Bảo vệ sự minh bạch đến cùng!

11:50 01/05/2020
Ở trên thế giới bây giờ, đâu đó vẫn có những dấu hỏi về tính minh bạch trong số liệu người nhiễm bệnh, số liệu người tử vong, nhưng riêng ở Việt Nam thì không ai nghi ngờ như vậy cả. Theo tôi, sự minh bạch chính là yếu tố tối quan trọng để Việt Nam trở thành một "điển hình chống dịch", được bạn bè quốc tế ngợi khen.


Kính gửi báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng!

Theo dõi thông tin báo chí những ngày này, trong tôi có hai tâm trạng rất đối cực, muốn viết ra đây và hy vọng nhận được hồi đáp của toà soạn. Thứ nhất là tâm trạng tự hào khi hàng loạt tổ chức quốc tế, điển hình như WHO (Tổ chức Y tế thế giới) và hàng loạt các nước ở Liên minh Châu Âu đã ca ngợi công cuộc chống dịch COVID-19 của Việt Nam chúng ta. Đọc tất những lời ca ngợi này, tôi thấy có một điểm chung, đó là tất cả đều đề cao tính minh bạch trong quá trình Việt Nam chống dịch.

Ảnh: L.G

Ở trên thế giới bây giờ, đâu đó vẫn có những dấu hỏi về tính minh bạch trong số liệu người nhiễm bệnh, số liệu người tử vong, nhưng riêng ở Việt Nam thì không ai nghi ngờ như vậy cả. Theo tôi, sự minh bạch chính là yếu tố tối quan trọng để Việt Nam trở thành một "điển hình chống dịch", được bạn bè quốc tế ngợi khen.

Chứng kiến điều này, cá nhân tôi nghĩ rằng trong quá trình xây dựng và phát triển quốc gia, ở tất cả các mặt trận, trên tất cả các phương diện, chúng ta càng minh bạch với nhau thì cơ hội phát triển, đưa đất nước vươn lên càng lớn. Tôi cũng đặc biệt tin tưởng rằng đấy cũng chính là chủ trương của Đảng và Nhà nước chúng ta.

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành bộ máy, các cơ quan ban ngành đã hiện thực hóa chủ trương ấy một cách tối đa, hiệu quả hay chưa thì thành thật mà nói, nhiều người chúng ta vẫn phải đặt nhiều dấu hỏi. Ví dụ thời sự nhất chính là việc Tổng cục Hải quan mới đây đã mở cổng tiếp nhận tờ khai xuất khẩu gạo vào nửa đêm.

Vì mở cổng tiếp nhận đột ngột, bất thình lình, không thông báo trước nên nhiều doanh nghiệp không kịp nắm bắt để có thể kịp đăng ký tờ khai. Trái lại sẽ có những doanh nghiệp nào đó, với những lợi thế đặc biệt nào đó lại kịp thời nắm bắt để thực hiện việc xuất khẩu một cách trơn tru.

Trong bối cảnh mà hạn ngạch xuất khẩu tháng này chỉ là 400.000 tấn gạo, tức là quá ít và quá thấp so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp thì rõ ràng là ai "nắm bắt kịp" sẽ thắng lớn, còn ai không "nắm bắt kịp" hoặc không thể "nắm bắt kịp" sẽ thua to. Phải hình dung đến cảnh hàng chục ngàn tấn gạo đã nằm sẵn ở cảng, đã có hợp đồng nhưng không thể xuất khẩu do bị tạm dừng xuất khẩu từ ngày 24-3 mới thấu hiểu được sự thắng - thua trong trường hợp này là khủng khiếp và nghiệt ngã như thế nào.

Trên tờ Tuổi trẻ TP.HCM, tôi có đọc được ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - một nhà nghiên cứu chính trị và luật pháp lâu năm, và rất đồng cảm với những câu hỏi mà ông đã đặt ra trong trường hợp này:

1.Tại sao hệ thống đăng ký tờ khai lại chỉ được mở vào lúc nửa đêm?

2. Tại sao những doanh nghiệp đã ký được hợp đồng, đã có hàng chờ ở cảng lại không mở được tờ khai, mà những doanh nghiệp chưa có đủ hợp đồng lại làm được điều này?

3.Tại sao các doanh nghiệp trúng thầu chưa đủ gạo bán cho dự trữ nhà nước lại là các doanh nghiệp mở được tờ khai xuất khẩu?

Tôi biết là có rất nhiều thương nhân xuất khẩu gạo đã đặt ra những nghi vấn về tình trạng trục lợi chính sách, khi một công ty nọ đã đăng ký xuất khẩu tới 102 tờ khai, với hơn 96.000 tấn gạo, chiếm tới 25% hạn ngạch xuất khẩu gạo của cả nước trong tháng này, trong khi đó rất nhiều công ty, doanh nghiệp khác chỉ còn biết ở một chỗ để… ôm mặt khóc.

Thưa tòa soạn, tôi vẫn hết sức thận trọng dùng cụm từ "những nghi vấn về tình trạng trục lợi chính sách", chứ chưa vội khẳng định nó chắc chắn là một biểu hiện trục lợi chính sách, vì tôi hiểu phải đợi các cơ quan chức năng đưa ra lời kết luận cuối cùng thì mới có thể khẳng định chắc chắn bất cứ điều gì. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ để những nghi vấn này xuất hiện nhiều thêm và dày thêm thì nó rõ ràng là điều bất lợi.

Như đã nói ngay từ đầu, tôi rất tự hào với tính minh bạch trong suốt quá trình chống dịch COVID-19 mà Nhà nước chúng ta đã và đang thể hiện - điều mà không phải bất cứ Chính phủ nào, Nhà nước nào cũng có thể thực thi. Nhưng với những nghi vấn trong vấn đề xuất khẩu gạo thì thật lòng, trong tư cách một người quan sát thông tin, tôi cứ bị một cảm giác bức bách, khó chịu. Cho nên ở phần mở đầu bức thư, tôi mới nói mình đang có hai tâm trạng đối cực là vì vậy.

Hẳn nhiên, có thể tôi mang một cái nhìn phiến diện, chưa chính xác. Nếu đúng vậy, mong quý tòa soạn bỏ qua, và thành thật mong nhận được sự hồi đáp của tòa soạn. - Nguyễn Hoàng An (Thái Bình)

Kính gửi độc giả Nguyễn Hoàng An!

Tâm trạng đối cực trong quá trình quan sát thông tin - quan sát xã hội của độc giả là chính đáng. Chúng tôi hiểu và chia sẻ với tâm trạng đó. Bây giờ chúng ta hãy bàn cụ thể về chuyện xuất khẩu gạo với việc hệ thống đăng ký tờ khai chỉ được Tổng cục Hải quan mở vào lúc nửa đêm mà độc giả đề cập.

Khi biết đến câu chuyện này, điều đầu tiên mà những người làm báo chúng tôi nghĩ đến đó là đại diện của Tổng cục Hải Quan sẽ giải thích như thế nào? Hỏi như thế là bởi, trước bất luận một sự việc - một hiện tượng nào, cho dù là sự vật - hiện tượng khiến chúng ta khó chịu về mặt cảm xúc thì điều quan trọng vẫn là phải bình tĩnh lắng nghe những người trong cuộc giải thích.

Đánh mất sự bình tĩnh đó, chúng ta sẽ bị cảm xúc cuốn trôi. Trên nhiều tờ báo, Tổng cục Hải quan giải thích rằng sau khi nhận được quyết định số 1106 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc xuất khẩu 400 000 tấn gạo, họ đã thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Và hệ thống điện tử này sẽ tự động theo dõi, trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu.

Việc trừ lùi được thực hiện ngay sau khi các công ty, doanh nghiệp gửi thông tin tờ khai đến hệ thống, theo đúng nguyên tắc ai gửi trước sẽ được trừ lùi vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Hệ thống điện tử  sẽ tự động dừng khi số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch 400.000 tấn.

Theo logic này thì một doanh nghiệp nào đó đăng ký được tới 102 tờ khai, chiếm tới 25% hạn ngạch xuất khẩu gạo của cả nước trong tháng này, còn nhiều doanh nghiệp khác "thua trắng" chẳng qua chỉ là một hiện tượng ngẫu nhiên. Và vẫn theo logic này, một cách khái quát hơn, chúng ta hiểu rằng mọi thứ, từ A đến Z được quyết định một cách tự động bởi một hệ thống được lập trình, không liên quan gì đến những ý muốn chủ quan, cảm tính của con người.

Thưa độc giả Nguyễn Hoàng An, không biết là độc giả đã lắng nghe lời giải thích này chưa. Nếu nghe rồi thì độc giả nghĩ gì? Còn về phần chúng tôi, sau khi bình tĩnh lắng nghe lời giải thích này theo đúng tinh thần "phải nghe từ hai phía", chúng tôi lại tiếp tục đặt thêm một số câu hỏi nữa.

Thứ nhất, đã đành mọi thứ là tự động, phụ thuộc vào máy móc, nhưng thời điểm "mở máy" đã được thông báo công khai rộng rãi hay chưa? Chúng tôi nghĩ rằng, vì một lý do đặc biệt nào đó, việc mở hệ thống vào lúc nửa đêm cũng là điều có thể hiểu được, vấn đề là cho đến trước thời điểm đó, tất cả các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu gạo phải có cơ hội tiếp nhận thông tin như nhau. Như vậy mới gọi là minh bạch.

Thứ hai, lại nói đến chuyện "tất cả đều do máy làm", thực sự là nghe đến đây chúng tôi chợt rùng mình nhớ lại những vụ gian lận thi cử của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018  tại các tỉnh  Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình. Cho đến trước khi nổ ra vụ gian lận thi cử đó, ai cũng nghĩ rằng việc chấm thi bằng máy tính  đem lại một sự khách quan, công bằng tối cao. Nhưng sau khi chứng kiện vụ gian lận kinh thiên động địa đó thì mới tá hỏa nhận ra mọi thứ không đơn giản như thế. Máy tính tự động chấm bài là một chuyện, nhưng trước đó, chủ động nhập cái gì vào máy lại là chuyện khác. Người ta chỉ mất 6 giây để sửa một bài thi trắc nghiệm.

Và sau cái quá trình người sửa - máy chấm thì hàng loạt thí sinh thậm chí đã được nâng khống tới cả 19,20 điểm cho 3 môn thi, và có học sinh thậm chí đã trở thành á khoa, thủ khoa của một số trường đại học. Câu chuyện này nói với chúng ta rằng cứ mang cái "máy tính" ra giải thích là dễ nhất, và cứ mang quy trình "tự động xử lý" của máy tính ra giải thích là thuận nhất. Nhưng trong một số trường hợp nào đó, quá trình vận hành cụ thể của một cái máy nào đó lại được cộng hưởng với những sửa chữa, thay đổi (nếu có) nào đó thì sao?

Bây giờ trở lại với những nghi vấn trục lợi chính sách từ câu chuyện xuất khẩu gạo mới đây, chúng tôi rất đồng tình với thái độ thận trọng của độc giả. Vì đúng là lúc này chỉ có thể dùng từ "nghi vấn", chứ không nên vội vàng khẳng định bất cứ điều gì. Nhưng chúng tôi tin rằng sự nghi vấn của chúng ta sớm muộn cũng sẽ được giải đáp, bởi ở thời điểm này Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc.

Cụ thể là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất, làm rõ xem có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử nghiêm theo quy định của pháp luật. Và phải báo cáo Chính phủ muộn nhất vào tháng 6 - 2020. Thưa độc giả, điều này chứng tỏ rằng Đảng và Nhà nước chúng ta quyết tâm bảo vệ sự minh bạch đến cùng. Cho nên, vấn đề của chúng ta bây giờ là chờ đợi kết luận cuối cùng của Thanh tra Chính phủ. Chúng tôi tin là khi đó, mọi chuyện sẽ rõ ràng.

Chúng tôi rất chia sẻ với quan điểm của độc giả về việc càng tạo ra một chỉ số minh bạch cao thì một nền hành chính càng vận hành hiệu quả, và niềm tin của người dân vào hệ thống càng tăng cao. Xin cảm ơn và mong tiếp tục nhận được những chia sẻ của độc giả trong thời gian tới.

Vương Trọng Tín

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文