Thổ Nhĩ Kỳ, thách thức mới của châu Âu

10:12 03/09/2020
Những động thái mới đây ở phía Đông Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đang dấy lên những nguy cơ căng thẳng mới tại lục địa già, đúng vào thời điểm họ đang cần đoàn kết để tìm ra một lối đi chung.

Từ một thành viên đầy tiềm năng

Kết nạp hay không kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những câu hỏi lớn mà những nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) phải trả lời trong quá trình tiến tới lễ kỷ niệm 70 năm thành lập của mình. Là quốc gia có diện tích và dân số lớn hơn so với tất cả các thành viên EU hiện tại, sự góp mặt của Thổ Nhĩ Kỳ trong EU sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của khối.

Nguồn lao động giá rẻ sẵn có của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp EU giải quyết được bài toán thiếu lao động đang gây khó khăn cho họ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thị trường lớn đầy tiềm năng với dân số trẻ đang giàu lên nhanh chóng, đó cũng là cửa ngõ kết nối trực tiếp với các thị trường ở châu Á, châu Phi. Trong 2 thập niên qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì tăng trưởng liên tục ở mức trung bình khoảng 5% mỗi năm, cao hơn nhiều so với các thành viên EU. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gắn bó chặt chẽ với EU khi đây là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của họ từ mấy chục năm nay nên sự kết nối là rất dễ dàng.

Vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ giáp với các nước Trung Đông sẽ là bàn đạp để EU tiếp cận khu vực này cả về kinh tế lẫn chính trị. Sự đồng thuận, nếu có, trong việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ giúp EU tìm lại tiếng nói chung, từ đó, EU sẽ thuận lợi hơn trong các kế hoạch phát triển, mở rộng trong tương lai, tạo được thế ngoại giao vững mạnh hơn trên trường quốc tế.

Từ những năm 60, Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngừng theo đuổi việc gia nhập EU, xem đó như mục tiêu cao nhất của mọi nỗ lực ngoại giao đồng thời tiến hành các cải cách trong nước để đáp ứng yêu cầu của EU. Những nỗ lực đó càng mạnh lên kể từ khi ông Tayyip Erdogan bước chân vào chính trường với tư cách là thủ tướng từ năm 2003. Những người ủng hộ quan điểm này luôn thắc mắc rằng tại sao Thổ Nhĩ Kỳ không thể là thành viên EU trong khi nước này đã là thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) từ năm 1952 và là thành viên OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) nhiều năm qua.

Thế nhưng, lá đơn xin gia nhập ngôi nhà chung EU của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa bao giờ được xem xét một cách cẩn thận. Luôn có nhiều ý kiến trái chiều trong EU về sự có mặt của Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay, người ta vẫn còn tranh cãi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự thuộc về châu Âu hay không khi đất nước này có 97% diện tích lãnh thổ nằm ở châu Á và 99% dân số theo đạo Hồi. Những người phản đối luôn thắc mắc liệu một EU hình thành dựa trên các nguyên tắc Cơ Đốc giáo có thể chấp nhận một quốc gia Hồi giáo lớn như vậy tồn tại bên trong mình hay không.

Những lo ngại thực tế hơn đến từ chính nền kinh tế chênh lệch so với EU của đất nước này. Lo ngại về việc EU sẽ phải gánh lấy khó khăn từ phần dân cư nghèo khó ở phía Đông giáp châu Á là có thật. Thổ Nhĩ Kỳ lại có hàng ngàn kilômét đường biên giới với các quốc gia Hồi giáo Trung Đông, nơi được xem là “lò” xuất khẩu tư tưởng Hồi giáo cực đoan, chống lại các giá trị phương Tây. Vấn đề này càng trở nên nhạy cảm trong bối cảnh châu Âu đang đau đầu trước những mối đe dọa khủng bố thường trực của các thế lực Hồi giáo cực đoan.

Ngoài ra, một trở ngại không nhỏ nữa là việc Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận Cộng hòa Síp với đa số người gốc Hy Lạp. Một đảo Síp chia rẽ với lãnh thổ phía Bắc ly khai thân Thổ Nhĩ Kỳ được lập nên sau cuộc chiếm đóng năm 1974 đã trở thành bài học nhãn tiền cho các quốc gia trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng ngăn cản Cộng hóa Síp gia nhập EU nhưng thất bại và từ đó đến nay vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới công nhận sự tồn tại của Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đã tạo nên căng thẳng thường trực giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp và Cộng hòa Síp, những thành viên của EU.

Dẫu vậy, những lợi thế từ việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập vào cộng đồng chung châu Âu vẫn quá lớn. Trong quá khứ, Tổng thống Pháp Jacques Chirac được coi là người nhiệt tình nhất với ý tưởng này. Điều này đã dẫn một thỏa thuận về tiến trình đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU được hai bên ký kết vào tháng 12 năm 2004. Nhưng, cũng kể từ đó, những cuộc bàn thảo luôn đi vào bế tắc.

Đến một đối thủ tiềm tàng

Sự lớn mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ trong gần 2 thập niên qua dường như lại đang đem rắc rối đến cho quá trình đàm phán chứ không phải là thúc đẩy nó. Ông Tayyip Erdogan, người đã lãnh đạo đất nước này từ năm 2003 tới nay với 2 nhiệm kỳ thủ tướng và 1 nhiệm kỳ tổng thống được biết tới như một nhà dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ. Mặc dù là người chủ động thúc đẩy những cuộc đàm phán gia nhập EU từ 15 năm trước nhưng cũng chính những quyết sách của nhà lãnh đạo này đang đem đến cho các đối tác EU nhiều lo ngại.

Cùng với những kết quả kinh tế ấn tượng thì ông Erdogan cũng bị cáo buộc là một nhà lãnh đạo độc tài. Đặc biệt, kể từ sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 7 năm 2016 của một số tướng lĩnh quân đội được cho là do CIA hỗ trợ, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch truy nã gắt gao những thành phần nổi loạn, đồng thời tiến hành chiến dịch bắt giữ quy mô lớn chưa từng có. Những cáo buộc trả thù chính trị và vi phạm dân chủ đến từ EU sau đó đã làm cho mối quan hệ giữa hai bên càng trở nên căng thẳng.

Không còn tin tưởng phương Tây nữa, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xích lại gần Nga trong chính sách đối ngoại của mình. Đỉnh điểm của những mâu thuẫn nổ ra khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga bất chấp việc mình là một thành viên NATO. Khi hệ thống S-400 đầu tiên được bàn giao vào tháng 7 năm 2019, NATO đã quyết định loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển chiến đấu cơ F-35, điều này càng làm người Thổ tức giận và tuyên bố sẽ chuyển sang dùng chiến đấu cơ của Nga.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với sự đầu tư lớn trong những năm qua đã vươn lên vị trí thứ 7 thế giới (theo xếp hạng của Global Firepower) vượt qua cả các cường quốc trong EU như Ý hay Đức. Đội quân này gần đây cũng hiện diện ở những điểm nóng mới như Syria và Libya với những mục đích gia tăng tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Những hành động quân sự đơn phương này đang thách thức lại những quy định chung của EU cũng như NATO. Mới đây nhất, từ ngày 15 tháng 8 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai cho tàu chiến hộ tống các tàu thăm dò quay lại thực hiện các hoạt động tìm dầu khí ở vùng biển mà họ có tranh chấp với Hy Lạp.

Các nước EU đều đang rất khó chịu với những bước đi mới này của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng đang lâm vào thế bí không biết xử lý thế nào. EU không thể bỏ rơi Hy Lạp nên đã lên tiếng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ dừng những hoạt động này "ngay lập tức". Nhưng Tổng thống Erdogan thì rắn mặt hơn khi tuyên bố sẽ không lùi bước. Các ngoại trưởng EU đã phải họp lại để bàn cách xử lý. Họ muốn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại sợ sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên. Lúc này, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ đang là lá chắn của EU ở Trung Đông.

Riêng việc Thổ Nhĩ Kỳ giữ lại hơn 1 triệu người tị nạn tràn qua biên giới trong những năm qua nhằm vào EU đã cứu cho khối này khỏi một bàn thua trông thấy. Vì thế, cứ khi nào có sự bất đồng là Thổ Nhĩ Kỳ lại dùng con bài này để đe dọa khiến cho EU phải nhiều lần xuống nước "ngậm bồ hòn làm ngọt". Nhưng lần này, mọi việc đang có dấu hiệu đi quá giới hạn khi Thổ Nhĩ Kỳ đã trực tiếp đe dọa đến chủ quyền của một quốc gia thành viên EU. EU liệu có sẵn sàng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ như đã làm với Nga hay thậm chí là đưa quân đội tới để giải quyết căng thẳng?

Một điều chắc chắn rằng nếu EU làm căng thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lại càng xa cách với họ để quay sang kết thân với Nga hay thậm chí là cả Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mạnh hơn rất nhiều, giờ đây, họ là thế lực thực sự trong khu vực và EU thì cần họ hơn là họ cần EU.

Quả bóng đã bị đá về phía EU. Xử lý như thế nào là quyền của họ nhưng ưu thế thì rõ ràng nằm trong tay người Thổ. Giờ thì việc có một quốc gia lớn mạnh ngay bên cạnh nhưng không mấy thân thiện lại đang trở thành một vấn đề lớn của khối này.

Tử Uyên

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an bắt quả tang Đặng Thị Ngọc Hiền (SN 1983) có hành vi mua bán số đề cùng với 8 người khác đang đánh bài ăn thua bằng tiền tại nhà lồng chợ ở xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文