Văn chương thời bão...giá:

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Văn học lặn vào trong sự ồn ã

15:55 15/07/2010
Hẳn sẽ nhiều nhà phê bình lắc đầu với Nguyễn Đình Tú, vì dường như lý trí của anh mạnh hơn tâm tư của một nhà văn khi trả lời bài phỏng vấn này. Sự lạc quan hơi quá vào văn chương của anh, có thể làm nhiều người nghi hoặc.

Bởi hình như anh đang giữ cho mình một thái độ quá an toàn trước những vấn đề gai góc mà người viết và văn chương đang phải đối diện: văn học Việt Nam đang mất dần độc giả! Có người nói, Nguyễn Đình Tú rất thích hợp với công việc của một người duy trì phong trào sáng tác, bởi anh có sức lan tỏa, gây cuốn hút những người trẻ tuổi vào con đường văn chương.

Sau nhiều năm, rất nhiều người cùng thời đã rời bỏ văn chương hoặc coi văn chương như món đồ trang sức, thì Nguyễn Đình Tú vẫn ngụp lặn vào chữ nghĩa, tìm kiếm những giá trị của ngôn từ, bỏ lại bên cạnh những toan tính về bạc tiền hay những lo toan về đời sống. Bởi, ngoài tình yêu văn chương, còn có sự dũng cảm của một người dấn thân.

- Nhiệm kỳ qua, anh là thành viên tích cực của Ban Công tác nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam. Thực sự khách quan, anh đánh giá về văn học trẻ trong thời gian qua như thế nào? Người ta nói, đó là một mặt nước phẳng lặng, lâu lâu có một con cá quẫy, nhưng quẫy một lần rồi chìm không quay lại. Anh nghĩ sao?

- Trước hết tôi xin được đưa ra và thống nhất với anh khái niệm văn học trẻ ở đây là "sáng tác nói chung của những người viết thuộc thế hệ 7X và 8X". Từ khu biệt này, nhìn vào văn học trẻ trong vòng dăm năm qua tôi nhận thấy đã và đang hình thành một đội ngũ nhà văn 7X sung sức và dồi dào sáng tạo. Họ đều đang ở độ tuổi trên ba mươi và những gì họ trình ra rất đáng được ghi nhận.

Dăm năm mà hình thành một đội ngũ những người viết như thế, cũng là tốt rồi. Còn ai đó cho rằng văn học trẻ là "một mặt nước phẳng lặng, lâu lâu có một con cá quẫy rồi chìm" thì, hoặc là quá thờ ơ, hoặc là quá kỳ vọng vào văn học trẻ để rồi thất vọng, hoặc là không chịu đồng hành cùng người trẻ nên mới nhận xét theo kiểu chẳng nhận xét gì cả.

- Lại chuẩn bị cho Đại hội Hội Nhà văn tiếp theo. Vậy là lại một nhiệm kỳ mới, đồng nghĩa với một niềm hy vọng cho mùa văn chương mới. Anh có nhìn thấy những tín hiệu nào lạc quan?

- Văn chương được mùa hay mất mùa không phụ thuộc vào các nhiệm kỳ của Hội Nhà văn. Tôi không lạc quan theo kiểu hơn hớn tung hô rằng Việt Nam đang sở hữu một nền văn học đỉnh cao nhưng cũng chưa bao giờ bi quan về văn học nước nhà.

Văn học đang đi theo con đường mà nó phải đi, còn đích đến của nó ở đâu thì mọi người hãy tự xác định cho nó là xa hay gần. Tín hiệu lạc quan, theo tôi nằm ở trong chính tình yêu của chúng ta với văn học chứ không phải ở hiện tượng văn đàn có sôi động vì những điều phi văn học hay không.

- Có người bi quan nói rằng, 5 năm qua không có tác phẩm nào đáng giá. Anh là người viết, nhưng đồng thời cũng là người tổ chức bản thảo và biên tập nhiều tác phẩm văn học. Anh thấy ý kiến này thế nào?

- Tôi không hiểu "đáng giá" ở đây được hiểu như thế nào? Bạn đọc thực sự cần gì ở một tác phẩm văn học? Họ muốn vui buồn với nhân vật, thấy mình cần phải sống tốt hơn trong cuộc đời này, đồng cảm với những trang viết của nhà văn, dăm mười năm nữa vẫn còn nhớ đến một tác phẩm nào đó ở thời kỳ này, như thế là văn chương đáng giá chứ gì?

Vậy thì tôi tin rằng trong những năm qua có nhiều tác phẩm đáng giá. Tất nhiên bạn đọc còn có thể yêu cầu cao hơn, như tác phẩm đó phải đoạt những giải thưởng danh giá của quốc tế chẳng hạn, điều ấy lại sang chuyện khác, nhưng trước hết hãy thể hiện tình yêu văn học của mình đi đã, hãy cầm lấy sách mà đọc đi đã, thì mới thấy sự đáng giá của văn chương đang nằm ở chỗ nào.

- Thực tế cho thấy, văn học hiện nay đang mất dần độc giả và trở thành một ngành nghệ thuật hẹp, như mỹ thuật, nhiếp ảnh… thay vì một môn nghệ thuật có tính đại chúng như vài chục năm trước. Và nhiều người than buồn. Anh có thấy thực sự đáng buồn? Hay anh nghĩ đó là điều tất yếu của cuộc sống?

- Tôi không tin văn học có tính đại chúng mà nó chỉ được đại chúng hóa trong những điều kiện nhất định nào đó mà thôi.

- Có điều này không biết anh có chia sẻ không, rằng có rất nhiều cây viết trẻ được chú ý. Nhưng rồi họ không phát triển lên cao được. Những cuốn sách ra đời như một sự nối dài chứ không phải sự phát triển. Anh có nghĩ rằng, chúng ta đang thực sự thiếu những tài năng lớn cho văn chương?

- Điều ấy là hiển nhiên. Cũng như chúng ta đang thiếu những tài năng cho bóng đá, cho điện ảnh, cho giáo dục, cho kinh tế và cho cả chính trị nữa!

- 5 năm qua, chúng ta thấy đời sống văn chương thi thoảng ồn lên một chút về một vụ việc nào đó, hoặc gây tranh luận, thậm chí cãi vã nặng nề về hệ thống giải thưởng, cách thức xét giải… chứ chưa từng có sự xôn xao bàn tán về một hiện tượng văn học, một tác phẩm xuất sắc. Phải chăng chúng ta không có tác phẩm hay? Hay chúng ta đang thiếu những nhà phê bình giỏi?

- Ở cái thời mà khi một chiếc ôtô về làng là sự kiện động trời thì người ta có thể rỗi rãi bàn tán cả năm về một cuốn sách văn học nào đó. Nhưng trong thời buổi "không có cái gì nổi tiếng quá 5 giây" như ngày hôm nay thì văn học lặn vào bên trong sự ồn ã. Ai yêu văn học thì hãy chịu khó tìm đọc, tôi tin là sẽ vẫn thấy tác phẩm hay.

- Tất cả các hoạt động mang tính định kỳ thường ít tác động đến chất lượng tác phẩm cụ thể. Người ta nói, Hội Nhà văn không góp sức bao nhiêu cho sự thành công của mỗi nhà văn mà nó chỉ mang tính vui chơi. Anh nghĩ sao?

- Hội họa, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, báo chí… hội đoàn nào cũng thế, chỉ tập hợp những người làm nghề lại với nhau, và mỗi người tự tìm thấy cho mình sự bổ ích khi tham gia hội đoàn đó. Với tư cách hội viên, tôi nghĩ rằng mình nên làm được điều gì đó cho Hội hơn là chờ đợi Hội đem lại cho mình những điều xa vời nào đó.

- Đời sống văn chương đã không còn sôi động, nhà văn cũng bỏ đi làm nghề khác nhiều, tác phẩm cũng không tạo được thành dòng chảy như vài thập kỷ trước, đó chính là chân dung về đội ngũ văn chương Việt Nam hiện tại. Anh có phản ứng gì trước ý kiến này?

- Không xuất hiện dưới dạng một dòng chủ lưu nhưng lại có nhiều dòng khác nhau để bạn đọc lựa chọn. Văn học đang phát triển theo quy luật nội tại của nó. Và tôi thấy chả có gì phải đáng buồn về điều này.

- Cảm ơn anh!

Thiên Ý (thực hiện)

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文