Địa chấn!

22:08 02/09/2020
Đây không phải là một cơn động đất gây ra những cơn địa chấn có thể hủy hoại nhà cửa, làm tổn thương con người. Thực chất, đây là một cơn địa chấn chính trị mà những hệ lụy của nó sẽ có tác động lâu dài đến cục diện địa chính trị ở khu vực Trung Đông.

“Đột phá khẩu” của Israel

Đây không phải là một cơn động đất gây ra những cơn địa chấn có thể hủy hoại nhà cửa, làm tổn thương con người. Thực chất, đây là một cơn địa chấn chính trị mà những hệ lụy của nó sẽ có tác động lâu dài đến cục diện địa chính trị ở khu vực Trung Đông.

Đó là thỏa thuận lịch sử Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) bình thường hóa quan hệ hoàn toàn với Israel, mới được công bố trung tuần tháng 8 vừa qua. Về lý thuyết, thỏa thuận mới chỉ ở dạng không chính thức. Trong ít ngày tới, đại diện của hai quốc gia Israel và UAE sẽ tới Washington và tại Nhà Trắng, cùng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đứng ra làm trung gian, các bên sẽ ký chính thức để khai sinh thỏa thuận lịch sử này.

Điểm cốt yếu nhất của thỏa thuận này là UAE chính thức bình thường hóa với Israel; đổi lại, nhà nước Do Thái sẽ không có bất cứ động thái nào nhằm sáp nhập khu Bờ Tây vào thời điểm hiện tại.

Như vậy là một lần nữa, Israel lại đạt được một “đột phá khẩu” xuyên qua bức tường thành Ảrập thù nghịch bấy lâu nay vây xung quanh quốc gia “nhỏ mà có võ” này. Ngược lại, UAE cũng đạt được một mục tiêu, ít nhất là tạm thời, ngừng tiến trình Israel sáp nhập khu Bờ Tây vào lãnh thổ nước này, vốn tưởng chừng như là điều không thể tránh khỏi trước sự cương quyết của Tel Aviv.

Thái tử UAE Sheikh Mohammed Bin Zayed và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Những bước đi khó khăn

Khi nhìn vào thỏa thuận giữa UAE với Israel, không khó gì để người ta có thể liên tưởng đến những thỏa thuận trong quá khứ mà nhân vật chính là Israel.

Vào ngày 19-11-1977, trong một động thái chưa từng có tiền lệ đối với một nhà lãnh đạo Ảrập, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đã có chuyến thăm tới Israel để tìm kiếm cơ hội cho hòa bình, vốn rất mong manh ở khu vực Trung Đông. Trong chuyến thăm bị hầu như toàn bộ thế giới Ảrập tẩy chay này, ông Anwar Sadat đã gặp Thủ tướng Israel, Menachem Begin và phát biểu trước Quốc hội Israel (Knesset).

Đấy mới là bước đột phá. Một năm sau, tháng 9-1978, dưới sự trung gian của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Tống thống Ai Cập Sadat và Thủ tướng Israel Begin gặp lại nhau trên đất Mỹ tại Trại David, nơi hai bên đàm phán và đạt được một thỏa thuận hòa bình lịch sử, gọi là Hiệp định trại David. Tháng 3-1979, Hiệp định chính thức được ký kết, đặt nền móng cho một nền hòa bình giữa Ai Cập và Israel sau 3 thập niên chiến tranh.

Hiệp định hòa bình riêng rẽ Israel-Ai Cập chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước, thành lập các mối quan hệ ngoại giao và thương mại đầy đủ. Thực chất của hiệp định riêng rẽ giữa Ai Cập với Israel là dựa trên phương châm “đổi đất lấy hòa bình”. Israel thoát khỏi mối nguy cơ chiến tranh thường trực đến từ phía Ai Cập trong khi ở chiều ngược lại, Ai Cập cũng dần dần thu hồi lại bán đảo Sinai, vốn bị Israel chiếm giữ sau cuộc “chiến tranh 6 ngày” năm 1967.

Nhờ can đảm đi những bước đột phá để đạt được một hiệp định hòa bình, hai ông Sadat và Begin đã đồng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1978. Tuy nhiên, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đã phải trả giá đắt khi ký với người Israel hiệp định hòa bình này. Tháng 10-1981, trong cuộc duyệt binh ở thủ đô Cairo của Ai Cập, ông Sadat đã bị một thành phần Hồi giáo cực đoan trong đội ngũ binh sĩ đang diễu duyệt bắn chết ngay trên khán đài, mở đường cho Tổng thống Hosni Mubarak lên nắm quyền ở Ai Cập, vẫn tiệp tục duy trì hiệp định với Israel cho đến ngày hôm nay...

15 năm sau Hiệp định hòa bình Ai Cập-Israel, ngày 26-10-1994, Vua Hussein của Jordan và Thủ tướng Israel, Rabin ký hiệp ước hòa bình lịch sử, chấm dứt tình trạng giao tranh giữa hai quốc gia. Hơn một năm sau, lần này đến lượt Thủ tướng Rabin phải trả giá bằng mạng sống của mình khi ngày 4-11-1995, bị một kẻ cực đoan Do Thái ám sát, làm lung lay toàn bộ tiến trình hòa bình.

Trước thỏa thuận hòa bình vừa đạt được giữa Israel với UAE, đã có ít nhất 2 quốc gia Ảrập ký kết hiệp định hòa bình riêng rẽ với Israel. Đấy là con đường gập ghềnh đầy chông gai mà có những chính khách đã phải trả giá bằng máu của mình.

Hòa bình đổi lấy hòa bình!

Nhưng hai bản thỏa thuận hòa bình trong quá khứ giữa Israel với hai quốc gia Ảrập là Ai Cập và Jordan không có nghĩa là tất yếu dẫn tới thỏa thuận hòa bình giữa Israel với UAE. Cần phải có động lực đủ mạnh để hai bên có thể vươt qua những rào cản khó khăn tưởng chừng khó có thể vượt qua nổi. Động lực ấy đến từ nước Mỹ.

Phải nói rằng đó chính là Kế hoạch hòa bình do ông con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Jared Kushner, người được bố vợ bổ nhiệm vào vị trí “cố vấn cao cấp”, soạn thảo.

Xương sống của kế hoạch này là kêu gọi Israel và Palestine thiết lập hòa bình, với việc Israel có thể sáp nhập 30% diện tích Bờ Tây, nơi sinh sống của hầu hết những người định cư Israel; ở chiều ngược lại, người Palestine có thể thiết lập một nhà nước phi quân sự trên diện tích 70% còn lại cùng với một số thỏa thuận hoán đổi đất đai với Israel.

Người Palestine kịch liệt phản đối kế hoạch hòa bình này, cho rằng nó không công bằng, lên án Mỹ đã “thiên vị Israel” và không chấp nhận Mỹ làm trung gian trong các cuộc đàm phán với Israel.

Điều quan trọng là Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, không có ý định đợi người Palestine đồng ý với Kế hoạch hòa bình rồi mới cho triển khai nó. Vốn đang phải đối phó với vô số các vấn đề nội bộ, các cáo buộc lạm quyền, tham nhũng, ông Netanyahu cần tìm kiếm sự ủng hộ của những người định cư, giúp ông có thêm sức mạnh để đối mặt với hệ thống tòa án và tư pháp Israel. “Món quà” mà ông Netanyahu dự định dành cho người định cư Israel chính là việc bất chấp sự phản đối của người Palestine, sẽ sáp nhập 30% lãnh thổ vùng Bờ Tây vào Israel trước ngày 1-7-2020, đúng như bản Kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Trump đã hết sức quảng bá và khuếch trương.

Nhưng vị kiến trúc sư của bản Kế hoạch hòa bình này, Jared Kushner, biết rất rõ là các nước Ảrập không đời nào để yên nếu ông Netanyahu đơn phương thực hiện kế hoạch sáp nhập 30% Bờ Tây trước ngày 1-7. Xung đột sẽ nổ ra và như thế, hòa bình chưa thấy đâu mà chỉ có chiến tranh; Kế hoạch hòa bình cũng tan thành mây khói!

Bởi vậy nên ông con rể mới nhờ bố vợ gây áp lực để ông Netanyahu không thực hiện kế hoạch sáp nhập. Đến lúc này bắt đầu xuất hiện một “tay chơi” mới trên bàn cờ địa chính trị khu vực: Thái tử Mohammed bin Zayed, nhà lãnh đạo trên thực tế của UAE. Quốc gia nhỏ bé này lâu nay vẫn cố gắng duy trì một vị thế cân bằng giữa Israel với Iran. Khi quyết định “đi đêm” với Israel, nhà lãnh đạo UAE muốn truyền đi một thông điệp: “Chúng tôi có Israel ở bên, bởi vậy đừng có gây rối với tôi!”.

Một khi các yếu tố lợi ích gặp nhau thì cả Tổng thống Trump, con rể Kushner, Thái tử UAE Mohammed bin Zayed và Thủ tướng Israel Netanyahu đã có một nước đi vô cùng sáng tạo: thay vì Israel sáp nhập 30% Bờ Tây đổi lấy việc có một nhà nước Palestine trên 70% đất còn lại (đúng như nội dung Kế hoạch hòa bình) thì biến thành việc Israel không tiến hành sáp nhập 30% Bờ Tây (ít nhất ở thời điểm hiện tại) đổi lấy hòa bình với UAE! Có nghĩa lấy hòa bình đổi lấy hòa bình!

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) gặp Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed al-Nahyan tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE).

Thế giới Ảrập phân liệt

Dĩ nhiên thỏa thuận giữa Israel với UAE đã làm rung chuyển toàn bộ thế giới Ảrập, cho dù trước đấy đã có 2 thỏa thuận khác giữa Israel với Ai Cập và Jordan. Thỏa thuận này chắc chắn sẽ dẫn tới những sự thay đổi lớn trên bàn cờ Trung Đông, nơi vô số những lợi ích chằng chịt, đan xen lẫn nhau luôn là nguồn nhiên liệu dồi dào cho các cuộc xung đột đẫm máu hay chiến tranh trên chiến trường ủy nhiệm ác liệt. 

Người Palestine ngay lập tức bác bỏ bản thỏa thuận này, coi đây là một sự “phản bội” lại sự nghiệp chính nghĩa của Palestine. Đại sứ Palestine ở Abu Dhabi, thủ đô UAE, bị triệu hồi. Tuy nhiên, xét theo tình thế của Palestine đang bị “thập diện mai phục” như hiện nay, áp lực đối với chính quyền của Tổng thống Mahmoud Abbas phải ngồi vào bàn đàm phán với Israel là không hề nhỏ.

Các nước Vùng Vịnh như Bahrain, Ai Cập, Jordan, Oman đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Israel với UAE. Điều này gần như có nghĩa là không loại trừ sắp tới sẽ có những nước trong số này (Bahrain chăng?) theo gót UAE để thiết lập quan hệ với Israel. Các nước này không muốn UAE giành được lợi thế khi kết hợp vốn liếng tài chính của mình với ngành công nghệ không gian, nông nghiệp và công nghệ y tế của Israel, khả năng sẽ khiến hai nước này trở nên thịnh vượng và mạnh mẽ hơn.

Chỉ có Ảrập Saudi là vẫn im lặng, một chỉ dấu cho thấy rất có thể Thái tử Mohammed bin Salman ngầm ủng hộ thỏa thuận này nhưng không lên tiếng bởi cha của ông, nhà Vua Ảrập Saudi phản đối việc bình thường hóa quan hệ với Israel.

Trong khi đó thì Iran, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đều lên tiếng phản đối thỏa thuận vừa đạt được giữa UAE với Israel. Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ còn đe dọa rút đại sứ của mình ở UAE về nước...

Như thế, hiệp định hòa bình giữa Israel với UAE vừa mở ra một chương mới trong bầu không khí ngột ngạt ở Trung Đông - Vùng Vịnh, đồng thời tạo ra sự phân liệt nguy hiểm trong thế giới Ảrập.

Yên Ba

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文