Từ tiểu thuyết ngôn tình đến tượng vàng Oscar
Cũng đã 19 năm kể từ sau tác phẩm võ hiệp Anh hùng của Trương Nghệ Mưu, giới làm phim Hoa Ngữ mới lại có một cái tên đi đến vòng đề cử cuối cùng hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc của Oscar: “Em của thời niên thiếu” của đạo diễn Hong Kong Tăng Quốc Tường. Nhưng điều đáng nói hơn cả, “Em của thời niên thiếu” là một tác phẩm điện ảnh có kịch bản gốc là một tiểu thuyết ngôn tình của tác giả ngôn tình chính cống Cửu Nguyệt Hy.
Poster phim “Em của thời niên thiếu”, đạo diễn Tăng Quốc Tường, được đặc khu Hong Kong cử làm đại diện tham gia Oscar |
"Ngôn tình". Chỉ cần nhắc đến hai tiếng ấy, đầu óc chúng ta ngay lập tức sẽ nảy ra những câu chuyện sến súa tiêm nhiễm vào đầu độc giả những viễn kiến tình yêu phi thực tế, những cuốn sách rác rưởi hủy hoại văn hóa đọc, một trào lưu sáng tác dễ dãi cho những cây bút lười suy nghĩ và thiếu nghiêm túc với nghề nghiệp, những người đọc rảnh rỗi với gu thưởng thức kém cỏi và cuộc đời tẻ nhạt nhưng hay mơ mộng viển vông, một danh sách những tác phẩm mì ăn liền bán chạy khiến ta phải băn khoăn: ngày nay bọn trẻ đang đọc gì thế nhỉ? Một phê phán nặng nề hơn, có người cho rằng, những tiểu thuyết lãng mạn đương đại chẳng khác chi "ấn phẩm khiêu dâm cảm xúc".
Vậy mà, lại có một tác phẩm ngôn tình được chuyển thể thành phim điện ảnh, bộ phim ấy lại được Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ lựa chọn, sau quy trình sàng lọc gay gắt của những nhà phê bình khó tính. Điều đó khiến chúng ta phải đặt ngược lại câu hỏi: vậy thì, liệu vấn đề có thật nằm ở ngôn tình, hay vấn đề nằm ở những định kiến của chúng ta? Có vẻ như, chúng ta đã bỏ lỡ mất một điều gì đó.
"Ngôn tình" nằm ở đâu trong văn học? Nếu cần định vị nó về mặt địa, thì nó thuộc về romans de gare - tiểu thuyết nhà ga, một cụm từ tiếng Pháp nhằm chỉ những cuốn tiểu thuyết đơn giản và hấp dẫn, phù hợp khi ta cần giải trí hoặc giết thời gian. Còn nếu phải định vị nó về mặt học thuật, thì nó sẽ thuộc về paraliterature, hay "cận văn học".
Paraliterature là khái niệm mới chỉ ra đời vài chục năm trở lại đây, qua một bài luận của Rosalind Krauss. Krauss phân tích một số tác phẩm như “Khoái cảm của văn bản” hay “Diễn ngôn của một tình nhân” của triết gia Roland Barthes và bài tiểu luận “Sự hoàn trả” của triết gia Derrida, rồi đi đến kết luận rằng những tác phẩm này tận dụng những đặc quyền văn chương để tạo nên những văn bản vừa là phê bình mà lại không phải phê bình. Cuối cùng thì Krauss gọi chúng là "cận văn chương". Ngày nay, cận văn chương không còn liên quan gì mấy đến Barthes hay Derrida nữa. Nó được hiểu đơn giản là phần lớn những gì đang bán chạy nhất trên thị trường: truyện phiêu lưu thiếu nhi, truyện trinh thám, truyện giật gân, truyện khoa học viễn tưởng, truyện tranh, và đương nhiên, truyện lãng mạn nữ giới - tức ngôn tình.
Cận văn học, nói như nhà phê bình người Mỹ Fredric Jameson, nằm trong "một miền đất suy thoái" gắn liền với "schlock" và "kitsch". Schlock là một từ gốc Do Thái, nghĩa là rẻ tiền, thứ phẩm, hạ đẳng. Còn "kitsch", hiểu nôm na là một phong cách nghệ thuật sản xuất đại trà, những tác phẩm lòe loẹt, cường điệu, khoa trương, mê-lô, ướt át, nhưng lôi cuốn với số đông. Tất cả những tính từ kể trên đều thích hợp để mô tả tiểu thuyết ngôn tình.
Nếu tính riêng ở Mỹ, hơn 50% số lượng sách giấy bán ra là các tác phẩm lãng mạn cho nữ giới, nói đúng ra cũng là một dạng ngôn tình mà thôi. Làn sóng ngôn tình ở Trung Quốc lớn đến mức phần lớn những bộ phim truyền hình ăn khách nhất nước này đều chuyển thể từ ngôn tình. Ngành xuất bản ở Việt Nam còn chưa có những thống kê tỉ mỉ như vậy, nhưng nếu ngôn tình không bán chạy thì hẳn không nhiều nhà xuất bản chịu khó khai thác đến thế.
Bộ phim dài tập “Bridgerton”, chuyển thể từ một tác phẩm có thể coi là ngôn tình phương Tây, hiện là bộ phim được xem nhiều nhất trên Netfllix, và vừa giành giải chương trình truyền hình hay nhất năm 2020 tại giải thưởng của Viện Điện ảnh Mỹ |
Nhưng cái sự thật rằng ngôn tình là một trong những động lực thúc đẩy lớn nhất của ngành xuất bản chỉ càng làm hình ảnh của nó tồi tệ hơn và nực cười hơn trong mắt những người tự vỗ ngực rằng mình theo đuổi nghệ thuật chân chính.Nghệ-thuật-chân-chính, theo nếp nghĩ thông thường, thì không thể dành cho số đông. Mà người ta cũng không muốn dành nó cho số đông. Tác giả nổi tiếng Martin Amis từng thừa nhận: "Dù họ đều muốn bán chạy, nhưng các nhà văn thường có xu hướng không tin tưởng vào cái sự cố nực cười của việc bán chạy." Vì sao? Vì quá nửa sách bán chạy đồng nghĩa với sự từ bỏ cái tôi để chạy theo thị hiếu nhạt nhẽo của đại chúng.
Thật vậy! Những motif về một tác phẩm bị thời đại hiểu lầm, ghét bỏ, quên lãng và vùi dập một ngày kia sống lại chói lói huy hoàng dường như đã ăn sâu vào cách chúng ta hình dung về cái gọi là nghệ-thuật-chân-chính. Van Gogh cả đời chỉ bán được một bức tranh duy nhất. Herman Melville chết không xu dính túi vì tiểu thuyết không bán được. William Blake chỉ được biết đến sau khi chết. Henri David Thoreau phải tự xuất bản sách mình song không ai mua. Những kiểu huyền thoại ấy trở thành niềm kiêu hãnh và cả niềm hy vọng cho những ai hiện giờ đang không bán được sách. Sách của tôi không bán được ư? Có sao đâu, bởi tôi đâu viết ngôn tình.
Nhưng những huyền thoại "bị hiểu lầm" như Blake hay Melville có lẽ là "đặc sản" chỉ có trong những thời đại tiền nghe-nhìn. Còn trong một thời đại nền công nghiệp nghệ thuật đã vào guồng, bị thống trị bởi truyền thông và một hệ thống chuyên quyền định đoạt công-chúng-sẽ-tiêu-thụ-những-văn-hóa-phẩm-gì đã quá vững vàng không thể bị xô đổ (80% những cuốn best-seller trên thế giới thuộc về 5 nhà xuất bản lớn nhất), nếu một tác phẩm bị lãng quên trong thời đại của mình thì cũng khó có cơ hội được đào bới lại. Nó sẽ bị lãng quên một lần và vĩnh viễn.
Nói vậy không có nghĩa không cần phân ranh giới trong văn học. Nhưng thay vì bĩu môi và cố gắng phủi bỏ, ngăn chặn ngôn tình (vì đằng nào ta cũng sẽ không bao giờ ngăn chặn được nó) hay phủ nhận sự quan trọng của nó (vì rõ ràng nó có một sức ảnh hưởng văn hóa khổng lồ), người ta có thể sống chung với nó, chiết xuất từ nó những giá trị hay và từ đó "pha chế" ra những tác phẩm ở tầm cao hơn.
Hãy thử nhìn cách mà đạo diễn Tăng Quốc Tường đã làm với “Em của thời niên thiếu”. Vẫn là câu chuyện một nữ sinh bị bạo lực học đường tình cờ quen một thiếu niên đầu trộm đuôi cướp và được cậu hết lòng bảo vệ như trong tiểu thuyết gốc, vẫn có thể thấy thấp thoáng cái nhìn thơ ngây và lý tưởng hóa về tình yêu hay những "mánh" xây dựng một cốt truyện yêu đương thường thấy trong các tác phẩm ngôn tình, nhưng bằng cách tiết chế hàm lượng "kitsch" để đi sâu vào những khúc quanh tâm lý con người và tập trung vào vùng tối trần trụi của bạo lực thiếu niên, bộ phim chuyển thể tự lắng lại, chìm xuống một vùng suy tư nhất định và tách khỏi dòng lãng mạn đương đại không đủ sức nặng đang nổi lềnh phềnh.
Đó là cách mà một nền công nghiệp nghệ thuật lớn dung nạp những thứ được coi là "thứ phẩm". Đó là cách mà một nền công nghiệp nghệ thuật lớn vận hành. Xét cho cùng, hãy nhìn những thị trường nghệ thuật lớn nhất. Nước Pháp có những văn sĩ đoạt giải Nobel như Patrick Modiano thì cũng có ông hoàng ngôn tình như Marc Levy.
Nước Mỹ có những cây bút phi phàm như Philip Roth hay John Updike thì cũng có những tay bút mua nước mắt như Nicholas Sparks. Ireland vừa có các nữ văn sĩ như Anna Burns, Anne Enright lại cũng vừa có Cecilia Ahern. Hollywood có Taxi Driver thì cũng có vô vàn những bộ phim hạng B, thậm chí không ở đâu sản xuất nhiều phim hạng B như nước Mỹ. Nếu như những nền văn chương - điện ảnh vĩ đại ấy còn có chỗ cho ngôn tình, tại sao một nền văn chương - nghệ thuật khiêm tốn như ta lại không?
Ezra Pound từng cho rằng, một quốc gia nếu quá quen với những cuốn sách tầm thường thì quốc gia ấy sẽ dần đánh mất mình theo cách không thể cứu vãn. Nhưng, ta thấy rồi, ngay cả những quốc gia với nền văn hóa hùng mạnh nhất cũng đầy thứ phẩm văn hóa. Và, nói cho cùng thì, để tỏ ra thượng đẳng và khinh thường những độc giả không có gu là chuyện quá ai cũng nói được. Làm sao để biến một câu chuyện ngôn tình thành một tác phẩm được đề cử Oscar mới là khó.
Thay vì đi đường dễ, ta hãy đi đường khó.