Chân thành, hữu nghị cùng hướng đến tương lai

12:01 25/12/2023

Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến Việt Nam trung tuần tháng 12 vừa diễn ra thành công tốt đẹp. Điều đó không chỉ được khẳng định trong "Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai", mà còn có thể nhận thấy rõ trong các văn kiện ký kết hợp tác, trong mỗi cái bắt tay, nụ cười và ánh mắt chân thành, tin cậy của các vị lãnh đạo và thành viên hai nước...

1. Mối quan hệ thời hiện đại giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, nổi bật là sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp cách mạng của mỗi nước. Những người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị đó chính là các nhà cách mạng tiền bối Việt Nam, Trung Quốc khi cùng bôn ba hoạt động ở Pháp, Liên Xô và Trung Quốc... Tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925 tại Trung Quốc, là chiếc nôi đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 cũng tại Trung Quốc... Và, từ Trung Quốc mùa xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật vượt biên giới Trung - Việt qua cột mốc số 108 trở về Việt Nam (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón cấp nhà nước ngày 12/12/2023.

Đối với Trung Quốc, ngay khi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc còn gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc nội chiến Quốc - Cộng, dù đang phải chiến đấu trong vòng vây trùng điệp chống thực dân Pháp, song Việt Nam vẫn tỏ rõ sự ủng hộ với cách mạng Trung Quốc. Việt Nam cử lực lượng phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tấn công, truy kích tàn quân Tưởng ở biên giới hai nước, nổi bật là chiến dịch "Thập vạn đại sơn" giữa năm 1949. Trong chiến dịch này, phía Quân đội nhân dân Việt Nam do đồng chí Lê Quảng Ba chỉ huy một số đơn vị sát cánh cùng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc lập nhiều chiến công, đẩy lui quân Tưởng ở nhiều vị trí trọng yếu, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Trung Quốc.

Sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời (1/10/1949), ngày 5/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng tới Chủ tịch Mao Trạch Đông, khẳng định: "Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài...”. Tiếp đó, ngày 18/1/1950, CHND Trung Hoa là quốc gia đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một trang sử mới trong quan hệ hữu nghị gữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

2. Nhiều cựu du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc trong các thập niên 1950- 1970 đều cảm nhận rõ sự ủng hộ sâu sắc và hiệu quả của nước bạn dành cho nhân dân Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến. Trên bình diện quan hệ hai quốc gia, đó là mối quan hệ "vừa là đồng chí, vừa là anh em"; giữa các du học sinh Việt Nam với các thầy cô giáo, bạn bè Trung Quốc là tình cảm sâu nặng, ân tình giữa con người với con người.

Ngay thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tại "Quảng Tây Nam Ninh dục tài học hiệu", có một cô giáo dạy tiếng Trung cho các học sinh Việt Nam là Lưu Thiếu Minh. Đến năm 1960, cô giáo Lưu Thiếu Minh vinh dự được gặp và được Bác Hồ mời cơm, khi Người sang thăm Trung Quốc. Theo hồi ức của cô giáo Minh, Bác Hồ đã ân cần hỏi thăm về gia đình, công việc của bà. Người nói: "Học sinh Việt Nam về nước thường nhắc đến các giáo viên Trung Quốc. Trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam rất nhiều. Các bạn đã làm được nhiều việc góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt - Trung". Một phần thưởng thật có ý nghĩa lớn lao với bà, khi Bác Hồ nói: "Học sinh Việt Nam luôn nhắc đến cô giáo họ Lưu tên Minh"...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem các văn bản hợp tác được ký kết.

Ông Trần Kiến Quốc (SN 1953, hiện là Phó Ban phụ trách đối ngoại, BLL Trường Văn hóa Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi) là một cựu du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc những năm 1960 và đến nay vẫn giữ mối liên hệ và tình cảm trước sau như một với nhiều người thầy, người bạn Trung Quốc. Trong hồi ức của mình về tình cảm và sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Việt Nam, ông xúc động nhớ mãi: "Đầu năm 1967, trường Trỗi di chuyển sang Quế Lâm, đóng quân ở trường Trung học số 1 Quế Lâm. Vừa đặt chân đến nước bạn, các học sinh Việt Nam được ăn bữa cơm đầu tiên có nhiều thịt, cá (điều hiếm thấy khi ở trong nước đang trải qua thời kì chiến tranh ác liệt) với những bát tô cơm trắng nóng hổi. Cơm nước xong, chúng tôi mang bát đũa ra rửa thì thấy một số em bé người Trung Quốc xúm xít ngay bên, nhanh tay nhặt những hạt cơm còn sót lại trên máng rửa đút vào miệng ăn ngon lành. Chúng tôi chợt hiểu, nhân dân Trung Quốc khi đó vẫn còn nghèo khó nhưng đã thắt lưng buộc bụng che chở, nuôi dưỡng các bạn Việt Nam".

Đến nay, mỗi khi gặp lại nhau ở Trung Quốc hay Việt Nam, các du học sinh như ông Trần Kiến Quốc và những người bạn Trung Quốc vẫn vẹn nguyên tình cảm chân thành, sâu sắc ấy; sau gặp gỡ, ôn lại bao kỷ niệm thày trò, bạn bè; giây phút tạm biệt, họ lại tay trong tay cùng hào sảng cất cao lời ca: "Việt Nam - Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông...".

3. Chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến Việt Nam vào trung tuần tháng 12/2023 là một sự kiện chính trị quan trọng đối với cả hai nước. Hai bên đã có nhiều hoạt động hội đàm, trao đổi, gặp gỡ nhân sĩ, trí thức... và ra tuyên bố chung khẳng định kết quả chuyến thăm, mở ra một trang sử mới trong quan hệ hai nước láng giềng.

Trong phát biểu của mình tại buổi gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại lời phát biểu rất sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Cuộc gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung lần thứ 15 vào tháng 4/2015: "Quan hệ giữa các quốc gia là ở sự thân tình của người dân, mà sự thân tình của người dân là từ thế hệ trẻ". Đây cũng chính là thông điệp, là tinh thần của Cuộc gặp gỡ giữa tôi và đồng chí Tập Cận Bình cùng phu nhân với đại diện các nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Trung Quốc ngày hôm nay".

Sau khi chia sẻ những suy nghĩ về vai trò, sứ mệnh của nhân sĩ, đặc biệt là thanh niên trong việc vun đắp tình hữu nghị, hợp tác và phát triển của hai nước, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: "Tôi tin tưởng và mong muốn rằng các nhân sĩ và thanh niên hai nước sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào những nỗ lực chung để phát triển quan hệ Việt - Trung vững chắc, ổn định, bền vững lâu dài và hiệu quả, đúng như tinh thần câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Chủ tịch Mao Trạch Đông rất hoan nghênh, chia sẻ là "mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em".

Tại cuộc gặp mặt ý nghĩa đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ tình cảm và sự trân trọng với đất nước, con người Việt Nam và với cá nhân đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc tới sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân thăm cửa khẩu Hữu nghị và trồng cây Hữu nghị tại cửa khẩu biên giới hai nước và cho rằng điều đó thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quan hệ Trung - Việt...

Các vị khách được dự buổi họp mặt chắc hẳn đều ngạc nhiên và vui mừng khi người đứng đầu đất nước hơn 1,4 tỷ dân, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhắc đến sự lan tỏa văn hóa giữa hai nước: "Tác phẩm kinh điển truyền thống của Trung Quốc được nhiều người dân Việt Nam biết đến và các tác phẩm truyền hình đương đại của Trung Quốc cũng rất được người dân Việt Nam yêu thích. Nhiều ca khúc nhạc trẻ của Việt Nam đang rất thịnh hành trên mạng xã hội Trung Quốc. Ca sĩ Việt Nam nhận được số lượng lớn người hâm mộ Trung Quốc khi tham gia chương trình truyền hình giải trí của Trung Quốc. Những giao lưu, hợp tác hiệu quả đó đã làm cho nhân dân hai nước tăng cường tình cảm và hiểu biết nhau hơn".

Trong lời phát biểu sâu sắc và ý nghĩa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng bày tỏ niềm tin vào sứ mệnh của thanh niên hai nước, những người sẽ kế tục, định hình rõ hơn tương lai hợp tác, hữu nghị và tình đoàn kết giữa hai nước Trung Quốc - Việt Nam.

Đó là thì tương lai.

Còn hiện tại, cảm nhận từ chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam trung tuần tháng 12/2023, là sự chân thành, nồng ấm và tin cậy lẫn nhau để giữ gìn hòa bình, hữu nghị nhằm mục tiêu phát triển và thịnh vượng.

Trần Duy Hiển

Toàn bộ 153 ha đất khu tái định canh của Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng tại thị trấn Lộc Thắng và xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã bị người dân lấn chiếm trái phép. Việc giải tỏa công trình, hoa màu trên đất bị lấn chiếm đang gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT. Trong khi đó, giữa Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng và UBND huyện Bảo Lâm vẫn chưa thống nhất được quan điểm xử lý đối với diện tích đất tái định canh bị lấn chiếm. Sự việc đã kéo dài hơn 10 năm qua và câu chuyện vẫn đang là “bài toán nóng”...

Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc từ ngày 16-17/5 là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Putin nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 5 vào ngày 7/5 vừa qua, diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang phát triển ổn định, gắn bó.

Để trộm cắp tài sản, nhóm đối tượng có tiền án, tiền sự chuẩn bị nhiều dụng cụ nhằm cắt khóa cửa, bỏ ghế sau của xe ô tô, cho tất cả tài sản trộm cắp được mang về Hà Nội tiêu thụ.

Thông tin từ UBND xã Hòa An, huyện Phú Hòa (Phú Yên) trưa 16/5 cho biết, sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, khoảng 10h15 cùng ngày, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể nạn nhân Lê Đức Cường (SN 1978, trú ở thôn Đồng Thành, xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đà Nẵng, ngoài 3 đối tượng tham gia ẩu đả làm chết người xảy ra tối 7/5 tại đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại Đồng Nai, đến nay có thêm 3 đối tượng khác liên quan đến vụ việc này đã đến Cơ quan Công an đầu thú về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Ngày 16/5, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Hong Jungpyo (SN 1995, quốc tịch Hàn Quốc) về hành vi “Mua dâm người dưới 18 tuổi”; Đỗ Văn Tuấn (SN 1986) và Bùi Đức Thắng (SN 1972, cùng quê Vĩnh Phúc) về hành vi “Môi giới mại dâm”.

Sáng 16/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết, đang tiếp tục điều tra vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” do 3 đối tượng quê Thanh Hóa thực hiện; đồng thời đề nghị những ai từng vay tiền hoặc bị 3 đối tượng này cưỡng đoạt tài sản thì khẩn trương liên hệ với Công an huyện Duy Xuyên để giải quyết.

Liên quan sự cố tai nạn xảy ra tại công trình thi công xây dựng cầu Đà Rằng, thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam bắc qua hạ lưu sông Ba, kết nối huyện Phú Hòa và Tây Hòa (Phú Yên) như Báo CAND đã thông tin, đến 8h30 sáng nay 16/5, các lực lượng cứu hộ vẫn còn đang nỗ lực tìm kiếm dấu tích 2 nạn nhân còn lại.

Qua 10 năm thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (từ năm 2013 đến 2023), công tác phòng, chống tội phạm mua bán người của Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần hạn chế tội phạm mua bán người ở Việt Nam. Và một trong những kết quả đạt được, chính là tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文