào DTTS ở huyện miền núi Sông Hinh cũng sẽ cảm nhận khách quan về sự đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội bằng sức mạnh tổng hoà ý Đảng, lòng dân từ chương trình mục tiêu quốc gia đã được Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm đầu tư.

Hữu Toàn

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文