Tấm lòng Thủ tướng, tư duy địa phương

Thời gian của Thủ tướng

06:30 12/04/2017
"Không biết Thủ tướng còn thời gian ăn ngủ nữa không?", đó là cảm thán của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi ông bình luận về tình trạng nhiều ban ngành, địa phương lạm dụng câu chuyện "xin ý kiến của Thủ tướng".

Chính phủ đang có những chuyển động không mệt mỏi, cho đến giờ vẫn nhất quán lời nói đi đôi với hành động, thông điệp song hành cùng việc làm. Thế nhưng, có cảm giác rằng chỉ có mỗi mình Chính phủ chuyển động còn các địa phương, ban ngành vẫn ì ạch và ỷ lại, chưa thật sự vào cuộc quyết liệt.

Thủ tướng trăm công nghìn việc, toàn chuyện vĩ mô. Mỗi ban ngành, địa phương với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được nêu rõ, quy định rõ nhưng họ vẫn cứ nhất mực "Xin ý kiến của Thủ tướng".

1. Thủ tướng đang muốn kiến tạo, Thủ tướng đang muốn kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ, Thủ tướng đang muốn bảo vệ môi trường, Thủ tướng muốn tạo thêm điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, Thủ tướng muốn bảo vệ rừng bằng những biện pháp mạnh... Có quá nhiều việc Thủ tướng phải quan tâm, phải dành thời gian chỉ đạo, giám sát thực hiện. Vậy mà, các ban ngành địa phương việc gì cũng xin ý kiến của Thủ tướng.

Mấy ông địa phương nhận xe tiền tỷ của doanh nghiệp khi bị truyền thông nêu tên, thay vì căn cứ thông tư, luật định hoặc xét uy tín cá nhân, dư luận địa phương (lẫn cả nước) để có giải pháp phù hợp là nhận hay trả thì mấy ông ấy cũng lặp lại điệp khúc muôn thuở xin ý kiến của Thủ tướng.

Tỉnh Phú Yên bất chấp rừng tự nhiên đang sinh trưởng thuận lợi một phát chặt mấy trăm ha giao cho doanh nghiệp nuôi bò, bị phát hiện bị phản ứng, thậm chí bị nguyên lãnh đạo tỉnh bức xúc. Ấy vậy là lãnh đạo tỉnh đương nhiệm cũng chờ ý kiến của Thủ tướng.

Minh họa: Hữu Khoa.

Bán đảo Sơn Trà của thành phố Đà Nẵng bị xây dựng trái phép cũng phải cầu cứu chờ quyết định của Thủ tướng.

Bị cát tặc đe dọa cũng cầu cứu Thủ tướng, trong lúc có lực lượng hành pháp được đào tạo bài bản, đầy đủ nghiệp vụ ngay tại địa phương.

Thậm chí cái chuyện vô lý nhất trên đời là đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa lên đến 1,54 triệu đồng/lượt của mấy ông doanh nghiệp lên Bộ Giao thông Vận tải, ông thứ trưởng bộ này cũng nhùng nhà nhùng nhằng xin ý kiến của Thủ tướng. Trong lúc Luật Hàng không dân dụng 2006 nêu rất rõ giá phổ thông nội địa được áp với mức 0 đồng.

Như vậy thì cứ căn cứ vào luật mà làm, có gì phải xin ý kiến, xin chỉ đạo.

Điển hình như vụ phá rừng ở Phú Yên, Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ trong Hội nghị Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 rằng: "Chính phủ sẽ đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại cho mục đích khác, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án liên quan an ninh, quốc phòng quan trọng. Từ nay các địa phương không được cấp phép tận thu gỗ nữa nhằm ngăn chặn việc lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo để phá rừng".

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ không cho chuyển rừng nghèo, rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. "Chúng ta đã có một diện tích cây cà phê, cao su và các cây công nghiệp khác tương đối lớn. Vì vậy chúng ta đi vào thâm canh, đầu tư công nghệ cao để tăng chất lượng, giá trị cây trồng chứ không phải cứ mở ra tràn lan để tăng diện tích, sản lượng. Các địa phương cần rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề này", Thủ tướng kết luận.

Đã chỉ đạo rõ đến vậy, đã thể hiện quyết tâm rõ đến vậy, mà còn chờ chỉ đạo là chỉ đạo cái gì nữa, tôi tình thật không thể nào hiểu nổi.

2. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa diễn ra cách đây vài hôm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu: "Tại phiên họp này, tôi cũng nêu một điều hết sức lo lắng là tăng trưởng GDP quý I chỉ mới đạt 5,1% là thấp".

Rõ ràng, còn quá nhiều thứ Thủ tướng phải dành thời gian để thực hiện, đó là những lĩnh vực then chốt của quốc gia, những lĩnh vực trọng yếu để phát triển kinh tế xã hội.

Ấy vậy mà mấy ông lãnh đạo bộ ngành, địa phương, đụng việc là ngay lập tức hóa thân thành cầu thủ để chuyền bóng cho Thủ tướng. Chuyện nhỏ cũng chuyền bóng, mà chuyện không lớn cũng chuyền bóng. Cứ như là bằng mọi cách cố gắng phân tán thời gian và sự tập trung của Thủ tướng vậy.

Ai cũng hiểu vì sao họ thích đẩy việc cho Chính phủ, cho Thủ tướng bất chấp tổ công tác của Thủ tướng từng nhấn mạnh: "Không để tình trạng đẩy việc cho Chính phủ, Thủ tướng", là vì họ sợ trách nhiệm? Chỉ đơn giản vậy thôi.

Ông nào cũng có tham mưu, có trợ lý, có thư ký, có đủ văn bản hướng dẫn thực hiện nhưng vẫn cứ thích xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho an toàn, để lỡ có chuyện gì thì cứ thoải mái: "Làm theo chỉ đạo của Thủ tướng".

Những cá nhân này hoàn toàn không có ý thức trong việc chung tay kiến tạo cùng Chính phủ, cùng Thủ tướng. Họ vô cùng bị động trong công tác, nếu như không muốn nói là vô trách nhiệm. Tôi tin là họ có đủ năng lực giải quyết trong những vấn đề mà báo chí nêu ra là họ muốn xin ý kiến của Thủ tướng, nhưng mặc, họ vẫn cứ thích xin cho an toàn. Còn Thủ tướng vốn đã bận, vốn đã nhiều việc thì đó là chuyện cá nhân của Thủ tướng.

3. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, "Dồn việc cho Thủ tướng làm cho không chỉ người đứng đầu Chính phủ bị quá tải, mà còn chế độ trách nhiệm rất khó vận hành, khả năng phản ứng nhanh nhạy trước các vấn đề của đất nước bị hạn chế".

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, nhưng trên hết vẫn là ý thức phụng sự cho công việc, thái độ đoàn kết thông cảm với Chính phủ và tự trọng với trách nhiệm bản thân trên cương vị mà mình nắm giữ.

Nếu không có được những điều này thì có lẽ nên can đảm nhường lại vị trí của mình cho cá nhân khác tốt hơn, bản lĩnh hơn.

Chứ việc gì cũng ngồi chờ Chính phủ, chờ Thủ tướng chỉ đạo giải quyết thì hóa ra làm cán bộ lãnh đạo là cái nghề dễ nhất trên đời à?

Ngô Nguyệt Hữu

Năm nay 31 tuổi nhưng Lường Văn Lả - một trong 6 bị cáo lĩnh án tử hình trong vụ án cô gái giao gà đã “ngồi” trại được hơn 5 năm và đang trong thời gian chờ thi hành án. Dù biết cái giá phải trả cho tội ác của mình nhưng bây giờ anh ta đã thay đổi. Từ chỗ bất cần, quậy phá, xin được thi hành án sớm, Lả ân hận, sám hối, khát khao được sống.

Ngày 15/5, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, Công an huyện Cẩm Khê vừa triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm hoạt động liên tỉnh với thủ đoạn hết sức tinh vi; tạm giữ 3 đối tượng, thu giữ 1 cá thể hổ còn sống và 1 cá thể gấu đông lạnh.

Chiều 15/5, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án kit test Việt Á tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo. Bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hải Dương) bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 13 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Tuyến thay đổi lời khai về số tiền chia hối lộ và xin giảm nhẹ hình phạt.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai yêu cầu theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết, thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày, trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, bị cáo đã vận động gia đình, người thân nộp thêm số tiền 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không kháng cáo bổ sung, cũng không thay đổi nội dung kháng cáo, giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc cúm B nặng, trong đó có 2 bệnh nhân được chỉ định can thiệp ECMO - phương pháp oxy hoá qua màng ngoài cơ thể. Điều đáng lưu ý là cả 3 bệnh nhân đều ở lứa tuổi trẻ và có tiền sử khỏe mạnh.

Khoảng 10h30 ngày 15/5, khi đang làm việc tại đơn vị, Đại úy Trần Văn Thức, Phó Bệnh xá trưởng Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Nam nhận được thông tin có một nữ bệnh nhân đang điều trị tại khoa Nội thận - Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cần gấp 500ml tiểu cầu nhóm máu hiếm AB.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文