ASEAN đón sóng trước sức hút của BRICS

10:56 25/09/2024

Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu liên tục gặp “sóng”, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), một tổ chức quốc tế bao gồm các nước thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) ngày càng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia đang phát triển.

Sự quan tâm này không chỉ giới hạn ở việc theo dõi các hoạt động của khối, mà còn bao gồm cả mong muốn được trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Đáng chú ý trong làn sóng này là sự hiện diện mạnh mẽ của các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nơi những năm gần đây thường được nhắc đến như một động lực tăng trưởng toàn cầu ấn tượng.

Hội nghị Ngoại trưởng BRICS tại Nizhny Novgorod (Nga) ngày 10/6/2024.

“Sóng” từ Đông Nam Á

BRICS thành lập năm 2010 với tên viết tắt ban đầu là BRIC bao gồm chữ cái đầu của 4 quốc gia: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, sau đó thêm Nam Phi gia nhập để thành BRICS. BRICS đã có bước mở rộng đáng chú ý từ 1/1/2024 với việc chào đón 5 thành viên mới. BRICS CS hiện nay đại diện cho một khối kinh tế đáng kể trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến năm 2023, các nước BRICS chiếm khoảng 30% diện tích, khoảng 45% dân số và 25% nền kinh tế toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP). Sức mạnh kinh tế này tạo ra một lực hấp dẫn lớn đối với các nền kinh tế đang phát triển, bao gồm cả các nước Đông Nam Á. Việc trở thành một phần của khối kinh tế lớn này có thể mang lại nhiều lợi ích về mặt thương mại, đầu tư, thậm chí là cả ảnh hưởng chính trị.

Nhiều dự án và sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế, hướng đến thúc đẩy một thế giới đa cực và toàn diện của BRICS là yếu tố thu hút nhiều thành viên của ASEAN.

Cuối năm 2023, Lào, một thành viên ASEAN thể hiện mối quan tâm đối với BRICS. Đáng chú ý, tháng 6/2024, Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sanjampongsa đã trao cho người đồng cấp Nga văn bản chính thức bày tỏ ý định của vương quốc này gia nhập BRICS, nhấn mạnh vị thế của Thái Lan với tư cách cầu nối giữa các nhóm quốc gia khác nhau, qua đó có thể góp phần tăng cường tính toàn diện và liên kết của BRICS, đồng thời làm cho tổ chức này hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy lợi ích của các quốc gia đang phát triển.

Nguyện vọng gia nhập BRICS của Malaysia là chủ đề chính của cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Ibrahim Anwar với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi cuối tháng 7 vừa qua. Nga sau đó cũng đã xác nhận đơn gia nhập của Malaysia và cho biết sẽ “tích cực hỗ trợ” mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa BRICS và Malaysia.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, bên lề Hội nghị thượng đỉnh truyền thông BRICS diễn ra tại Nga, Myanmar cũng đã tái khẳng định mong muốn tham gia BRICS với tư cách quốc gia quan sát viên.

Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong top 10 các quốc gia có diện tích, dân số và nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cả 5 quốc gia tham gia sáng lập ban đầu đều là thành viên của nhóm G20, nhóm các nền kinh tế lớn hàng đầu. BRICS mở rộng với mục tiêu không chỉ phục vụ lợi ích chung của các nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, mà còn góp phần xây dựng thế giới hòa bình, ổn định lâu dài và thịnh vượng. Trong BRICS mở rộng hiện nay có 3 cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới, chiếm gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. GDP của BRICS vốn đã vượt GDP của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và khoảng cách càng lớn hơn khi có thêm 5 thành viên mới gia nhập.

Nói một cách đơn giản, mối quan tâm này phản ánh xu hướng các nước Đông Nam Á tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và tăng cường vị thế trên trường quốc tế. BRICS cũng cung cấp một nền tảng để các thành viên mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với các thị trường mới nổi đầy tiềm năng. Các nước BRICS có đặc điểm chung là tốc độ tăng dân số cao và tăng trưởng kinh tế nhanh, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường.

Trao cơ hội, gửi niềm tin

BRICS được xem như một diễn đàn quan trọng để các nước đang phát triển nâng cao vị thế và ảnh hưởng trong các vấn đề toàn cầu. Đối với các nước Đông Nam Á, việc trở thành thành viên BRICS có thể giúp họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc định hình chính sách toàn cầu, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.

Sức hút lớn nhất của BRICS tất nhiên vẫn nằm ở các dự án và sáng kiến kinh tế hấp dẫn. BRICS đã triển khai nhiều dự án và sáng kiến kinh tế quan trọng, trong đó nổi bật nhất là Ngân hàng Phát triển mới (NDB). Được thành lập vào năm 2014 với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD, NDB đã phê duyệt các khoản vay cho nhiều dự án với tổng trị giá 32,8 tỷ USD tính đến năm 2023 và dự kiến tăng lên 60 tỷ USD vào năm 2026. NDB tập trung vào việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững tại các nước thành viên và các nền kinh tế mới nổi khác. Đây là một nguồn vốn quan trọng cho các nước đang phát triển, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở châu Á đang rất lớn.

BRICS được nhiều quốc gia xem như một lực lượng đối trọng với trật tự thế giới hiện tại, thúc đẩy sự đa dạng trong quan hệ quốc tế. Tư tưởng này đặc biệt hấp dẫn đối với các nước đang phát triển, những nước mong muốn có tiếng nói lớn hơn trong việc định hình trật tự thế giới mới. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã nhấn mạnh điểm này khi ông ca ngợi sự thay đổi trong phân bổ quyền lực toàn cầu là dấu hiệu cho thấy "chủ nghĩa đa phương ngày càng được củng cố, nơi những tiếng nói và quan điểm đa dạng ngày càng được công nhận và tôn trọng".

Cần “cái đầu lạnh”

Tất nhiên, đi kèm với cơ hội và tiềm năng luôn là những thách thức và trở lực.

Thứ nhất, việc gia nhập BRICS đặt ra thách thức lớn về cân bằng quan hệ địa chính trị cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng. Thực tế khi tham gia các liên kết mới ít nhiều đều sẽ dễ tác động đến quan hệ với các đối tác truyền thống như Mỹ, EU và Nhật Bản. Để tránh nguy cơ bị cuốn vào tranh chấp giữa các cường quốc, việc duy trì một chính sách đối ngoại cân bằng và độc lập có thể xem là điều đặc biệt quan trọng. Một số nhà quan sát thậm chí cảnh báo việc Malaysia và Thái Lan bày tỏ ý định gia nhập BRICS có thể gây ra lo ngại từ phía Mỹ - đối tác quan trọng của hai nước này trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, thậm chí là nguy cơ có những áp lực ngoại giao và kinh tế từ Washington.

Thứ hai, những khác biệt về chính sách và lợi ích cũng có thể là một khó khăn tiềm tàng. BRICS là một nhóm đa dạng với các nền kinh tế có quy mô và mức độ phát triển khác nhau. Điều này có thể dẫn đến khó khăn trong việc đạt được đồng thuận về các chính sách chung, thậm chí là xung đột lợi ích giữa các thành viên, đặc biệt là giữa các nền kinh tế lớn và nhỏ. Trong một nhóm “đa sắc màu”, thách thức trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia là điều không hề đơn giản.

Các nước Đông Nam Á với nền kinh tế định hướng xuất khẩu có thể ưu tiên tự do hóa thương mại nhiều hơn, trong khi những nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay được cho là có quan điểm bảo hộ một số ngành công nghiệp đặc biệt. Việc tham gia các sáng kiến tài chính của BRICS, như sử dụng đồng nội tệ trong thương mại, cũng có thể tạo ra rủi ro về tỷ giá và thách thức trong quản lý chính sách tiền tệ.

Nga và Trung Quốc là hai nhân tố nổi bật của BRICS.

Thứ ba, ASEAN vẫn luôn đề cao tính trung tâm và đoàn kết, trong khi đó, việc cùng lúc nhiều nước Đông Nam Á bày tỏ mối quan tâm đối với BRICS tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh để giành ảnh hưởng, dẫn đến những xung đột khó tránh về kinh tế và chính trị. Điều này chắc chắn sẽ đặt ra bài toán lớn cho Đông Nam Á trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị bản sắc mà họ lâu nay vẫn thúc đẩy.

Thứ tư, tất nhiên cần hiểu được rằng quan tâm là một việc, thực tế con đường gia nhập BRICS lại là chuyện khác. Quá trình này đòi hỏi ít nhiều các cải cách về hệ thống tài chính để phù hợp với các sáng kiến của BRICS, điều chỉnh chính sách kinh tế để hài hòa với các thành viên BRICS khác, hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng và khung pháp lý để đáp ứng tiêu chuẩn của BRICS. Áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp lớn của các nền kinh tế trong BRICS đặt ra thách thức bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ cũng như nhu cầu nâng cao năng suất và đổi mới để duy trì khả năng cạnh tranh.

Cuối cùng, những rủi ro về nguy cơ phụ thuộc và áp lực cạnh tranh khi tham gia các tổ chức, các khối liên kết, đặc biệt là kinh tế như BRICS là điều không thể phủ nhận. Việc tham gia cùng các nền kinh tế hàng đầu như BRICS đem đến các lợi ích rõ ràng và dễ thấy, tất nhiên điều đó đi kèm rủi ro mất tự chủ trong việc hoạch định chính sách kinh tế và đối ngoại hoặc bị cuốn vào các xung đột thương mại hoặc địa chính trị của các thành viên BRICS lớn hơn. Đây là vấn đề cần lưu tâm nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa đón nhiều cơn gió ngược, với xu hướng chia tách và cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung gay gắt.

Thái Hân

Ngày 26/9, đại diện Công đoàn các Khu Công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Phước cho biết, ngay sau khi nắm bắt được sự việc, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn các KCN nhanh chóng hỗ trợ người lao động các thủ tục pháp lý gửi đến cơ quan chức năng để hỗ trợ công nhân đòi quyền lợi.

“Khi nhận được thông tin và biết mình có cùng nhóm máu có thể hiến, tôi và anh Sơn không chút chần chừ, để có mặt hiến máu giúp đỡ bệnh nhân. Tôi nghĩ rằng, là tôi, hay bất kỳ ai trong tình huống đó cũng sẽ hành động như chúng tôi mà thôi…” – Đó là những lời chia sẻ của Thượng úy Mai Đức Lộc, cán bộ Đội An ninh Công an TP Sơn La trong một lần tham gia hiến máu cứu người qua cơn nguy kịch.

Nghiên cứu tại nhiều địa phương ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn hiện đang gặp rất nhiều khó khăn...

Theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Đảng ủy Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 đã vi phạm nghiêm trọng Quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để một số lãnh đạo, cán bộ, đảng viên của Ban vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu; các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Được đào tạo bài bản, nghiệp vụ sâu và với kinh nghiệm điều tra án được tích lũy qua nhiều năm nên ngay sau khi được bố trí công tác tại địa bàn cấp xã, những cán bộ, chiến sĩ Công an xã Bình Lương, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã nhanh chóng khẳng định được bản lĩnh và tính hiệu quả, chuyên nghiệp, bài bản trong việc điều tra, khám phá các vụ án hình sự phức tạp. Trong đó, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng mà Công an xã Bình Lương vừa điều tra, làm rõ đầu tháng 8/2024 là một điển hình.

Bất chấp những lời kêu gọi từ quốc tế, các động thái ăn miếng trả miếng giữa Israel và phong trào Hezbollah vẫn không hề hạ nhiệt, đẩy người dân Lebanon đến ngưỡng nguy hiểm, đặt Trung Đông trước nguy cơ xung đột toàn diện. Ai và giải pháp nào có thể khiến cả hai bên cùng “buông súng”, hạn chế leo thang căng thẳng tại khu vực này?

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文