Làm công chức hay làm quan?
Cán bộ lãnh đạo địa phương là nơi tiếp xúc với dân nhiều nhất, nơi có rất nhiều cơ hội gầy dựng niềm tin vào thể chế cho dân. Đáng tiếc, đang có rất nhiều vấn đề xảy ra trong công tác tổ chức, đề bạt cán bộ địa phương, cũng như lối hành xử kỳ lạ của những vị cán bộ này. |
Song, trong quan niệm của người dân ngày ấy, đảm nhiệm những vị trí kia có nghĩa là đi làm "cán bộ", một khái niệm chung dành cho tất cả những người trong bộ máy hành chính công, từ cấp thấp cho tới cấp cao.
Và cũng như những gì mà tôi nhớ (có thể là lầm), khoảng hơn 20 năm trở lại đây, khái niệm "cán bộ" bắt đầu mờ nhạt hẳn, để thay vào đó là một khái niệm cụ thể hơn: "quan chức".
Sự thay đổi về cách dùng từ cho thấy quan điểm của xã hội với những người có vị trí, dù nhỏ thôi, trong bộ máy chính quyền đã đổi khác rất nhiều. Họ mặc nhiên coi những cá nhân đó là "quan lại" kiểu mới, một cách tự nhiên.
Minh họa: Hữu Khoa. |
Và khi họ đã có khái niệm đó một cách tự nhiên, nguyên do tất nhiên phải đến từ hành xử bắt đầu trở nên bình thường của chính những người đi làm "cán bộ" cho Nhà nước.
Đó là một thay đổi quan niệm phũ phàng và đau đớn, nhất là trong một xã hội được xây dựng với những lý tưởng lớn. Phân cấp, phân giai tầng trong xã hội là điều tất yếu mà không ai có thể chống lại được nhưng giai tầng thấp nhìn vào giai tầng cao hơn mình với đôi mắt tiêu cực như thời phong kiến thì hẳn nhiên những hiện tượng tiêu cực của xã hội đã khiến hình ảnh chung méo mó đến nhường nào rồi.
Có một ví dụ mà tôi không thể không kể ra, dù nó cách đây đã 4 năm. Đó là sự việc xảy ra ngay ở khu phố mà cha tôi đang sinh sống. Khu phố ấy được quy hoạch, theo một dự án cải tiến đô thị rất đáng hoan nghênh, một dự án đã được đề ra đâu đó từ trước năm 2006. Chính quyền Hà Nội muốn biến con mương rác rưởi, hôi thối trở thành cống ngầm rộng rãi hơn và mở rộng thành một con đường mới.
Dân cư đều hân hoan ủng hộ dự án đó, không một lời phàn nàn. Đơn giản, họ có lợi rất nhiều, dù chỉ mất tối đa là chục mét vuông nằm trong diện quy hoạch làm đường (mà Nhà nước đền bù cũng rất thỏa đáng), bởi lẽ bỗng nhiên họ trở thành những người sở hữu nhà mặt tiền, đường rộng, sạch sẽ, thoáng đãng. Nhưng họ đã bất mãn vì cái cách mà quan chức phường, quận đã hành xử với họ xoay quanh dự án đó.
Họ đợi gần nửa thập niên để rồi khoảng giữa tháng Chạp năm 2012, họ nhận được lệnh khẩn cấp phải dỡ bỏ những phần xây dựng trên khu vực đã được quy hoạch trước ngày 23 tháng Chạp, tức ngày ông Công ông Táo. Mốc giới quy hoạch đã có từ trước rất lâu, và theo thỏa thuận giữa chính quyền với dân, khi nào dân nhận đền bù thì lập tức dỡ bỏ.
Dân đợi nhiều năm, để rồi "đùng một cái", họ được nhận tiền vào cận tết Nguyên đán, và phải đập bỏ vào trước tết. Nếu chưa đập bỏ vào thời điểm tới hạn, họ sẽ bị cưỡng chế và bị phạt. Các nhà cùng nhau đập, đập mà không biết nên vui hay nên buồn. Vui vì tiền nhận được rồi và biết là con đường mơ ước sắp thành hình.
Nhưng buồn là đúng dịp tết nhất, nhà cửa như thế thì còn gì là tết. Họ đổ lỗi tất cả do sự cửa quyền của quan chức địa phương, vì họ tin rằng chính quyền thành phố chẳng bao giờ ra cái quyết định chóng vánh như thế, hẳn chính quyền thành phố đã có quyết định từ lâu rồi bởi bản thân quan chức thành phố cũng chẳng muốn đô thị nham nhở trong dịp tết Nguyên đán.
Nhưng cái sự cửa quyền đó chưa chấm dứt ở đấy. Sau tết, dân lũ lượt sửa lại phần mặt tiền đã bị đập bỏ, để nhằm quay lại đời sống sinh hoạt hằng ngày sớm nhất. Vậy mà quan chức phường vẫn xuống xử phạt, xoay quanh chuyện tập kết vật liệu xây dựng; chuyện chỉnh sửa có đúng quy hoạch hay không (kể cả trường hợp dân không sai).
Chuyện đỉnh điểm đến mức, khi một cô phó chủ tịch phường, cỡ tuổi tôi, đi cùng một nhóm trật tự phường xuống định xử phạt một cụ ông độc thân cạnh nhà, cụ ông đã không kiềm chế được mà hỏi cô ấy rằng: "Xuống có việc gì?".
"Dạ xuống hỏi thăm bác thôi", cô đáp thế và nhận được câu mắng rất phẫn: "Mày xuống thăm bác thì dắt cái lũ yêu ma này theo làm gì? Phạt tao không phạt được đâu. Tao không làm sai. Do chúng mày mà tao phải làm thế này chứ chúng tao có muốn phá nhà đập cửa ra làm gì?".
Câu nói của ông cụ làm tôi ám ảnh đến tận giờ. Cũng có thể cô phó chủ tịch phường kia xuống hỏi thăm ông cụ thật, nhưng ác cảm mặc định với những "quan lại" phường đã sách nhiễu bấy lâu khiến ông mắng xẵng như thế. Chuyện ấy, nghe còn đau hơn những chuyện của văn học hiện thực thời 30-45 ngày xưa rất nhiều.
Ví dụ ấy, và vô vàn câu chuyện muôn màu muôn vẻ mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày, trên các đơn vị phường xã khắp cả nước hôm nay, cho chúng ta nhận thấy rằng đúng là đang tồn tại một hệ thống quan lại cấp thấp đúng nghĩa, hành xử như những lý trưởng, thầy đề, quan huyện trong cái vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến mà chúng ta vẫn xem ngày nào.
Họ sẵn sàng hoạnh họe, nhũng nhiễu dân, kể cả là giữa đêm miễn là họ đạt được mục đích: tư lợi và khẳng định quyền lực. Cái tư lợi thì đã có pháp luật xử lý, nếu bằng chứng đầy đủ và hệ thống thực thi pháp luật nghiêm minh. Còn cái tâm lý khẳng định uy quyền mới là thứ đáng sợ.
Dường như, nó là một tâm lý ám ảnh thì phải. Nếu lớn lên trong gia đình mà cha mẹ có chút quyền lực, người ta dễ nhiễm hành xử quyền lực. Nếu lớn lên "chân trắng" và khi có chút quyền lực trong tay, người ta hành xử như thể trả thù cho những năm tháng bị hành hạ bởi quyền lực. Dường như, đó là cái nợ đồng lần của các giai tầng trong xã hội thì phải.
Đầu gà hơn má lợn, câu thành ngữ ấy nói lên tất cả. Thà người ta có thực quyền ở một cấp quản lý nhỏ, còn hơn người ta chỉ có hư danh ở một cấp quản lý cao hơn. Chính cái tư tưởng ấy đã hình thành nên một tầng lớp quan lại mới, tầng lớp quan lại mà gần trăm năm trước, cả dân tộc đã muốn cải cách nó, thay thế nó bằng một hệ thống hành chính tiến bộ hơn.
Nhưng suy cho cùng, nhìn lại chữ "quan" mới thấy đau hơn. Trong từ điển, "quan" là một từ chỉ những người có chức phận, làm hầu cho vua. Nhưng quan hiện đại thì không hầu cho dân mà thay vào đó, họ "dần dân" cho thỏa cái đặc quyền nhỏ bé mà mình may mắn chiếm được trong đời.