Minh bạch thông tin để phát triển - Sẽ chẳng còn cách nào khác để tạo nên một tin tưởng ngoài sự minh bạch

Không chỉ là một nhu cầu

16:16 30/05/2016
Sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội và vai trò dẫn dụ thông tin của nó đã khiến nhu cầu minh bạch của dân chúng ngày càng trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết.

Người dân ngày càng ý thức hơn quyền lợi chính đáng của mình và do đó, đòi hỏi sự minh bạch trong mọi mặt của xã hội cũng ngày càng cấp thiết hơn. Thực sự, chúng ta đều rất quen thuộc với 9 chữ "vàng" đã trở nên phổ biến hàng chục năm nay là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và đến lúc này, 9 chữ vàng ấy mới phát huy hết tác dụng về ý niệm của mình.

Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra chính là điều thể hiện tính minh bạch của một xã hội văn minh. Và bởi thế, dân đòi hỏi họ phải được biết, để từ đó họ được quyền bàn luận và cuối cùng, họ có quyền kiểm tra tất cả những gì mà họ quan tâm đến hoặc đặt dấu hỏi ngờ vực về nó.

Song, phải chăng minh bạch chỉ đơn thuần là một nhu cầu của dân chúng, để từ đó chứng minh rằng xã hội đang hoàn thiện dần, trở nên văn minh hơn, ưu việt hơn?

Không phải đơn giản minh bạch chỉ là một nhu cầu, mà minh bạch còn là một thứ vượt ra ngoài giới hạn của bản năng đòi hỏi (nhu cầu). Minh bạch chính là một thái độ, một thái độ văn minh của một chế độ xã hội văn minh.

Minh họa: Hữu Khoa.

Nếu đặt việc đòi hỏi minh bạch vào trong lăng kính tiêu cực, người ta rất dễ sa vào cách quy chụp phiến diện, nhất là với những trường hợp người dân đòi hỏi quyền được tiếp cận các thông tin mà có vẻ như chẳng liên quan gì đến họ, theo kiểu "chẳng qua là tò mò".

Bởi vậy, để nói về minh bạch, chúng ta rất cần minh bạch với chính mình về cách đặt vấn đề, cách lập luận, cách đưa ra các đáp án... về nhu cầu rất thiết thân kể trên. Và nếu nói một cách chân xác nhất, nhu cầu được tiếp cận các thông tin minh bạch chính là một thái độ thể hiện sự quan tâm đến môi trường xung quanh và một khi người dân còn quan tâm đến môi trường tự nhiên, xã hội xung quanh họ, quốc gia mới có cơ hội để phát triển.

Không có gì đáng sợ hơn việc người dân không còn thể hiện sự quan tâm nữa hay nói khác hơn là họ thờ ơ với tất cả, từ những quy định nhỏ nhặt trong đời sống cho đến những quyết sách mang tầm quốc gia.

Tất nhiên, sẽ có người cho rằng ở vào giai đoạn nền tảng dân trí chưa cao, việc đáp ứng đòi hỏi minh bạch có thể sẽ tạo nên những hỗn loạn trong xã hội. Quan điểm này không sai, nhưng chưa đích xác.

Đúng là muốn có dân chủ, dân trí phải ở một tầm mức tối thiểu nào đó nhưng không một ai có đủ khả năng cũng như thẩm quyền để xác quyết rằng cái tầm mức dân trí tối thiểu kia là ở mức độ nào. Người ta không thể xây dựng ra một tiêu chuẩn dân trí tối thiểu nào đó để rồi đợi cho dân trí phát triển tới tiêu chuẩn đó mới có thể thực hành dân chủ.

Xã hội là vận động và bởi thế, hành động là yếu tố tiên quyết chứ không chỉ xác lập lý thuyết và bắt thực tế phải tuân thủ theo lý thuyết đó. Và trong nền tảng cơ bản nhất của một xã hội dân chủ, chắc chắn phải tồn tại một yếu tố căn bản nhất là tính minh bạch.

Chính sự minh bạch đó thể hiện dân chủ tính của xã hội. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra chính là nền tảng của một chế độ dân chủ và khi 3 trong 4 yếu tố nền tảng kể trên liên quan đến chuyện minh bạch hóa xã hội, điều đó càng chứng tỏ sự minh bạch nắm vai trò thiết yếu thế nào trong việc xây dựng một xã hội dân chủ thực sự.

Nhưng nói gì thì nói, đứng trước sự minh bạch kia với một thái độ như thế nào mới là thứ đáng quan tâm nhất. Nếu đối diện sự minh bạch với cái tâm không minh bạch, chắc chắn người ta dễ sa vào cái bẫy của chính mình để lợi dụng sự minh bạch đó tạo nên những bất ổn trong đời sống xã hội.

Trước sự minh bạch, cái tâm mỗi người cần phải minh bạch trước. Mình biết là một chuyện nhưng mình có đủ tri thức, kinh nghiệm để bàn hay không lại là chuyện khác. Mình biết và mình bàn là một chuyện, nhưng mình có đủ thấu cảm cân bằng với lý tính để mình thực hiện việc kiểm tra một cách khách quan nhất, vô tư nhất và đưa ra kết quả chuẩn xác hay không lại còn là một chuyện khác nữa.

Bởi vậy, minh bạch không phải là thứ có thể được thực hiện một cách dễ dàng như cách người ta đơn thuần nghĩ về nó là "tôi có quyền được biết".

Thái độ trước minh bạch và thái độ trong cách yêu cầu tính minh bạch rõ ràng là những đòi hỏi rất cao cấp đối với từng cá nhân trong xã hội. Nó thể hiện tâm tính cùng trình độ ứng xử của mỗi người trước một khối lượng thông tin ngồn ngộn mà họ có thể tiếp cận tới.

Chính vì thế, nó yêu cầu mỗi con người phải nâng cấp chính mình để theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Và như một vòng lặp không thể nào thoát khỏi, xã hội càng minh bạch chắc chắn sẽ càng phát triển hơn nhưng song song đó, nó cũng sẽ đòi hỏi chính con người trong xã hội cũng phải tiến bộ hơn.

Để kết thúc một nhàn đàm nhỏ này về minh bạch, có lẽ không có gì phù hợp hơn những gì thi sỹ người Anh William Blake đã viết. "Nếu cánh cửa nhận thức được gỡ bỏ hoàn toàn, mọi thứ sẽ hiện ra trước mắt loài người đúng như bản nguyên của nó: đến mức tận cùng. Còn với ai chọn đường đóng cánh cửa của mình lại, những gì họ thấy sẽ chỉ còn là hình ảnh qua những khe hẹp trong chính cái hang động nhỏ bé của chính họ mà thôi".

Đúng, minh bạch là như vậy đấy, là chính mỗi chúng ta phải chọn cách mở rộng hoàn toàn, hay nói đúng hơn là gỡ bỏ hoàn toàn những cánh cửa nhận thức. Và việc chọn gỡ bỏ hoàn toàn những cánh cửa ấy không còn là nhu cầu nữa, nó chính là một sứ vụ, một thái độ, một sẵn-sàng-tiếp-nhận...

Hà Quang Minh

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文