Phía sau danh hiệu

10:27 16/06/2015
Định danh, vốn dĩ xưa nay vẫn được lấy làm trọng. Lập danh, vốn dĩ xưa nay luôn là chuyện rất nên làm. Không còn bị bó buộc bởi những quan điểm cũ, định danh lẫn lập danh đều không dành riêng cho bất cứ cá nhân nào.

Mua danh – bán danh

Đừng quá mở rộng tư duy khi đọc đến cái title phụ này. Bởi chuyên đề do chúng tôi thực hiện, hiện tại đều gói gọn trong các vấn đề về văn hóa. Đặc biệt, là làng giải trí Việt.

Nên khi nhắc đến danh cũng chỉ gói gọn trong nội hàm của hai từ danh hiệu mà thôi. Tất nhiên, danh hiệu cũng là một thứ danh.

1. Người phụ nữ dẫn chương trình có nhan sắc rất mặn mòi từng thú nhận: “Nếu tôi không xinh đẹp, tôi sẽ không có được như ngày hôm nay”.

Đó là một câu nói rất thật lòng và chính xác. Cái đẹp luôn là một quyền năng, từ quyền năng này người ta nhận được thành công dễ dàng hơn rất nhiều những người không đẹp.

Vốn dĩ, yêu cái đẹp là thứ tình yêu thuộc về bản năng của con người. Đó là nỗi yêu tự nhiên.

Cá nhân một người đẹp, luôn biết mình đẹp. Luôn biết mình đẹp nhưng lờ đi giả như mình rất bình thường, đó là một người đẹp mà lại còn cực kỳ thông minh. Luôn biết mình đẹp và cố chứng minh: “Tôi là một người rất đẹp”, đó là người đẹp không thông minh lắm. Luôn biết mình đẹp và sỗ sàng để thụ hưởng cái đẹp của tôi cần phải thế này, cần phải thế kia, đó là một người đẹp không thông minh.

Mặc dù, muốn được mặc cả cho cái đẹp cá nhân là điều hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của cá nhân. Một quan điểm sòng phẳng và không có gì phải lấn cấn.

2. Khi có được nhan sắc, cá nhân sở hữu nhan sắc luôn khao khát được biết đến. Tôi đọc cổ văn, tự xưa đến nay đều vậy chứ không chỉ ở thời điểm này.

Mỹ nữ nổi danh trong lầu xanh cũng được tán tụng không thua không kém giai nhân trong khuê phòng. Tất nhiên, tán tụng và được tôn trọng là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.

Người ta có nhiều cách khác nhau để được thiên hạ chú ý. Cách dễ dàng nhất chính là khẳng định mình trong một cuộc thi nào đó chuyên về nhan sắc.

Đã là một nhan sắc mà lại còn đoạt giải trong một cuộc thi nhan sắc, chắc chắn nhan sắc đó phải là nhan sắc nổi trội. Bởi có là nhan sắc nổi trội thì mới có thể đánh bật các nhan sắc khác trong một cuộc thi lấy diện mạo để luận tài năng.

Khi có được một danh hiệu liên quan đến nhan sắc, người sở hữu nhan sắc lại sở hữu thêm cả một phương tiện trong cuộc chạy đua rất nhọc nhằn của kiếp người ngay tại cõi đời này.

Đáng tiếc là, người hanh thông thì băng mình trên đường quang, người không hanh thông thì nháo nhào lao vào tuyệt lộ.

3. Quan điểm cá nhân, tôi vẫn không nghĩ rằng việc nhan sắc định giá bản thân mình nhằm có thể thu lại hiện kim trong một cuộc mua bán đó là trọng tội. Đơn giản, không có kẻ mua thì người bán biết bán làm sao. Còn giữ tư duy, nhục mạ người bán nhan sắc thu hiện kim, tức là còn rất nặng nề về quan điểm trọng nam khinh nữ. Thực tế thì đó là nhu cầu thuộc về bản năng rất con người, không hiểu sao vẫn chưa được chấp nhận. Lễ giáo Á Đông thì hay, nhưng đôi lúc lễ giáo này trở thành bức tường chắn mịt mù trước mặt.

Có điều, như tiền nhân đã dạy: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Lại thêm: “Nhập gia tùy tục”. Trót sinh trong một xã hội hay một thể chế với những luật định phù hợp với quan điểm của đám đông, người có nhan sắc hay không có nhan sắc gì đều bắt buộc phải tuân thủ những luật định ấy. Không hề có một ngoại lệ chỉ bởi: “Tôi đẹp nên tôi được ưu tiên”. Sự ưu tiên dành cho người đẹp chỉ là lúc người đẹp biết sử dụng nhan sắc khôn ngoan.

Việc kém khôn ngoan nhất của một nhan sắc chính là ném mình vào những cuộc chơi mà nhan sắc không thể tự làm chủ. Không những vậy, còn vô hình trung tự biến mình thành con mồi để các cá nhân khác trục lợi.

Mua danh rồi bán danh phụ thuộc nhiều vào ý thức cá nhân, có điều như tôi đã nói ở phần trên, yêu cái đẹp là thứ tình yêu thuộc về bản năng của con người. Đó là nỗi yêu tự nhiên.

Vì vậy, thấy cái đẹp bị phỉ báng bởi hành động sai lầm thì tự dưng xót xa.

Á khôi Áo dài Thúy Vân: Để có được danh hiệu đều phải rất cố gắng

- Thúy Vân cảm nhận như thế nào về danh hiệu đối với một người đẹp?

- Mỗi người có định nghĩa riêng về danh hiệu. Có người dùng danh hiệu để làm bàn đạp trong lĩnh vực giải trí, nhưng cũng có những người sẽ nghĩ đây chỉ là một kỉ niệm vui trong cuộc đời mình... Ở một góc độ nhất định thì danh hiệu Á khôi áo dài của Vân cũng vậy, nó sẽ gắn bó, đi cùng Vân, nó có thể cũng là một kỷ niệm, cũng là bàn đạp cho Vân. Điển hình là chính nhờ danh hiệu đó mà Thúy Vân mới có thể làm công việc MC của Asia’s Got Talent vừa qua.

Nhưng, điều quan trọng hơn hết là mình phải giữ được thái độ chủ động khẳng định mình trong mọi việc, dù có danh hiệu. Như Vân sẽ là “người dẫn chương trình Thúy Vân”, chứ không phải “Á khôi Thúy Vân là người dẫn chương trình”. Với Vân, danh hiệu không phải là một nghề, nó chỉ là một món quà về danh tiếng gắn với mình và nhờ đó mà người ta biết đến mình nhiều hơn, mình làm được nhiều việc có ích hơn.

- Tôi nghĩ, chuyện người đẹp tìm kiếm danh hiệu để sau đó làm công việc khác như tiến thân vào showbiz hay kinh doanh thì cũng rất chính đáng thôi?

- Để có được danh hiệu thì người ta đều phải rất cố gắng. Như bản thân Thúy Vân, Vân đã phải cố gắng rất nhiều trong cuộc thi Hoa khôi Áo dài để có được danh hiệu Á khôi. Nhưng trong nghề nghiệp bạn chọn, bạn phải là người có thực lực, như bạn là một người dẫn chương trình, một diễn viên có tài năng, bạn là một nữ doanh nhân kinh doanh tốt… thì việc mọi người biết thêm bạn là hoa hậu hay á hậu gì đó là điều chính đáng. Tuy nhiên, có những trường hợp không có thực lực, mà chỉ dùng danh hiệu đó, dù chưa đến mức là lừa đảo, nhưng Vân không đồng tình với những việc đó.
Á khôi Áo dài Thúy Vân.

- Còn việc dư luận hay lên tiếng rằng, không thấy một số hoa hậu, á hậu làm gì ngoài việc dùng danh hiệu đi dự sự kiện, event, đóng quảng cáo. Người ta cũng đặt ra câu hỏi, không lẽ có danh hiệu cao quý chỉ để làm những việc này. Thúy Vân nghĩ sao?

- Mỗi người khi có được danh hiệu thì họ sẽ biết cách sử dụng danh hiệu của mình một cách phù hợp nhất theo tư duy của họ. Đối với bản thân Thúy Vân, ngay từ đầu, Vân đã xác định rằng hoa hậu hay á hậu không phải một nghề, và mình không kiếm sống bằng danh hiệu đó. Quan trọng nhất là khả năng của mình có thể làm được những việc gì, mình sẽ phát triển những việc đó như thế nào. Còn việc người đẹp đi dự sự kiện hay làm đại sứ thương hiệu, thì Vân nghĩ có cung ắt sẽ có cầu, vì khán giả muốn thấy họ nên các nhãn hàng mới mời.

Chúng ta cũng đã có một khái niệm mới là entertainer - người làm giải trí, là những người không hẳn làm nghề như diễn viên, ca sĩ, người dẫn chương trình mà chỉ là một người làm giải trí. Phải chăng chúng ta nên nhìn một cách khách quan hơn, là xem những người đó như là một entertainer!?

- Thời gian vừa qua, có những chuyện đáng buồn trong giới người đẹp có danh hiệu, như chuyện “hoa hậu lừa đảo”, “hoa khôi bán dâm”. Thúy Vân nghĩ gì về những trường hợp này?

- Vân cảm thấy sốc và buồn chứ! Vân có một người bạn nước ngoài đã có thời gian sống và làm việc ở Việt Nam, bạn ấy có nói rằng: Chưa thấy đất nước nào có nhiều hoa hậu như Việt Nam. Sự thật là nước ta đang có rất nhiều cuộc thi, có những cuộc thi mà Vân là người trong giới không hề biết về quy mô và hình thức tổ chức. Nhưng những người đó cũng được gọi là hoa khôi, á khôi. Vì vậy, chúng ta nên xét đến yếu tố là những danh hiệu xuất hiện trong những tin tức đáng buồn mà chúng ta đang đề cập là đến từ cuộc thi nào. Còn đương nhiên, khi bạn xuất thân từ một cuộc thi chính thống, có quy định, quy chế rõ ràng và được mọi người công nhận thì chắc chắn là bạn phải có thực lực.

Thật ra, trong môi trường nào cũng có người như thế này, người như thế kia. Do đó, Vân luôn giữ thái độ sống sao cho người khác tôn trọng mình.

- Cuối cùng, tôi nghĩ người đẹp mà có danh hiệu thì phải có một sự giới hạn, tiết chế trong mọi công việc, hành động để không ảnh hưởng xấu đến danh hiệu mình đang có. Thúy Vân đồng ý chứ?

- Đối với bản thân Vân, ngay cả khi chưa có danh hiệu, Vân đã luôn ý thức điều đó. Có danh hiệu hay không thì mình vẫn là một người con gái Việt Nam duyên dáng, truyền thống. Nên từ trước, Vân đã luôn giữ thái độ sống rằng: Tôi là người con gái Việt Nam, tôi có tri thức, tôi có đủ nền tảng giáo dục để không làm những điều khiến tôi phải hối tiếc. Sau khi có danh hiệu, Thúy Vân vẫn luôn luôn tâm niệm như vậy. Và Vân nghĩ không chỉ riêng Vân mà tất cả những người có nền tảng giáo dục tốt, ý thức được vị trí xã hội, cũng như danh hiệu của mình như thế nào cũng đều như vậy!

Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan: Danh hiệu chỉ là lợi thế ban đầu

- Thời gian gần đây có những trường hợp có người lợi dụng danh hiệu làm chuyện phi pháp, như chuyện các hoa khôi dính vào đường dây bán dâm bị cơ quan điều tra phát hiện và xử lý, truyền thông loan tin ầm ĩ. Nguyễn Thị Loan nghĩ như thế nào khi đối diện với những thông tin này?

- Tôi có đọc qua về những thông tin đó nhưng những người mà báo chí đưa tin thì tôi chưa từng giáp mặt, dù cũng là người hoạt động trong showbiz nhiều năm nay. Tôi cũng không từng biết những bạn ấy là ai. Và tôi nghĩ, dù những bạn ấy ở vị trí nào thì cũng chỉ đại diện cho một bộ phận rất nhỏ thôi chứ không phải là cho toàn giới người đẹp có danh hiệu. Vì thế mọi người cũng không nên vì những trường hợp như thế mà đánh giá làng giải trí. Huống hồ, trong bất kỳ môi trường nào cũng có người tốt, kẻ xấu, người ngay, kẻ gian.

Vì thế, khi tiếp xúc với những thông tin tiêu cực từ một vài người đẹp có danh hiệu nào đó, tôi không lấy đó làm bận tâm, tôi cũng không băn khoăn gì, tôi cứ bước trên con đường đúng đắn mà mình đã chọn!

Tôi có những người thân cũng hoạt động showbiz, tôi thấy họ rất tâm huyết với nghề. Con đường hoạt động của họ là hết lòng cống hiến nghệ thuật cho công chúng, song song đó là tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội và cố gắng hoàn thiện mình. Mặt khác, ngoài các hoạt động showbiz thì họ còn đầu tư kinh doanh. Với những người bạn như thế thì tôi thấy họ rất đáng quý và khâm phục!

- Nhưng Loan có cho rằng, những thông tin tiêu cực đó cũng phần nào ảnh hưởng đến giới người đẹp, vốn trong mắt đám đông đã bị định kiến luôn tồn tại thị phi!?

- Đúng là những thông tin đó có gây hiểu nhầm. Nhưng tôi nghĩ, thay vì cứ ngồi dằn vặt là mình có thể bị hiểu lầm thì hãy làm những công việc của mình một cách tích cực, hiệu quả để từ đó khẳng định lại và chứng minh với mọi người rằng đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong giới người đẹp mà thôi!

- Danh hiệu rất cần thiết cho người trong giới showbiz, Loan có thừa nhận điều này không?

- Có thể đúng là nhiều người nghĩ rằng, để hoạt động trong giới showbiz thì cần phải có một danh hiệu. Nhưng cá nhân tôi thì khi đến với Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 và bắt đầu có danh hiệu thì chỉ là một cô sinh viên. Thế nên mục tiêu tôi đi thi không phải để cố gắng lấy danh hiệu để hoạt động showbiz mà nó chỉ là một cái duyên tình cờ. Đến sau khi có danh hiệu thì tôi mới bắt đầu thử sức mình ở các hoạt động của làng giải trí và sau đó là kinh doanh. Và đương nhiên việc một người đẹp có danh hiệu đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tôi rất nhiều.

Vì là động cơ đi thi của tôi thì không giống như những người đang hoạt động showbiz tham gia các cuộc thi nên tôi khó đưa ra nhận xét đúng hay sai cho câu hỏi này. Song, với cá nhân tôi thì đúng là như vậy, tức người có danh hiệu bao giờ cũng có lợi thế bước đầu trong công việc!

Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan.

- Theo quan sát của tôi, mỗi người khác nhau thì mục đích sử dụng danh hiệu cũng khác nhau, người thì để tiến thân vào showbiz, người thì kinh doanh, cũng có người lợi dụng danh hiệu để nâng giá “bán”… Loan nghĩ gì về những mục đích sử dụng danh hiệu?

- Trên quan điểm của người hoạt động showbiz thì tôi thấy, danh hiệu là một dấu ấn để mọi người nhớ đến mình. Nhưng để đi đường dài trong nghệ thuật thì không phải nhờ vào danh hiệu mà đó là những thành quả, cũng như những ấn tượng mà mình đã để lại trong lòng công chúng qua hình ảnh, sản phẩm nghệ thuật. Cũng có nhiều người có danh hiệu cao nhưng sau đó họ không tham gia showbiz, và sau vài năm thì hầu hết khán giả đã không còn mấy ai nhớ đến danh hiệu đó nữa.

Trái lại, có những cô gái bắt đầu bằng những danh hiệu rất nhỏ nhưng sau thời gian dài nỗ lực thì đã trở thành người nổi tiếng hoặc hoạt động trong các lĩnh vực vươn xa hơn rất nhiều so với danh hiệu ban đầu. Như vậy, vị trí của một người trong giới phụ thuộc vào tài năng và quá trình hoạt động của họ chứ không phải danh hiệu.

- Cả chuyện khi có những người đẹp bị danh hiệu mê hoặc đến mức họ làm mọi thứ để có nó, kể cả đánh đổi bằng tình - tiền, bất chấp luật pháp để “thi chui”…?

- Mỗi người mỗi quan điểm và thường tôi không phán xét cách đi hoặc là hoạt động của người khác. Tôi chủ tâm rằng khi muốn phán xét một ai thì tôi phải thật sự hiểu được là họ đang nghĩ gì, tại sao họ làm như vậy?… Nhưng cách tôi đi thi và đạt danh hiệu cũng trong tâm thế hoàn toàn khác với vấn đề nêu nên rất khó để trả lời. Tuy nhiên, không phải người đẹp “thi chui” mà bất cứ ai sống không tuân thủ pháp luật thì đều có những hình phạt thích đáng do pháp luật quy định. Với người của công chúng thì họ còn bị dư luận lên án nặng hơn. Và tôi nghĩ, những gì có được dễ dàng bằng cách dùng tiền mua thì cũng không bền, bởi công chúng đánh giá dựa trên thực lực.

Và cũng phải nói rằng, danh hiệu tạo ra nhiều cơ hội và thuận lợi trong công việc cho người sở hữu nó. Danh hiệu còn là một cơ hội để mình được trải nghiệm và trưởng thành hơn, từ đó mình có lợi trong các hoạt động về làng giải trí cũng như kinh doanh hơn. Nói chung có danh hiệu và sử dụng danh hiệu một cách chính đáng luôn là điều đáng hoan nghênh.

Hoa hậu Đại dương Đặng Thu Thảo: Cạm bẫy sau hào quang

- Tôi nghĩ, danh hiệu là rất cần thiết cho những người hoạt động trong giới showbiz. Thảo đồng ý chứ?

- Theo Thảo nghĩ thì danh hiệu chỉ là một sự vinh danh, một hào quang nhất thời hỗ trợ tốt hơn trong công việc đối với người may mắn sở hữu nó. Còn với những người hoạt động trong giới showbiz mà thật sự có tài năng và đam mê thì danh hiệu không cần thiết lắm đối với họ nữa. Vì chính tài năng và đam mê sẽ giúp họ phát triển và sống lâu hơn với chính nghề nghiệp mà họ đã chọn. Thực tế đã chứng minh là dù không có danh hiệu nhưng vẫn có rất nhiều người đẹp, nghệ sĩ và cả doanh nhân cũng rất nổi tiếng và thành công.

- Nhưng một số người cần danh hiệu đến mức họ dùng mọi cách để có nó, bằng cách đánh đổi bằng tiền hoặc tình?

- Như Thảo nói ở trên, danh hiệu hỗ trợ tốt trong công việc cũng như xây dựng hình ảnh của người may mắn sở hữu. Tuy nhiên, nó không phải là yếu tố quyết định để họ đi đường dài, mà đó là tài năng, thực lực của họ. Còn việc một số người dùng mọi cách để có danh hiệu như đổi bằng tình - tiền hoặc bất chấp luật pháp để “thi chui” thì Thảo nghĩ không nên. Thảo không phán xét gì những người này, nhưng rõ ràng là một danh hiệu chỉ có ý nghĩa khi mình đạt được bằng chính năng lực của mình và mọi người ghi nhận. Và việc vi phạm pháp luật vì “thi chui” thì cơ quan quản lý cũng đã quy định rằng, những danh hiệu đó sẽ không được công nhận!

Còn việc một ai đó cần danh hiệu vì mục đích phát triển bản thân theo hướng tích cực, có ích cho cộng đồng và xã hội, cũng như gia đình thì đó là điều không có gì để lên án.

Hoa hậu đại dương Đặng Thu Thảo.

- Mỗi người khác nhau thì mục đích sử dụng danh hiệu cũng khác nhau, tôi nghĩ vậy. Theo Thảo thì mục đích nào được cho là phổ biến nhất khi người ta luôn cố sở hữu danh hiệu?

- Đúng là mỗi người có hướng sử dụng danh hiệu không giống nhau, nhưng dù là mục đích gì thì nếu nó chính đáng, không vi phạm luật pháp thì cũng đáng để ủng hộ. Song, danh hiệu nào cũng đi kèm với sứ mệnh của danh hiệu đó. Và sứ mệnh chung của hoa hậu nói chung là công tác xã hội. Và dù người đẹp có danh hiệu làm việc gì thì Thảo vẫn ủng hộ việc hướng đến các hoạt động thiện nguyện để góp phần giúp ích cho xã hội và cộng đồng. Đó là hành động đẹp và ý nghĩa nhất của người đạt danh hiệu, nó cũng sẽ giúp cho danh hiệu của họ trở nên tỏa sáng hơn.

- Nhưng thời gian qua có một số trường hợp người đẹp có danh hiệu vướng vào các vụ “buôn phấn, bán hương” bị phát hiện. Tức là đang có trường hợp lợi dụng danh hiệu để làm chuyện bất chính, Thảo nghĩ sao?

- Thảo cảm thấy rất buồn trước những thông tin người đẹp có danh hiệu lại dính vào những việc làm phi pháp đó. Nhưng xét cho cùng thì chính bản thân họ cũng chỉ là nạn nhân của những cạm bẫy đằng sau ánh hào quang. Những người đẹp đó đa phần đều còn rất trẻ tuổi, và sống xa nhà nên rất dễ bị cám dỗ. Hơn nữa là sau các cuộc thi nhan sắc dù lớn hay nhỏ thì các người đẹp đều phải “tự bơi” để mưu sinh. Vì họ không có người định hướng đúng đắn nên họ dễ đi lệch đường. Và lúc bị phát hiện ra thì họ bị lên án gay gắt, đến mức họ không còn cơ hội để đi lại con đường đúng hơn. Thảo thấy họ thật sự đáng thương!

- Thật ra, tôi không đả kích chuyện người đẹp làm nghề mại dâm, bởi ở nhiều nước, đó là nghề hợp pháp. Song, ông bà ta có câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, tức khi bạn đang ở xã hội nào thì phải tuân thủ theo thể chế pháp luật của nơi đó!?

- Đúng vậy, thực tế ở một số đất nước, “buôn phấn bán hoa” vẫn là một ngành nghề hợp pháp và tạo ra kinh tế cho đất nước đó. Nhưng ở tại đó, mại dâm được pháp luật thừa nhận, những cô gái được qua những lớp đào tạo và hoạt động công khai. Còn ở Việt Nam, pháp luật không cho phép điều đó, cũng như truyền thống văn hóa và phong tục tập quán của ta chưa thể chấp nhận đây là một nghề được. Vì thế, đã là công dân trong nước thì phải tuân thủ, chứ chưa nói đến đó là người đẹp có danh hiệu.

- Và tôi nghĩ thêm một điều, danh hiệu như chiếc áo của người đẹp, bạn phải hết sức giữ gìn nó sạch sẽ, tử tế. Bởi người có ý thức, chẳng ai khoác chiếc áo bẩn, rách nát ra trước công chúng cả. Đúng không Thảo?!

- Thảo hoàn toàn đồng ý rằng danh hiệu như chiếc áo của chính mình. Chính vì thế Thảo rất trân trọng và luôn cố gắng hướng bản thân mình đi trên con đường tốt nhất để bảo vệ danh hiệu mà mình đang có. Điều đầu tiên đó là phải luôn biết nói không với scandal, bởi chiếc áo có thể bẩn chỉ trong tích tắc nếu mình bất cẩn!

Thực hiện: Hoàng Lãm – Nguyệt Lãng

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文