Cảnh tỉnh để sửa mình

22:00 15/01/2022

Lời nói sau cùng là lời trình bày của bị cáo tại phiên tòa sau khi kết thúc tranh luận. Điều này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, là lúc sự chân thật, sự hối lỗi thể hiện với những khoảnh khắc xúc động. Những lời sau cùng để lại cho người đời nhiều suy ngẫm, nhất là những bị cáo bị tước bỏ hết danh vọng, quyền lực, phải trả giá cho hành vi phạm tội thì lời sau cùng để lại là sự trăn trở, nỗi niềm hướng về gia đình, tổ ấm. Đó cũng là sự cảnh tỉnh với mỗi cán bộ, đảng viên, tự soi sửa để chỉnh đốn, tiến bộ.

Chiều 30-12-2021, Hà Nội cuối năm phố xá chìm trong giá lạnh, người xe không quá chật chội như những năm trước dịch COVID-19. Phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ án can thiệp giúp Công ty Nhật Cường trúng gói thầu số hóa dữ liệu kết thúc phần tranh luận. Trước khi đi vào nghị án, hội đồng xét xử (HĐXX) cho các bị cáo được nói lời sau cùng theo luật định. Sau bao ngày ra bục khai báo, ông Nguyễn Đức Chung thể hiện rõ sự mệt mỏi trên khuôn mặt. 

Hôm nay, đứng trước bục khai báo, ông gửi lời cảm ơn đến HĐXX đã cho mình được nói những điều muốn nói. Ông cũng cảm ơn các cơ sở giam giữ đã tạo điều kiện cho mình trong quá trình ăn ở, sinh hoạt, khám chữa bệnh và cho biết đã rút ra được nhiều bài học sâu sắc từ khi bị khởi tố, bắt giam. Đoạn, ông trầm giọng: “Tôi ý thức rõ mình với cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Trưởng Ban chỉ đạo công nghệ thông tin, phải chịu trách nhiệm những tồn tại, cụ thể là những sai phạm trong vụ án này... Tôi rất mong muốn HĐXX sẽ bổ sung những nội dung phát sinh mới tại tòa để xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện, cho chúng tôi được hưởng chính sách nhân văn, khoan hồng của pháp luật”. Rồi ông kể về bệnh tình của mình, cho biết đã 2 lần đi mổ ung thư vào năm 2015 và năm 2016. Suốt những năm qua và hiện nay, ông vẫn đang duy trì việc chữa bệnh. Cùng với tình trạng bệnh tật, ông cũng bày tỏ “cho tôi có thêm cơ hội được trở về chăm sóc bố mẹ già đã trên 90 tuổi”...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bị cáo Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội bày tỏ cảm ơn HĐXX “đã cho bị cáo được giải tỏa, nói ra những trăn trở, băn khoăn mà giai đoạn điều tra chưa thể nói”. Cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng cho rằng, những lời khai của mình về bị cáo Nguyễn Đức Chung hoàn toàn trung thực, không làm ảnh hưởng, làm xấu đi tình trạng của cựu cấp trên. “Bản thân và các bị cáo tại Sở Kế hoạch và Đầu tư từng có nhiều thành tích, mong được sớm trở về với gia đình và bù đắp những sai lầm đã gây ra”, bị cáo Tứ bày tỏ.

Lại nhớ đến phiên tòa cũng ngày giáp Tết cách đây 3 năm. Hôm đó, sáng 17-1-2018, phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí - PVN) và 21 bị cáo bước sang ngày làm việc thứ 10. Trong phần nói lời sau cùng, HĐXX mời bị cáo Đinh La Thăng được nói đầu tiên. Ông Đinh La Thăng kể về cuộc đời từ thời trai trẻ cách đây 35 năm, sau khi tốt nghiệp đại học, ông cùng bạn gái (giờ là vợ) lên nhận công tác tại công trường xây dựng sông Đà với khát vọng tuổi trẻ chinh phục sông Đà, với tất cả vì mục tiêu dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Sau 33 năm vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, trải qua nhiều cương vị công tác, ông cho biết luôn nỗ lực cố gắng cùng tập thể phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Bị cáo không bao giờ nghĩ mình đứng trước phiên tòa để nói lời cuối cùng hôm nay. Đây thực sự là điều đau xót và bất hạnh đối với bị cáo và gia đình”, ông nghẹn ngào và kể rằng, mỗi khi Tết đến, vợ con khi nào cũng hỏi “Anh đi công trường nào?” mà không bao giờ hỏi “Tết này, anh có ở nhà không?”. “Bị cáo còn nợ nhân dân quá nhiều với những ước mơ và khát vọng chưa thực hiện kịp. Những ước mơ, công việc mà bị cáo muốn làm đã khép lại. Sau khi vào tù, bị cáo mới cảm nhận được rõ hơn sự lớn lao của tự do”, ông Thăng kể và mong muốn HĐXX “thay đổi hình thức ngăn chặn để được ăn cái Tết cuối cùng cùng gia đình và người thân trước khi chấp hành hình phạt”.

Với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, sau khi tỏ rõ sự hối hận về những hành vi mình đã gây ra, bị cáo nói về người thân, gia đình, cho biết những khó khăn khi vợ đang nuôi 3 con nhỏ. Và, bị cáo đã nghẹn ngào khóc, bày tỏ nguyện vọng được gần gũi những người thân trong gia đình. “Trong thời gian ở trại giam B14, có những ngày bị cáo đã không thể ngủ được vì nhớ vợ con, nhớ bạn bè, nghĩ ngợi nhiều lắm nhưng sau đó được quản giáo, giám thị động viên”, cựu Tổng Giám đốc PVC day dứt. Với bị cáo Phùng Đình Thực, cựu Tổng Giám đốc PVN, trong lời sau cùng đã bày tỏ ý nguyện “để lương tâm thanh thản, là bài học cho tất cả người khác tránh khỏi lỗi lầm như bị cáo phạm phải”.

Có thể thấy, khác với phần tranh tụng trước đó, khi mà các bị cáo đưa ra nhiều lý lẽ để biện minh cho hành vi phạm tội của mình, kể cả việc phủ nhận cáo buộc của viện kiểm sát hay phủ nhận chính những lời khai của các bị cáo khác khi lời khai đó không có lợi cho mình thì ở lời nói sau cùng, sự chân thực đã thể hiện rõ. Khi phải nói đến bệnh tật, nói đến tình cảnh bố mẹ già, con thơ, ấy là lúc con người ta đã trở về với bản ngã của mình. Lúc trên đỉnh cao danh vọng, hẳn cái bóng của quyền lực và bổng lộc khiến nhiều quan chức đánh mất mình, dễ dẫn tới sự lạm dụng, khẳng định quyền uy mà coi nhẹ những điều tưởng như thân thiết, giản dị nhất. Gia đình, mẹ già, vợ và con thơ, lúc này đây, lúc sa cơ lạc bước thì chính đó là chốn con người ta cần quay về và tìm đến như một lẽ tự nhiên, như lúc còn thơ đói lòng ngả vào vòng tay của mẹ. Giờ đây, đứng trước bục khai báo, tất cả danh vọng, quyền lực, tất cả ánh hào quang từng có đã là quá khứ, thậm chí là quá khứ rất sâu.

Nói lời sau cùng và nhận bản án, đó là lúc rẽ sang một con đường, một hướng đi mà hẳn rằng ngày trước, bị cáo không bao giờ nghĩ đến. Cho nên, lời nói sau cùng cũng là lời sẻ chia, lời tâm sự, lời tự bạch thành tâm, chẳng còn phải nghĩ cách để chối tội như trước hay tính toán điều gì nữa. Lời nói sau cùng vì thế là khoảng lặng, một khoảng lặng thực sự ý nghĩa của bị cáo trước công đường.

Ta thấy, chẳng những ông Nguyễn Đức Chung mà trước đây, biết bao bị cáo sau khi bị tước bỏ chức quyền, ra tòa lĩnh án cũng đã bật khóc, nhắc về hình ảnh người mẹ, nhắc đến người vợ và những đứa con thân yêu của mình. Và, điều khiến người ta chạnh lòng, một sự chạnh lòng rất con người khi cái ước mơ tưởng như đơn giản ấy, ước mơ được về bên mẹ già, con thơ, về bên bữa cơm gia đình thì giờ điều ấy đã trở nên dài vô tận. Tất cả vì những sai lầm, vì hành vi mà họ đã gây ra.

Với ông Đinh La Thăng, 4 lần ra tòa lĩnh 4 bản án với tổng hợp hình phạt 30 năm, cũng là những lần nói lời sau cùng với bao chia sẻ, hối lỗi, nghẹn ngào. Lại nhớ hồi giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, trong một lần giao lưu trực tuyến với độc giả, có người hỏi ông rằng, sau này rời chính trường, quyền lực, ông sẽ làm gì? Cũng trả lời rất dí dỏm, vị “tư lệnh” ngành giao thông nói rằng, chức quyền chỉ là hữu hạn, sau này nghỉ ngơi, lại trở về với chốn quê làm vườn, nuôi gà, câu cá, làm những việc bình dị và ăn bữa cơm canh rau muống với những người thân trong gia đình, bạn bè. Giờ đây, nghĩ lại câu chuyện cũ, quả thực thế sự xoay vần, bao điều đâu thể đoán định, điều tưởng như “mong muốn mộc mạc” ngày ấy giờ cũng thật khó, thật xa!

Nhắc lại những lời sau cùng của những con người đó, vốn từng nổi danh và quyền uy, nay thụ án với những cái Tết trong trại giam thì bài học của họ cũng chính là bài học cho muôn người. Ghế quyền là hữu hạn, như dân gian nói “quan nhất thời, dân vạn đại”, khi được Nhà nước, Nhân dân giao cho quyền hạn thì phải biết trân trọng và thực thi cho đúng. Đừng để hào quang che mất tầm nhìn rồi trượt vào cá nhân, tha hóa, làm điều lợi cho mình, hại cho xã hội, đến lúc bị pháp luật sờ gáy thì đã muộn. Lời sau cùng của cá nhân, của từng bị cáo ở tòa mà ý nghĩa thì rộng dài lắm, thực sự là lời cảnh tỉnh cho mọi cán bộ, đảng viên phải lấy đó làm bài học.

Đừng nghĩ chỉ là chuyện của ai đó, chuyện của bị cáo nào đó mà phải soi lại chính mình, sửa chính mình, như những điều mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra. “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý trong bài phát biểu tại Hội nghị Công tác cán bộ toàn quốc mới đây.

Đăng Trường

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文